Tuần này được coi là tuần lễ thầm lặng nhất tại Vatican vì là tuần tĩnh tâm mùa chay. Tuy không đi xa để tĩnh tâm như nhiều lần trước đây, nhưng ĐTC Phanxicô và các vị lãnh đạo tại Tòa Thánh ngưng các hoạt động để tĩnh tâm riêng.
Những thay đổi trong việc tĩnh tâm
Từ khi lên làm Giáo Hoàng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định thực hiện tuần tĩnh tâm đầu mùa chay của giáo triều Rôma ở trung tâm “Nhà Thầy Chí Thánh” (Casa Divin Maestro), thuộc thị trấn Ariccia, do tu doàn thánh Phaolô đảm trách, cách Rôma khoảng 30 cây số về phía nam. Đây là một khu vực biệt lập, có 12 hécta rừng cây bao quanh, chỉ đón nhận những người đến tĩnh tâm và không đón nhận khách du lịch, theo ý muốn của chân phước Giacomo Alberione.
Nhưng năm 2021 và 2022, ĐTC Phanxicôvà giáo triều tĩnh tâm riêng vì đại dịch. Lần chót các vị tĩnh tâm chung tại Ariccia là từ ngày 1 đến 5/3/2020 và vị giảng tuần tĩnh tâm dịp đó là cha Pietro Bovati, 80 tuổi dòng Tên người Ý, Tổng thư ký Ủy ban Tòa thánh về Kinh Thánh.
Nhiều người cứ nghĩ đại dịch đã chấm dứt, nên tuần tĩnh tâm của Giáo triều sẽ diễn ra tại Ariccia như bình thường, nhưng trong thông cáo công bố hôm 20/1/2023, Phòng báo chí Tòa Thánh nói rằng: “Đức Thánh Cha mời gọi các Hồng Y cư trú ở Rôma, các vị đứng đầu và các Bề trên của giáo triều Rôma, hãy sống riêng thời kỳ tĩnh tâm, ngưng mọi hoạt động lao tác và hồi tâm trong kinh nguyện từ chiều Chúa nhật 26/2 đến chiều thứ Sáu 3/3, tuần lễ đầu tiên của mùa chay. “Trong tuần đó, sẽ ngưng mọi hoạt động của Đức Thánh Cha, kể cả buổi tiếp kiến chung ngày thứ tư 1/3”.
Hồi tâm
Thông cáo không nêu lý do, nhưng dù sao cốt lõi của các cuộc tĩnh tâm này vẫn không thay đổi, đó là tuần trong đó tín hữu hồi tâm, “trở về với lòng mình”.
Như trong bài giảng Thánh lễ chiều thứ Tư Lễ Tro vừa qua (22/2) tại Đền thờ Thánh Sabina, Đức Thánh Cha diễn giải lời Chúa trong sách Ngôn Sứ Gio-en: “Hãy trở về cùng ta với trọn tâm hồn” (Ge 2,12) và nhắc nhở rằng: “Nghi thức bỏ tro dẫn chúng ta vào hành trình này và gửi đến chúng ta 2 lời mời gọi: trở về với sự thật bản thân chúng ta và trở về với Chúa và anh chị em”.
– Trước tiên, trở về với sự thật bản thân chúng ta. Tro nhắc nhở chúng ta về chúng ta là ai và từ đâu mà tới… chúng ta là tro bụi”, và “tuyên xưng rằng chỉ có Thiên Chúa là Chúa, để loại bỏ sự tự phụ cho rằng mình tự đủ cho bản thân và ham muốn đặt mình ở trung tâm… Đây là thời điểm thuận tiện để hoán cải, để thay đổi cái nhìn, trước hết về chính mình: bao nhiêu chia trí và hời hợt làm chúng ta không để ý đến những gì đáng kể, những gì chúng ta thiếu và ham muốn, khiến chúng ta xa lìa trọng tâm của tâm hồn… Mùa chay là mùa sự thật để lột bỏ những mặt nạ chúng ta đeo hằng ngày để làm ra vẻ là hoàn hảo trước mặt thế gian”.
– Tiếp đến là trở về cùng Thiên Chúa và anh chị em. Thực vậy, nếu chúng ta trở về với sự thật liên quan đến chính mình, chúng ta sẽ nhận thức rằng cái tôi của mình không đủ cho bản thân, và chúng ta khám phá thấy mình hiện hữu chỉ nhờ những tương quan: tương quan nguyên thủy với Chúa và những tương quan sống còn với tha nhân. Vì thế, tro bỏ trên đầu chúng ta hôm nay nói với chúng ta rằng mọi thái độ tự phụ, tự mãn đều là giả dối, và sự tôn thờ cái tôi thật là tai hại, nó khép kín chúng ta trong cái lồng cô đơn”.
Khổ chế
Trong 3 điều các tín hữu được đặc biệt mời gọi thực hiện trong mùa chay là “cầu nguyện, ăn chay và làm phúc”.
Trong bối cảnh toàn Giáo Hội đang ở trong tiến trình chuẩn bị Thượng HĐGM thế giới về hiệp hành, nhóm vào tháng 10 năm nay, Sứ điệp mùa chay năm nay của Đức Thánh Cha, công bố hôm 17/2 vừa qua, có chủ đề là “Khổ chế Mùa Chay, lộ trình hiệp hành”, trong đó ngài diễn giải biến cố Chúa Giêsu dẫn 3 môn đệ lên núi Tabor và hiển dung sáng láng trước mặt họ, như vẫn được đọc trong bài Tin Mừng thứ hai Mùa Chay. Đức Thánh Cha viết: “Khổ chế Mùa Chay là một quyết tâm, luôn được ơn thánh linh hoạt, để vượt thắng những thiếu sót đức tin của chúng ta và những kháng cự không theo Chúa Giêsu trên hành trình khổ giá… Để đào sâu sự hiểu biết của chúng ta về Thầy Chí Thánh, để hiểu và đón nhận đến cùng mầu nhiệm cứu độ của Chúa, được thực hiện trong sự hiến thân trọn vẹn vì yêu thương, cần phải để cho mình được Chúa dẫn riêng lên cao, tách rời khỏi những gì là tầm thường và phù vân. Cần lên đường, đây là hành trình lên dốc, đòi cố gắng, hy sinh và tập trung, giống như một cuộc leo núi. Những đòi hỏi này cũng quan trọng cho hành trình công nghị hiệp hành, trong tư cách là Giáo Hội, chúng ta đã quyết tâm thực hiện”.
“Hành trình khổ chế Mùa Chay và hành trình hiệp hành, cả hai đều có mục đích là sự hiển dung bản thân và Giáo Hội…”. Một cách cụ thể, trong hành trình Mùa Chay này, Đức Thánh Cha đề nghị 2 đường hướng để theo Chúa Giêsu:
– Trước hết là lời Chúa Cha dạy các môn đệ trên núi Tabor trong khi họ chiêm ngắm Chúa Giêsu hiển dung. Tiếng nói từ đám mây nói rằng: “Các con hãy nghe lời Người” (Mt 17,5) … Mùa Chay là thời điểm hồng phúc nếu chúng ta đặt mình lắng nghe Chúa nói với chúng ta. Chúa nói trước hết trong Lời Chúa mà Giáo Hội trao cho chúng ta trong Phụng Vụ: chúng ta đừng để Lời Chúa rơi vào khoảng không; nếu chúng ta không thể luôn tham dự Thánh Lễ, chúng ta hãy đọc các bài đọc Kinh Thánh ngày qua ngày, kể cả qua Internet. Ngoài Kinh Thánh, Chúa còn nói với chúng ta qua những anh chị em, nhất là nơi những khuôn mặt và những chuyện đời của những ngừơi đang cần được giúp đỡ. Nhưng tôi muốn thêm một khía cạnh khác, rất quan trọng trong tiến trình công nghị hiệp hành: sự lắng nghe Chúa Kitô cũng diễn ra qua việc lắng nghe anh chị em trong Giáo Hội, lắng nghe nhau trong một số giai đoạn là mục tiêu chính và luôn luôn thiết yếu trong phương pháp và đường lối của một Giáo Hội đồng hành”.
– Đường hướng thứ hai cho Mùa Chay này là: không trốn chạy trong một thứ đạo đức gồm những biến cố ngoại thường, những kinh nghiệm chủ quan, sợ đương đầu với thực tại cùng những cơ cực hằng ngày, những cam go và đối nghịch. Ánh sáng mà Chúa Giêsu tỏ cho các môn đệ báo trước vinh quang phục sinh chúng ta cần tiến tới nhờ sự bước theo một mình Chúa”.
ĐTC Phanxicô nhắc nhở rằng “Mùa chay không phải là một mục tiêu tự nó, nhưng nó chuẩn bị chúng ta sống trong niềm tin, cậy, mến cuộc khổ nạn và thập giá tiến đến sự phục sinh. Cả hành trình công nghị đồng hành không được tạo cho chúng ta ảo tưởng thành đạt, khi Chúa ban cho chúng ta ơn được một số kinh nghiệm hiệp thông mạnh mẽ. Cũng trong những trường hợp ấy, Chúa lập lại với chúng ta như với các môn đệ trên núi Tabor: “Hãy trỗi dậy và đừng sợ hãi”. Chúng ta xuống đồng bằng và ơn thánh được cảm nghiệm sẽ nâng đỡ chúng ta trong sứ vụ làm người xây dựng tinh thần đồng hành trong đời sống thường nhật của các cộng đoàn”.
Giuse Trần Đức Anh, O.P.
Nguồn: Đài Vatican News