Lập trường trên đây đã được Đức TGM Paul Gallagher, ngoại trưởng Tòa Thánh, trình bày hôm 17-9-2018 tại Hội nghị quốc tế thứ 62 của Tổ chức LHQ về năng lượng hạt nhân, gọi tắt là AIEA, nhóm tại Vienne, thủ đô Áo.
Ca ngợi nỗ lực của Aiea đối với Iran và Bắc Hàn
Đức TGM Gallagher, người Anh, ca ngợi nỗ lực của Tổ chức quốc tế này đối với Iran, qua các hoạt động theo dõi, mang lại một yếu tố không thể thiếu được để kiểm chứng xem tất cả các chất hiệu hạt nhân có được Iran dùng vào những mục tiêu hòa bình hay không. Cũng vậy, Ngoại trưởng Tòa Thánh nhấn mạnh sự cần thiết phải đối thoại với Bắc Hàn về chương trình hạt nhân, vốn là điều đe dọa sự toàn vẹn của kế hoạch không để cho vũ khí hạt nhân lan tràn. Tuy nhiên, Đức TGM Gallagher xác quyết rằng không có một giải pháp quân sự cho những đe dọa từ phía Bắc Hàn.
Chống vứt bỏ các chất liệu phóng xạ trong môi trường
Đức TGM Gallagher nhận xét rằng nhiều nước trên thế giới mong muốn có sự nghiêm cấm hoàn toàn các vụ thử nghiệm hạt nhân. Những thử nghiệm này thường kèm theo việc trực tiếp vứt bỏ các chất liệu có phóng xạ trong môi trường, tạo nên sự chồng chất ở mức độ cao nhất các phóng xạ do con người tạo nên đối với dân chúng và môi trường thiên nhiên trên thế giới. Vì thế, – Đức TGM Gallagher nói – chúng tôi xác quyết rằng các vũ khí hạt nhân là những vũ khí tàn sát tập thể và phá hoại môi trường”.
Leo thang vũ khí đe dọa các ưu tiên của nhân loại
Trong bài tham luận, Đức TGM ngoại trưởng Tòa Thánh cũng tố giác sự leo thang hạt nhân làm gia tăng nghèo đói tại nhiều nước, như ĐTC Phanxicô đã nhận xét: sự chạy đua vũ trang, không những các vũ khí hạt nhân, nhưng cả chương trình tân trang các vũ khí khác, là những khoản chi tiêu lớn đối với các nước, đến độ đặt xuống hàng nhì các ưu tiên đích thực của nhân loại đang đau khổ như cuộc chiến chống nghèo đói, thăng tiến hòa bình, thực hiện những dự án giáo dục, môi sinh và y tế, cũng như sự phát triển các quyền con người”.
Cần một nền luân lý đạo đức mới
Và Đức TGM Gallagher kết luận rằng: ”Tòa Thánh nhắc nhở về nhu cầu cấp thiết cần có một nền luân lý đạo đức mới mẻ trên hoàn cầu về trách nhiệm, tình liên đới, an ninh trong tinh thần cộng tác, thay thế cho những lối tư duy cũ thường do tư lợi và sự nghi kỵ nhau hướng dẫn. Chúng ta phải nhìn nhận rằng hòa bình và an ninh của chúng ta, xét cho cùng, là điều lệ thuộc hòa bình và an ninh của tha nhân” (Cath.ch 17-9-2018).
G. Trần Đức Anh OP
Nguồn: Đài Vatican