Trong sứ điệp nhân dịp khai mạc Chiến dịch Huynh đệ Mùa Chay ở Brazil, ĐTC Phanxicô nói rằng giáo dục “là điều cần thiết để nâng cao tính chính trực của con người, tránh ‘văn hóa vứt bỏ’ – thứ đặt những người dễ bị tổn thương nhất ra bên lề xã hội – và đánh thức họ về tầm quan trọng của việc chăm sóc thụ tạo”.
ĐTC Phanxicô nhắc lại vai trò lịch sử của Giáo hội trong lĩnh vực giáo dục: “Vào chính thời điểm mà người ta nhìn nhận và đánh giá cao trách nhiệm của các chính phủ trong nhiệm vụ hỗ trợ các gia đình trong việc giáo dục con cái của họ, đảm bảo quyền được đi học cho tất cả mọi người, thì cũng cần phải nhìn nhận và đánh giá cao sứ mạng quan trọng của Giáo hội trong lãnh vực giáo dục”.
Chúa Giêsu – mẫu gương của nhà giáo dục
Do đó, ĐTC Phanxicô mong ước rằng việc chọn đề tài “tình huynh đệ và giáo dục” trở thành niềm hy vọng lớn lao cho mọi cộng đồng Giáo hội và sự đổi mới trong các trường học và đại học Công giáo, “để có Chúa Kitô làm gương mẫu cho dự án sư phạm của mình, họ truyền kiến thức bằng cách giáo dục với tình yêu thương, từ đó trở thành hình mẫu của sự đào tạo toàn diện này cho các cơ sở giáo dục khác”.
Mùa Chay – thời gian hành động vì một nền giáo dục toàn diện
Mùa Chay, theo ĐTC Phanxicô, là thời gian mà “qua các thực hành sám hối là ăn chay, bố thí và cầu nguyện”, dẫn chúng ta “đến một cuộc gặp gỡ cá nhân và đổi mới với Đấng Phục sinh, trong đó chúng ta có sự sống đích thực và chúng ta phải trở thành những chứng nhân trung thành”.
Do đó, ĐTC Phanxicô hy vọng rằng Mùa Chay sẽ là “một cơ hội để hoán cải đích thực và những hạt giống được gieo trên hành trình này sẽ tìm thấy trong tâm hồn các tín hữu một mảnh đất tươi tốt, nơi họ có thể sinh hoa kết trái bằng những hành động cụ thể nhằm hỗ trợ một nền giáo dục toàn diện và chất lượng”. (CSR_803_2022)
Hồng Thủy
Nguồn: Đài Vatican News