Đức Thánh Cha Phanxicô vừa kết thúc chuyến tông du Budapest và Slovakia trong 4 ngày, từ ngày 12-15/9. Trong những lần xuất hiện trước đám đông dân chúng, Đức Thánh Cha thường dùng một chiếc xe mui trần để dễ dàng đến gần dân chúng cũng như để cho họ có thể nhìn thấy ngài dễ dàng. Đức Thánh Cha thường đứng, dù rằng xe có ghế dành cho ngài, để vẫy chào và chúc lành cho dân chúng ở hai bên đường.
Hình ảnh Đức Thánh Cha đứng trên xe mui trần xuất hiện giữa công chúng có thể đã trở thành quen thuộc trong những buổi tiếp kiến hay các Thánh lễ tại quảng trường thánh Phê-rô, trong các chuyến thăm viếng tại nước Ý hay các chuyến tông du nước ngoài. Nhưng thật ra đó là một quá trình dài, qua gần trăm năm, từ khi chiếc xe có động cơ đầu tiên được tặng cho một Giáo hoàng cho đến chiếc xe mui trần như ngày nay.
Những chiếc papamobile trong Bảo tàng Vatican
Các du khách đến Vatican, sau khi thăm quan hàng giờ trong các phòng trưng bày lộng lẫy của Bảo tàng Vatican, hoặc đi dạo dưới những tàng cây xanh tốt của Vườn Vatican, có thể tiếp tục chuyến thăm quan tại một khu vực nằm bên dưới khu vườn Vatican, nơi có những bộ sưu tập lịch sử của bảo tàng viện Vatican. Tại đây có một khu vực trưng bày một bộ sưu tập các phương tiện được sử dụng bởi các Đức Giáo hoàng, được Đức Phaolô VI khánh thành vào tháng 4 năm 1973.
Dọc theo một con đường dài 125 mét, du khách có thể nhìn thấy những chiếc kiệu được thiết kế như một căn phòng với ngai vàng, chở các Giáo hoàng trong các nghi lễ kéo dài hoặc đưa các ngài đi qua những không gian rộng lớn của Dinh Tông tòa để các ngài không bị mệt, đến những cổ xe ngựa, những chiếc ngai có thể di chuyển, thậm chí là những mô hình xe lửa và máy bay.
Chiếc xe hơi có động cơ đầu tiên tại Vatican: Itala 20/30
Chiếc xe hơi có động cơ đầu tiên được đưa vào Vatican là vào năm 1909, khi Đức tổng giám mục John Farley của New York tặng cho Đức Pio X một chiếc Itala 20/30, được sản xuất bởi một công ty mới thành lập của Ý; công ty này đã phá sản vào năm 1934. Nhưng Đức Pio X không dùng chiếc xe này. Ở tuổi 74, ngài thích đi dạo qua các khu vườn của Vatican bằng một chiếc xe ngựa thoải mái và yên tĩnh hơn.
Trong số các xe ngựa được ngài sử dụng có cỗ xe được các thợ thủ công Roma làm trong thế kỷ trước. Cỗ xe đã được sử dụng cho đến triều đại Đức Giáo hoàng Biển Đức XV (1914-1922), huy hiệu của ngài vẫn còn trên cả hai cửa. Đặc biệt là Đức Piô IX (1846-1878) đã sử dụng nó trong chuyến thăm miền Romagna ở phía bắc của vương quốc Giáo hoàng vào năm 1857. Theo Viện bảo tàng Vatican, chuyến đi này được cho là “chuyến thăm cuối cùng của một vị Giáo hoàng-Vua”.
Nếu Đức Piô X không quan tâm đến chiếc Itala 20/30 được tặng, có lẽ cũng vì hoàn cảnh của ngài khi đó. Kể từ năm 1870 và khi quân Ý chiếm thành Roma, các Giáo hoàng đã tuyên bố mình là tù nhân ở Vatican. Các ngài không công nhận nhà nước mới của Ý, từ chối ra ngoài, thậm chí chỉ đi vài cây số để đến đền thờ Gioan Laterano – nhà thờ chính tòa của các ngài.
Trong bối cảnh này, và trong một không gian chỉ còn vài mẫu vuông của Vatican, việc sử dụng xe của các Giáo hoàng dường như rất ít được quan tâm. Tuy nhiên, vào năm 1896, bộ phim đầu tiên trong lịch sử đã chiếu một vị giáo hoàng, người ta vẫn có thể thấy Đức Leo XIII trên một chiếc xe ngựa di chuyển qua Vườn Vatican.
Chiếc Graham Paige 837
Nhà sản xuất Bianchi của Ý có thể tặng cho Đức Biển Đức XV một chiếc xe hơi vào năm 1922 và một chiếc khác 4 năm sau đó, nhưng ngài đã không sử dụng chúng. Đây là lý do những chiếc xe có động cơ đầu tiên của các Giáo hoàng vẫn thực sự bất động. Tình trạng này sẽ kéo dài cho đến ngày 22 tháng 12 năm 1929, một ngày lịch sử khi Đức Piô XI bước lên chiếc Graham Paige màu đen loại 837 để đi đến đền thờ Gioan Laterano cử hành lễ kỷ niệm 50 năm linh mục của ngài.
Chiếc xe được anh em nhà Graham tặng cho Đức Pio XI ngày 10 tháng 11 năm 1929 để kỷ niệm việc Đức Giáo hoàng ký kết hiệp ước Laterano với nhà nước Ý. Hiệp ước “hòa giải” này chấm dứt gần 60 năm “băng giá” giữa Ý và những người kế vị thánh Phê-rô.
Vì vậy, vào ngày 22 tháng 12 năm 1929, Đức Giáo hoàng Pio XI đã bước lên chiếc Graham Paige để đền thờ Gioan Laterano, cách đền thờ thánh Phê-rô 5 cây số. Chiếc xe mui trần giáo hoàng bước vào lịch sử. Đây là lần đầu tiên một Giáo hoàng rời Vatican kể từ sau khi Roma thất thủ vào ngày 20 tháng 9 năm 1870. 10 năm sau, chính chiếc xe này sẽ chở Đức Piô XII đến Cung điện Quirinale để thăm chính thức Vua và Hoàng hậu Ý.
Chiếc Citroën Lictoria C6
Việc ký kết các Hiệp định Laterano là cơ hội để một số nhà sản xuất xe hơi tặng Đức Giáo hoàng những chiếc xe lộng lẫy với huy hiệu của Giáo hoàng. Chiếc đẹp nhất trong số đó được cho là chiếc Citroën Lictoria C6. Cách bài trí bên trong rất ngoạn mục, cabin như là “một phòng nhỏ được trang trí rất tinh tế theo phong cách Venezia thế kỷ 18, nổi bật với ngai Giáo hoàng bằng gấm đỏ thẫm và bởi những tấm gỗ dát vàng trang nhã để đậy những đồ dùng hữu ích trong chuyến đi. Vì quá sang trọng, chiếc xe hơi 4 chỗ của Pháp không bao giờ được sử dụng
Năm 1943, chiếc xe Graham Paige đơn giản hơn, một lần nữa lại là trung tâm của các sự kiện lớn của Roma. Vào ngày 19 tháng 7, thủ đô của Ý bị người Mỹ ném bom. Khu vực San Lorenzo, ở phía đông thành phố, bị tàn phá nặng nề. Có gần 3.000 người chết và 11.000 người bị thương. Khi nghe tin, Đức Pio XII đã muốn lên chiếc xe Mercedes 230 để đến hiện trường thảm kịch nhằm an ủi người dân Roma. Nhưng chiếc xe Mercedes của Đức bị hư nên chiếc Graham Paige 837 đã chở vị Giám mục thành Roma.
Toyota Land Cruiser
Năm 1975, nhân dịp Năm Thánh thu hút hàng ngàn tín hữu đến Roma, để có thể đi vòng quanh quảng trường thánh Phê-rô nhiều lần và để chào nhiều khách hành hương, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã ra lệnh mua một mẫu xe với nóc xe có thể mở. Mẫu xe đầu tiên được chọn, Toyota Land Cruiser, đáp ứng hoàn hảo các thông số kỹ thuật: cho phép nhiều người nhìn thấy Đức Giáo hoàng.
Nếu như Đức Gioan Phaolô I không có thời gian để sử dụng nó, thì người kế vị của ngài, Đức Gioan Phaolô II, đã sử dụng loại xe mui trần này và không bao giờ còn dùng đến loại kiệu được những người đàn ông khiêng nữa.
Chiếc Campagnola và Fiat 1107
Sau đó, vào năm 1980, chiếc Campagnola màu trắng do Fiat tặng cho Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, đã thay thế chiếc Toyota. Hiện nay xe Toyota này được bảo quản ở Sân trong của dinh thự Castel Gandolfo.
Nếu chiếc Fiat 1107 được biết đến nhiều nhất trong số các xe mui trần của Đức Giáo hoàng là vì nó gắn liền với một trong những sự kiện bi thảm nhất của triều đại giáo hoàng trong thế kỷ XX. Vào ngày 13 tháng 5 năm 1981, Đức Gioan Phaolô II di chuyển trên chiếc xe này giữa đám đông tại quảng trường thánh Phê-rô thì ngài bị Ali Agça bắn. Đức Giáo hoàng gục đầu vào cha Dziwisz, nay là Hồng y, thư ký riêng của ngài.
Trong cơn hoảng loạn bao trùm hoàn toàn quảng trường, chiếc xe mui trần màu trắng lao đi. Đức Giáo hoàng, bị thương nặng ở bụng, khuỷu tay phải và tay trái, được chuyển lên xe cấp cứu chở đến bệnh viện Gemelli. Giám mục của Roma đã thoát chết cách kỳ diệu. Nhưng vụ ám sát này đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử xe hơi của các Giáo hoàng.
Được gọi là “papamobile” – xe của Giáo hoàng – chiếc Fiat gần như có thể được coi là một thánh tích khi nó chứng kiến vụ ám sát, sau đó nó được cất giữ theo bí mật của Giáo hoàng.
Nâng cấp các tiêu chuẩn an toàn
Sau vụ tấn công năm 1981, Vatican đã nâng các tiêu chuẩn an toàn rất nhiều. Ngay cả chiếc Mercedes mà Đức Gioan Phaolô II thừa kế từ Đức Phaolô VI, được sử dụng trong suốt 26 năm làm Giáo hoàng của ngài, đã được sửa đổi vài lần. Thân xe được bọc thép và lắp kiếng chống đạn 3 cm. Hai chiếc ‘papamobile’ bọc thép cũng được trưng bày trong khu vực sưu tập các xe của các Giáo hoàng. Cả hai đều được Đức Gioan Phaolô II sử dụng và được mua cho các chuyến tông du quốc tế của ngài. Ngoài ra còn có một chiếc Bug được sản xuất trên dây chuyền lắp ráp của hãng Volkswagen ở Mexico, một món quà chưa bao giờ được Đức Giáo hoàng sử dụng. Cuối cùng, có một nguyên mẫu, mô hình duy nhất tồn tại trên thế giới, chiếc Lancia Thesis Giubileo, một món quà luật sư Gianni Agnelli tặng Đức Gioan Phaolô II.
Chiếc Lancia Thesis Giubileo được thiết kế để đáp ứng những vấn đề về sức khỏe và di chuyển ngày càng khó khăn của Gioan Phaolô II. Yên xe di chuyển ra ngoài để tạo điều kiện thuận lợi cho việc lên xe; cửa mở ở góc vuông; trục bên trong không được nâng lên. Vì tất cả những điều này, chiếc xe không di chuyển nhanh. Do đó, nó thoải mái, nhưng không đáng tin cậy trong trường hợp khẩn cấp.
Vì lý do này, Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI, người có huy hiệu được dán trên cửa, chỉ sử dụng nó tạm thời. Được triển lãm trong bộ sưu tập là chiếc Mercedes được sử dụng bởi Đức Ratzinger và hai “mẫu xe” của cùng một chiếc xe được sử dụng bởi Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ để đưa đón những vị khách quan trọng.
Đức Biển Đức XVI được mệnh danh là “phi công của Ki-tô giáo” trong nghi thức tặng quà vào tháng 12 năm 2005, trong đó Chủ tịch Ferrari, Luca Cordero di Montezemolo, đã tặng vô-lăng chiếc xe Công thức 1 năm 2003 của Michael Schumacher. Khi nhận vô-lăng, Đức Biển Đức XVI đã so sánh công nghệ phức tạp của nó với “sự phức tạp của việc lãnh đạo Giáo hội”.
Chiếc papamobile gắn với các hoạt động bác ái
Chỉ vài tháng trước đó, ông Cordero đã tặng Đức Gioan Phaolô II một phiên bản giới hạn đặc biệt của 400 chiếc ‘Ferrari Enzo’ và sau đó Đức Giáo hoàng đã quyết định bán đấu giá. Tiền bán được đã được chuyển đến các nạn nhân của trận sóng thần ở Đông Nam Á.
Kết thúc cuộc trưng bày là chiếc Renault 4 của Đức Thánh Cha Phanxicô. Xe được đăng ký vào năm 1984, và có một lịch sử từ thiện dài 300.000 km. Trước đây nó thuộc về cha Renzo Zocca, một linh mục sống ở ngoại ô Verona. Vào năm 2013, cha quyết định tu sửa nó và tặng nó cho Đức Thánh Cha.
Các tượng bán thân của các Giáo hoàng xen kẽ khắp khu vực trưng bày cùng với các phương tiện và đồ dùng khó quên khác làm sống lại lịch sử di chuyển của các Giáo hoàng: mẫu máy bay Alitalia đã đưa Đức Giáo hoàng Phaolô VI đến Đất Thánh vào tháng 1 năm 1964, chuyến tông du quốc tế đầu tiên; hoặc chuyến tàu đầu tiên đến ga trong quá trình chạy thử nghiệm tại ga xe lửa Vatican.
Hồng Thuỷ
Nguồn: Đài Vatican News