Trưa Chúa Nhật ngày 28/7, ĐTC Phanxicô đã chủ sự buổi đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô. Trước khi đọc kinh, ĐTC Phanxicô đã có bài huấn dụ ngắn dựa trên đoạn Tin Mừng Chúa Nhật XVII thường niên.
Bài huấn dụ của ĐTC Phanxicô trước khi đọc Kinh Truyền Tin
Anh chị em thân mến, chúc Chúa nhật tốt lành!
Tin Mừng Phụng vụ hôm nay nói với chúng ta về phép lạ hoá bánh và cá ra nhiều (x. Ga 6,1-15). Một phép lạ, nghĩa là một “dấu chỉ”, mà các nhân vật chính đã thực hiện ba cử chỉ mà Chúa Giêsu sẽ lặp lại trong Bữa Tiệc Ly. Đó là những cử chỉ nào: trao dâng, tạ ơn và chia sẻ.
Thứ nhất: trao dâng. Tin Mừng nói về một cậu bé có năm chiếc bánh và hai con cá (xem Ga 6:9). Đây là cử chỉ nơi đó chúng ta nhận ra rằng chúng ta có điều gì đó tốt đẹp để cho đi, và chúng ta sẵn sàng cho, ngay cả khi những gì chúng ta có quá ít so với nhu cầu của chúng ta. Điều này, trong Thánh Lễ, được nhấn mạnh khi linh mục dâng bánh và rượu trên bàn thờ, và mỗi người dâng chính mình, cuộc sống của mình. Đó là một cử chỉ có vẻ nhỏ bé, nếu chúng ta nghĩ đến những nhu cầu to lớn của nhân loại, giống như năm chiếc bánh và hai con cá trước đám đông hàng ngàn người; nhưng Thiên Chúa biến lễ vật đó thành phép lạ vĩ đại nhất, nơi đó chính Người hiện diện giữa chúng ta để cứu độ thế giới.
Và như vậy chúng ta hiểu cử chỉ thứ hai: tạ ơn (xem Ga 6,11). Nghĩa là thưa với Chúa một cách khiêm nhường và cũng với niềm vui: “Mọi sự con có đều là ân ban của Chúa, và để tạ ơn Chúa, con chỉ có thể trả lại cho Chúa những gì Chúa đã ban cho con trước, cùng với Chúa Giêsu, và thêm với những gì con có thể. Mỗi người đều có thể thêm vào bất cứ điều nhỏ bé nào đó. Tôi có thể dâng gì cho Chúa? Tình yêu hèn mọn”. Dâng và thưa với Chúa: “Lạy Chúa, con yêu mến Chúa, nhưng con nghèo hèn, tình yêu của con nhỏ bé, nhưng con dâng cho Chúa. Xin Chúa đón nhận”.
Trao dâng, tạ ơn và thứ ba là chia sẻ. Trong Thánh Lễ, đó là Hiệp Lễ, khi chúng ta cùng nhau tiến đến bàn thờ để lãnh nhận Mình và Máu Chúa Kitô: là kết quả những lễ dâng của mọi người, được Chúa biến đổi thành lương thực cho tất cả mọi người. Đó là một khoảnh khắc đẹp, khi rước lễ, dạy chúng ta sống mọi cử chỉ yêu thương như một món quà của ân sủng, cho cả người cho lẫn người nhận.
Anh chị em thân mến, chúng ta có thể tự hỏi: nhờ ân sủng của Thiên Chúa, tôi có thực sự tin rằng tôi có một điều gì đó độc đáo để trao tặng cho anh chị em của mình hay tôi vô danh cảm thấy mình là “một trong đám đông vô số người”? Tôi có phải là nhân vật chính của một món quà để trao tặng không? Tôi có biết ơn Chúa vì những hồng ân mà Người liên tục diễn tả về tình yêu của Người không? Tôi có thực hành việc chia sẻ với người khác như một khoảnh khắc gặp gỡ và làm phong phú lẫn nhau không?
Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta sống mọi cử hành Thánh Thể với đức tin, cũng như nhận ra và hưởng nếm những “phép lạ” của ân sủng Thiên Chúa mỗi ngày.
—
Sau Kinh Truyền Tin, ĐTC Phanxicô nhắc rằng: Hôm nay chúng ta mừng Ngày Thế giới Ông bà và Người Cao tuổi với chủ đề “Xin đừng bỏ rơi con khi tuổi già xế bóng” (xem Tv 71,9). Thật vậy, việc bỏ rơi người già là một thực tế đáng buồn mà chúng ta không được trở nên quen thuộc. Đối với nhiều người già, đặc biệt là trong những ngày hè này, sự cô đơn có nguy cơ trở thành một gánh trĩu nặng khó mang nổi. Ngày này mời gọi chúng ta lắng nghe tiếng nói của những người lớn tuổi: “Xin đừng bỏ rơi tôi!” và trả lời họ: “Con sẽ không bỏ rơi ông/bà!”. Chúng ta hãy củng cố liên minh giữa cháu chắc và ông bà, giữa người trẻ và người già. Hãy nói “không” với nỗi cô đơn của người già! Tương lai của chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào cách ông bà và các cháu học cách chung sống với nhau. Chúng ta đừng quên người già!
ĐTC Phanxicô đã mời mọi người vỗ một tràng pháo tay gửi đến tất cả các ông bà và người cao tuổi!
ĐTC Phanxicô cũng không quên đề cập đến các cuộc chiến đang gây đau khổ cho nhiều người, trong đó có nhiều trẻ em. Ngài kêu gọi cộng đồng quốc tế đừng dung túng cho loại scandal này. Ngài nhấn mạnh: Chiến tranh luôn là một thất bại.
Cuối cùng, ĐTC Phanxicô chúc mọi người một Chúa nhật tốt lành, và xin đừng quên cầu nguyện cho ngài.
Nguồn: Đài Vatican News