Ngày 11/10, trước Ủy ban thứ hai của Đại hội đồng LHQ về chương trình nghị sự mục 18: “Phát triển bền vững – Bảo vệ khí hậu toàn cầu cho các thế hệ hiện tại và tương lai của nhân loại”, Đức Tổng Giám mục Gabriele Caccia, Quan sát viên Thường trực của Tòa thánh tại Liên Hiệp Quốc, đã nhấn mạnh rằng biến đổi khí hậu là một vấn đề toàn cầu với những tác động nghiêm trọng đối với tất cả mọi người, và ngài kêu gọi một cách tiếp cận đa chiều để giải quyết các nguyên nhân và giảm thiểu tác động của nó.
Đức TGM Caccia nhấn mạnh: “Điều quan trọng là biến các cam kết chính trị thành hành động; đồng thời các Quốc gia phải và phát triển các chiến lược giảm thiểu và thích ứng hiệu quả.”
Đầu tiên, đề cập đến vấn đề giảm thiểu, Đức Tổng Giám mục Caccia nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của biến đổi khí hậu, bao gồm cả việc chuyển đổi sang các nguồn năng lượng bền vững. Ngài đề cập cụ thể đến việc sản xuất năng lượng từ than, và kêu gọi các quốc gia “nỗ lực gấp đôi để đảm bảo loại bỏ hoàn toàn trong dài hạn.” Đồng thời, “việc chuyển đổi sang các nguồn năng lượng bền vững đòi hỏi các Quốc gia phát triển phải cân nhắc đến hoàn cảnh và nhu cầu của các nước đang phát triển, bao gồm cả sự hỗ trợ xây dựng năng lực và tài chính.”
Thứ hai, liên quan đến vấn đề thích ứng, “điều quan trọng là phải xây dựng khả năng phục hồi của môi trường tự nhiên và con người để chịu được và thích ứng với các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, bao gồm cả các hiện tượng thời tiết cực đoan.” Đức Tổng Giám mục ghi nhận “điều đáng khích lệ là, trên khắp thế giới, gần 80% quốc gia đã giải quyết vấn đề thích ứng thông qua các kế hoạch, chiến lược và luật cụ thể. Tuy nhiên, các sáng kiến thích ứng thường vẫn còn rời rạc, phân mảnh và được thiết kế để phản ứng trước các tác động hiện tại hoặc rủi ro ngắn hạn thay vì tính đến những hiệu quả lâu dài.
Theo Quan sát viên Thường trực của Toà Thánh, “các biện pháp thích ứng và giảm thiểu là hai điều kiện tiên quyết cần thiết và không thể tách rời để đạt được sự phát triển bền vững phục hồi khí hậu.”
Về phía Toà Thánh, sau khi đã cam kết giảm lượng khí thải ròng xuống 0 vào năm 2050, và trong nỗ lực hợp tác liên đới với tất cả các Quốc gia “để ứng phó hiệu quả với những thách thức do biến đổi khí hậu gây ra”, Tòa Thánh, nhân danh và đại diện cho Quốc gia Thành Vatican, gần đây đã lưu chiểu các văn kiện gia nhập Công ước Khung của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi khí hậu và Hiệp định Paris. Các văn kiện này đã có hiệu lực từ ngày 4 tháng 10 vừa qua.
Văn Yên, SJ
Nguồn: Đài Vatican News