Thứ hai 8/2/2021 này là Ngày Thế Giới lần thứ 7 cầu nguyện và suy tư chống nạn buôn người. Năm nay có chủ đề là “nền kinh tế không có nạn buôn người”. Một chuỗi cầu nguyện “đường trường” liên tục được cử hành tại các nước trên thế giới – trong đó cũng có một buổi cầu nguyện liên tôn – với ý nguyện: cầu xin Chúa cho một thế giới không còn bị thống trị do một kiểu mẫu coi kinh tế trọng hơn con người, vì đây là một trong những nguyên do đưa tới nạn buôn người.
Ngày thế giới này được Đức Thánh Cha Phanxicô thiết lập năm 2014 và ấn định vào ngày 8/2 mỗi năm, trùng vào lễ kính thánh nữ Giuseppe Bakhita người Sudan: từ năm lên 8 đã bị bắt làm nô lệ và bán đi bán lại nhiều lần, cho đến khi sang Ý và tại đây chị đã trở lại Công Giáo và gia nhập dòng Bác Ái thánh nữ Canossa.
Đức Thánh Cha Phanxicô và nạn buôn người
Cách đây 7 năm, trong cuộc gặp gỡ sáng 10/4/2014 với 120 tham dự viên Hội nghị quốc tế kỳ 2 về nạn buôn người tiến hành tại trụ sở Hàn lâm viện Tòa Thánh về khoa học ở nội thành Vatican trong hai ngày 9 và 10/4 năm đó Đức Thánh Cha Phanxicô đã tố giác rằng: “Nạn buôn người là một vết thương trong thân thể nhân loại ngày nay, một vết thương trong thân mình của Chúa Kitô. Đó là một tội ác chống lại nhân loại. Sự kiện chúng ta họp nhau ở đây để liên kết những nỗ lực của chúng ta, có nghĩa là chúng ta muốn các chiến lược và thẩm quyền được tháp tùng và củng bố bằng sự cảm thông từ bi theo tinh thần Tin Mừng, và bằng sự gần gũi với những người nam nữ nạn nhân của tệ nạn này.”
Cùng năm đó, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thiết lập Ngày Thế Giới cầu nguyện và suy tư chống nạn buôn người. Trong thông cáo công bố ngày 25/11/2014, Hội đồng Tòa Thánh mục vụ di dân và người lưu động cho biết chủ ý việc thiết lập và cử hành ngày Thế giới chống nạn buôn người là để gây ý thức và khích lệ suy tư về bạo lực và bất công gây ra cho vô số các nạn nhân của nạn buôn người. Họ là những người không có tiếng nói, không đáng kể gì, và chỉ là những người nô lệ. Việc cử hành ngày thế giới chống nạn buôn người cũng nhắm tìm giải pháp và thăng tiến các hoạt động cụ thể để chấm dứt tệ nạn này.
Ngày thế giới suy tư và cầu nguyện chống nạn buôn người năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng lên tiếng qua sứ điệp Video công bố lúc quá 13 giờ 30 giờ Roma.
Tình trạng ngày nay
Ngày nay, những hình thức nô lệ mới cũng được biểu lộ qua nạn buôn người ở Âu Châu và ít được dư luận để ý. Theo những con số mới nhất, mỗi năm doanh số trong việc buôn người được ước lượng vào khoảng 100 tỷ mỹ kim. Mỗi năm có thêm hơn 2 triệu 40 ngàn người trở thành nạn nhân của nạn buôn người và họ phải chịu cảnh bóc lột về kinh tế và tình dục, dưới những hình thức đồi bại nhất. Người ta biết con số, nhưng con người đàng sau những con số ấy tiếp tục không được người ta nhìn thấy. Sự bóc lột tình dục chiếm tới 79% trong kỹ nghệ buôn người, tiếp theo đó là nạn cưỡng bách lao động chiếm 18%, theo Phúc trình của “Văn phòng Liên Hiệp Quốc bài trừ ma túy và tội phạm” gọi tắt là UNODC, về nạn buôn người.
Có những lãnh vực khác liên quan đến nạn buôn người nhưng ít được nói tới, đó là cưỡng bách nô lệ vì nợ nần, nô lệ trong công việc gia đình, hoặc cưỡng bách kết hôn, cắt cơ phận để ghép, bóc lột trẻ em phải ăn xin, thương mại tình dục và chiến tranh.
Liên mạng Talitha Kum
Từ lâu trong Giáo Hội Công Giáo, đã có nhiều người ý thức và dấn thân chống lại tệ nạn buôn người. Trong số các tổ chức Công Giáo hoạt động tích cực nhất chống nạn buôn người, đặc biệt có tổ chức tên là “Liên mạng Talitha Kum” của các nữ tu Công Giáo. Danh xưng tổ chức này rút từ lời Chúa Giêsu trong Tin Mừng theo thánh Marco (5,41) nói với cô bé 12 tuổi con gái ông Giairo nằm như chết: “Hỡi bé, Ta nói con hãy trỗi dậy!”, và cô bé được hồi sinh, trỗi dậy và bước đi.
Liên mạng này được khai sinh cách đây gần 12 năm, hồi tháng 9/2009, như một mạng quốc tế của các nữ tu chống lại nạn buôn người và giúp cộng tác, trao đổi thông tin giữa các phụ nữ và những người thánh hiến. Hiện nay tổ chức này hoạt động tại 77 quốc gia 5 châu: 13 chi hội tại Phi châu, 13 tại Á châu, 17 tại Mỹ châu, 31 tại Âu Châu và 2 tại Úc châu. Tổng cộng có hơn 1.000 nữ tu được huấn luyện về công tác chống nạn buôn người. Các chị đang hoạt động tại 65 quốc gia cùng với hơn 2.000 cộng sự viên khác. Trên thế giới có 150 nhóm hoạt động trong liên mạng Talitha Kum.
Từ ngày 22 đến 28/9/2019, Đại Hội đầu tiên của Liên mạng này đã được triệu tập ở Roma, trong đó có sự tham dự của hơn 90 nữ tu dấn thân trên thế giới chống nạn buôn người.
Cử hành giới nạn năm nay
Năm nay, vì đại dịch, khiến cho những hoạt động có đông người bị hạn chế rất nhiều. Dầu vậy cũng có một số sáng kiến được đề xướng đây đó.
Ví dụ tại Roma, Liên mạng “Talitha Kum” của Hiệp hội các Bề trên Tổng quyền các dòng nam và nữ, tổ chức các buổi cầu nguyện trực tuyến liên tục chống nạn buôn người, đồng thời có những suy tư về tệ nạn này, bắt đầu từ 10 giờ sáng đến 5 giờ chiều ngày thứ Hai 8/2, qua Youtube (www.youtube.com/c/preghieracontrotratta)
Chương trình cầu nguyện bắt đầu từ Úc (lúc 10 giờ giờ Roma), rồi Nhật Bản, Philippines, Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Myanmar, Việt Nam, Sri Lanka, Bangladesh, Ấn Độ, Pakistan… rồi đến các nơi khác trên thế giới.
Đề tài được chọn cho năm nay là “nền kinh tế không có nạn buôn người”. Qua chủ đề này, Liên mạng Talitha Kum muốn bàn đến một trong những nguyên nhân chính của nạn buôn người, là kiểu mẫu kinh tế thịnh hành ngày nay, với những giới hạn và mâu thuẫn càng bị đại dịch làm gia tăng.
Tại Áo
Tại tổng giáo phận Vienne, thủ đô Áo, từ 10 giờ sáng đến 5 giờ chiều ngày 8/2 cũng có chiến dịch nhà thờ mở cửa chống nạn buôn người, diễn ra tại nhà thờ Thánh Micae, có buổi cầu nguyện và thông tin do Hội “Solwodi Áo” đảm trách. Hội này chuyên liên đới với các phụ nữ gặp khốn cùng (Solidarity with women in destress). Tiếp đến lúc 6 giờ rưỡi chiều, Đức Giám Mục Phụ tá Franz Scharl, sẽ chủ sự thánh lễ trực tuyến từ nhà nguyện Missio.
Tại giáo phận Linz, Hội Solwodi và các nữ tu dòng Chúa Cứu Độ (Salvatoriane) sẽ tổ chức buổi cầu nguyện tại nhà thờ thánh Ignatio lúc 6 giờ chiều với chủ đề “Chữ viết thầm lặng trên chợ nô lệ tại Âu Châu”. Các tham dự viên được mời thắp lên ngọn nến cho các nạn nhân.
Tại Roma năm ngoái
Năm 2020, nhân ngày thế giới cầu nguyện và suy tư chống nạn buôn người, tại Roma có buổi cử hành tại Đền thờ Thánh Gioan Laterano, với buổi canh thức lúc 6 giờ rưỡi chiều ngày 8/2, do Đức Hồng Y Michael Czesny, Dòng Tên, Phó Tổng thư ký, đặc trách phân Bộ di dân và tị nạn thuộc Bộ phát triển nhân bản toàn diện, chủ sự. Trong buổi canh thức và cầu nguyện cũng có phần chia sẻ hai chứng từ về nạn buôn người.
Sáng chúa nhật 10/2/2020 sau đó, lúc 10 giờ đã có cuộc tuần hành khởi sự từ Lâu Đài Thiên Thần, và tiến về quảng trường Thánh Phêrô để tham dự buổi đọc kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha. Cuộc tuần hành trên quãng đường 1 cây số này có chủ đề là “Cùng nhau chống nạn buôn người” và nhắm gây ý thức trong dư luận quần chúng về tệ nạn buôn người, gây đau khổ cho hơn 40 triệu người trên thế giới.
G. Trần Đức Anh OP
Nguồn: Đài Vatican News