Thánh Têrêsa Avila thường lặp lại những lời này với các chị em: “Một nữ tu buồn là một nữ tu đáng buồn”. Lưu tâm đến những lời cảnh báo của nhà cải cách Cát Minh với gia đình tu viện, sơ Martha Pelloni luôn cố gắng mỉm cười. Điều này không phải tự nhiên sơ có được, nhưng là kết quả của một cuộc đấu tranh nội tâm mỗi ngày chống lại sự cam chịu, chán nản, đau khổ, cảm giác bất lực; những cảm xúc mà chỉ những ai chọn ở với những nô lệ của thế kỷ XXI mới có được.
Hiện nay, sơ Martha đang sống ở tu viện Santos Lugares, thuộc tỉnh Buenos Aires. Sơ kể lại công việc tông đồ của sơ trong cuộc chiến dành lại nhân phẩm cho phụ nữ như sau:
Nói chung, các phụ nữ thường rất trẻ, chỉ ở độ tuổi thanh thiếu niên. Họ là những người đã bị mua bán, sử dụng và vứt bỏ bên lề đường dưới ánh sáng mặt trời. Đó là hậu quả của đường dây liên kết giữa quyền lực chính trị và sức mạnh kinh tế. Thảm trạng này xảy ra khắp mọi nơi: nạn buôn người là một trường hợp khẩn cấp toàn cầu.
Dành hết tâm huyết cho giáo dục
Tại thành phố San Fernando del Valle de Catamarca của Argentina, cách Buenos Aires gần 1000 km, vào năm 1976, sơ Martha, nữ tu Dòng Nữ Cát Minh Truyền Giáo, ở tuổi 35 như gặp được một bệ phóng cho hoạt động tông đồ khi làm việc với Đức cha lberto Devoto, người bảo vệ nhân quyền lịch sử. Đối với sơ, đây là một trải nghiệm quan trọng, sơ dành hết tâm huyết cho việc giảng dạy và đào tạo.
Không sợ bóng đêm tội ác
Năm 1990, khi đó sơ Martha là hiệu trưởng trường Cát Minh và Thánh Giuse. Khi gần cuối năm học, María Soledad Morale, một trong các sinh viên tốt nghiệp bị bắt cóc, tra tấn và sát hại. Ngày 10/11, một số công nhân thấy xác cô bị biến dạng trên đường ở ngoại ô thành phố. Hai ngày sau cô sẽ tròn 18 tuổi. Ngay từ đầu cảnh sát đã làm tất cả những gì có thể để che giấu tội ác và bảo đảm “những đứa con của quyền lực” không bị trừng phạt. Họ là con cháu của giới thượng lưu địa phương, những vị chúa tể của bóng đêm, những ông chủ của thành phố và sự sống của các thiếu nữ, đặc biệt các thiếu nữ nghèo; những người yêu thích đèn đỏ, rượu, ma túy và các cô gái. María Soledad không phải là nạn nhân đầu tiên và cũng không phải là người cuối cùng. Cả trường đang chờ câu trả lời. Sơ Martha nói: “Đối với tôi, đây như là một lời mời gọi mới của Thiên Chúa. Một lần nữa tôi đáp lời thưa xin vâng. Cùng với các gia đình, những người bạn, các đồng nghiệp, chúng tôi quyết định xé bức màn im lặng, ngay cả khi cái giá phải trả là phải đối phó với các đặc vụ, cảnh sát, thẩm phán. Nó không kết thúc ở đó. Câu chuyện của María Soledad buộc tôi phải lưu ý đến thực tế mà cho đến lúc đó tôi chưa thấy. Tôi không thể tránh xa trước tiếng kêu cứu của họ. María Soledad là một điểm không thể quay trở lại của tôi”.
Ở tuổi 79 vẫn tiếp tục cuộc chiến
Năm nay ở tuổi 79, nhân danh Tin Mừng, sơ Martha tiếp tục cuộc chiến cho phẩm giá phụ nữ. Sơ cộng tác với “Infancia robada-Tuổi thơ bị đánh cắp”, một mạng lưới được hình thành từ 35 diễn đàn rải rác khắp đất nước, đi đầu trong việc nâng cao cao nhận thức và tố cáo các vụ buôn bán nô lệ. Nữ tu “nữ quyền” khẳng định: “Hoạt động của chúng tôi là chống lại việc buôn bán đánh cắp quyền con người. Đây là một bổn phận của Kitô hữu, phải chống lại thảm trạng này. Tin Mừng yêu cầu đấu tranh chống lại tất cả những gì phỉ báng con người, được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa. Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi tôi trong một tin nhắn cách đây hai năm. Đức Thánh Cha khuyến khích tôi ‘hãy tiếp tục gây ồn ào’. Tôi hiểu ngài muốn tôi không dừng lại việc dấn thân này. Tôi biết Đức Thánh Cha từ khi ngài còn là Tổng Giám mục Buenos Aires, và ngài rất quan tâm đến hình thức nô lệ mới này. Tôi rất yêu mến Đức Thánh Cha”.
Kiên trì theo đuổi tìm sự thật
Sơ Martha cho biết, thời gian đó, Đức Tổng Giám mục Bergoglio rất gần gũi đồng hành với sơ trong những lúc khó khăn do bị hiểu lầm, đe dọa, buộc tội. Vào đầu những năm 2000, tại Goya thuộc tỉnh Corrientes sơ đã khám phá một đường dây mua bán trẻ em bất hợp pháp. Sơ kể lại sự việc bắt đầu như sau: “Nhiều thiếu nữ giúp việc nhà trong các gia đình đến gặp tôi và thú nhận rằng họ thường xuyên bị các ông chủ lạm dụng. Một số người đã mang thai và phải bỏ con nếu không muốn mất việc. Ngay lúc đó, tôi đã nghi ngờ rằng đằng sau các câu chuyện này có hoạt động kinh doanh mờ ám. Phải mất 6 năm tìm kiếm, cuối cùng qua một thiếu nữ tôi đã có bằng chứng. Người này đã trao con cho một cặp vợ chồng người Đức, nhưng đã hối hận và đến thú nhận với tôi tất cả. Thì ra, một chính trị gia địa phương và chồng bà hành nghề luật sư đã tổ chức các vụ buôn bán trẻ em cho người nước ngoài”.
Năm 2008, tại Lavalle gần Goya, vị nữ tu “bướng bỉnh” đã nói thẳng với cảnh sát trưởng: “Tất cả nhờ vào sự can đảm của Estelita. Trong một năm thiếu nữ 15 tuổi này bị bắt cóc hai lần, bị hãm hiếp và ép làm gái mãi dâm trong nhiều ngày và sau đó bị những cảnh sát đã tra tấn đưa trở về nhà. Cuối cùng, cô không thể chịu được và tiết lộ tên những người kẻ đã tra tấn cô. Từ những vụ hãm hiếp cô đã có một bé trai sinh vào lễ Giáng Sinh. Vì thế, bé được đặt tên là Giêsu. Giêsu vừa xong trung học và gọi tôi bằng bà”.
Không để mình gặp rắc rối từ thất bại
Cũng nhờ sự dấn thân của sơ Martha và mạng lưới Infancia robada, chính phủ Argentina đã phê duyệt các biện pháp quan trọng chống buôn bán, bạo lực giới, lạm dụng trẻ em. Tuy vậy, các hình thức nô lệ vẫn còn tiếp tục gia tăng cùng với các tổ chức mafia, được những kẻ tham nhũng hậu thuẫn vẫn là sự bận tâm của sơ Martha. Tuy nhiên, sơ Martha vẫn không mất nụ cười tin tưởng nói: “Tôi đã học được từ Thánh Têrêsa, Thánh nữ là nguồn cảm hứng cho tôi, một người nữ có những cảm xúc mạnh mẽ, một người luôn đấu tranh. Nhà thần bí Avila đã học được cách không để cho mình gặp rắc rối từ những thất bại; bởi vì theo Thánh nữ để thấy được hoa trái, cần phải có thời gian. Thời gian thuộc về Thiên Chúa. Con người chỉ được ban cho nhiệm vụ gieo hạt. Kiên nhẫn có được tất cả”.
Ngọc Yến
Nguồn: Đài Vatican News