CHÚA THÁNH THẦN, TÁC GIẢ CỦA SỰ ĐA DẠNG, VÀ LÀ NHÀ KIẾN TẠO HIỆP NHẤT
ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ GẶP GỠ ĐẠI DIỆN CÁC DÒNG TU
TẠI ĐẠI HỘI CÔNG NGHỊ QUỐC TẾ NGÀY 04/5/2018
Kính chào Quý Bề Trên, Quý Cha, Quý Tu sĩ nam nữ cùng Anh Chị em,
Tôi đã nghĩ đến việc dọn một bài thật chu đáo, nhưng hôm nay lại bộc phát để nói những gì thích hợp với lúc này.
Điểm then chốt tôi sẽ nói cũng là điều mà Đức Hồng Y Chủ Tịch yêu cầu, ngài đề nghị tôi chỉ ra một tiêu chí chuẩn xác cho đời sống thánh hiến. Bởi thực sự, bao nhiêu điều đang xảy ra và làm thế nào chúng ta không đánh mất chính mình trong thế giới đó, một thế giới tranh tối tranh sáng của tục hoá, một thế giới mù mờ của các ơn gọi, của sự hung hãn và nhiều điều khác. Chúng ta phải có một tiêu chí định hướng đúng đắn cho mình, tiêu chí ấy sẽ hướng dẫn chúng ta biết phân định đúng sai.
Và này, có một điều khác nữa: Chúa Thánh Thần là “tai hoạ”, vì Ngài sáng tạo không mệt mỏi [tiếng cười cất lên]. Giờ đây, với những hình thức mới mẻ của đời sống thánh hiến, thì với những đặc sủng của mình, Chúa Thánh Thần thật sự đang kiến tạo, điều này thật thú vị… vì đang khi Ngài vừa là tác giả của sự đa dạng, nhưng cùng lúc, Ngài là Đấng làm nên sự hiệp nhất. Chính Chúa Thánh Thần, chứ không ai khác. Với sự đa dạng của các đặc sủng và bao ân huệ, Ngài đang kiến tạo sự hiệp nhất trong Thân Mình Đức Kitô cũng như sự hiệp nhất của đời sống thánh hiến. Nhưng đây cũng là một thách đố.
Và tôi tự hỏi, vậy thì điều gì khiến Chúa Thánh Thần có thể giữ cho đời sống thánh hiến được luôn luôn mạnh mẽ? Câu hỏi này cứ quay đi quẩn lại trong đầu tôi… cho đến ngày tôi đến Tổng Giáo Phận San Giovani Rotondo và câu hỏi ấy vẫn làm tôi bận trí, tôi không hiểu lý do tại sao… nhưng khi nhìn thấy các nam nữ tu sĩ đang sống tốt lành đời tu của mình ở đó thì tôi đã nghĩ ra những gì mình phải nói. Ở đó, tôi đã nói đến “ba chữ P”, và tôi tự nhủ, đây là ba trụ cột vốn duy trì bền vững đời sống thánh hiến: Prayer, Cầu Nguyện; Poverty, Nghèo Khó và Patience, Nhẫn Nhịn”.
Vậy hôm nay, tôi quyết định sẽ nói với Quý Bề Trên, Quý Cha, Quý Tu sĩ nam nữ cùng Anh Chị em cũng những điều này: cầu nguyện, khó nghèo và nhẫn nhịn trong đời sống thánh hiến.
- Trước hết, “Cầu Nguyện”, “Prayer”, chữ “P” thứ nhất.
Cầu nguyện là liên lỉ quay về với tiếng gọi đầu tiên. Bất cứ lời cầu nguyện nào, có thể là một lời cầu xin lúc ngặt nghèo, vẫn luôn luôn là một sự quay về với Đấng đã gọi tôi. Lời cầu nguyện của một Cha, một Thầy, một Soeur, một Anh Chị em sống đời thánh hiến là một sự quay về với Chúa Giêsu, Đấng đã kêu gọi tôi theo sát Ngài hơn. Quay về với Ngài, Đấng đang nhìn tôi trong ánh mắt Ngài, Đấng đã nói với tôi, “Hãy đến! Hãy bỏ hết mọi sự và đến đây” – “Nhưng con muốn bỏ một nửa thôi” (chúng ta sẽ nói điều này khi đề cập đến khó nghèo) – “Không, hãy đến, bỏ hết mọi sự” và trong giờ phút đó, niềm vui chợt đến khi chúng ta ít nhiều bỏ lại những gì mình có. Mỗi người biết những gì mình vừa từ bỏ: cha mẹ, gia đình, nghề nghiệp…
Thế nhưng, sự thật là có một vài người đang tìm nghề nghiệp “trong nhà dòng”, đây là điều không tốt, bởi lẽ bổn phận của chúng ta là tìm kiếm Thiên Chúa, Đấng mời gọi chúng ta theo Người gần gũi hơn. Mỗi lời cầu nguyện là một sự quay trở về với lời mời gọi này. Và cầu nguyện là cái làm cho tôi nên người làm việc cho vị Thiên Chúa đó, chứ không làm vì sở thích, cũng không làm cho Hội Dòng. Không, phải là cho Thiên Chúa.
Có một từ ngữ được sử dụng rất nhiều, quá nhiều… khiến sức mạnh của nó phải mai một, nhưng nó lại nói rõ điều này, đó là từ “tận căn”. Tôi không thích dùng từ ngữ này vì người ta sử dụng nó quá nhiều. Thế nhưng từ ngữ đó có nghĩa là, “Con bỏ mọi sự vì Chúa”, đó là nụ cười của những bước chân đầu tiên… Và rồi các vấn đề xảy ra, bao nhiêu trái khuấy mà tất cả chúng ta đang gặp phải, đã gặp phải… dẫu vậy, phải luôn luôn quay về với cuộc gặp gỡ đó, gặp gỡ Thiên Chúa.
Cầu nguyện trong đời sống thánh hiến là bầu khí đang gọi mời, đang làm cho chúng ta hít thở, đồng thời đang tân tạo lời mời gọi đó. Không có bầu khí này, chúng ta không có khả năng trở nên những con người sống đời dâng hiến lành thánh. Chúng ta có thể là những người tốt, những người công giáo, những Kitô hữu tốt lành khi dấn thân vào những công việc của Giáo Hội; nhưng với đời sống thánh hiến, thì lời mời gọi đó phải được làm mới lại liên lỉ, liên lỉ trong nguyện cầu, trong việc gặp gỡ Thiên Chúa.
“Nhưng thưa Đức Thánh Cha, con quá bận, con có nhiều việc phải làm” – “Hãy đi cầu nguyện”, điều này quan trọng hơn và kìa, giờ cầu nguyện đó lại giúp chúng ta ở trước sự hiện diện với Chúa suốt cả ngày. Dù gì đi nữa… cũng “Hãy đi cầu nguyện”.
“Nhưng công việc của con quá ngặt nghèo, hầu như cả ngày”. Nào, hãy nghĩ đến một người phụ nữ sống đời thánh hiến trong thời đại chúng ta. Mẹ Têrêxa được gọi là con người “đi tìm những của nợ cho mình”… vì mẹ là thiết bị dò tìm “của nợ”, nên mẹ đã rày đây mai đó trên những nẻo đường; vậy mà hai giờ đồng hồ cầu nguyện trước Chúa Giêsu Thánh Thể mỗi ngày là điều không ai có thể lấy mất của mẹ. “Ôi Têrêxa, mẹ thật tuyệt vời!”. Cũng vậy, chúng ta hãy làm như mẹ Têrêxa đã làm, làm hệt như mẹ, hãy tìm kiếm Thiên Chúa của mình, Đấng kêu gọi chúng ta. Mỗi người phải tìm xem, không chỉ trong buổi sáng, làm sao để cầu nguyện cho được, tôi sẽ cầu nguyện giờ nào. Phải luôn luôn làm điều đó, phải cầu nguyện luôn. Không ai có thể sống đời thánh hiến, có thể phân định những gì đang xảy ra mà không thỏ thẻ với Chúa mỗi ngày.
Tôi không muốn nói thêm đề tài này nữa, tôi nghĩ, nói ít nhưng Quý Cha, Quý Soeurs hiểu nhiều. Hãy cầu nguyện! Hội Thánh cần những thiện nam tín nữ cầu nguyện, nhất là thời buổi hôm nay, thời buổi mà nhân loại đang khốn cùng hơn bao giờ hết.
- Chữ “P” thứ hai, đó là sự “Khó Nghèo”, “Poverty”.
Trong Hiến Pháp, Thánh Ignatio, Dòng Tên, đã viết như thế này, “Nghèo khó là người mẹ, là tường bao bọc đời sống thánh hiến” – xem ra bản gốc không phải của ngài, tôi nghĩ ngài trích câu này đâu đó từ các Giáo Phụ Sa Mạc. Nghèo khó là “mẹ” – thật lý thú. Thánh Ignatio không nói người mẹ đó là đức trinh khiết vốn liên quan đến thiên chức làm cha, thiên chức làm mẹ. Không, ngài nói nghèo khó là mẹ. Không có đức nghèo khó, đời sống thánh hiến không đơm hoa kết trái. Hẳn chắc, nghèo khó là tường luỹ, là vật che chắn bảo vệ chúng ta khỏi lây nhiễm tinh thần thế tục.
Ai trong chúng ta cũng biết, sự dữ đi vào lòng người ngang qua những túi tiền. Những cám dỗ cỏn con lỗi đức khó nghèo là thương tích của các thành viên trong thân mình cộng đoàn thánh hiến. Lời khấn khó nghèo tuân theo Quy Luật, theo Hiến Pháp của mỗi Hội Dòng không giống nhau. Quy Luật dạy, “Luật chúng ta không cho phép điều này; luật dòng không ban phép điều kia”, nhưng luôn luôn có một điểm chung là tinh thần nghèo khó và chúng ta không cần bàn cãi điều này. Không có đức khó nghèo, chúng ta sẽ không bao giờ có khả năng phân định đúng đắn những gì đang xảy ra trong thế giới hôm nay.
“Hãy từ bỏ mọi sự, đến với người nghèo!”, Chúa Giêsu đã nói với người thanh niên như thế và người thanh niên đó là tất cả chúng ta. “Nhưng thưa Đức Thánh Cha, không, con có của cải gì đâu?”. Phải, nhưng con có một cái gì đó, một vài dính bén nào đó. Chúa Giêsu yêu cầu điều này và đó là cậu nhóc Isaac mà con phải hiến tế; một linh hồn trần trụi, một linh hồn khó nghèo. Với tinh thần nghèo khó này, Thiên Chúa sẽ bảo vệ chúng ta, Người phòng ngự giúp chúng ta tránh khỏi bao vấn đề và vô vàn cạm bẫy khác vốn đang chực huỷ hoại đời sống thánh hiến.
Có ba bước khi khởi đi từ đời sống thánh hiến tu trì sang tục hoá bậc tu trì. Phải, ngay nơi các Tu sĩ. Phải nhìn nhận đang có một sự tục hoá Tu sĩ, nhiều nam nữ Tu sĩ và nhiều người sống đời thánh hiến giờ đây trở nên quá thế gian. Hãy xét đến ba bước: bước thứ nhất, tiền, lỗi đức khó nghèo; bước thứ hai, vênh vang, từ việc rán sức khoe mẽ như một con công đến những vênh vang vụn vặt; và bước thứ ba, kiêu ngạo, tự phụ… Rồi từ đó, bao nhiêu điều xấu xa kéo theo.
Bước thứ nhất chính là sự ràng buộc với của cải, dính bén tiền bạc. Nếu chúng ta cảnh giác điều này, những điều khác sẽ không đến. Và tôi nói, của cải, không chỉ tiền bạc nhưng là sự quyến luyến vật chất. Để có khả năng phân định những gì đang xảy ra, phải có tinh thần khó nghèo. Và đây, một số câu hỏi để chúng ta xét mình:
Tôi sống khó nghèo làm sao? Hãy nhìn vào những ngăn kéo của các linh hồn. Hãy nhìn vào mỗi cá nhân, nhìn vào Hội Dòng… Chúng ta đang sống nhân đức nghèo khó thế nào?
Đó là bước thứ nhất, nếu chúng ta bảo vệ nhân đức này, những điều khác sẽ cao chạy bay xa. Khó nghèo là tường luỹ bảo vệ chúng ta khỏi bao điều khác. Khó nghèo là bà mẹ giữ cho chúng ta nên người tu trì hơn, dạy chúng ta biết đặt mọi của cải mình có nơi Thiên Chúa. Khó nghèo là tường chở che chúng ta khỏi sự tục hoá ngày càng phát triển vốn đang đe doạ nghiêm trọng bất cứ Tu sĩ nào trong thời buổi hôm nay.
- Chữ “P” thứ ba – “Nhẫn Nhịn”, “Patience” (nhẫn nhục, nhẫn nại).
“Nhưng thưa Đức Thánh Cha, nhẫn nhịn… có liên quan gì ở đây?”. Nhẫn nhịn, quan trọng lắm. Chúng ta không thường xuyên nói về nó, nhưng nó thật sự quan trọng. Khi chúng ta nhìn vào Chúa Giêsu, đức nhẫn nhịn là điều khiến Ngài phải đi đến cùng tận của việc hiến dâng thân mình. Sau bữa Tiệc Ly, Ngài đi vào vườn ôliu, chúng ta có thể nói, chính giây phút đó, theo một cách thức đặc biệt, Chúa Giêsu “đi vào trong sự nhẫn nhịn”.
Đi vào trong sự nhẫn nhịn, cũng là thái độ của chính đời sống thánh hiến vốn đi từ những chuyện tí tẹo của đời sống cộng đoàn hay đời sống thánh hiến mà mỗi người có được trong sự đa dạng mà Chúa Thánh Thần ban cho. Từ những việc vụn vặt, những bao dung nhỏ bé, những cử chỉ tinh tế, một nụ cười… trong khi đáng ra, chúng ta chỉ những muốn nguyền rủa… cho đến việc hy sinh cái tôi hay hy sinh cả mạng sống.
Như Thánh Phaolô nói, nhẫn nhịn là “gánh trên vai”, ngài nói đến việc mang người khác trên vai như một nhân đức Kitô giáo. Không nhẫn nhịn, chúng ta sẽ không có khả năng mang lấy khổ đau. Không đi vào trong sự nhẫn nhịn này, đời sống thánh hiến sẽ không được trợ lực, nó sẽ nửa vời. Không có sự nhẫn nhịn này, những “cuộc nội chiến” xảy ra trong cộng đoàn là điều dễ hiểu, bởi những con người ở đó không nhẫn nhịn để gánh vác lẫn nhau và rồi, mạnh được yếu thua. Người được không luôn luôn là người tốt hơn, người thắng cũng không phải là người tốt nhất… chỉ vì họ thiếu nhẫn nhịn.
Không chỉ nhẫn nhịn trong đời sống cộng đoàn, chúng ta còn phải nhẫn nhịn trước những khổ đau của thế giới, gánh trên vai tất cả vấn nạn, mọi đớn đau của thế giới, “để đi vào sự nhẫn nhịn” như Chúa Giêsu đã đi vào hầu đạt đến sự cứu độ.
Đây là điểm then chốt, chúng ta nhẫn nhịn, không chỉ để tránh những cuộc cãi vả trong cộng đoàn vốn là một gương mù gương xấu nhưng nhờ nhẫn nhịn mà mỗi người được thánh hiến và biết phân định.
Và rồi chúng ta còn phải nhẫn nhịn trước bao vấn đề trong đời dâng hiến. Hãy nghĩ đến sự mòn mỏi ơn gọi. “Chúng ta không biết phải làm gì, vì giờ đây chúng ta không có ơn gọi, chúng ta vừa đóng cửa ba nhà dòng”. Điều tôi đang nói đây đã xảy ra và đang xảy ra.
Tôi biết ít nữa hai trường hợp liên quan đến hai Hội Dòng thuộc hai Tỉnh Dòng riêng biệt tại một đất nước rất tục hoá kia. Tỉnh Dòng đó đi theo con đường thế gian vốn được coi là lối tục hoá, họ chấp nhận một thái độ chết mỹ miều, “ars bene moriendi”. Và điều này có nghĩa là gì trong Tỉnh Dòng đó, hai Tỉnh Dòng thuộc hai dòng khác nhau đó? Đóng cửa nhà tập, chúng ta ở đây an hưởng tuổi già cho đến chết… và dòng đó đã không còn. Hai trường hợp này không phải là chuyện thần tiên, tôi đang nói đến hai Tỉnh Dòng nam vốn đã chọn lựa theo cách đó.
Ở đây, thiếu vắng nhẫn nhịn, và không có đức nhẫn nhịn, chúng ta kết thúc đời mình bằng cái chết đẹp đẽ như thế đó. Ở đâu thiếu nhẫn nhịn, ở đó, các ơn gọi đâu thèm tìm tới. Chúng ta buôn bán, chúng ta dính trết với tiền bạc và dán chặt với bất cứ những gì có thể ùa đến trong tương lai. Khi một Hội Dòng bắt đầu mê tiền thì đây là dấu cho thấy chúng ta đang đến rất… rất… gần cái chết. Không có đức nhẫn nhịn, chúng ta rơi vào chữ “P” thứ hai, “Poverty”, lỗi đức khó nghèo.
Và tôi có thể tự hỏi điều gì đã xảy ra với hai Tỉnh Dòng đó khi họ chọn cho mình cái chết đáng mong đợi như thế và liệu tâm hồn tôi có đang chờ chết như vậy không? Hoặc sự nhẫn nhịn nơi tôi đã cạn kiệt và tôi cứ tiếp tục lây lất như thế chỉ để tồn tại? Không nhẫn nhịn, không ai có thể cao thượng; không nhẫn nhịn, chẳng người nào có thể theo Chúa Giêsu, chúng ta sẽ kiệt sức. Chúng ta theo Ngài được một thời gian nào đó, nhưng khi một hoặc hai thử thách đầu tiên xảy đến, chúng ta rút lui. Tôi chọn cái chết mỹ miều, đời sống thánh hiến của tôi dừng lại ở đây, và rồi tôi đóng kín lòng mình… để sống vất vưởng. Trong tình trạng ân sủng? Vâng, đúng thế!
“Thưa Đức Thánh Cha, liệu con có xuống hoả ngục không?”. Không, không đâu, có lẽ con không xuống hoả ngục… nhưng cuộc sống của con hôm nay… Vậy thì con từ bỏ khả năng làm cha, thiên chức làm mẹ một gia đình; con từ bỏ niềm vui nơi con cái, cháu chắt, con bỏ tất tần tật… chỉ để kết thúc theo cách đó sao? Thái độ chấp nhận cái chết có vẻ nghệ thuật đó là một sự an tử thiêng liêng của một tâm hồn thánh hiến vốn không còn gì để mất. Thái độ này khiến chúng ta không còn nhuệ khí để theo Chúa Giêsu, đó không phải là một lời mời gọi.
Tôi muốn lấy việc khan hiếm ơn gọi như điểm khởi đầu để nói về điều này cũng là điều làm cho linh hồn nên cay đắng. “Tôi không có con”, tổ phụ Abraham thở vắn than dài, “Lạy Chúa, một gia nhân sẽ thừa kế cơ nghiệp của con sao?”. Chúa trả lời ông, “Hãy kiên nhẫn, ngươi sẽ có một mụn con”, “Nhưng lạy Chúa… ở tuổi cửu tuần?” và bà nhà của ông lấp ló sau cửa – xin lỗi, như các bà, bà ấy mật thám từ cánh cửa sổ, nhưng đây là tính cách của các phụ nữ, tốt thôi, có gì xấu đâu – bà mỉm cười, vì bà nghĩ, “Tôi 90… và nhà tôi ngấp nghé 100, vậy mà chúng tôi sẽ có một nhóc con sao?”, Chúa bảo, “Cứ kiên nhẫn, cứ hy vọng, cố lên, cố lên, cố lên”.
Hãy để ý đến ba chữ “P” này, cầu nguyện, khó nghèo và nhẫn nhịn. Phải thận trọng! Và tôi nghĩ rằng, Chúa sẽ thích, Người sẽ cho phép tôi sử dụng cái từ ngữ mà tôi chẳng mấy ưa, những chọn lựa “tận căn” theo nghĩa này. Những chọn lựa này có thể là riêng tư, cũng có thể là chọn lựa chung của cộng đoàn, nhưng chính Quý Cha, Quý Soeurs và Anh Chị em phải tự mình đánh cược với nó.
Tôi xin cám ơn về sự nhẫn nại của Quý Cha, Quý Soeurs và Anh Chị em đã lắng nghe bài chia sẻ này [tiếng cười cất lên cùng tiếng vỗ tay]. Tôi xin cám ơn và cầu chúc ai ai cũng sinh sôi nảy nở. Quý Cha, Quý Soeurs và Anh Chị em sẽ không bao giờ biết được tiến trình đơm hoa kết trái đâu… nhưng nếu chúng ta cầu nguyện, nếu chúng ta nghèo khó, nếu chúng ta nhẫn nhịn, thì cứ tin đi, chắc chắn chúng ta cũng sẽ ‘con đàn cháu đống’.
Bằng cách nào đây? Ngày kia, “trên thiên đàng”, Chúa sẽ tỏ cho chúng ta, nhưng chính cầu nguyện, khó nghèo và nhẫn nhịn là cách thức đâm chồi nẩy lộc. Quý Cha, Quý Soeurs và Anh Chị em sẽ là một người cha, sẽ là một người mẹ của các hậu duệ. Đó cũng là những gì tôi cầu chúc những ai đang sống đời sống tu trì, được sinh sôi nảy nở.
Xin cám ơn. Hãy tiếp tục nghiên cứu, học hỏi, làm việc, đặt ra những quyết tâm cao… nhưng luôn luôn với viễn cảnh đó, cũng là viễn cảnh mà Chúa Giêsu mong mỏi. Và này, khi Quý Cha, Quý Soeurs và Anh Chị em nghĩ đến chữ “P” thứ nhất, “Prayer”, thì đừng quên tôi để cầu nguyện cho tôi. Xin cám ơn!
Chúng ta cùng đọc Kinh Kính Mừng, “Kính mừng Maria…”
[Đức Thánh Cha ban phép lành]
Chúc một ngày tốt lành!
Người dịch: Lm. Minh Anh, Gp. Huế