Từ khi xảy ra chiến tranh tại Ucraina, dư luận thế giới đặc biệt chú ý đến các hoạt động của ĐTC Phanxicô và Tòa Thánh, không những trong lãnh vực cứu trợ nhân đạo, nhưng cả các hoạt động trong lãnh vực ngoại giao nhắm góp phần mang lại hòa bình cho các nước liên hệ và nhân loại nói chung. Sự kiện này cũng là lý do thúc đẩy tìm hiểu hơn về vai trò của ngành ngoại giao Tòa Thánh.
Thực vậy, không có tôn giáo nào dấn thân về mặt nhân đạo và hòa bình qua các hoạt động ngoại giao như trường hợp Giáo Hội Công Giáo.
Vài dòng lịch sử lịch sử
Nhìn lại lịch sử, sau những thế kỷ đầu tiên bị bách hại, các vị Giáo Hoàng vẫn thường gửi các sứ giả của các ngài đến gặp các chính quyền cũng như các cộng đoàn Giáo Hội địa phương. Tuy nhiên thói quen gửi các vị Sứ Thần Tòa Thánh ổn định cạnh các chính phủ chỉ bắt đầu với Đức Giám Mục Angelo Leonini tại Venezia từ ngày 30/04/1500. Thói quen này dần dần được thực hiện tại các nước khác.
Cách đây 153 năm, tức là vào năm 1870, khi nước Tòa thánh bị Ý chiếm và sáp nhập, Đức Giáo Hoàng Piô IX quyết định không ra khỏi nội thành Vatican nữa. Lúc đó, nhiều người nghĩ rằng 4 cường quốc bấy giờ là đế quốc Áo Hung, Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, sẽ rút đại sứ khỏi Roma, như vẫn thường xảy ra khi một quốc gia không hiện hữu nữa, bởi lẽ duy trì một đại sứ cạnh vị giáo hoàng tự coi mình là “tù nhân” ở Vatican thì có ý nghĩa gì đâu? Thế nhưng các cường quốc ấy đã không làm như vậy và các chính phủ liên hệ mau lẹ xác nhận rằng các đại sứ của họ không được ủy nhiệm nơi Quốc gia của Giáo Hội, nhưng là nơi Tòa Thánh. Đây là nguyên tắc vẫn được duy trì từ đó đến nay.
Thực vậy, hiện nay không có nước nào lập quan hệ ngoại giao với Quốc gia Thành Vatican, một khu đất nhỏ 44 hecta. Nhưng các nước lập quan hệ ngoại giao với Tòa thánh, như một cơ quan đầu não của Giáo Hội Công Giáo với hơn 1 tỷ 300 triệu tín hữu trên thế giới.
Từ 4 nước có quan hệ ngoại giao trên cấp đại sứ với Tòa Thánh hồi năm 1870, đến đầu năm nay có 183 quốc gia có quan hệ này, trong đó có 92 vị đại sứ thường trú ở Roma. Điều này chứng tỏ uy tín tinh thần của Đức Thánh Cha và Tòa thánh đã gia tăng đáng kể qua dòng thời gian, với nỗ lực phục vụ công ích của các dân tộc, phục vụ hòa bình thế giới và bênh vực các quyền con người.
Ảnh hưởng tinh thần của Tòa Thánh
Một câu hỏi thường được nói đến khi nói về đoàn ngoại giao các nước cạnh Tòa thánh, đó là các nước này được lợi gì khi thiết lập hoặc duy trì quan hệ ngoại giao với Tòa thánh, bởi vì vị đại sứ của họ tại Vatican không nói chuyện với Tòa thánh về vấn đề tài chánh, kinh tế, mậu dịch, hoặc các hiệp định liên minh quân sự hay phòng thủ.
Câu trả lời là: các nước giàu mạnh, khi lập quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh, thường muốn chứng tỏ cho thế giới thấy họ cùng theo đuổi những lý tưởng cao thượng mà Tòa thánh cổ võ. Tiếp đến, ai cũng phải nhận rằng Vatican là một nguồn tin tức phong phú từ các nơi trên thế giới gửi về, hay nói theo ông Thomas Melady, một trong những đại sứ đầu tiên của Mỹ cạnh Tòa thánh, thì “Vatican là một đài quan sát” quan trọng mà không cường quốc nào có thể bỏ qua.
Đối với những nước nhỏ, việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Tòa thánh, càng làm cho họ thấy thế đứng của mình trong cộng đồng quốc tế được bảo đảm và được biết tới hơn. Nhiều chính phủ còn nuôi ý tưởng thầm kín và nghĩ rằng với quan hệ ngoại giao với Tòa thánh, họ có thể nói chuyện thẳng với Tòa thánh và tạo sức ép trên những giám mục ở trong nước đang gây khó khăn cho họ.
Trong nội bộ Giáo Hội
Trong công đồng chung Vatican II, Đức Hồng Y Suenens, bấy giờ là Tổng Giám Mục giáo phận Bruxelles bên Bỉ, đã lên tiếng đề nghị bãi bỏ ngành ngoại giao Tòa Thánh vì cho rằng các vị sứ thần và khâm sứ chẳng qua chỉ là những người do Tòa Thánh gửi đến để canh chừng, kiểm soát Giáo Hội địa phương và làm cho các giám mục mất tự do. Ngoài ra, trong một khóa họp của THĐGM thế giới, Đức Hồng Y Basil Hume, Tổng Giám Mục Westminster kiêm chủ tịch HĐGM Anh quốc, dưới ảnh hưởng của trào lưu nữ quyền, đã đề nghị Tòa Thánh chọn các phụ nữ làm sứ thần Tòa Thánh, thay vì chỉ chọn các Tổng Giám Mục.
Những đề nghị của các vị này đi ngược quy định của Đức Giáo Hoàng Piô XII và được Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII tái khẳng định hồi năm 1962, rằng các vị sứ thần Tòa Thánh, hay khâm sứ, cả khi mới bắt đầu sứ vụ, chứ không phải vài năm sau đó, được ban phẩm vị Giám Mục, không phải đây là một vinh dự, nhưng đúng hơn để nhấn mạnh chức năng liên hệ giữa Đức Giáo Hoàng và các Giám Mục của các Giáo Hội địa phương.
Giáo Luật
Giáo luật hiện hành dành 6 điều khoản, từ số 362 đến 367, để nói về các vị sứ thần và các phái viên của Đức Thánh Cha. Theo đó, ĐTC Phanxicô có quyền bổ nhiệm các phái viên làm đại diện cho ngài và gửi họ tới các Giáo Hội địa phương ở các nước, hoặc tới các chính phủ hoặc quốc gia. Nhiệm vụ chính yếu của các vị sứ thần hay khâm sứ là lo liệu để mối dây hiệp nhất giữa Tòa Thánh với các Giáo Hội địa phương mỗi ngày được thêm bền chặt và hiệu quả hơn. Công tác của các vị là thông tri cho Tòa Thánh về tình hình Giáo Hội địa phương và về tất cả những gì liên hệ tới chính đời sống của Giáo Hội và thiện ích của các linh hồn. Tiếp đến là giúp đỡ các giám mục địa phương, tuy phải tôn trọng việc hành sử hợp lệ quyền bính của các ngài. Thứ ba là đề nghị danh sách các ứng viên cho Tòa Thánh để bổ nhiệm làm giám mục. Thứ tư là cùng với các giám mục bênh vực tất cả những gì liên quan tới sứ mệnh của Giáo Hội và của Tòa Thánh trước mặt chính phủ, vân vân.
Đức Thánh Cha Phanxicô và các Sứ thần Tòa Thánh
Trong kế hoạch cải tổ Giáo triều và Giáo Hội, ĐTC Phanxicô cũng đặc biệt quan tâm các đại diện của ngài tại các quốc gia và Giáo Hội địa phương.
Trong bối cảnh đó và trong khuôn khổ Năm Thánh Lòng thương xót, sáng ngày 17/9/2016, Đức Thánh Cha đã đồng tế thánh lễ với 106 vị Đại diện Tòa Thánh và sau đó đã gặp gỡ các vị để nhắn nhủ về việc chu toàn sứ mạng được ủy thác.
Trong bài huấn dụ dài tại cuộc gặp gỡ, ĐTC Phanxicô nhiệt liệt cám ơn các vị Đại diện Tòa Thánh vì lòng quảng đại, tận tụy và hy sinh trong việc chu toàn sứ mạng liên kết giữa Người Kế Vị Thánh Phêrô và các Giáo Hội địa phương, kiến tạo và thăng tiến tình hiệp thông là “nhựa sống cho đời sống Giáo Hội và cho việc loan báo sứ điệp của Giáo Hội”.
ĐTC Phanxicô đặc biệt nhắc nhở các vị Đại diện Tòa Thánh hãy “phục vụ trong tinh thần hy sinh như những sứ giả khiêm tốn, như Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói: ‘Hoạt động của vị Đại diện Tòa Thánh trước tiên là một việc phục vụ quý giá cho các Giám mục, linh mục, tu sĩ và mọi tín hữu Công Giáo ở địa phương, họ tìm được nơi vị Đại diện Tòa Thánh một sự nâng đỡ và bảo vệ, trong tư cách ngài đại diện một quyền bính cao hơn, để mưu ích cho tất cả mọi người”.
ĐTC Phanxicô cũng khẳng định rằng: “Nếu không có lòng khiêm tốn thì không dịch vụ nào có thể thực hiện được hoặc có đặc tính phong phú. Sự khiêm tốn của một Sứ Thần Tòa Thánh được biểu lộ qua lòng yêu mến đối với đất nước và Giáo Hội nơi ngài được kêu gọi phục vụ”.
ĐTC Phanxicô khuyến khích các vị Đại diện Tòa Thánh không những chỉ “quan sát, phân tích và tường trình”, nhưng còn cần “gặp gỡ, lắng nghe, đối thoại, chia sẻ, đề nghị và cộng tác, để làm nổi bật lòng yêu mến chân thành, thiện cảm và cảm thông đối với dân chúng và Giáo Hội địa phương”.
Ngài cũng nhận xét: “Ngày nay, những đe dọa từ bên ngoài của sói, bắt cóc và tấn công đoàn chiên, làm cho đoàn chiên hoang mang, phân tán và bị phá hủy vẫn còn là điều thời sự. Sói ngày nay vẫn có những điểm giống như trước, đó là sự thiếu thông cảm, đố kỵ, gian ác, bách hại, xóa bỏ sự thật, chống lại sự tốt lành, khép kín đối với tình yêu, đố kỵ về văn hóa, và nghi kỵ…”
ĐTC Phanxicô không quên nhắc các vị Đại diện Tòa Thánh hãy dành thời giờ cho các Giám Mục, linh mục, tu sĩ, các giáo xứ, các tổ chức văn hóa và xã hội… Hãy tháp tùng Giáo Hội địa phương với tâm hồn của một vị mục tử. “Cần di động. Những thư từ và bá cáo lạnh lùng không đủ. Những điều nghe nói mà thôi không đủ. Còn cần phải nhìn tận mắt hạt giống tốt của Tin Mừng đang triển nở thế nào. Đừng đợi người ta đến gặp anh em để trình bày một vấn đề hoặc muốn giải quyết một việc. Anh em hãy đi tới các giáo dân, các dòng tu, các giáo xứ, các chủng viện, để hiểu Dân Chúa đang sống, suy nghĩ và thắc mắc thế nào. Nghĩa là anh em hãy thực sự biểu lộ một Giáo Hội ‘đi ra ngoài’, ‘một bệnh viện dã chiến’, có khả năng sống chiều kích của Giáo Hội địa phương, của đất nước và của tổ chức mà anh em được sai tới”.
ĐTC Phanxicô cho biết một quan tâm sâu xa của ngài là việc tuyển chọn các Giám Mục tương lai và ngài đã nói với Bộ Giám Mục đề ra danh sách những đức tính và khả năng mà các vị Chủ Chăn của Giáo Hội ngày nay phải có: các Giám Mục phải là chứng nhân của Đấng Phục Sinh chứ không phải là những người theo lý lịch; các Giám Mục phải là người cầu nguyện, quen thuộc với những điều từ trên cao và không bị đè bẹp vì gánh nặng từ bên dưới; các Giám Mục phải có khả năng đi vào sự hiện diện của Thiên Chúa ‘trong kiên nhẫn’; các Giám Mục phải là mục tử, chứ không phải là những ông hoàng hoặc công chức”.
Giuse Trần Đức Anh O.P.
Nguồn: Đài Vatican News