Hoạt động ngoại giao của Tòa Thánh dựa trên cơ sở ràng buộc gắn bó giữa Giáo hội và nhân loại. Đồng thời, các giá trị mà Giáo hội bảo vệ và theo đuổi luôn hiện diện trong các quan hệ của Tòa Thánh với các quốc gia.
Đức Tổng Giám mục Paul Gallagher, Ngoại trưởng Tòa Thánh, đã phát biểu tại Đại học Đức Mẹ Hồn Xác lên trời ở Roma (Lumsa), trong buổi giới thiệu tập sách “100 năm với tinh thần chân lý và tin cậy. Quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh và Latvia”, của cha Mikhail Volohov và giáo sư Inese Runce, nội dung trình bày về ngoại giao của Tòa Thánh và Latvia trong những năm 1918–1958.
Trước sự hiện diện của các quan chức Latvia, sau khi nhắc lại những khoảnh khắc nổi bật quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh và Latvia trong 100 năm qua, Ngoại trưởng Tòa Thánh nhấn mạnh: “Điều mang lại bản chất và sự khả tín cho hành động ngoại giao của Tòa Thánh là sự kết nối với lợi ích của Giáo hội với gia đình nhân loại. Thực tế, mục tiêu của Giáo hội là theo đuổi các giá trị nền tảng của con người và cộng đồng nhân loại trong tất cả chiều kích của nó: từ giá trị của cuộc sống và nhân phẩm đến tính duy nhất và không thể thay thế của gia đình, công bằng xã hội, hòa bình và tự do tôn giáo”.
Ngoại trưởng Tòa Thánh giải thích: “Nếu Giáo hội thừa nhận sự đa dạng hợp pháp của thế giới trần thế, thì Giáo hội phải giữ những khoảng cách với chủ nghĩa đa phương được hiểu như thuyết tương đối về luân lý”. Và ngài nói tiếp: “Ngày nay, thật không may, có một ý kiến sai lầm đang phổ biến: luật quyết định đạo đức, chứ không phải đạo đức có tính ưu việt. Trong nghĩa này các Kitô hữu được kêu gọi để đảm bảo rằng luật có nguồn gốc từ tính khách quan của tự nhiên, hơn là tính chủ quan ý chí của nhà lập pháp, hoặc tệ hơn là văn hóa thống trị. Đó là lý do tại sao Tòa Thánh qua hoạt động ngoại giao, sẽ không bao giờ ngừng ủng hộ tiếng nói của các Giáo hội địa phương để bảo vệ cái nhìn Kitô giáo về con người, điều qua nhiều thế kỷ đã chỉ ra rằng nó năng động và thực tế hơn những tầm nhìn của các ý thức hệ khác”.
Tiếp tục nói về chủ đề đạo đức, Đức Tổng Giám mục nhận xét rằng, nếu không có một tầm nhìn đạo đức và một tham chiếu đến siêu việt, trong thực tế chúng ta sẽ không thể xây dựng và tái xây dựng nền văn minh nhân loại. Chính khả năng vẫn còn duy trì được chiều kích siêu việt này, với sức mạnh của một văn hóa được thấm nhuần đức tin Kitô, đã cho phép Latvia tái sinh và tìm lại được tự do đã bị mất sau nhiều thập kỷ dưới sự thống trị của Liên Xô.
Ngọc Yến
Nguồn: Đài Vatican News