Một giáo xứ “xanh” của Giáo hội Malaysia theo tinh thần Thông điệp Laudato si’

18/01/2021

Đáp lại lời mời gọi của ĐTC Phanxicô trong Thông điệp Laudato sì và theo hướng dẫn của Bộ Phục vụ và Phát triển con người toàn diện, giáo xứ Lòng Thương Xót Chúa ở Sungai Ara, Penang, cam kết trở thành khu vực xanh nhất ở Malaysia.

Giáo hội hoàn vũ đang ở trong Năm đặc biệt Laudato si’ về bảo vệ và chăm sóc trái đất, ngôi nhà chung của chúng ta, do ĐTC Phanxicô công bố được cử hành trên toàn thế giới từ ngày 24/5/2020 đến ngày 24/5/2021.

Năm Kỷ niệm đặc biệt Laudato sì là một sáng kiến của Bộ Phục vụ và Phát triển con người toàn diện, bao gồm một loạt các sự kiện, bắt đầu bằng một ngày cầu nguyện toàn cầu và kết thúc bằng việc khởi động các kế hoạch hành động bền vững trong nhiều năm. Mục đích của các sự kiện này là đáp lại cách cụ thể tiếng kêu của trái đất và người nghèo, để thúc đẩy kinh tế và nhận thức sinh thái, và áp dụng lối sống đơn giản hơn.

Khi đại dịch Covid-19 đang chứng minh tính chất liên kết của tất cả mọi thứ trên thế giới, năm suy tư này nhấn mạnh sự chú trọng của ĐTC Phanxicô vào mối liên hệ mật thiết giữa việc bảo vệ thiên nhiên và đời sống con người, vốn là những chủ đề trọng tâm trong Thông điệp Laudato si’.

Đáp lại lời mời gọi của ĐTC Phanxicô và theo hướng dẫn của Bộ Phục vụ Phát triển con người toàn diện, giáo xứ Lòng Thương Xót Chúa ở Sungai Ara, Penang, dấn thân trở thành khu vực xanh nhất ở Malaysia.

Giáo xứ tiếp tục cử hành kỷ niệm năm thứ năm thông điệp Laudato si’ của ĐTC Phanxicô và thực hiện điều này với niềm tự hào đặc biệt. Bởi vì, hai năm trước khi công bố Thông điệp năm 2015, tất cả giáo dân của giáo xứ đã bắt đầu quan tâm chú ý đến việc chăm sóc mọi thụ tạo của Chúa.

Ý tưởng cho tương lai của giáo xứ

Mặc dù không phải là một tu sĩ dòng Phanxicô, nhưng cha Martin Andrews Arlando, cha xứ của giáo xứ Lòng Thương Xót Chúa, đã diễn giải tinh thần của Thánh Phanxicô ở một đất nước có đa số là người Hồi giáo và đã biến giáo xứ trở thành một khung cảnh Chúa giáng sinh “xanh”. “Giá như chúng tôi có nhiều đất hơn”, cha Arlando ước mong. Bảy năm trước, cha Arlando trở thành mục tử đầu tiên của giáo xứ, kể từ khi giáo xứ được tách ra từ nhà thờ chính tòa Chúa Thánh Thần.

Bà Magdalene Chiang Khai Lin, người đứng đầu nhóm “Những người bạn của thụ tạo”, đã giúp đỡ và hỗ trợ cha Arlando. Bà cho biết cha xứ có cả ngàn ý tưởng cho tương lai “xanh” của giáo xứ. Trong nhóm làm việc với cha Martin và bà Magdalene không chỉ có những người trẻ, mà còn có nhiều người thuộc mọi lứa tuổi.

Công lý, phát triển, hòa bình, nhân quyền

Laudato si’ của ĐTC Phanxicô vượt xa khái niệm về một thông điệp dành riêng liên quan đến môi trường: nó liên quan đến một khía cạnh của học thuyết xã hội của Giáo hội bao gồm công lý, phát triển, hòa bình và nhân quyền.

Huấn luyện là yêu cầu trước tiên của bà Magdalene: cần phải học cách áp dụng các khái niệm về tính bền vững, sử dụng tài nguyên, loại bỏ lãng phí và tôn trọng thiên nhiên. Cả cha Arlando và bà Magdalene đều nhấn mạnh, cam kết của họ là phản ánh, suy tư về tình yêu Thiên Chúa, về trách nhiệm xã hội và về ý tưởng cải thiện một thế giới đánh dấu bởi nghèo đói. Cha Arlando và bà Magdalene muốn làm cho giáo xứ Lòng Thương Xót Chúa trở thành ngọn hải đăng hy vọng cho mọi người ở xung quanh khu vực khiêm tốn của giáo xứ có thể nhìn thấy rõ ràng: nếu người ta có thể làm cho nó dễ chịu về mặt thẩm mỹ, nó cũng có thể trở thành một điểm gặp gỡ chào đón cho mọi người.

Và như thế, điều này đã được thực hiện tại giáo xứ của cha Arlando. Trong bảy năm khu vực đã hoàn toàn được biến đổi. Bà Magdalene cho biết, đa số giáo dân sống trong các chung cư gần đó, việc dành thời gian cho cây xanh là điều không dễ. Vì vậy, cha xứ khuyến khích họ sử dụng thức ăn thừa làm phân bón cho cây được trồng trong khu vực giáo xứ.

Sử dụng những gì đã có

Ở đây không có nhiều đất, nhưng nhờ sự nhiệt tình trong các hoạt động của các giáo dân, mọi người đã đưa vào thực hiện các phương pháp thủy lợi khai thác lượng lớn nước mưa lớn ở Đông Nam Á. Không phải là một kỹ sư, nhưng cha Arlando đã có thể thực hiện xây dựng một hệ thống tưới tiêu dẫn nước qua một loạt các ống dẫn nước nhỏ. Ở đây, mỗi vụ mùa đều cần nước nhiều hay ít và lượng nước do giáo dân tự thiết lập từng ngày, tùy theo mùa và vụ. Điểm cuối cùng của dòng nước mưa này là trong nhà bếp. Rồi từ nhà bếp, rau thải, sau thời gian trở thành phân huỷ lại tiếp tục nuôi dưỡng các cây khác.

Chất thải và tài nguyên được cân bằng

Cha Arlando và “Những người bạn của thụ tạo” cố gắng làm cho mọi người hiểu rằng, khi họ vứt bỏ chất thải là họ đã vứt bỏ nhiều tài nguyên, bởi vì chất thải có thể được tái sử dụng để cải thiện cho chính cuộc sống của họ.

Cho tới nay, giáo xứ đã thành công tạo ra “nền kinh tế vòng tròn”, biến chất thải thành năng lượng và thành những đồ vật nhỏ như đồ chơi và áo mặc, do trẻ em trong khu phố thực hiện. Chừng nào người ta còn tạo ra chất thải thì vấn đề làm sao loại bỏ nó vẫn còn, nhưng trong giáo xứ Lòng Thương xót Chúa chất thải đã trở thành một nguồn tài nguyên.

Hoạt động tôn giáo

Ngoài những hoạt động này, giáo xứ – ở một đất nước có số Kitô hữu chỉ là thiểu số – là một cộng đoàn Kitô hữu có những hoạt động đem lại hiệu quả về mọi mặt. Và điều này thể hiện ở nhiều khía cạnh: Thánh lễ, cầu nguyện, đơn giản là ở bên nhau. Do đó, dự án bền vững không chỉ mang tính từ thiện và hỗ trợ xã hội. Trên thực tế, đó là một hành động tôn giáo, một cử chỉ tinh thần, giống như một hạt cơm là một dấu hiệu thánh thiêng-theo tục ngữ phương Đông có câu “Trong một hạt gạo có trọng lượng của vũ trụ”. Mọi thứ đều được tôn trọng, dù cho đó là một lá xà lách.

Học cùng thiếu nhi

Một hoạt động trọng tâm khác của giáo xứ là làm cho các em thiếu nhi ý thức về tầm quan trọng của việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta, dạy các em cách làm, cách tìm ra giải pháp và giải quyết vấn đề. Cha Arlando chia sẻ rằng, khi dạy các em, cha và nhóm “Những người bạn của thụ tạo” cũng học được nhiều điều. Đời sống cộng đồng dựa trên những trò chơi và việc dạy dỗ. Cha dạy các em biết bảo vệ thiên nhiên, và biết tự vệ trước những người đang phá hủy thiên nhiên. Trong chương trình giảng dạy của cha cũng có phần thưởng để khích lệ các em. Thường sau khi hoàn thành một việc nào đó, các em sẽ nhận một ly sôcôla nóng và một bảng ghi nhận việc làm. Các em được nhắc nhở không bỏ thức ăn thừa và thùng rác của gia đình phải sạch sẽ. Bên cạnh đó, các em còn được khuyến khích ghi hình lại những việc làm bảo vệ môi trường nơi gia đình.

Các cử hành Laudato sì

Liên quan đến việc cử hành Tuần lễ Laudato si’ tại giáo xứ, cha Arlando cho biết, do tình hình khẩn cấp của Covid ngày càng trở nên tồi tệ, với quyết định của chính quyền Malaysia ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và đình chỉ Quốc hội cho đến ngày 1 tháng 8 để chống lại làn sóng virus corona mới, cha đã không thể tiếp cận tất cả giáo dân trong Tuần lễ Laudato si’, được cử hành từ ngày 16 đến ngày 24 tháng 5 năm ngoái. Vì vậy, trong tháng Laudato si’, cha đã quyết định cử hành Thánh lễ mỗi ngày bằng cách phát trực tiếp và sau đó một số video về biến đổi khí hậu và việc bảo vệ thiên nhiên đã được chia sẻ cho mọi người.

Cuối tháng, cha đã cử hành Thánh lễ tại khu vườn nhỏ của giáo xứ. Tuy nhiên, cha nói: “Chúng tôi đã thực hiện điều này từ lâu và tôi tin rằng chúng tôi sẽ cử hành Laudato si’ mỗi sáng, mỗi ngày theo tinh thần của Năm đặc biệt theo ý muốn của ĐTC Phanxicô. Nghĩa là cho đến ngày 24/5/2021.”

Với những nỗ lực trên, giáo xứ Lòng Thương Xót Chúa ở Malaysia trở thành một ví dụ điển hình cho các giáo xứ, các cộng đoàn Giáo hội. Thực tế, theo Bộ Phục vụ Phát triển con người toàn diện, tình hình cấp bách về môi trường đòi hỏi những phản ứng tức thời, tổng thể và thống nhất ở tất cả các cấp địa phương, khu vực, quốc gia và quốc tế. Đặc biệt, cần tạo ra “phong trào quần chúng” từ dưới, và liên minh giữa tất cả những người có thiện chí. Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc nhở chúng ta, “tất cả chúng ta đều có thể cộng tác như những khí cụ của Thiên Chúa để chăm sóc công trình sáng tạo, mỗi người theo văn hóa, kinh nghiệm, sáng kiến và khả năng của riêng mình” (LS,14).

Giáo xứ Lòng Thương Xót Chúa đã thực hiện được lời mời gọi khẩn thiết của Đức Thánh Cha “bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta”. Và để thực hiện được điều này, cả gia đình nhân loại phải kết hợp với nhau, tìm cách phát triển lâu dài và trọn vẹn. Cha Martin Andrews Arlando, bà Magdalene tất cả giáo dân của một cộng đoàn giáo xứ nhỏ, nhưng đã một phần nào thực hiện đúng tinh thần của Laudato si’.

Trong khi tham gia vào sáng kiến bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta, cha Arlando và cộng đoàn giáo xứ tin rằng “Đấng Sáng Tạo không bỏ rơi chúng ta, không bao giờ Người rút lại chương trình tình yêu của Người, Người cũng không hối hận khi sáng tạo nên chúng ta. Nhân loại có khả năng cộng tác với nhau để xây dựng ngôi nhà chung của chúng ta”. (LS, 13).

Ngọc Yến

Nguồn: Đài Vatican News