Một số cơ quan của Liên Hợp Quốc công bố một báo cáo dự báo đại dịch Covid-19 có thể đẩy 130 triệu người rơi vào tình trạng đói kinh niên vào cuối năm nay.
Trong một tuyên bố, tổ chức UNICEF – Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp quốc – nói rằng “khi tiến bộ trong việc chống đói bị dừng lại, đại dịch COVID-19 đang làm gia tăng các lỗ hổng và bất cập của hệ thống thực phẩm toàn cầu.”
Đại dịch virus corona đang tàn phá sức khỏe và chế độ ăn uống của hàng triệu người trên thế giới. Phong tỏa nghiêm ngặt đã làm đảo lộn tất cả các cấp độ của dây chuyền thực phẩm, từ sản xuất và phân phối đến mua sắm và tiêu thụ thực phẩm.
132 triệu người có thể bị đói vào cuối năm 2020
Theo Liên Hiệp quốc, “mặc dù còn quá sớm để đánh giá tác động đầy đủ của việc phong tỏa và các biện pháp ngăn chặn khác, ít nhất 83 triệu người khác, và có thể lên tới 132 triệu người, có thể bị đói vào cuối năm 2020.”
Báo cáo cho biết: “Sự gián đoạn cung cấp thực phẩm và thiếu thu nhập do mất sinh kế và kiều hối do Covid-19 có nghĩa là các hộ gia đình trên toàn cầu đang gặp thêm khó khăn trong việc tiếp cận thực phẩm bổ dưỡng và chỉ làm cho những người nghèo và dễ bị tổn thương khó có thể tiếp cận với chế độ ăn uống lành mạnh.”
Báo cáo của Liên Hợp Quốc cho thấy rõ rằng đại dịch virus corona chỉ làm trầm trọng thêm một xu hướng kéo dài, trong đó số người đói đang tăng chậm kể từ năm 2014. Ước tính đến năm 2019, 8,9% dân số thế giới đã bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng, gần 690 triệu người. Theo báo cáo này, xu hướng này vẫn tiếp tục, số người thiếu dinh dưỡng sẽ vượt quá con số 840 triệu vào năm 2030.
Để giảm đói đòi hỏi phải giảm nghèo
Đức ông Fernando Chica Arellano, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Tổ chức Lương Nông của Liên Hiệp Quốc, nhấn mạnh rằng đại dịch coronavirus đã làm trầm trọng thêm các vấn đề đã tồn tại liên quan đến an ninh lương thực và suy dinh dưỡng. Để giảm đói đòi hỏi phải giảm nghèo, cần có hòa bình, hợp tác và liên đới.
Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, châu Á có số lượng người thiếu dinh dưỡng cao nhất, tiếp theo là châu Phi, châu Mỹ Latinh và vùng Caribbean.
Nỗ lực của Giáo hội Công giáo
Giáo hội Công giáo, ở mức độ toàn cầu, cũng như thông qua các tổ chức bác ái tại các Giáo hội địa phương, đã nỗ lực đóng góp, cứu trợ cho những vùng gặp khó khăn nhất. Đức Thánh Cha Phanxicô đã đóng góp cho Chương trình Lương thực thế giới như lời kêu gọi mọi người cộng tác vào hoạt động của các tổ chức xã hội. Quỹ khẩn cấp đại dịch Covid-19 do Đức Thánh Cha Phanxicô thành lập cũng đặc biệt đáp ứng lời kêu gọi giúp đỡ từ các nước Á và Phi châu.
Hồng Thủy
Nguồn: Đài Vatican News