Trên chuyến bay từ Tokyo về Roma, ĐTC Phanxicô tái khẳng định thông điệp mạnh mẽ của Hiroshima, ngài cũng bày tỏ nghi ngờ về các trung tâm hạt nhân cho đến khi có sự an toàn tuyệt đối.
Như thông lệ, trên chuyến bay từ thủ đô Tokyo của Nhật Bản về Roma, ĐTC Phanxicô đã trả lời một số câu hỏi của các ký giả trên cùng chuyến bay với ĐTC Phanxicô. Sau đây chúng tôi xin gửi đến quý vị phần thứ nhất nội dung của cuộc phỏng vấn.
** Đầu tiên là câu hỏi của cha Makoto Yamamoto của báo Catholic Shimbum
Chúng con cám ơn Đức Thánh Cha từ một nơi xa xôi đã đến thăm nước Nhật. Con là một linh mục giáo phận ở gần Nagasaki. Đức Thánh Cha đã thăm Nagasaki và Hiroshima, Đức Thánh Cha cảm thấy thế nào? Xã hội và Giáo hội ở Đông phương có điều gì cho xã hội và Giáo hội Tây phương học hỏi không thưa Đức Thánh Cha?
– Tôi bắt đầu từ cuối. Câu nói: ánh sáng đến từ phương Đông, từ phương Tây xuất phát sự xa hoa, đã soi sáng cho tôi rất nhiều. Ánh sang đến từ phương Đông, sự xa hoa, chủ nghĩa tiêu thụ đến từ phương Tây. Đúng là có sự khôn ngoan của phương đông, nó không chỉ là sự khôn ngoan về tri thức nhưng là về thời gian, về suy niệm. Việc học suy chiêm, dừng lại và chiêm ngắm các sự vật như một nhà thơ giúp rất nhiều cho xã hội Tây phương luôn luôn quá vội vã của chúng ta. Đây là ý kiến cá nhân, nhưng tôi tin rằng ở Tây phương còn thiếu một tí thi vị. Có những điều thi vị tuyệt đẹp nhưng Đông phương vượt trên những điều đó. Đông phương có khả năng quan sát sự vật với đôi mắt vượt trên sự vật, tôi không muốn dùng từ “siêu việt” bởi vì một số tôn giáo Đông phương không đề cập đến sự siêu việt mà là một tầm nhìn vượt quá giới hạn của sự vô thường, nhưng không nói về sự siêu việt. Vì thế tôi dùng cách diễn tả như thi ca, tìm kiếm sự hoàn hảo trong việc ăn chay, đền tội, trong việc đọc sự khôn ngoan của các nhà hiền triết phương Đông. Tôi tin rằng sẽ tốt cho người phương Tây chúng ta dừng lại một chút và dành thời gian cho sự khôn ngoan.
Cả Nagasaki và Hiroshima đều bị thương tổn vì bom nguyên tử và điều này làm cho hai thành phố này giống nhau. Nhưng có một điều khác. Nagasaki không chỉ có bom nhưng còn có các Kitô hữu. Nagasaki có cội rễ Kitô giáo, Kitô giáo đã có từ xa xưa, việc bách hại Kitô hữu xảy ra ở khắp nước Nhật nhưng ở Nagasaki nó đã xảy ra khốc liệt. Người thư ký của Tòa Sứ thần đã tặng cho tôi một tấm bảng bằng gỗ của thời đó, trên đó có viết chữ “người cần tìm”: họ truy lùng các Kitô hữu! Nếu anh tìm thấy một Kitô hữu, hãy tố cáo và anh sẽ nhận được nhiều tiền; nếu anh tìm ra một linh mục, hãy tố cáo ông và anh sẽ có nhiều tiền. Điều này gây đau khổ cho Giáo hội, nhiều thế kỷ bách hại. Ngược lại, đi đến Hiroshima chỉ để nhắc lại về bom nguyên tử, bởi vì nó không phải là một thành phố Kitô giáo như Nagasaki. Đây là lý do tại sao tôi muốn đi đến cả hai thành phố, trong cả hai nơi đều có thảm họa nguyên tử.
Hiroshima là một bài giáo lý thực sự của con người về sự tàn ác, tôi không thể thăm bảo tàng Hiroshima do hạn chế về thời gian, bởi vì đó là một ngày có chương trình quá dày, nhưng họ nói nó khủng khiếp: các thư từ của các nguyên thủ quốc gia, các tướng lĩnh, giải thích làm thế nào để có thể thực hiện một thảm họa lớn hơn. Đối với tôi đó là một trải nghiệm đánh động hơn nhiều. Và ở đó tôi đã nhắc lại rằng việc sử dụng vũ khí hạt nhân là vô đạo đức, đó là lý do tại sao nó phải được đưa vào Giáo lý của Giáo hội Công giáo, và không chỉ là việc sử dụng, thậm chí là sở hữu, bởi vì một tai nạn, hoặc sự điên rồ của một kẻ thống trị, sự điên rồ của một người có thể hủy diệt nhân loại. Chúng ta hãy nghĩ về câu nói của Einstein: “Chiến tranh thế giới thứ tư sẽ được chiến đấu bằng gậy và đá”.
** Câu hỏi của Shinichi Kawarada, báo The Asahi Shimbum
Như Đức Thánh Cha đã xác định cách đúng đắn rằng một nền hòa bình bền vững không thể có nếu không giải trừ vũ khí. Nhật Bản là một quốc gia có sự bảo vệ bởi vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ và cũng là một nhà sản xuất năng lượng hạt nhân, mang theo rủi ro to lớn như đã xảy ra ở Fukushima. Nhật Bản có thể đóng góp cho hòa bình thế giới như thế nào? Nó phải đóng cửa tất cả trung tâm hạt nhân?
– Tôi trở lại vấn đề sở hữu võ khí hạt nhân. Một tai nạn luôn có thể xảy ra, 3 thảm họa (động đất, sóng thần và thảm họa hạt nhân tại nhà máy Fukushima năm 2011), anh chị em đã có kinh nghiệm. Năng lượng hạt nhân là một hạn chế, chúng ta hãy loại bỏ các vũ khí bởi vì đó là một sự hủy diệt. Việc sử dụng năng lượng hạt nhân là điều rất hạn chế bởi vì chúng ta chưa đạt đến mức an toàn tối đa. Bạn có thể nói với tôi rằng ngay cả điện cũng có thể tạo nên thảm họa vì sự không an toàn, nhưng nó chỉ là một thảm họa nhỏ. Thảm họa của một trung tâm hạt nhân sẽ là một thảm họa cực kỳ to lớn. Và an ninh chưa được thực hiện. Đây là ý kiến cá nhân, tôi sẽ không sử dụng năng lượng hạt nhân cho đến khi có sự an toàn tuyệt đối khi sử dụng nó. Một số người nói rằng đó là một rủi ro cho việc chăm sóc công trình sáng tạo và phải dừng năng lượng hạt nhân lại. Tôi chú trọng đến sự an toàn. Không có sự an toàn để bảo đảm rằng không có thảm họa xảy ra. Vâng, cứ mười năm một lần trên thế giới. Tiếp đến là công trình sáng tạo, thảm họa của sức mạnh hạt nhân đối với công trình sáng tạo, với con người. Có một thảm họa ở Ucraina (ở Chernobyl, năm 1986). Chúng ta phải nghiên cứu về sự an toàn để tránh thảm họa và tác động đến môi trường. Về môi trường tôi tin rằng chúng ta đã vượt quá giới hạn, trong nông nghiệp với thuốc trừ sâu, trong việc nuôi gà với các bác sĩ nói với các bà mẹ đừng cho các trẻ em ăn những thứ được nuôi vì chúng được nuôi bằng hoóc môn và có hại cho sức khỏe. Vì vậy, ngày nay có nhiều bệnh hiếm do việc sử dụng không tốt môi trường. Chăm sóc môi trường là điều làm ngày hôm nay, hoặc không bao giờ. Nhưng trở lại với năng lượng hạt nhân: xây dựng, an toàn và chăm sóc công trình sáng tạo.
** Câu hỏi của Elisabetta Zunica, báo Kyoto News
Akamada Iwao là một tử tù người Nhật, đang đợi xem xét lại tiến trình xử án. Iwao có hiện diện trong Thánh lễ tại Tokyo Dome, nhưng không có cách nào để nói chuyện với Đức Thánh Cha. Trong chương trình của Đức Thánh Cha có một cuộc gặp gỡ ngắn với tử tù này không? Vấn đề án tử hình được thảo luận rộng rãi ở Nhật Bản. Không lâu trước khi có sửa đổi trong Giáo lý về vấn đề này, mười ba án tử hình đã được thực hiện. Trong các bài phát biểu của Đức Thánh Cha không có đề cập đến vấn đề này. Đức Thánh Cha có nói về nó với Thủ tướng Shinto Abe không?
– Tôi biết về trường hợp tử hình đó sau này; tôi không biết người đó. Tôi đã nói với Thủ tướng về rất nhiều vấn đề, các tiến trình, các án chung thân không kết thúc, với cái chết hay không chết. Nhưng tôi nói về những vấn đề chung chung, cũng tồn tại ở các quốc gia khác: nhà tù quá tải, người dân chờ đợi ở một nhà giam tạm mà không được giả định là vô tội. Mười lăm ngày trước tôi đã có bài phát biểu tại hội nghị quốc tế về hình luật và tôi đã nói chuyện nghiêm túc về vấn đề này. Hình phạt tử hình không thể được thực hiện, nó là phi đạo đức. Điều này phải được kết hợp với một ý thức phát triển. Ví dụ, một số quốc gia không thể bãi bỏ nó do các vấn đề chính trị, nhưng đình chỉ thi hành án là một cách mang lại sự sống trong tù mà không cần tuyên bố. Nhưng bản án phải luôn là để tái hòa nhập, một bản án không có “cửa sổ hướng về chân trời” là phi nhân. Ngay cả đối với tù chung thân, chúng ta phải suy nghĩ về cách những tù nhân chung thân có thể được tái hòa nhập, trong tù hay bên ngoài. Chị sẽ nói với tôi: nhưng có những người bị kết án vì một vấn đề điên rồ, bệnh hoạn, không thể sửa đổi được bản tính… Phải tìm cách để họ thực hiện các hoạt động khiến họ cảm thấy mình là con người. Ở rất nhiều nơi trên thế giới, các nhà tù quá đông đúc, chúng là những kho thịt người, nơi thay vì sức khỏe được phát triển thì nhiều khi lại bị hủy hoại. Chúng ta phải chiến đấu chống lại án tử hình “từ từ”. Có những trường hợp mang lại cho tôi niềm vui vì có những quốc gia nói rằng: chúng tôi chấm dứt. Một lãnh đạo của một quốc gia, hồi năm ngoái, trước khi nghỉ việc, đã đưa ra sự đình chỉ gần như quyết định: đó là những bước đi của lương tâm con người. Nhưng một số quốc gia vẫn chưa thể gia nhập vào trong dòng nhân loại này.
** Câu hỏi của Jean-Marie Guénois, báo Le Figaro
Đức Thánh Cha đã nói rằng hòa bình thật sự chỉ có thể khi giải trừ vũ khí, nhưng mà tự vệ chính đáng thì sao, khi một quốc gia bị một quốc gia khác tấn công? Có khả năng tồn tại một cuộc chiến chính nghĩa không? Và Đức Thánh Cha có dự án viết một thông điệp về bất bạo động không?
– Một dự án, Đức Giáo hoàng kế tiếp sẽ làm… Có nhiều dự án đang nằm trong ngăn bàn. Một thông điệp về hòa bình đang ở đó, đang chín mùi. Tôi sẽ làm điều đó khi tôi cảm thấy đã đến lúc. Ví dụ, vấn đề bắt nạt là một vấn đề bạo lực, tôi đã nói về nó với những người trẻ Nhật Bản. Đó là một vấn đề mà chúng ta đang cố gắng giải quyết với rất nhiều chương trình giáo dục. Đó là một vấn đề bạo lực. Một thông điệp về bất bạo động tôi chưa cảm thấy chín mùi, tôi phải cầu nguyện rất nhiều và phải tìm hướng đi.
Người Roma có câu nói: Nếu bạn muốn hòa bình, hãy chuẩn bị cho chiến tranh. Điều đó chúng ta chưa trưởng thành, các tổ chức quốc tế không thành công, Liên Hiệp Quốc thất bại, họ thực hiện nhiều cuộc hòa giải giá trị, các quốc gia như Na Uy luôn sẵn sàng hòa giải, tôi thích điều đó nhưng còn ít, chúng ta còn phải làm nhiều hơn thế. Anh hãy nghĩ về Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, nếu có vấn đề về vũ khí và mọi người đồng ý giải quyết vấn đề đó để tránh nguy cơ chiến tranh, mọi người đều bỏ phiếu đồng ý, một người có quyền phủ quyết nói không và tất cả đều dừng lại. Tôi không thể đánh giá liệu nó có tốt hay không, đó là một ý kiến mà tôi đã nghe, nhưng có lẽ Liên Hiệp Quốc nên tiến tới việc từ bỏ quyền phủ quyết của một số quốc gia trong Hội đồng Bảo an. Tôi cảm thấy điều này như một khả năng. Trong thế giới cân bằng có những lập luận mà tại thời điểm này tôi không thể phán đoán. Nhưng tất cả những gì chúng ta có thể làm để ngăn chặn việc sản xuất vũ khí, ngăn chặn chiến tranh, để tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán, với sự giúp đỡ của những người tạo điều kiên, điều này phải luôn luôn được thực hiện và cho kết quả.
Ví dụ trong trường hợp Ucraina-Nga, không phải về vũ khí, đó là cuộc đàm phán để trao đổi tù nhân, điều này là tích cực. Ở Donbass, họ nghĩ đến việc lập kế hoạch cho một chế độ chính phủ khác, họ đang thảo luận về nó. Đây là một bước tích cực. Một điều tồi tệ là “kẻ trang bị vũ khí” đạo đức giả. Các nước Kitô giáo, các nước châu Âu nói về hòa bình và sống bằng vũ khí, đây là đạo đức giả, một từ trong Tin Mừng mà Chúa Giêsu đã nói trong chương 23 của Tin Mừng thánh Mátthêu: cần kết thúc sự giả hình này. Cần phải có can đảm để nói: “Tôi không thể nói về hòa bình, bởi vì nền kinh tế của tôi thu lợi rất nhiều từ vũ khí”. Chúng là tất cả những thứ không xúc phạm và không làm dơ bẩn đất nước đó, nhưng nói như những người anh em, vì tình huynh đệ nhân loại: chúng ta hãy ngừng lại vì đó là điều xấu. Ở một hải cảng, một con tàu đến từ một quốc gia và phải chuyển vũ khí sang một con tàu khác để đưa đến Yemen và các công nhân bến cảng nói “không”. Họ là những người can đảm và con tàu đó trở về lại quốc gia của nó. Đó là một trường hợp, nhưng nó dạy chúng ta làm thế nào để đi theo hướng này. Hòa bình ngày nay rất mong manh, nhưng chúng ta không được nản lòng. Giả thuyết về tự vệ chính đáng luôn luôn tồn tại, nó được suy tư ngay cả trong thần học luân lý, nhưng như một phương sách cuối cùng. Phương án cuối cùng với vũ khí. Việc bảo vệ chính đáng phải được thực hiện bằng ngoại giao, với hòa giải. Phương án cuối cùng: phòng thủ chính đáng với vũ khí. Nhưng tôi nhấn mạnh: đó là biện pháp cuối cùng! Chúng ta đang tiến về phía trước trong một sự tiến triển đạo đức mà tôi thích, trong việc đặt câu hỏi về tất cả những điều này. Điều này thật đẹp bởi vì nó nói rằng nhân loại tiến bước ngay cả với điều tốt, không chỉ với điều xấu.
Hồng Thủy
Nguồn: Đài Vatican