Trong các ngày từ 13 tới 23 tháng 7 vừa qua Liên HĐGM vùng Đông Phi châu, viết tắt là AMECEA, đã nhóm đại hội lần thứ XIX tại Addis Abeba, thủ đô Etiopia, về đề tài “Khác biệt sinh động, Phẩm giá như nhau, Hiệp nhất hòa bình trong Thiên Chúa tại vùng Liên HĐGM Đông Phi châu.” Liên HĐGM Đông Phi châu quy tụ HĐGM các nước Eritrea, Etiopia, Malawi, Tanzania, Sudan, Nam Sudan, Uganda, Zambia và các thành viên Djibouti và Somalia, nhóm đại hội 4 năm một lần.
Phần mở đầu
Sau khi bầy tỏ lòng biết ơn Thiên Chúa, biết ơn ĐTC vì tinh thần thượng hội đồng giám mục và sự lãnh đạo tinh thần của ngài, các Giám Mục vùng Đông Phi châu cũng cám ơn sự khích lệ và liên đới của ĐTGM Luigi Bianco, Sứ Thần Tòa Thánh tại Etiopia, ĐC Protase Rugambwa, thư ký Bộ rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc, ĐC Bruno Marie Duffe, thư ký Bộ phát triển nhân bản toàn diện, và ĐHY Joseph Tobin, chủ tịch tiểu ban ngân quỹ liên đới với Giáo Hội tại Phi châu kiêm đại diện HĐGM Hoa Kỳ. Các Giám Mục cũng nhớ ơn các vị tiền nhiệm thành lập Liên HĐGM vùng Đông Phi châu nhằm mục đích thăng tiến tình liên đới mục vụ xã hội cho toàn vùng. Các vị cũng cám ơn nhân dân Etiopia, Giáo Hội công giáo, các giám mục, linh mục tu sĩ nam nữ, giáo dân và chính quyền Liên bang cộng hòa dân chủ Etiopia và mọi người thiện chí đã tiếp đón hội nghị lần thứ XIX của Liên HĐGM vùng Đông Phi châu, và về các chuẩn bị chu đáo cho biến cố này. Các ngài cũng không quên sự yểm trợ của tất cả những ai góp phần làm cho hội nghị được thành công mỹ mãn. Các Giám Mục đặc biệt cám ơn ĐHY Souraphiel, TGM Addis Abeba, và các thành viên Ban Thường Trực của Liên HĐGM Đông Phi châu và HĐGM Etiopia, ban thư ký và ủy ban tổ chức hội nghị, và xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả mọi người.
Sự khác biệt sinh động của Dân Chúa
Tiếp đến sứ điệp của Liên HĐGM vùng Đông Phi châu đã lần lượt duyệt qua các điểm chính trong đề tài của hội nghị. Trước hết là sự khác biệt sinh động của Dân Chúa. Các vị viết: Liên HĐGM vùng Đông Phi châu được phú cho nhiều điều tốt lành không luôn luôn giống nhau. Như là các Giám Mục của Liên HĐGM vùng Đông Phi châu chúng tôi thừa nhận sự khác biệt như là một điều tích cực cần yêu mến, chứ nó không gây chia rẽ. Chính trong đường nét này mà Giáo Lý của Giáo Hội công giáo nhấn mạnh rằng các khác biệt tùy thuộc chương trình của Thiên Chúa (GLCG 1834). Các khác biệt giữa con người sẽ khích lệ việc bổ túc cho nhau trong Liên HĐGM vùng Đông Phi châu và còn vượt ra ngoài nữa.
Vì thế, như là các Chủ Chăn chúng tôi mạnh mẽ lên án mọi hình thức lèo lái các khác biệt trong vùng gây nguy hại cho phẩm giá con người. Đây là đường lối Giáo Lý Công Giáo dậy: “Mọi người đều có cùng bản thể và cùng nguồn gốc. Được hy lễ của Chúa Ki tô cứu chuộc, mọi người đều được mời gọi tham dự vào cùng hạnh phúc của Thiên Chúa: vì thế mọi người đều được vui hưởng phẩm giá như nhau” (GLCG 1934).
Phẩm giá bình đẳng.
Dưới ánh sáng của giáo lý về nhân phẩm trên đây các Giám Mục vùng Đông Phi châu chúng tôi khẳng định giáo huấn của Công Đồng Chung Vaticăng II: “… dù có những khác biệt chính đáng giữa con người với nhau, tuy nhiên nhân phẩm như nhau của mọi người cũng đòi hỏi người ta phải tiến tới mức sống nhân đạo hơn và xứng hợp với con người hơn. Thực vậy, những chênh lệch quá đáng về kinh tế và xã hội giữa những thành phần hay giữa những dân tộc trong cùng một gia đình nhân loại thực là những gương xấu và đi ngược với công bằng xã hội, lẽ phải, nhân phẩm và nền hòa bình xã hội cũng như quốc tế.” GS, 29). Chúng tôi mời gọi mọi tín hữu công giáo và những người thiện chí thăng tiến, bảo vệ và giữ gìn nhân phẩm như nhau cho mọi người được tạo dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa. Kết quả là việc phát triển xã hội kinh tế, chính trị và văn hóa trong xã hội được gắn liền mật thiết với phẩm giá con người.
Điểm thứ ba là việc phát triển nhân bản toàn vẹn.
Như là các Giám Mục của Liên HĐGM vùng Đông Phi châu chúng tôi xác nhận rằng việc phát triển nhân bản toàn vẹn không thể bị giới hạn vào sự tăng trưởng kinh tế mà thôi. Để có thể đích thật trước hết nó phải tập trung nơi con người, phải toàn vẹn và bao gồm mọi khía cạnh cuộc sống của con người, và hướng tới việc phục vụ công ích. Do đó, dựa trên các nguyên tắc của giáo huấn xã hội công giáo chúng tôi dấn thân thăng tiến sự khác biệt sinh động tích cực, phẩm giá đồng đều của mọi dân tộc, sự hiệp nhất hòa bình trong Thiên Chúa cho việc phát triển nhân bản toàn diện cho vùng này
Thăng tiến sự hiệp nhất hòa bình.
Chúng tôi xác nhận và nỗ lực thăng tiến hòa bình nền tảng của Giáo Hội, bằng cách đề ra chương trình gồm 4 nguyên tắc: thừa nhận và bênh vực phẩm giá đồng đều cho mọi thành phần gia đình nhân loại, thăng tiến việc phát triển nhân bản toàn diện, yểm trợ các cơ quan quốc tế và các tổ chức tha thứ trong vùng Đông Phi châu. Các điểm xây dựng hòa bình này là nền tảng của việc củng cố phẩm giá con người phải được mọi người vui hưởng qua việc tôn trọng các quyền con người.
Tình liên đới với các anh chị em hai nước Etiopia và Eritrea.
Trong hội nghi khoáng đại tại Addis Abeba chúng tôi đã chứng kiến việc hai nước tiến lại gần nhau, bẻ gẫy hàng rào ngăn cách hai quốc gia trong hai thập niên qua. Thật là niềm vui lớn khi hai quốc gia đã chấp nhận các bước đi mới cho hòa bình và đối thoại. Giáo Hội công giáo của cả hai nước đã lên tiếng tố cáo cuộc xung đột và cuộc chiến huynh đệ tương tàn, đã cùng nhau cầu nguyện và trao ban hy vọng cho dân chúng, qua việc nhất quyết giải quyết tình hình một cách hòa bình và chứng minh cho tình liên đới với người dân của cả hai nước. Chúng tôi cám ơn phái đoàn liên đới của Liên HĐGM vùng Đông Phi châu đã viếng thăm Eritrea hồi tháng 11 năm 2017. Trong khi tiến trình hòa giải tiếp tục, Giáo Hội công giáo thúc giục giới lãnh đạo bảo đảm cho công lý và hòa bình được tái lập và để cho người dân của cả hai nước được tham gia vào tiến trình này, tiếng nói của họ được lắng nghe, và để cho các tù nhân được trở về với gia đình họ. Các bước do hàng lãnh đạo Etiopia và Eritrea đã làm cho thấy người dân Phi châu có sự khôn ngoan để giải quyết các vấn để của mình một cách thân hữu.
Nền hòa bình tại Nam Sudan.
Các Giám Mục viết: “Con tim của chúng tôi reo vui vì sự tiến triển của cuộc đối thoại hòa bình tại Nam Sudan. Chúng tôi tiếp tục cầu nguyện cho giải pháp nhanh chóng của cuộc chiến hầu làm vơi nhẹ các khổ đau của dân chúng và chấm dứt sự thiệt mạng của những người vô tội. Như là các Giám Mục Liên HĐGM vùng Đông Phi chúng tôi muốn cống hiến mọi trợ giúp cần thiết có thể để góp phần làm cho hòa bình tại Nam Sudan được lâu bền. Chúng tôi xin các tín hữu công giáo và mọi người thiện chí nhớ tới Nam Sudan trong lời cầu nguyện, và giang tay trợ giúp các nhu cầu cấp bách của họ.
Gia đình và hôn nhân
Tiếp đến sứ điệp của các Giám Mục đề cập tới gia đình và hôn nhân. Các vị viết: Chúng tôi biết rõ tình hình nguy ngập của gia đình như là đơn vị nhỏ nhất của Giáo Hội và xã hội. Một gia đình ổn định là một nền tảng cho sự khác biệt sinh động tích cực, cho phẩm giá đồng đều, và cho sự hiệp nhất hoa bình trong Chúa của vùng Đông Phi châu, và vượt ngoài vùng này. Chúng tôi ghi nhận rằng gia đình đang bị bao vây bởi nhiều thách đố, kể cả sự nghèo túng, nạn thất nghiệp cao, và các bất đồng đều trong xã hội.
Như là các chủ chăn chúng tôi tiếp tục ủng hộ sự phát triển và thực hiện đầy đủ sư phạm và các chương trình cho việc tiếp tục đào tạo và dậy giáo lý cho các gia đình qua các cơ cấu của Liên HĐGM Đông Phi châu và các HĐGM quốc gia. Chúng tôi cố ý cộng tác với các cơ quan tương tự trong việc cung cấp giáo lý, đào tạo và săn sóc mục vụ cho các gia đình trên mọi bình diện.
Các phương tiện truyền thông xã hội
Sứ điệp của các Giám Mục viết: Chúng tôi ca ngợi Bộ mới về truyền thông của Tòa Thánh Vaticăng, và khẳng định sự dấn thân của chúng tôi trong việc cộng tác với bộ để đem sứ điệp của Chúa đến cho vùng này.
Ý thức được các bước rất tích cực đã được thực hiện đối với việc loan báo Tin Mừng qua các phương tiện truyền thông xã hội, chúng tôi khen ngợi các cố gắng đã có để đầu tư vào việc cùng nhau thành lập các trang Web giáo phận và giáo xứ, cũng như các nền tảng cho các phương tiện truyền thông xã hội như phát thanh, truyền hình và báo chí như các dụng cụ loan báo Tin Mừng, và thông tin đề tài của hội nghị khoáng đại này. Đồng thời trong khi thừa nhận vai trò của các phương tiện truyền thống xã hội trong tiến trình phát triển nhân bản toàn diện, chúng tôi khích lệ các nhà truyền thông có tinh thần trách nhiệm, đáng tin cậy và kỹ lưỡng trong việc thông tin tức cho xã hội.
Điểm thứ 10 trong sứ điệp của các Giám Mục vùng Đông Phi châu đề cập tới giới trẻ.
Các vị khẳng định: chúng tôi thừa nhận và đánh giá cao giới trẻ trong năng động và sự khác biệt của họ như là các công dân của thế giới và là các thành phần liên văn hóa và có ý nghĩa của Giáo Hội. Chúng tôi dấn thân tiếp tục phát triển và lo lắng mục vụ cho giới trẻ với các chương trình tập trung vào đức tin, phân định ơn gọi và luân lý, là giá trị nền tảng của việc giáo dục và tìm giải quyết các thách đố liên quan tới công ăn việc làm cho giới trẻ, sự hiệp nhất hòa bình, phát triển lãnh đạo, phát triển việc cung cấp các tuyên úy và đồng hành với người trẻ.
Môi sinh toàn vẹn
Trong cùng đường hướng với Thông điệp Laudato si của ĐTC Phanxicô chúng tôi mời gọi gia đình vùng Đông phi châu thừa nhận và tôn trọng thụ tạo như là món quà Thiên Chúa ban tặng cho nhân loại. Chúng tôi chấp nhận rằng mọi người đều bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng khí hậu thay đổi, việc sử dụng sai lạc các tài nguyên thiên nhiên, việc phung phí, nạn ô nhiễm môi sinh và nghèo túng. Mọi sự đều có liên hệ với nhau; chúng ta không thể hiểu xã hội hay thế giới thiên nhiên hoặc các phần của nó một cách đơn độc riêng rẽ.
Trong khi thừa nhận rằng không thể tránh sử dụng các tài nguyên thiên nhiên, chúng ta phải trung thực, đừng để cho ai bị dấu diếm hay xuyên tạc các sự kiện để hưởng lợi lộc ích kỷ. Chúng ta phải dấn thân trong sự liêm chính, trong sáng, đối thoại xây dựng dựa trên các nguyên tắc của tình liên đới, trợ đới, làm việc cho công ích, đem lại lợi ích cho mọi người, và ưu tiên lựa chọn bênh vực người người nghèo và bảo vệ trái đất. Hãy để cho mọi người biết rằng mẹ đất là ngôi nhà chung của chúng ta.
Sự cộng tác với các cơ quan phát triển nhân bản toàn diện.
Các Giám Mục viết: Như là các Giám Mục vùng Đông Phi châu chúng tôi cố gắng đặt để Liên HĐGM vùng này như là tác nhân chính của các sinh hoạt phát triển nhân bản toàn diện của Hội nghị các HĐGM Phi châu và Madagascar (SECAM), Liên Hiệp Quốc và các cơ quan của nó, Liên Hiệp Phi châu, Cộng đồng Tây Phi (EAC) và Cơ quan phát triển liên chính quyền (IGAD). Điều này cũng quan trọng đối với việc thăng tiến việc cai trị tốt và việc thực hiện phát triển nhân bản toàn vẹn cho người dân trong vùng. Chúng tôi dấn thân củng cố Văn phòng kết nối quốc hội trong mọi hội nghị nhằm xây dựng khả năng của các dân biểu công giáo tranh đấu cho các luật lệ thăng tiến nhân bản toàn diện và ưu tiên lựa chọn bênh vực người nghèo trong các quốc gia vùng Đông Phi châu.
Các cơ cấu an sinh xã hội cho hàng giáo sĩ tu sĩ.
Các vị viết: như là các Giám Mục vùng Đông Phi châu chúng tôi đánh giá cao vai trò quan trọng của hàng giáo sĩ và tu sĩ trong việc rao truyền Tin Mừng và điều hành các cơ cấu trong vùng Đông Phi châu. Tuy nhiên, các cơ cấu công giáo, nơi các tác nhân rao truyền Tin Mừng tùy thuộc, phải cộng tác với các tác nhân tương tự nhằm ấn định các biện pháp an sinh xã hội và các sáng kiến độc lập yểm trợ an sinh xã hội của hàng giáo sĩ tu sĩ.
Người di cư ra nước ngoài và các người di cư trong nội địa.
Các vị viết: Chúng tôi thừa nhận rằng vùng Đông Phi châu là nhà cho nhiều người di cư, các người di cư trong nội địa và người tỵ nạn. Điều này là do việc thiếu tôn trọng sự khác biệt, các quyền con người và việc phát triển kinh tế bao gồm mọi người.
Trong tinh thần giám mục đoàn chúng tôi ủng hộ các sáng kiến mục vụ của ĐTC Phanxicô và công việc thừa tác cho người di cư tỵ nạn. Chúng tôi dấn thân yểm trợ thỏa thuận toàn cầu về người di cư tỵ nạn, như đã được đề nghị bởi Bộ phát triển nhân bản toàn diện. Chúng tôi kêu gọi mọi người trong gia đình vùng Đông Phi châu thực thi đòi buộc luân lý này trong tinh thần bác ái.
Các đại học công giáo và các cơ cấu giáo dục cao hơn.
Các Giám Mục viết: chúng tôi khích lệ sự lớn mạnh của các cơ cấu giáo dục công giáo cao hơn trong vùng Đông Phi châu. Chúng tôi thừa nhận vai trò then chốt mà các cơ cấu này nắm giữ trong việc thăng tiến sự khác biệt sinh động. Các đại học công giáo phải là các đại học của sự phát triển nhân bản toàn vẹn, qua việc giảng dậy Giáo huấn xã hội của Hội Thánh, qua các cuộc đối thoại trong việc nghiên cứu, trao đổi các chương trình giữa các sinh viên, phân khoa và ban giáo sư, qua cuộc đối thoại liên tục về giáo huấn xã hội của Hội Thánh.
Trong nhãn quan này chúng tôi kêu gọi mọi cơ cấu giáo dục công giáo cao hơn trong vùng Đông Phi châu đưa giáo huấn xã hội của Hội Thánh vào trong chương trình đào tạo. Giáo trình phải bao gồm các môn học liên quan tới phẩm giá con người, việc phát triển nhân bản toàn diện, môi sinh toàn vẹn, sự hiệp nhất trong hòa bình, công lý, giải pháp cho xung đột và việc cai trị tốt.
Chúng tôi thúc giục các đại học công giáo và các nhà thần học trong vùng Đông Phi châu tập trung vào các đề tài của sự khác biệt, của phẩm giá đồng đều, của sự hiệp nhất hòa bình, của việc phát triển nhân bản toàn vẹn và các nền văn hóa phi châu thăng tiến sự gắn bó giữa các dân tộc trong vùng.
Trong số 16 của sứ điệp các Giám Mục nói tới việc điều hành các cơ quan trong Giáo Hội với tinh thần trách nhiệm
Các Giám Mục viết: Nhiệm vụ lãnh đạo của chúng tôi đòi hỏi chúng tôi chứng minh các giá trị của sự liêm chính, tinh thần trách nhiệm và trong sáng trong việc điều hành mọi cơ cấu của Giáo Hội toàn vùng. Chủ ý của chúng tôi là có các đường lối thăng tiến việc cai quản riêng tư các cơ cấu của vùng Đông Phi châu.
Trong tinh thần cộng tác với giáo dân và tận dụng các tài khéo của họ chúng tôi dấn thân hoạt động xây dựng mạng lưới miền của các giới chuyên gia, để chia sẻ các thực hành tốt đẹp nhất liên quan tới sự toàn vẹn, lắng nghe, bao gồm cả giáo dân trong việc cai quản và lãnh đạo các cơ cấu của Giáo Hội.
Khuynh hướng cuồng tín tôn giáo và khủng bố phá hoại
Các Giám Mục viết: ý thức về sự đe dọa thường xuyên, mà giới trẻ phải đương đầu liên quan tới sự cuồng tín và khủng bố phá hoại, cũng như các hậu quả của nó đối với nền hòa bình và an ninh trong vùng, chúng tôi cam đoan xây dựng khả năng của các nhân viên mục vụ đáp trả lại và lo lắng cho các giai tầng này của giới trẻ.
Trong khi tôn trọng phẩm giá và các quyền con người, chúng tôi sẽ tiếp tục yểm trợ cũng như cộng tác với các nỗ lực của các chính quyền chống lại nạn cuồng tín bạo lực và nhổ nó tận gốc rễ.
Nạn gian tham hối lộ
Các Giám Mục viết: Xã hội tiếp tục bị khuấy động bởi nạn gian tham hối lộ lan tràn trong các quốc gia vùng Đông Phi châu. Tệ nạn tham ô phá hoại sự phát triển nhân bản toàn vẹn và sự hiệp nhất hòa bình. Để cổ võ gia tăng sự liêm chính và tinh thần trách nhiệm như là các đường lối chống lại nạn gian tham hối lộ, chúng tôi thúc giục các nhân viên mục vụ tập trung chú ý vào việc đào tạo đâm rễ sâu trong Giáo huấn xã hội của Hội Thánh, và đào tạo lương tâm chuẩn bị cho họ trở thành các người lãnh đạo liêm chính trong xã hội.
Tính cách giám mục đoàn của Giáo Hội
Các Giám Mục viết: chúng tôi thừa nhận huấn quyền của ĐTC Phanxicô liên quan tới tính giám mục đoàn của Giáo Hội, là đề tài chính trong triều đại của ngài mà ngài nói là “yếu tố xây dựng Giáo Hội”.
Như là các Chủ Chăn chúng tôi bảo đảm là một Giáo Hội biết lắng nghe trong vùng Đông Phi châu, bởi vì chúng tôi tin nơi phần đóng góp của mỗi một tín hữu cho việc đạt được sứ mệnh ngôn sứ của Giáo Hội. Chúng tôi nhắc cho tín hữu biết rằng tính giám mục đoàn không có nghĩa là tản quyền Giáo Hội, nhưng đúng hơn là phải luôn luôn được giải thích như là sự hiệp thông tràn đầy với Phêrô.
Việc bảo vệ các trẻ em
Các Giám Mục viết: chúng tôi khẳng định phẩm giá của mỗi một bản vị con người và mọi trẻ vị thành niên. Chúng tôi mạnh mẽ kết án các vụ lạm dụng các trẻ vị thành niên và các người dễ bị thương tổn. Phù hợp với đường lối của Giáo Hội trong việc bảo vệ các trẻ vị thành niên và những người dễ bị tổn thương, chúng tôi kêu gọi mọi người có trách nhiệm và các cơ cấu dưới sự lãnh đạo của Giáo Hội duy trì các đường lối bảo vệ các trẻ vị thành niên. Ủy ban giáo hoàng bảo vệ các trẻ vị thành niên và văn phòng mục vụ của Liên HĐGM vùng Đông Phi châu là các cơ quan quy chiếu cho việc yểm trợ sự phát triển các đường lối của các HĐGM quốc gia liên quan tới vấn đề này.
Loan báo mới Tin Mừng
Các Giám Mục viết: như là các Giám Mục của Liên HĐGM vùng Đông Phi châu chúng tôi đau buồn vì thực tại mâu thuẫn giữa đức tin kitô và các giá trị của Tin Mừng với mọi hành động phá hoại sự khác biệt sinh động, phẩm giá đồng đều, sự hiệp nhất hòa bình và việc phát triển nhân bản toàn vẹn. Lo lắng vì câu trả lời tiêu cực cho các giá trị tin mừng chúng tôi thấy cần phải tái truyền giảng Tin Mừng. Việc tái rao truyền Tin Mừng phải dựa trên sự hiệp thông với Thiên Chúa, phải thanh tẩy và truyền giáo cho văn hóa, và vì thế đỏi hỏi các phương pháp mới và các phương tiện kỹ thuật số.
Kết thúc sứ điệp
Các Giám Mục viết: Chúng tôi cảm tạ Thiên Chúa Toàn Năng đã cho chúng tôi cùng tới chia sẻ với nhau, và sống kinh nghiệm về sự khác biệt sinh động, phẩm giá đồng đều, sự hiệp nhất hòa bình trong Thiên Chúa trong Liên HĐGM vùng Đông Phi châu. Như là các Chủ Chăn chúng tôi bảo đảm với anh chị em lời cầu nguyện của chúng tôi và lập lại các lời của thánh Phaolô nói với tín hữu Philiphê: “Tôi liên lỉ cầu nguyện với anh em trong mọi lời cầu của tôi cho tất cả anh em… bởi vì tôi mang anh em trong tim tôi” (Pl 1,4.7). Chúng tôi phó thác anh chị em cho sự bầu cử hiền mẫu của Đức Trinh Nữ Maria điễm phúc là Mẹ Thiên Chúa và là Đức Bà của Phi châu”.
Linh Tiến Khải
Nguồn: Đài Vatican