Mượn đấu Chúa mà đong

22/06/2020

“Điều cốt lõi không thể thấy bằng mắt nhưng phải thấy bằng tim”.

Kính thưa Anh Chị em,

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay một lần nữa cho thấy câu nói trên của St. Exupéry là đúng khi Israel chỉ mải thấy bằng mắt nên bỏ Chúa chạy theo thần ngoại và con người cũng mải thấy bằng mắt nên dễ sa sẩy khi xét đoán anh em, điều Chúa Giêsu cảnh báo trong Tin Mừng.

Sách Các Vua kể lại một giai đoạn lịch sử của Israel, một giai đoạn thả mồi bắt bóng khi dân Chúa vẫn không nhìn thấy việc bị đày qua Assyria là điều tủi nhục cho một dân tộc; thay vào đó, họ hí hởn chạy theo các thần ngoại và tập tục của lương dân từ các vua. Dân Chúa đã nhìn lề luật một cách quá hời hợt, coi thường lễ nghĩa của cha ông; vì thế, họ đã bỏ ngoài tai bao lời mời gọi trở về của các ngôn sứ và rồi, quay lưng lại với Thiên Chúa, Đấng cứu thoát họ.

Cũng thế, Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay cảnh báo việc các môn đệ nhìn người khác một cách nông cạn vốn có thể dẫn đến việc xét đoán người anh em một cách thiếu công bình. Ngài không cần vận dụng chữ nghĩa, đòi hỏi suy tư như triết gia người Pháp kia; nhưng ngược lại, để ai ai cũng có thể hiểu, Ngài nói một cách trần trụi, dân giả, “Các con đừng đoán xét để khỏi bị đoán xét. Các con đoán xét thể nào, sẽ bị đoán xét thể ấy”; “Sao ngươi thấy cái rác trong mắt anh em mà cái xà trong mắt mình thì lại không thấy?”.

Tiếp đến, Ngài dạy các môn đệ một nguyên tắc căn bản trong xét đoán, “Các con dùng đấu nào mà đong, thì cũng sẽ đong lại cho các con bằng đấu ấy”. Bằng cách đó, xem ra Ngài mời gọi họ hãy dùng đấu của Ngài mà đong; nhìn người anh em bằng tim như Ngài nhìn.

Lần dỡ các trang Tin Mừng, biết bao lần chúng ta đọc thấy Chúa Giêsu nhìn người khác không chỉ bằng mắt nhưng bằng tim. Với biệt phái Nathanael, lẽ ra Ngài nhìn ông như nhìn một người đến rình rập gài bẫy mình; vậy mà không, Ngài nhìn ông bằng trái tim yêu thương, nói với ông một chân lý tuyệt vời, “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”; ông đã tin và trở thành môn đệ Barthôlômêô. Với người phụ nữ ngoại tình bị bắt quả tang, cũng thế, Ngài nhìn chị bằng tim để nói với chị những lời xót thương, “Tôi cũng không kết tội chị, chị hãy về đi và từ nay đừng phạm tội nữa”. Với Giakêu thu thuế đang vắt vẻo trên chạc cây bên đường, Ngài nhìn ông bằng tim để xin ông tá túc hôm ấy, “Giakêu, hãy xuống mau vì hôm nay, tôi phải ở lại nhà ông”, Giakêu đã xưng tội và làm việc đền tội công khai giữa tiệc mừng. Với Matthêu quan thuế, Ngài không nhìn ông như nhìn một người hôi mùi tiền, Ngài nhìn ông bằng tim để đưa ra một hiệu triệu đầy trắc ẩn, “Hãy theo tôi” và trong nhóm mười hai có tác giả Tin Mừng thứ nhất. Với anh trộm lành, Ngài kịp nhìn anh bằng tim với câu nói yêu thương, “Hôm nay, anh sẽ ở với tôi trên thiên đàng”; nhờ đó, anh kịp lẻn vào cửa trời mà chôm luôn cả thiên đàng.

Ngày kia, khi vừa được chọn làm Giáo Hoàng, một phóng viên hỏi Đức Phanxicô, “Thưa ngài, Jorge Mario Bergoglio là ai?”. Ngài trả lời không chút suy nghĩ, “Jorge Mario Bergoglio là một tội nhân” để rồi trong hầu hết các diễn văn hay bài giảng, ngài luôn xin cầu nguyện cho ngài.

Anh Chị em,

Cúi xuống lòng mình và cũng bằng trái tim, nhìn thật kỹ tâm hồn, có lẽ ai trong chúng ta cũng sẽ như người thu thuế ngật ngưỡng cuối đền thờ, “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội” mà đến như một vị thánh thì đó cũng là sự thật, không phải chỉ là những lời chót lưỡi đầu môi.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, mỗi ngày mở mắt, con mở toà. Thôi từ nay, xin cho con biết mượn đấu Chúa mà đong, lấy tim Chúa mà nhìn mỗi khi phải xét đoán anh chị em con”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)