Ngoại trưởng Toà Thánh: Thoả thuận ngũ cốc Ucraina là mẫu gương cho đối thoại

05/05/2023

Phát biểu tại cuộc họp “Panem et Pax – Bánh và Hoà bình” do Đại sứ quán Ucraina và Thổ Nhĩ Kỳ cạnh Toà Thánh tổ chức hôm 04/5, Đức Tổng Giám Mục Richard Gallagher, Ngoại trưởng Toà Thánh nhắc lại rằng sáng kiến ngũ cốc Biển Đen là thoả thuận lớn đầu tiên giữa các bên sau cuộc xâm lược Ucraina, và đây là một mẫu gương cho đối thoại.

Thỏa thuận về xuất khẩu lương thực còn gọi là sáng kiến ngũ cốc Biển Đen được Nga và Ucraina ký riêng với Liên Hiệp Quốc hồi tháng 7/2022 tại Thổ Nhĩ Kỳ, đã được gia hạn 120 ngày vào tháng 11/2022, và tiếp tục gia hạn 60 ngày vào ngày 18/3 vừa qua. Thỏa thuận đã cho phép hàng ngàn chuyến tàu an toàn qua Biển Đen, giúp đưa nhiều triệu tấn ngũ cốc trở lại thị trường thế giới, chủ yếu tới các nước đang phát triển.

Mục đích của cuộc gặp gỡ do hai Đại sứ quán đồng tổ chức là để hỗ trợ “sáng kiến ngũ cốc Biển Đen”, để với sự chấp thuận của Nga và Ucraina một lần nữa đã cho phép lúa mì Ucraina ra khỏi Biển Đen.

Trong bài tham luận tại cuộc họp, Đức Tổng Giám Mục Gallagher nhận xét rằng, khi thiếu những gì cần thiết để sống thường làm phát sinh những căng thẳng xã hội, thì cũng đúng nếu “không có cơm bánh thì không có hoà bình”. Cuộc chiến ở Ucraina không chỉ làm thiệt hại về nhân mạng, buộc di tản cũng như cơ sở hạ tầng, nhưng còn gây ra một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, liên quan đến khối xuất khẩu ngũ cốc từ các cảng của Biển Đen.

Do đó, theo Ngoại trưởng Toà Thánh, thoả thuận phải có được sự ổn định tối đa, vì điều cần thiết là phải giữ cho dòng ngũ cốc của Ucraina không đổi. Như Đức Thánh Cha đã nhắc lại vài ngày trước thoả thuận, thực tế ngũ cốc không thể được sử dụng làm vũ khí chiến tranh và điều này có nghĩa là không chỉ tránh sử dụng xuất khẩu như một phương tiện tống tiền, mà còn tránh sử dụng thoả thuận cho các mục đích khác không có tính nhân đạo.

Đức Tổng Giám Mục nói thêm về một khía cạnh nền tảng khác của sáng kiến Biển Đen: Đây là thoả thuận lớn đầu tiên giữa các bên sau cuộc xâm lược Ucraina, điều này cho thấy những nỗ lực ngoại giao đáng được thực hiện và có thể mang lại kết quả. Ngài nhắc lại rằng, ngay cả khi sau một năm hai tháng, những nỗ lực nhằm tái lập hoà bình công bằng vẫn chưa có kết quả, thì thoả thuận này, nếu được quan tâm và thực hiện tốt có thể phục vụ tái xây dựng bầu khí tin cậy, điều đang thiếu và có thể phát triển thành một cuộc đối thoại hiệu quả về các vấn đề khác, như sự cần thiết bảo đảm an toàn hạt nhân và ngăn chặn sự leo thang của nó.

Ngọc Yến

Nguồn: Đài Vatican News