Nền Kinh tế Phanxicô: Người trẻ là nhân vật chính của sự thay đổi

08/09/2022

Vào ngày 22 đến 24/9 tới đây, tại Assisi, sẽ diễn ra sự kiện “Nền Kinh tế Phanxicô – ĐTC Phanxicô với người trẻ đến từ các nơi trên thế giới vì một nền kinh tế tương lai”.

Một phong trào toàn cầu

Sự kiện được chờ đợi từ lâu là kết quả của hơn ba năm nghiên cứu và các cuộc họp trực tuyến. ĐTC Phanxicô đã đưa sáng kiến này vào năm 2019, kêu gọi người trẻ gặp gỡ, thảo luận, suy nghĩ và chia sẻ các ý tưởng về một nền kinh tế thế giới tốt hơn, đặt con người là trung tâm, một loại hình kinh tế quan tâm hơn đến những thành phần yếu nhất của xã hội và không chỉ tập trung vào của cải vật chất. ĐTC Phanxicô sẽ tham gia các sự kiện vào thứ Bảy, ngày 24/9.

“Nền kinh tế Phanxicô” đã trở thành một phong trào toàn cầu của những người trẻ thuộc mọi tầng lớp và chuyên môn khác nhau, nhằm thay đổi các mô hình kinh tế hiện tại và xây dựng một tương lai hòa nhập và công bằng hơn.

Thành phần tham dự viên

Có khoảng 1000 tham dự viên đến từ 6 lục địa. 3% đến từ Bắc Mỹ và châu Đại Dương, 8% từ châu Á, 10% từ châu Phi, 31% từ châu Mỹ Latinh, và phần còn lại từ các nước châu Âu. Về bối cảnh, các tham dự viên đến từ ba nhóm chính: các doanh nhân, những người tạo ra sự thay đổi và các nhà nghiên cứu. 30% đến từ giới kinh doanh; do đó, họ là các doanh nhân, nhà quản lý và người trẻ tham gia vào các hoạt động khởi nghiệp hoặc các dự án được xác định và/hoặc đang trong giai đoạn phát triển. 30% tham dự viên khác đang tham gia vào nghiên cứu. Đây là những sinh viên thạc sĩ và tiến sĩ và các học giả về kinh tế và các ngành liên quan khác. Những người còn lại khoảng 40% là những người tạo ra sự thay đổi, nghĩa là những người thúc đẩy các hoạt động phục vụ công ích và cho một nền kinh tế công bằng, bền vững và bao gồm trong các cộng đồng họ thuộc về. Họ là những người có hoạt động sáng tạo để giải quyết các vấn đề kinh tế.

“Kinh tế Phanxicô” là một quá trình đã và đang được tiến hành

Để chuẩn bị cho sự kiện này, thứ Ba 06/9, Vatican đã tổ chức cuộc họp báo giới thiệu sự kiện.

Phát biểu tại cuộc họp báo, sơ Alessandra Smerilli, Dòng Con Đức Mẹ Phù hộ, Tổng Thư ký Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện giải thích rằng thực ra Nền kinh tế Phanxicô không phải là một sự kiện, đúng hơn đó là một quá trình đã và đang được tiến hành, một tập hợp các sáng kiến, một mạng lưới quốc tế của người trẻ. Nền kinh tế Phanxicô được gợi hứng từ lời ngôn sứ của Thông điệp Laudato si’ và Fratelli tutti, và lòng can đảm chạm đến và đón nhận sự nghèo khó như Thánh Phanxicô Assisi.

Như thế, khi nhiều người trẻ bắt tay làm việc để thực hiện ước mơ và trải nghiệm lời ngôn sứ về một nền kinh tế không bỏ ai lại phía sau, và biết cách sống hoà hợp với mọi người và trái đất, thì toàn thể Giáo hội phải vui mừng và phải cảm thấy có bổn phận thông báo, đi theo và đồng hành với quá trình này, tránh cám dỗ muốn đưa người trẻ và các dự án của họ vào các cơ cấu đã có trước.

Vì thế, Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện muốn dấn thân bảo vệ và đồng hành với con đường đã thực hiện, muốn hiểu người trẻ hơn, để giúp Bộ phục vụ các Giáo hội địa phương, nơi đang trải qua những thách đố lớn nhất, nơi những người bị loại trừ có quyền có một tên gọi, nơi cần sự nhiệt huyết và sự sáng tạo của người trẻ, để “Tất cả được sống dồi dào” (Ga 10, 10).

Người trẻ đi đầu

Đức Tổng Giám Mục Domenico Sorrentino của Assisi, chủ tịch Uỷ ban tổ chức sự kiện cho biết nhiều con đường, cả ý tưởng kinh tế truyền thống và ý tưởng kinh tế thay thế, đang thử sức, điều đã được ĐTC Phanxicô đặt ra: “Tại sao không thử sức với người trẻ? Giới trẻ có tài năng và nhiệt huyết, sáng tạo và tương lai”. Vì thế, Đức Thánh Cha đặt điểm quy chiếu đầu tiên của cuộc đối thoại với người trẻ là Thánh Phanxicô.

Theo quan điểm này Nền Kinh tế Phanxicô không phải là một kiểu suy nghĩ của người trẻ không có hướng đi, nhưng là một hành trình đòi hỏi nhiều cố gắng, sáng tạo và hy vọng lớn, nhưng nằm trong một dòng sông của một số giá trị xác định. Một trong những giá trị nền tảng này là chăm sóc thụ tạo, nhưng không tách rời thách đố của người nghèo và suy diễn sai của nền kinh tế thế giới đưa đến sự phân bổ của cải và cơ hội không công bằng.

Đức Tổng Giám Mục nói: “ĐTC Phanxicô yêu cầu những người trẻ sửa chữa các mô hình tăng trưởng không thể bảo đảm việc đón nhận sự sống, chăm sóc gia đình, công bằng xã hội, phẩm giá của người lao động, quyền của các thế hệ tương lai”.

Vì vậy, theo Đức Tổng Giám Mục, một sáng kiến như thế này không thể kết thúc bằng sự kiện. Sáng kiến để lại cho chúng ta vốn để đầu tư. Sáng kiến được mong muốn trong cái nhìn của một quá trình đang diễn ra, và sẽ không dừng lại, thể hiện trong nhiều phản ứng đã khơi dậy và sẽ khơi dậy ở các khu vực khác nhau trên thế giới.

Ngài nói thêm: “Theo quan điểm của ủy ban, hiện tại ban tổ chức không có một dự án xác định. Điều này sẽ phụ thuộc vào những gì ĐTC Phanxicô quyết định và vào lòng quảng đại của ban tổ chức. Hy vọng những người trẻ này sẽ ký hiệp ước với Đức Thánh Cha, cam kết mở ra một cuộc đối thoại với nền kinh tế thực, thế giới kinh doanh, các tổ chức ngân hàng, các trung tâm tài chính. Ước mơ là ở Assisi, thành phố-thông điệp, thành phố-biểu tượng, nay cũng là thủ đô của một nền kinh tế mới, một ngày nào đó, như ĐTC Phanxicô hôm nay, những người được gọi là ‘vĩ đại của trái đất’ có thể đến gặp gỡ những người trẻ của Hiệp ước, được truyền cảm hứng từ lời ngôn sứ của Phanxicô và để bản thân được chất vấn bởi niềm đam mê trẻ của họ”.

12 ngôi làng về những chủ đề lớn của nền kinh tế hôm nay và ngày mai

Tại cuộc họp báo, Taina Santana, nữ sinh viên kinh tế đến từ Brazil, đã nói về 12 ngôi làng về những chủ đề kinh tế lớn của hôm nay và ngày mai sẽ được thành lập bởi những người trẻ của Nền kinh tế Phanxicô: Nông nghiệp và công bằng; cuộc sống và lối sống; ơn gọi và lợi nhuận; làm việc và chăm sóc; quản lý và ân ban; tài chính và nhân văn; các chính sách về hạnh phúc; kinh doanh và Hòa bình; phụ nữ đối với nền kinh tế; năng lực và nghèo đói; các doanh nghiệp đang trong quá trình chuyển đổi; CO2 của sự bất bình đẳng. Ở các ngôi làng này, những người trẻ từ khắp nơi trên thế giới sẽ tham gia cùng với các nhà kinh tế và doanh nhân thâm niên, những người đã, đang và sẽ có mặt với vai trò hỗ trợ.

“Từ con đường này, các sáng kiến cụ thể nảy sinh, một dấu hiệu hữu hình của tinh thần mà người ta muốn đóng góp cho nền kinh tế”, Taina cho biết và trích dẫn như một ví dụ “Trang trại Phanxicô” được thiết lập từ 9 bạn trẻ từ tám quốc gia trong ngôi làng “nông nghiệp và công bằng”, ngay lập tức sáng kiến này có một sự thay đổi kép: toàn cầu và địa phương. Họ bắt đầu bằng cách chia sẻ những nỗi đau và mối quan tâm về hệ thống lương thực trong thế giới ngày nay, cũng như tất cả những bất công và thách đố phải trải qua trong lĩnh vực này. Vì vậy, họ đã đến với ước mơ tạo ra một giải pháp biến đổi hệ thống theo hướng sinh thái toàn diện”.

Chương trình

Trong phần trình bày chương trình, Lourdes Hércules, nhà báo đến từ Guatemala cho biết chương trình của sự kiện sẽ tập trung vào việc thu thập những thành quả mà Nền Kinh tế Phanxicô đã đạt được trên khắp thế giới. Đây cũng là cơ hội để nhìn lại những thách đố hiện tại và tương lai.

Ở trung tâm của ngày đầu tiên, có hai giờ quan trọng mà những người trẻ gọi là thu hoạch – “vụ mùa”, bởi vì chúng sẽ cho phép người trẻ “nhìn thấy” những bước họ đã thực hiện trong ba năm qua trong thế giới hàn lâm, kinh doanh, xã hội, môi trường và thế giới khác. Bắt đầu từ hiện tại những người trẻ sẽ tìm hiểu những vấn đề không thể bỏ qua trong thời điểm lịch sử này: hòa bình, khủng hoảng khí hậu, đào tạo, bất bình đẳng, công việc, thách đố năng lượng, tinh thần kinh doanh, tài chính.

Cũng sẽ có làm việc nhóm và kết nối, các tham dự viên sẽ có thể trình bày các đề xuất của họ và đưa ra những đề xuất mới. Cơ hội mà những người trẻ sẽ có trước hết là ở 12 làng chuyên đề mà họ đã quan tâm trong những năm gần đây. Lần này với một cuộc gặp hiện diện trực tiếp, sẽ cho phép họ làm việc ở những nơi mang tính biểu tượng của thành phố và đặc sủng của Thánh Phanxicô. Trong không gian này, sẽ có các buổi học áp phích, các buổi nói chuyện trình bày các dự án nghiên cứu và kinh doanh, các buổi làm việc và thảo luận cùng nhau, các buổi gặp gỡ giữa các tham dự viên đến từ cùng một quốc gia.

Cuối cùng, sự kiện kết thúc với một khoảnh khắc nhìn đến tương lai và cam kết: một hiệp ước.

Đây sẽ là một hiệp ước cá nhân và tập thể giữa những người trẻ và với Đức Thánh Cha để cùng cam kết trong hành trình hướng tới một nền kinh tế có linh hồn và không bỏ ai lại phía sau.

Ba ngày này sẽ không chỉ đơn giản là một chương trình nghị sự để lấp đầy. Trên tất cả, nó sẽ là một phòng thí nghiệm đang được xây dựng, một không gian của những ý tưởng và hành động, và cũng là thời gian để sống chậm lại và được truyền cảm hứng. Trên thực tế, cũng sẽ có những khoảnh khắc suy niệm và suy tư.

Một yếu tố quan trọng khác sẽ là tính bền vững của sự kiện. Nhận thức được rằng nền kinh tế mà chúng ta mong muốn cũng được xây dựng bằng các hành động hàng ngày, ban tổ chức đã nghĩ đến tác động xã hội và môi trường mà các sự kiện quốc tế diễn ra thường xuyên. Các bạn trẻ muốn đảo ngược sự phá hủy. Lời ngôn sứ kinh tế cũng phải là lời ngôn sứ sinh thái: bởi vì hai chiều kích này không thể tách rời. Ban tổ chức đã lập kế hoạch và thực hiện các Hành động Chăm sóc Thụ tạo trong những ngày sự kiện diễn ra.

Ngọc Yến 

Nguồn: Đài Vatican News