SỰ KIỆN ÐỨC MẸ HIỆN RA TẠI GUADALUPE
(THE APPEARING OF OUR LADY AT GUADALUPE)
Năm 1521, Mesoamerica, Tân Thế Giới, thành phố thủ đô của đế quốc Aztec rơi vào tay của Lực Lượng Tây Ban Nha. Khoảng gần 20 năm sau, 9 triệu dân cư của miền này, là những người đã có những tín ngưỡng dân gian từ nhiều thế kỷ, trở thành những tín hữu Kitô giáo nhiệt thành và đạo đức. Những sự việc gì đã xảy ra với họ trong những thời gian này và đã làm cho họ thành những chứng tích đức tin đặc biệt trong lịch sử Giáo hội? và bởi nguyên do từ đâu đã làm cho họ quay về với Giáo hội cách hăng say và nhiệt thành như thế?
Năm 1531, một “Ðức Bà từ Trời cao” đã hiện ra với một người thổ dân nghèo tại Tepeyac, trên một ngọn đồi nằm ở phía Tây Bắc Thành Phố Mexicô; Ðức Bà tự xưng là “Mẹ của Thiên Chúa Thật”, và nhắn nhủ ngài nói với Ðức Giám Mục hãy xây dựng một ngôi Ðền Thánh trên mảnh đất này, và rồi Ðức Bà đã cho in hình của mình lên ngay trên chiếc áo “tilma” vải thô của Juan Diego, chiếc áo này được giữ mãi hơn 20 năm, nhưng Bức Ảnh Ðức Bà trên chiếc áo không một chút hao mòn phai nhạt. Cho đến nay, đã 469 năm sau, vẫn còn giữ nguyên những nét đặc sắc rõ nét như từ ban đầu.
Trong Bức Ảnh, ánh mắt của Ðức Bà vẫn còn phản ảnh và hiển hiện rõ ràng những hình ảnh trước mắt của Ðức Bà từ hồi năm 1531!
Sứ mệnh của Ðức Mẹ về yêu thương và ăn năn sám hối, lời Mẹ hứa với thế giới là sẽ luôn che chở cho nhân loại, cũng như tất cả những câu chuyện hiện ra, đều được ghi lại trong tập tài liệu “Nican Mopohua”, một tài liệu từ thế kỷ 16 được viết bằng tiếng thổ ngữ Nahuatl.
Thật vậy, có rất nhiều lý do chính đáng để tin rằng Ðức Mẹ đã hiện ra ở Tepeyac với hình dáng đầy vinh quang của Mẹ, chính đôi tay của Mẹ đã trang hoàng những bông hoa hồng được sắp xếp đẹp đẽ trên chiếc áo “tilma” của Juan Diego, làm cho sự hiện ra này có một vẽ đặc biệt lạ thường.
Một danh sách những phép lạ đã xảy ra, có những phép lạ chữa bệnh, có những phép lạ hoán cải tâm hồn. Hằng năm, có khoảng 10 triệu người đã đến hành hương tại Ðền Thánh Ðức Mẹ Guadalupe, và đã làm cho Thành Phố Mêxicô trở thành nơi hành hương nổi tiếng của thế giới. Và là nơi được du khách viếng thăm nhiều nhất sau Vatican.
Tất cả đã có 24 triều đại Giáo Hoàng chính thức tôn vinh Ðức Mẹ Guadalupe. ÐTC Gioan Phaolô II đã viếng Ðền Thánh Ðức Mẹ Guadalupe 4 lần: trong dịp viếng thăm mục vụ lần thứ nhất của ngài ngoài Roma năm 1979, và rồi vào năm 1990, 1999 và 2002.
Lễ kính Ðức Mẹ Guadalupe được cử hành hằng năm vào ngày 12 tháng 12. Năm 1999, ÐTC Gioan Phaolô II, trong bài giảng Thánh Lễ trọng thể tại Ðền Thánh Ðức Mẹ Guadalupe, vào dịp viếng thăm Ðền Thánh lần thứ ba, đã tuyên bố ngày 12 tháng 12 là ngày lễ kính Ðức Mẹ Guadalupe chính thức theo niên lịch phụng vụ cho toàn cả thế giới.
Trong suốt dịp viếng thăm này, ÐTC Gioan Phaolô II đã phó dâng sự sống nhân loại trong bàn tay yêu thương của Ðức Mẹ, và phó thác cho Ðức Mẹ chở che và săn sóc tất cả những trẻ em vô tội, và đặc biệt là những hiểm nguy của những trẻ em không được sinh ra.
(Rev. Joseph Trương Văn Phúc chuyển dịch từ tài liệu về Ðức Mẹ Guadalupe bằng tiếng Anh, 30/07/2002)
*****************************************
ÐỨC MẸ GUADALUPE
Đài phát thanh Chân lý Á châu
Dạo tháng 5-1990, Ðức Gioan-Phaolô II đã tôn phong Chân phước cho một thổ dân Mêhicô tên là Juan Diego, người được Ðức Mẹ hiện ra tại Guadalupe…
Juan Diego là một thổ dân nghèo, sống với người cậu tại làng Telpetlao thuộc ngoại ô thủ đô Mêhicô, vào khoảng thế kỷ 16. Một buổi sáng Thứ bảy nọ, trên đường đi đến Thánh đường để dự Thánh lễ, Juan Diego bỗng nghe có tiếng hát du dương từ trên một ngọn đồi. Anh tiến lại gần và thấy một phụ nữ xinh đẹp tự xưng là Trinh Nữ Maria. Ðức Mẹ nói với người thổ dân nghèo như sau: “Ta muốn có một Đền thờ được dựng lên tại đây để Ta dùng tình thương, niềm cảm thông, sự giúp đỡ và bảo vệ của Ta mà bày tỏ Thiên Chúa cho loài người. Con hãy đi gặp vị Giám mục Mêhicô và nói với ngài rằng, Ta sai con đến gặp ngài để bày tỏ ý muốn của Ta. Con hãy tin tưởng rằng Ta sẽ biết ơn con và ân thưởng cho con. Ta sẽ làm cho con được giàu có và được tôn vinh”.
Juan đến gặp vị Giám mục, nhưng anh buồn bã trở về làng, vì Giám mục không tin lời của anh. Ðức Mẹ lại hiện ra cho anh một lần nữa, và cũng sai anh mang một sứ điệp như thế đến cho vị Giám mục. Nhưng lần thứ hai, dù cho anh có van nài, khóc lóc, vị Giám mục vẫn một mực không tin. Vị Giám mục nói với người thổ dân nghèo rằng: “Nếu Ðức Mẹ thực sự muốn điều đó, thì xin Người hãy bày tỏ một dấu lạ”. Và ngài bí mật cho người theo dõi. Lần thứ ba, Ðức Mẹ lại hiện ra cho Juan Diego, nhưng Người bảo anh: “Hãy trở lại vào ngày mai và Mẹ sẽ cho vị Giám mục một dấu lạ”.
Ngày hôm sau, Juan Diego không thể đến điểm hẹn với Ðức Mẹ được, vì anh còn phải đi tìm thầy thuốc cho ông cậu đang mắc bệnh. Nhưng khi đi qua ngọn đồi, Juan vẫn được Ðức Mẹ hiện ra. Người bảo đảm với anh rằng cậu của anh sẽ được lành bệnh và thay vì để Juan tiếp tục lên đường đi Mêhicô để tìm thầy thuốc, Ðức Mẹ đã sai anh đến nơi Người hiện ra cho anh lần đầu tiên. Tại đây, Người sẽ cho anh những cánh hoa thật đẹp và dấu lạ để mang đến cho vị Giám mục… Lúc bấy giờ đang là mùa đông, và ngọn đồi nơi Juan được Ðức Mẹ hiện ra thường chỉ có những cây cỏ của sa mạc như các loại gai và xương rồng. Thế nhưng hôm đó, hoa bỗng nở rộ trong sa mạc. Juan hái lấy dâng cho Ðức Mẹ, Ðức Mẹ sờ đến những cánh hoa và bảo anh lấy chiếc áo choàng để đựng hoa mang đến cho vị Giám mục…
Khi Juan vừa mở chiếc áo choàng ra để lấy hoa cho vị Giám mục xem thì lạ lùng thay, hình ảnh Ðức Mẹ đã được in trên chiếc áo của anh… Tin ở lời Ðức Mẹ, vị Giám mục đã tức tốc lên đường đến làng Ðức Mẹ đã hiện ra cho anh Juan. Ngài nhận thấy cậu của anh đã được lành bệnh. Các cuộc lành bệnh lạ lùng đã diễn ra từ đó… Một Đền thánh dâng kính Ðức Mẹ đã được xây cất, rồi cuối cùng trở thành Vương cung Thánh đường Guadalupe như chúng ta vẫn quen gọi.
Trong Thánh lễ tôn phong Chân phước cho Juan Diego tại đền thánh Guadalupe, ngay buổi chiều Chủ nhật khi vừa đến Mêhicô, Ðức Gioan-Phaolô II đã kêu gọi người dân Mêhicô hâm nóng lại tinh thần truyền giáo. Truyền giáo theo đúng nghĩa là được sai đi để mang sứ điệp đến cho người khác. Cũng giống như tất cả những ai được diễm phúc gặp Ðức Mẹ, chân phước Juan Diego đã được sai đi… Phải vất vả nhiều lần và dĩ nhiên, với sự giúp đỡ của Ðức Mẹ, Juan Diego mới có thể thuyết phục được vị Giám mục…
Kitô hữu, tự bản chất, là người được sai đi và sứ điệp của họ chính là sứ điệp của yêu thương… Cùng với những cánh hoa dâng tiến Mẹ trong tháng Năm, chúng ta được mời gọi để mang những cánh hoa yêu thương đến cho mọi người. Tình thương, sự giúp đỡ của Mẹ dành cho chúng ta cũng phải được chúng ta diễn đạt, cao rao qua cuộc sống dạt dào Tình Mến đối với mọi người.
*****************************************
BỨC HÌNH ÐỨC MẸ GUADALUPE, MỘT THÁCH ĐỐ ĐỐI VỚI KHOA HỌC KỸ THUẬT HIỆN ĐẠI.
VATICAN CITY (Zenit 10/08/2002) – Với những kỹ thuật khoa học hiện đại còn trưng bày ra nhiều sự kỳ diệu về bức hình Ðức Mẹ Guadalupe được in trên áo chòang của Thánh Juan Diego vào ngày 12 tháng 12 năm 1531: sự cấu kết của bức hình đến nay vẫn làm cho nhiều nhà chuyên môn kinh ngạc.
Vào năm 1936, Friz Hahn, giáo sư ở Mexico, lấy hai sợi chỉ từ tấm áo gởi cho Tiến sĩ Richard Kuhn, Khoa trưởng Phân khoa Hóa học Ðại Học Kaiser Wilhelm và là người được giải thưởng Nobel về Hóa học, sau khi nghiên cứu cùng với các giáo sư của phân khoa đã đi đến kết luận là màu sắc của các sợi chỉ không nằm trong danh sách những màu sắc mà họ đã nghiên cứu và hiểu biết. Năm 1951, họa sĩ Charles Salinas de Chavez quan sát bằng kính lúp một bức hình được chụp lại. Bất chợt ông tìm thấy trong mắt phải của bức hình có hình bán thân của một người đàn ông.
Ông liền tin cho Bác sĩ Rafael Lavoignet Torija, một nhà giải phẫu, ông này đã quan sát, nghiên cứu bức hình trong hai năm liền từ tháng bảy 1956 đến tháng năm 1958. Ông đã viết một bản tường trình chính thức là đã tìm thấy trong mắt của bức hình Ðức Mẹ Guadalupe, hình ảnh của một người đàn ông có râu đứng cách xa khỏang 40 centimet đúng theo như định luật quang học hiện đại. Con mắt đã thâu hình ảnh với những nét cong phản chiếu trong con ngươi như trong mắt của một người thường đang sinh sống.
Hình ảnh trong mắt của bức hình cũng được bác sĩ Javier Torroella Bueno nghiên cứu kỹ lưỡng và cũng đi đến kết luận là chiếc áo choàng của Thánh Juan Diego đã chớp lại hình của Ðức Mẹ theo như định luật quang học và chớp ảnh. Chiếc áo đã như tấm phim chớp lại hình ảnh Ðức Mẹ khi Thánh Juan Diego đứng trước mặt Ðức Mẹ.
Một chuyên viên về thần kinh hệ, Bác sĩ Jorge Alvarez Loyo, muốn dàn dựng lại khung cảnh, dùng môt người đóng vai trò thánh Juan Diego một người đóng vai Ðức Mẹ. Ông sắp đặt đúng hệt như trong bản nghiên cứu và xem chiếc áo như là tấm phim cuả máy hình để thử nghiệm công trình của mình và ông đã kết luận đây là một sự lạ huyền nhiệm.
Như cánh bướm có nhiều màu sắc rực rỡ. Những cuộc nghiên cứu tiếp theo sau này cho biết dưới những nét sơn tu sữa bức hình không có nét vẽ mà chỉ có những màu sắc được in vào như chớp ảnh. Với lọai vải dùng làm áo choàng thời đó thường không thể lưu giữ lâu hơn 20 năm. Riêng chỉ việc bền bỉ lâu dài của chiếc áo với thời gian đối với người Mexico cũng là một phép lạ.
Màu sắc của chiếc áo làm cho các khoa học gia ngỡ ngàng. Năm 1789, Bác sĩ Bartolache đã cho sao chép lại bức hình trên vào những áo chòang cùng một loai vải, dùng những màu sắc pha chế bằng khoáng chất, loài vật và thảo mộc. Tất cả các bản sao được thực hiện bởi những họa sĩ tài danh khác nhau, xong đem so sánh với màu sắc chiếc áo nguyên thủy. Những màu sắc trên chiếc áo nguyên thủy luôn bền vững in hình Ðức Mẹ Guadalupe, trong khung cảnh ở Tepeyac và đã được giữ lại không phai lạt, hư hỏng qua nhiều thế kỷ, bởi vậy khoa học kỹ thuật tiến bộ cũng không thể nào giải thích được. Năm 1975, bản tường trình của Bác sĩ Eduardo Turati thêm vào những nhận xét là ở những nơi vải bị mòn và rách vì đã dùng lâu ngày, người ta cũng tìm thấy màu sắc đã được in vào rất rõ ràng dù đã sờn rách. Màu sắc đó không phải được vẽ lên mà được in chụp vào.
Cuối cùng năm 1979, giáo sư Philip Serna và Jody Brant Smith dùng quang tuyến X để thí nghiệm. Dưới những nét vẽ tô chồng thêm bên ngoài ở những thời kỳ khác nhau đã bị nứt nẻ với thời gian: những nét màu hồng trên áo, những vành trên giải thắt lưng và trên vòng cung mặt trăng cũng đã được tô thêm theo thời gian và những nét tô thêm đó đều bị nứt nẻ. Tóm lại những nét tô thêm sau này rất dễ nhận thấy, nhưng dưới lớp tô chồng thêm, những nét tiên khởi vẫn rõ ràng không thể giải thích được.
Màu xanh trên khăn chòang của Ðức Mẹ trông như mới, mặc dù sức nóng của khí hậu nhiệt đới, màu hồng của chiếc áo phản chiếu ánh sáng tuyệt đẹp, trên nét mặt có những nét hòa hợp của người bản xứ và Tây phương với những nét đậm đà và trắng trẻo, sáng láng và tỏa ra màu rực rỡ như cánh bướm. Ðôi mắt đen nhánh và làn tóc của người Mẹ bé nhỏ (Morenita) cũng đầy những huyền nhiệm.
La Madrecita de los Mexicanos (Đức Mẹ của dân Mêhicô)
Bức hình tự chính mình cũng có khả năng tự vệ chống lại những phá hoại vô ý, vụng về cũng như có ác ý. Ví dụ điển hình là khi lau chùi khung kính bao che bức hình họ đã làm đổ chất acít nitric ở góc trái áo choàng đến nay vẫn còn nhìn thấy được, nhưng chiếc áo không hề bị hư hại bởi chất acít mà dấu acít cứ mờ dần với thời gian.
Sáng ngày 14 tháng 11 năm 1921 váo lúc 10 giờ 30, Luciano Perez, một người thợ, mang đến một bó hoa đặt dưới bàn thờ trong thánh đường trước tượng Ðức Mẹ. Anh ta vừa bước ra khỏi thánh đường thì quả bom giấu trong bó hoa phát nổ. Sức nổ làm sập bàn thờ, các chân đèn, các bình hoa và làm vỡ các cửa kính các dảy nhà lân cận, nhưng vòm kính bao che tượng Ðức Mẹ vẫn nguyên vẹn. Ðức Mẹ vẫn ở đó như lời Ðức Mẹ hứa qua bao thế hệ, Người Mẹ bé nhỏ của người Mexico, đày lòng thương xót, vẫn mãi bày tỏ lòng từ bi vô biên, và trở nên Ðấng Phù Trì che chở tòan lục địa Mỹ Châu.
Phó tế J.B. Huỳnh Mai Trác
*****************************************
KHOA HỌC LÀM SÁNG TỎ CÁC BÍ MẬT CỦA ĐỨC BÀ GUADALUPE
Philip Callahan
Hôm đẹp trời lạnh lẽo 12-12-1531 ấy, Juan Diego -một trong những người cải đạo sớm nhất ở Mêhicô- không thể mơ có một ngày trong tương lai xa xôi, ông lại được bất tử hóa và được đặt trên bàn thờ của Giáo Hội hoàn vũ.
Juan Diego đang trên đường tới nhà thờ sáng sớm hôm đó thì lại nghe tiếng nói ngọt ngào của Bà Đẹp vốn đã hiện hình trước mắt ông tại chân Đồi Tepeyac ở ngoại ô Thành phố Mêhicô hai hôm trước.
Bà Đẹp đã lặp lại ước muốn của mình là có một teocali (nhà nguyện) được xây nơi Bà đã hiện ra. Juan Diego nói với Bà rằng Đức Giám mục Juan Zumarraga đòi bằng chứng về tính xác thực của yêu cầu này. Đức Bà đã chấp thuận. Theo hướng dẫn của Người, Juan Diego đã hái một bó hoa hồng Castilian rồi chính Người xếp trên tilma của ông (áo choàng, ct: một loại poncho hai mảnh trước và sau). Ông sẽ phải đưa bó hoa hồng đó cho ĐGM. Vâng, những đóa hồng Castilian lạ lùng nở vào mùa Đông!
Juan Diego vội vàng đến gặp ĐGM. Và khi ông trải áo choàng của mình ra thì lạ chưa, ĐGM và mọi người có mặt đều hết sức kinh ngạc khi thấy không những nhiều đóa hồng thơm ngát rơi xuống từ áo choàng của ông mà còn cả một bức ảnh (cao 143 cm) của một phụ nữ trẻ đẹp với nước da hơi sẫm.
Đó là câu chuyện hay về việc làm sao hình ảnh Đức Bà Guadalupe đã xuất hiện. Hình Mẹ được bao quanh bằng những tia sáng mặt trời và dưới chân Đức Trinh Nữ có một vầng trăng lưỡi liềm và một thiên thần nâng Người lên. Đức Bà mặc một áo choàng màu xanh dương lẫn xanh lục với những ngôi sao vàng, và bên trong là một áo dài hồng thêu những nụ hoa viền vàng. Một đai lưng màu tía sẫm thắt quanh eo Đức Trinh Nữ theo kiểu các thai phụ Aztec vẫn thường mang.
Đức Mẹ yêu cầu Juan Diego gọi Người là coatloxopeuh mà trong tiếng Nahuatl, ngôn ngữ Aztec châu Mỹ, có nghĩa là “người đạp dẹp con rắn”. Trên phương diện lịch sử, đó là một phần văn hóa Aztec đương thời, vốn hàng năm dâng ít nhất 20.000 đàn ông, đàn bà và trẻ em cho các thần của họ như tế vật. Nhờ Đức Bà Guadalupe hiện ra với Juan Diego, hàng triệu người đã trở lại Kitô giáo, như thế là đạp dẹp con rắn của việc thờ ngẫu tượng.
Áo choàng của Juan Diego được làm bằng sợi thô, cứng, một thứ vải hoàn toàn không thích hợp để vẽ. Cuộc nghiên cứu và nhiều thử nghiệm khoa học đã được thực hiện trên áo choàng đó từ năm 1666 bởi các họa sĩ, bác sĩ và khoa học gia. Những phát hiện của họ cho thấy như sau: các đặc điểm lạ lùng của hình ảnh vượt quá mọi hiểu biết khoa học; hình ảnh xem ra đã không được vẽ bởi bàn tay con người; các màu sắc xuất hiện như “tích hợp” vào thớ vải; và chất màu được sử dụng không có nguồn gốc từ động vật hay khoáng vật. Hơn nữa, áo choàng, được làm bằng sợi đặc biệt đó, là tấm khăn duy nhất cùng loại còn tồn tại sau 476 năm [ct: 2007, thời điểm tác giả viết bài này].
Renzo Allegri, trong bài viết trên báo Messenger of Saint Anthony (Sứ giả của Thánh Antôn), cho biết rằng hiện tượng đã đánh thức sự tò mò khoa học đối với hình ảnh Đức Bà Guadalupe, liên quan đến cái đã được khám phá trong đồng tử đôi mắt Đức Mẹ. Năm 1929, Alfonso Gonzales, một nhiếp ảnh gia của Vương cung Thánh đường Guadalupe, sau khi nghiên cứu âm bản (phim) của hình ảnh, đã tìm ra cái có vẻ là hình ảnh rõ nét của một người nam có râu phản chiếu ở mắt bên phải.
Hơn 20 năm sau, một nhiếp ảnh gia khác của Vương cung Thánh đường, Carlos Chavez, đã tuyên bố rằng ông thấy một hình người trong mắt bên trái cũng như mắt bên phải của Đức Bà Guadalupe. Từ năm 1956 tới 1958, Rafael Torija Lavoigner đã thực hiện 5 cuộc nghiên cứu sử dụng các thấu kính phóng đại và kính soi đáy mắt (ophthalmoscopes), ông xác nhận có nhiều hình người trong đôi mắt của Đức Trinh Nữ.
Các hiện tượng như thế trở nên giật gân hơn nữa khi đôi mắt Đức Bà được nghiên cứu có sử dụng kỹ thuật tinh vi hơn nối kết với các máy vi tính.
Năm 1979, Tiến sĩ Jose Aste Tousman, một kỹ sư xuất sắc chuyên về vi tính ở Hoa Kỳ, đã đến Mêhicô. Ông là một trong những nhà nghiên cứu có khả năng nhất về đôi mắt Đức Bà Guadalupe. Allegri viết rằng công trình TS Tousman thực hiện trong 23 năm thật đáng kinh ngạc; ông đã sử dụng thiết bị cập nhật hay tinh vi nhất, giống các loại mà NASA vẫn dùng để giải mã các bức ảnh do vệ tinh chụp trong không gian. TS Tousman đã phóng to hình ảnh đôi mắt Đức Bà Guadalupe tới 2.500 lần, sử dụng 25.000 màu được chiếu sáng cho mỗi mm vuông.
Sau khi lọc và xử lý hình ảnh kỹ thuật số, TS Tousman khám phá ra một toàn cảnh được bắt hay được chụp trong đôi mắt Đức Bà Guadalupe. Trong toàn cảnh, có khoảng 11 người. Có một người Mêhicô bản địa ngồi xếp hai chân và tóc dài tết thành đuôi ngựa. Kế ông là một cụ già, hói đầu, râu trắng, mũi thẳng, lông mày rậm và một giọt nước mắt chảy dài xuống má phải. Nhân vật này được xác định là ĐGM Juan Zumarraga. Bên trái ngài là tay phiên dịch của ngài, Juan Gonzales. Có bóng dáng một ông già để râu và ria, với một cái mũi to kiểu Rôma, xương gò má lồi lên, đôi mắt chìm sâu và đôi môi nửa khép nửa mở – rõ ràng là một thổ dân châu Mỹ – đang mở áo choàng của mình khi quay mặt về phía ông già đầu hói. Rõ ràng là Juan Diego, kẻ đem những đóa hồng trong áo choàng mình tới cho ĐGM. Cũng có nhiều kẻ không xác định được gồm một người cha, một người mẹ, hai ông bà già và 3 đứa trẻ.
Cảnh tượng được khám phá trong đôi mắt phóng đại của hình ảnh kỹ thuật số cho thấy rằng trong giây phút đầy xúc động ấy, khi Juan Diego trải áo choàng cho Đức Giám mục và khi tất cả những ai đang hiện diện trong căn phòng thấy hình ảnh Đức Bà được vẽ lên đó, thì Mẹ Thiên Chúa thực sự có mặt: như những caméra tinh vi nhất, đôi mắt của Người đã chụp cảnh tượng và đã bảo tồn nó cho các thế hệ tương lai. Cũng kỳ lạ ở chỗ: ý thức những giới hạn của khoa học và kỹ thuật thời đó, Đức Mẹ biết rằng điều này sẽ chỉ được khám phá vài trăm năm sau, khi các thiết bị tinh vi nhất được con người phát minh chế tạo.
Sứ điệp của Đức Bà Guadalupe có thể là gì qua các phát hiện ấy của khoa học? TS Aste Tousman đã đi đến những suy nghĩ như vậy. Sự hiện diện của những kẻ không xác định có thể là một sự nhấn mạnh đến tầm quan trọng của gia đình và các giá trị gia đình. Vì hai người đàn ông da trắng và những thổ dân châu Mỹ được tìm thấy trong cảnh tượng, sự hiện diện của những chủng tộc pha trộn có thể là một cảnh báo chống kỳ thị chủng tộc và là một lời kêu gọi tình huynh đệ giữa con người. Việc khám phá cảnh tượng nhờ thiết bị hiện đại có thể là một lời mời gọi dùng kỹ thuật để loan truyền lời Chúa Kitô.
Juan Diego đã được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II phong thánh tại Mêhicô. Thổ dân châu Mỹ khiêm nhường, đơn sơ này có thể đã không hình dung rằng Bà Đẹp Guadalupe mà ông đã nói chuyện với ở đồi Tepayac còn có nhiều bí mật khác được tiết lộ, được dành riêng cho các thế hệ tương lai. Trong trí óc đơn giản của mình, ông đã không thể nhận thức điều ấy. Chỉ cần nói rằng ông đã vâng lời và yêu mến Đức Mẹ, Đức Mẹ cũng đã yêu mến ông vì tâm hồn đơn sơ và trong sạch của ông.
Xem ra lạ lùng đối với một khoa học gia khi nói lên điều ấy, nhưng với tôi là kẻ cảm thấy liên hệ, bức ảnh gốc thật kỳ diệu. Nghiên cứu hình ảnh này là kinh nghiệm cảm động nhất của đời tôi. Tiếp cận với nó, tôi có cùng cảm giác lạ lùng như những ai đã nghiên cứu Khăn liệm thành Turin (Italia). Tôi tin vào những cách giải thích lô-gích tới một điểm nào đó. Nhưng không có cách giải thích lô-gích cho cuộc sống. Bạn có thể bẻ sự sống thành các nguyên tử, nhưng cái gì đến sau đó? Ngay cả nhà bác học Einstein cũng chân nhận có Thiên Chúa mà!
(*) Giáo sư Philip Callahan là khoa học gia xuất chúng, ĐH Florida năm 1979.
Trích Francis Johnston, Sự kỳ diệu của Guadalupe.
Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi dịch từ nguyên bản Anh ngữ
Nguồn: http://www.all-about-the-virgin-mary.com/our-lady-of-guadalupe-science.html