Đức Thượng Phụ Tawadros, Giáo chủ Chính thống Copte Ai Cập đến Roma, để cùng với Đức Thánh Cha cử hành 50 năm (10/5/1973) cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Thánh Giáo hoàng Phaolô VI và Đức Thượng Phụ Shenouda III.
Trong những ngày ở Roma, Đức Thượng Phụ Tawadros tham dự buổi tiếp kiến chung vào thứ Tư ngày 10/5. Ngày hôm sau, thứ Năm, Đức Thượng Phụ sẽ gặp riêng và cầu nguyện chung với Đức Thánh Cha, và sau đó đến thăm Bộ Cổ võ Hiệp nhất các Kitô hữu.
Giáo chủ Chính thống Copte Ai Cập cũng sẽ gặp gỡ các tín hữu của cộng đoàn Copte ở Roma, và cử hành Phụng vụ Thánh Thể cho họ vào Chúa nhật ngày 14/5 tại Đền thờ Latêranô.
Về cuộc viếng thăm quan trọng này, trong một cuộc phỏng vấn với Vatican News vào tháng 4, cha Hyacinthe Destivelle, thành viên Bộ Cổ võ Hiệp nhất các Kitô hữu mô tả, đây là “một cột mốc quan trọng” của hành trình đại kết. Cha nhắc lại Thỏa thuận Kitô học được ký kết bởi Đức Giáo Hoàng Phaolô VI và Đức Thượng Phụ Shenouda vào ngày 10/5/1973, “là khuôn mẫu cho các thỏa thuận tương tự với các Giáo hội Chính thống Đông phương khác, vốn công nhận ba Công đồng đầu tiên”. Ngoài ra, chuyến viếng thăm này còn có một điểm mốc quan trọng khác: 10 năm cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Thượng Phụ Tawadros.
Trọng tâm của buổi cầu nguyện vào ngày 11/5 sẽ là chủ đề đại kết bằng máu, để tưởng nhớ nhiều vị tử đạo thuộc các hệ phái Kitô. Cha Destivelle khẳng định: “Đối với Đức Thánh Cha Phanxicô, máu của các vị tử đạo là hạt giống của sự hiệp nhất. Các vị tử đạo đang ở trên thiên đàng, không bị giết vì là người Công Giáo, Chính Thống Giáo hay Tin Lành nhưng vì họ là Kitô hữu. Vì thế, các vị tử đạo đã liên kết với nhau trong vinh quang của Thiên Chúa, đã chịu đau khổ vì danh Chúa Kitô. Máu các vị tử đạo lên tiếng mạnh mẽ hơn sự chia rẽ của chúng ta”.
Theo tweet của Phủ Quốc vụ khanh, Giáo hội Chính thống Copte là một trong những thực tế quan trọng trong bức tranh toàn cảnh về giáo hội ở Trung Đông, nơi mà trong thời gian gần đây, các cộng đồng Kitô giáo đã phải đối diện với những tình huống hết sức khó khăn.
Ngọc Yến
Nguồn: Đài Vatican