Phỏng vấn Bộ trưởng Kinh tế Toà Thánh về những điều liên quan đến Quỹ “Đồng tiền thánh Phêrô”: cuộc lạc quyên, mục đích sử dụng, quản lý…
Cũng như mọi năm, ngoại trừ năm ngoái, ngày lạc quyên “Đồng tiền thánh Phêrô” theo truyền thống sẽ được tổ chức vào ngày 29/6, lễ hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô.
“Đồng tiền thánh Phêrô” là nguồn trợ giúp tài chính của các tín hữu cho Đức Thánh Cha Phanxicô, như dấu chỉ chia sẻ sự quan tâm của người kế vị thánh Phêrô đối với nhiều nhu cầu của Giáo hội hoàn vũ và các hoạt động bác ái giúp đỡ những người thiếu thốn. Số tiền thu được trong ngày lễ này được gửi đến Đức Thánh Cha, để hỗ trợ các sứ vụ của Giáo hội và các hoạt động bác ái.
Cuộc lạc quyên này có nguồn gốc từ lâu đời, bởi vì ngay từ thời Giáo hội sơ khai, các tín hữu đã hỗ trợ các hoạt động của các tông đồ. Đến cuối thế kỷ thứ VIII, những người Anh sau khi theo Công giáo, họ cảm thấy rất gắn kết với Đức Giáo hoàng và đã quyết định gửi một khoản đóng góp hàng năm cho ngài. Chương trình này có tên “Đồng tiền thánh Phêrô” và đã nhanh chóng lan rộng trên các nước châu Âu.
Nhân cuộc lạc quyên này, Vatican News có cuộc phỏng vấn với cha Juan Antonio Guerrero Alves, SJ, Bộ trưởng Bộ Kinh tế của Toà Thánh về những điều liên quan đến Quỹ “Đồng tiền thánh Phêrô”.
Thưa cha Guerrero, sau quá nhiều tin tức trái chiều, nhiều người đặt câu hỏi và muốn biết về “Đồng tiền thánh Phêrô”, vậy cha có thể nói chi tiết về Quỹ này?
Trước hết, tôi muốn nói rằng mọi người có quyền biết chúng tôi sử dụng số tiền được trao cho chúng tôi như thế nào. Đôi khi mâu thuẫn đến từ sự thiếu hiểu biết, và cũng có thể đến từ sự thiếu minh bạch. Khi tôi bắt đầu công việc với tư cách là Bộ trưởng Kinh tế, Đức Thánh Cha Phanxicô đã yêu cầu tôi đặc biệt chú ý đến tính minh bạch. Trong thời gian làm việc trong Bộ Kinh tế (SPE), tôi đã cố gắng chia sẻ với các tín hữu những dữ liệu kinh tế của Tòa Thánh mà tôi biết và điều đó có vẻ phù hợp với tôi.
Vậy đâu là mục đích của “Đồng tiền thánh Phêrô”?
Chúng ta đang nói về hoạt động bác ái của Đức Thánh Cha Phanxicô. Tất nhiên, bác ái là lạc quyên cho các Giáo hội địa phương, các tổ chức, gia đình hoặc những người đang gặp khó khăn. Nhưng tiền quyên góp không chỉ đến Roma và Vatican, tiền còn được phân phối cho các khu vực khác nhau trên thế giới, cho các hoạt động bác ái. Đây là một trong những mục tiêu của “Đồng tiền thánh Phêrô”. Có nghĩa là, có những khoản quyên góp cho “Đồng tiền thánh Phêrô” đến và được phân phối ngay lập tức cho những nơi có nhu cầu. Tôi xin đưa ra một ví dụ: năm 2021, khi “Đồng tiền thánh Phêrô” thuộc sự giám sát và kiểm soát của Bộ Kinh tế, cho đến nay, “Đồng tiền thánh Phêrô” đã nhận được 21 triệu euro tiền quyên góp. Trong số này, 8 triệu euro đã được phân phối cho các dự án loan báo Tin Mừng hoặc xã hội để hỗ trợ các Giáo hội đang cần giúp đỡ, chủ yếu các nước ở châu Phi, châu Á và châu Mỹ Latinh.
Tuy nhiên, “Đồng tiền Thánh Phêrô” không chỉ được sử dụng cho các hoạt động bác ái ….
Thực tế, điều quan trọng cũng cần phải giải thích và hiểu rằng một phần hoạt động bác ái của Đức Thánh Cha liên quan đến sứ vụ hiệp nhất trong bác ái của ngài, và ngài thực hiện điều này qua các Bộ và các tổ chức của Giáo triều. Một phần ngân sách của một số Bộ nhằm giúp đỡ các Giáo hội đang gặp khó khăn, nhưng đây thường không phải là phần chính trong sứ mạng của các Bộ. Các tổ chức của Giáo triều này không có thu nhập riêng, và thường không nhận được khoản chi trả tài chính cho các dịch vụ. Chúng ta hãy nghĩ đến việc phục vụ sự hiệp nhất của đức tin, phụng vụ, các tòa án của Giáo hội, truyền thông của Đức Thánh Cha, việc chăm sóc di sản nhận được qua nhiều thế kỷ trong Thư viện hoặc Văn khố, nơi lưu giữ các tài liệu quan trọng của lịch sử nhân loại, các cơ quan đại diện của Giáo hoàng trên khắp thế giới,v.v… Những dịch vụ này được cung cấp cho Giáo hội hoàn vũ, nhưng không có thu nhập và được tài trợ một phần bởi “Đồng tiền thánh Phêrô”.
Người ta thường nói về “quỹ triệu đô” của “Đồng tiền thánh Phêrô”. Cha có thể giải thích lý do tại sao một phần quyên góp của “Đồng tiền thánh Phêrô” được tiết kiệm, và tại sao một quỹ được thành lập?
Về khoản tiết kiệm và thực tế là đã có quỹ “Đồng tiền thánh Phêrô” tồn tại trong nhiều thập kỷ, một lời giải thích cơ bản là khi các khoản đóng góp đáng kể và ngoại thường đến, chẳng hạn như một yêu cầu lớn cho sứ vụ của Đức Giáo Hoàng, thì có vẻ không khôn ngoan nếu chi tiêu ngay trong năm. Nó có thể được sử dụng sau đó, khi cần thiết, hoặc có thể tạo một quỹ để hỗ trợ các dự án dài hạn theo thời gian. Tiết kiệm trong những năm ít cần để sử dụng những khi cần thiết là điều hợp lý và khôn ngoan. Tất nhiên, những khoản tiết kiệm này phải được quản lý cẩn thận, theo các nguyên tắc của học thuyết xã hội của Giáo hội, với sự khôn ngoan của một người cha tốt trong gia đình, và với ý thức rằng những gì chúng tôi nhận được mỗi năm không đủ cho tất cả các chi phí của sứ vụ.
Cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch gây ra có ảnh hưởng nhiều đến cuộc lạc quyên “Đồng tiền thánh Phêrô” gần đây không?
Chúng tôi đã nhận thấy sự sụt giảm trong những lần lạc quyên trong vài năm qua. Từ năm 2015 đến 2019, quyên góp giảm 23%. Ngoài sự sụt giảm này, vào năm 2020, năm đầu tiên của Covid, “Đồng tiền thánh Phêrô” nhận được thấp hơn 18%. Cuộc khủng hoảng liên quan đến đại dịch có thể sẽ lại tái diễn trong năm nay. Một số khoản quyên góp nhận được có mục đích cụ thể, số khác là tặng nói chung cho Đức Thánh Cha. Năm 2019, lạc quyên “Đồng tiền thánh Phêrô” nhận được 53,86 triệu euro, được phân bổ như sau: 43 triệu trong quỹ chung của “Đồng tiền thánh Phêrô” và 10,8 triệu với những điểm đến cụ thể cho những hoàn cảnh cần thiết trong Giáo hội và thế giới. Năm 2020, khoản quyên góp nhận được là 44,1 triệu euro, được phân bổ như sau: 30,3 triệu cho “Đồng tiền thánh Phêrô” và 13,8 triệu cho các điểm đến cụ thể.
Cha có thể nói rõ về “điểm đến cụ thể” không?
Khi chúng ta nói về các điểm đến cụ thể hoặc có chủ đích, chúng ta muốn nói đến các khoản đóng góp có mục tiêu, ví dụ, để xây dựng nhà thờ ở các nước thuộc thế giới thứ ba, các dịch vụ xã hội như bệnh viện cho trẻ em hoặc hỗ trợ cho các trường học ở các khu vực nghèo khó, hỗ trợ cho sự hiện diện của các cộng đoàn tu sĩ ở những khu vực khó khăn do bạo lực hoặc nghèo đói, đào tạo các nhân viên mục vụ, v.v. Ở những điểm đến này, các dự án xã hội chiếm phần lớn. Nếu chúng tôi nhận được một khoản đóng góp với mục đích đã được xác định và chấp nhận nó, chúng tôi tôn trọng ý muốn của nhà tài trợ. Mặt khác, trong ngân sách của một số Bộ, trong năm thu nhập thấp hơn này, các khoản chi tiêu đã tăng lên để hỗ trợ các Giáo hội gặp khó khăn, như trong trường hợp của Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện, đã tăng chi tiêu để hỗ trợ một số thực tế khó khăn nhất trong năm nay.
Thưa cha Guerrero, tại sao điều quan trọng là phải cộng tác? Tại sao lại quyên góp cho “Đồng tiền thánh Phêrô”?
Điều quan trọng là phải cộng tác vì chúng ta không thể tưởng tượng rằng sứ vụ của Giáo hội có thể được duy trì nếu không có sự đóng góp của các tín hữu. Công cuộc loan báo Tin Mừng trên khắp thế giới, với tất cả những gì nó đòi hỏi, đã có sẵn một cơ cấu hỗ trợ. Giáo hội luôn sống theo cách này. Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói trong sứ điệp của ngài với Các Hội Giáo hoàng Truyền giáo, Giáo hội luôn tiếp tục nhờ vào sự dâng cúng của bà góa, và sự đóng góp của vô số người biết ơn về món quà đức tin và những người cho đi những gì họ có thể. Ngay từ khi mới thành lập Giáo hội, thánh Phaolô đã khuyến khích một cuộc lạc quyên ủng hộ Giáo hội tại Giêrusalem (1Cr 16, 1). Trong các thư, Thánh Tông đồ đưa ra một số tiêu chí tập trung vào nguyên tắc hiệp thông của các cộng đoàn thuộc một Giáo hội duy nhất.
Quỹ “Đồng tiền thánh Phêrô” thường được nhắc đến trên các phương tiện truyền thông trong hai năm gần đây do khoản đầu tư vào quỹ sở hữu tòa nhà Đại lộ Sloane ở London. Vậy “Đồng tiền thánh Phêrô” có bị mất nhiều tiền trong hoạt động này không?
Đây là một câu chuyện đau lòng. Điều luôn đúng rằng trong đầu tư đôi khi bạn được lợi và đôi khi bạn mất. Nhưng nếu có sai phạm thì phải hiểu và trừng phạt những người có trách nhiệm. Các khoản đầu tư của “Đồng tiền thánh Phêrô” theo truyền thống được đặt cùng với các khoản đầu tư từ các quỹ khác được giao cho Phủ Quốc vụ khanh. Không dễ để nói rằng phần này, hoặc tòa nhà này thuộc về “Đồng tiền thánh Phêrô” và phần này thuộc về các quỹ khác. Như tôi đã nói, Tòa Thánh đã bắt đầu vào một con đường minh bạch và con đường này cũng bao gồm việc làm sáng tỏ những sự kiện không rõ ràng. Trong lúc này, điều có thể nói là sự mất giá và tổn thất liên quan đến tòa nhà ở London không ảnh hưởng đến quỹ “Đồng tiền thánh Phêrô” nhưng ảnh hưởng đến các quỹ khác do Phủ Quốc vụ khanh nắm giữ. Tôi tin rằng điều này được thực hiện vì sự tôn trọng đối với sự đóng góp của các tín hữu.
Rất nhiều con số đã được viết ra, có người nói đến khoảng 800 triệu euro? Cha có thể cho biết quỹ “Đồng tiền thánh Phêrô” thực sự có bao nhiêu tiền không?
Nói về 800 triệu euro … với tôi dường như là điều viển vông! Trong các tài khoản mà tôi đã thấy, giá trị tài sản ròng của tất cả các quỹ của Phủ Quốc vụ khanh trong mười năm qua luôn thấp hơn nhiều so với số tiền này. Quỹ “Đồng tiền thánh Phêrô” năm 2015 là 319 triệu euro. Trong những năm gần đây, Quỹ đã chi trung bình hơn 19 triệu euro so với số tiền thu được. Tính đến ngày 31/12/2020, quỹ “Đồng tiền thánh Phêrô” có khoảng 205 triệu euro, một phần trong số này nằm trong những khoản đầu tư thanh khoản, bao gồm toà nhà London nổi tiếng. Quỹ “Đồng tiền thánh Phêrô” đã bị hụt bớt trong những năm gần đây do chi phí cho các Bộ của Giáo triều, vốn cần chi nhiều hơn so với những gì thu được. Rõ ràng là điều này không thể tiếp tục được nữa.
Hiện nay, ai quản lý “Đồng tiền thánh Phêrô”?
Trước đây, các khoản quyên góp “Đồng tiền thánh Phêrô” do Phủ Quốc vụ khanh quản lý. Vào tháng 12/2020, với Tự sắc liên quan đến thẩm quyền trong vấn đề kinh tế tài chính, Đức Thánh Cha đã chính thức cho phép chuyển giao các hoạt động kinh tế tài chính, từ Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh sang Cơ quan Quản trị tài sản của Tòa Thánh, gọi tắt là APSA. Đối với cuộc lạc quyên, một phần lớn nó diễn ra tại các Giáo hội địa phương trong cuộc quyên góp vào ngày lễ Thánh Phêrô, ngày 29/6. Năm ngoái ở nhiều quốc gia, do các nhà thờ đóng cửa vì đại dịch, cuộc lạc quyên đã được chuyển đến 4/10, lễ thánh Phanxicô. Năm nay nó sẽ diễn ra một lần nữa vào Ngày thánh Phêrô. Các giáo xứ gửi lạc quyên đến giáo phận, và các giáo phận gửi cho các Tòa Sứ thần, sau đó gửi đến Rôma. Nhiều tín hữu quyên góp trực tiếp qua trang web hoặc bằng cách chuyển trực tiếp vào tài khoản Ngân hàng Vatican (IOR) . Đối với Tự sắc tháng 12 năm ngoái, nó đáp ứng nhu cầu đảm bảo tính minh bạch tối đa, sự tách biệt các chức năng trong sự thống nhất của sứ vụ. Tòa Thánh chỉ là một. Tất cả chúng ta đều phục vụ sứ vụ của Đức Giáo hoàng, Người kế vị thánh Phêrô. Việc quản lý và điều hành quỹ và số tiền thu được hiện nay là trách nhiệm của Cơ quan quản trị tài sản của Toà Thánh (APSA), mặc dù theo lẽ tự nhiên, Phủ Quốc vụ khanh, qua các Tòa Sứ thần, biết rõ nhất nhu cầu của các Giáo hội địa phương và của các quốc gia, là cơ quan chỉ định các dự án để được giúp đỡ. Việc kiểm soát thu nhập và chi phí thuộc trách nhiệm của Bộ Kinh tế, nơi đặt Văn phòng “Đồng tiền thánh Phêrô”. Chúng tôi hy vọng có thể cung cấp càng sớm càng tốt một bản tường trình chính xác cho các tín hữu về mọi thứ liên quan đến việc quyên góp “Đồng tiền thánh Phêrô”, bắt đầu với các khoản thu và các khoản chi.
Ngọc Yến
Nguồn: Đài Vatican News