Phát biểu tại Hội nghị đầu tiên của các nhà truyền giáo Ý trên thế giới được tổ chức ở Roma, Đức Tổng Giám mục Richard Gallagher, Ngoại trưởng Toà Thánh bày tỏ lòng biết ơn các nhà truyền giáo Ý, và ca ngợi họ thực sự là mẫu gương về lòng dũng cảm và quảng đại.
Trước hết, về tương quan giữa hoạt động ngoại giao của Toà Thánh và truyền giáo, Đức Tổng Giám mục nói: “Tòa Thánh không ngừng lên tiếng bảo vệ nhân phẩm và tự do tôn giáo để thúc đẩy các mối quan hệ giữa mọi người và các dân tộc dựa trên công lý và liên đới”. Ngoại trưởng Toà Thánh nhận định rằng có nhiều điểm chung giữa hoạt động ngoại giao của Tòa Thánh và đời sống truyền giáo. Thực tế, các nhà truyền giáo là những người rời xa quê hương, đi đến phục vụ các thực tại mới, bằng mọi cách bước vào văn hóa của các quốc gia nơi họ được gửi đến. Đây là lý do tại sao Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng phải có một năm kinh nghiệm truyền giáo trong thời gian đào tạo các nhà ngoại giao tương lai. Bởi vì không thể có sự phục vụ thực sự nếu không có khả năng gần gũi.
Nói về hoạt động trong cộng đồng quốc tế, Ngoại trưởng Toà Thánh tái khẳng định cam kết của Tòa Thánh, là không ngừng lên tiếng bảo vệ phẩm giá và tính chất thánh thiêng của mỗi con người, đặc biệt những yếu đuối nhất. Hơn nữa Toà Thánh luôn yêu cầu quyền cơ bản về tự do tôn giáo và thúc đẩy quan hệ giữa con người và các dân tộc dựa trên công lý và liên đới. Khi thực hiện vai trò quốc tế của mình, Tòa thánh luôn phục vụ cho sự cứu rỗi toàn diện của nhân loại.
Đức Tổng Giám mục khẳng định chứng tá của các nhà truyền giáo nhắc nhớ mọi người rằng thế giới có thể phát triển và tiếp tục cuộc hành trình chỉ khi chúng ta sống với một trái tim rộng lớn, mở ra với người khác. Người truyền giáo là người không sợ thay đổi, là người can đảm có khả năng phá vỡ mọi trở ngại ngăn cản họ gặp gỡ nhân loại. Theo lý luận này, nhà truyền giáo không phải là một người hoàn hảo, nhưng là một người nhiệt thành, vì tin tưởng vào tình yêu Thiên Chúa và yêu mến tha nhân.
Do đó, công cuộc truyền giáo không chỉ liên quan đến những người ra đi, nhưng là những hoạt động làm sinh động đời sống của chính Giáo hội và của mọi Kitô hữu. Nếu theo truyền thống, truyền giáo được hiểu là một hoạt động của Giáo hội được Tòa Thánh giao phó cho những người chuyên trách hướng tới các quốc gia Tin Mừng chưa được loan báo và Giáo hội chưa được thiết lập, thì ngày nay truyền giáo được hiểu một cách triệt để hơn, đó là lối vào của Thiên Chúa trong thế giới để gần gũi với con người, một hành động mà Giáo hội đang phục vụ qua các thực hành hội nhập văn hóa, dấn thân vì công lý và đối thoại liên tôn. Do đó, truyền giáo là ý nghĩa của mọi hoạt động Giáo hội, là chính thực tại của Giáo hội. Đây là lý do tại sao loan báo và làm chứng là nhiệm vụ của mỗi Kitô hữu qua cuộc sống và những lựa chọn hàng ngày, thay vì bằng lời nói.
Ngọc Yến
Nguồn: Đài Vatican News