Cơ quan Quản trị Tài sản của Tòa Thánh thuộc hàng quan trọng nhất của Tòa Thánh về phương diện tài chính. Bởi vì Cơ quan quản lý ngân quỹ, các bất động sản và các tài sản khác của Tòa Thánh, đồng thời có nhiệm vụ cung cấp cho Tòa Thánh với tất cả các cơ quan phụ thuộc các phương tiện vật chất để chu toàn sứ vụ. Cơ quan cũng lo việc đầu tư và làm sao để các bất động sản của Tòa Thánh sinh lợi để chu cấp cho các nhu cầu của Tòa Thánh.
Thành lập và những thay đổi
Cơ quan Quản trị Tài sản của Tòa Thánh (APSA) được thánh Đức Giáo hoàng Phaolô VI thành lập 15/8/1967, thay thế hai cơ quan trước đó là Cơ quan Quản trị Tài sản của Toà Thánh và Cơ quản Quản trị đặc biệt của Toà Thánh.
Ngày 28/6/1988, với Tông hiến “Mục Tử nhân lành” thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã ban hành các quy định mới liên quan đến hoạt động quản trị của cơ quan này. Đến thời Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI, ngài cũng đã khởi xướng một sự thay đổi về các hoạt động của cơ quan.
Từ năm 2014, theo đường hướng của vị tiền nhiệm, Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục hoàn thành phần cuối trong một tiến trình rộng rãi và quan trọng hơn đã khởi sự từ thời Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI. Trong cuộc phỏng vấn dành cho Vatican News hôm 08/11/2021, Đức cha Nunzio Galantino, Chủ tịch Cơ quan Quản trị Tài sản của Tòa Thánh cho biết đây là một tiến trình hữu lý hóa nhằm đạt tới sự minh bạch và kiểm soát tất cả những gì liên quan đến việc quản trị và điều hành các tài nguyên của Tòa Thánh, để không còn có cơ quan hoặc lĩnh vực nào được miễn chuẩn khỏi sự kiểm soát.
Sứ vụ
Cơ quan Quản trị Tài sản của Tòa Thánh thuộc hàng quan trọng nhất của Tòa Thánh về phương diện tài chính. Bởi vì Cơ quan quản lý ngân quỹ, các bất động sản và các tài sản khác của Tòa Thánh, đồng thời có nhiệm vụ cung cấp cho Tòa Thánh với tất cả các cơ quan phụ thuộc các phương tiện vật chất để chu toàn sứ vụ. Cơ quan cũng lo việc đầu tư và làm sao để các bất động sản của Tòa Thánh sinh lợi để chu cấp cho các nhu cầu của Tòa Thánh.
Cũng trong cuộc phỏng vấn của Vatican News, Đức cha Galantino cho biết, Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục yêu cầu Cơ quan Quản trị Tài sản của Tòa Thánh và tất cả các cơ quan của Toà Thánh có liên quan đến lĩnh vực tài chính phải hoạt động phù hợp với sứ vụ của Giáo hội. Nghĩa là các cơ quan này phải đảm bảo một sự quản lý minh bạch, có khả năng chuyên môn và hữu hiệu về mọi phương diện. Đức Thánh Cha yêu cầu điều này trước hết vì ngài cho rằng loan báo Tin Mừng cũng được thể hiện qua uy tín của những người được kêu gọi loan báo và làm chứng cho Tin Mừng. Một Giáo hội ít được tin cậy sẽ khó làm cho người khác đón nhận Lời Chúa. Và khi được đặt vào bối cảnh xã hội, Giáo hội có nghĩa vụ tuân theo tất cả những luật lệ quy định đời sống xã hội và kinh tế.
Hoạt động quản lý bất động sản
Với sứ vụ quan trọng như thế, hoạt động của Cơ quan Quản trị Tài sản của Tòa Thánh bao gồm: hoạt động quản lý bất động sản, hoạt động kinh doanh tài chính và các hoạt động khác.
Trước hết về hoạt động quản lý bất động sản, Đức cha Galantino cho biết, Cơ quan Quản trị Tài sản của Tòa Thánh hiện quản trị 4051 bất động sản của Tòa Thánh ở Ý, trong số này 92% ở thành phố và tỉnh.
Tại Roma, đại dịch đã ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động trong lĩnh vực này, nhưng Cơ quan đã đáp ứng tình trạng khó khăn. Như vào tháng 3/2020, giữa tình trạng khẩn cấp vì Covid-19, Cơ quan đã quyết định giảm tiền thuê các bất động sản của Vatican từ 30 đến 50% tùy theo hoạt động.
Cơ quan đang có dự án làm cho các bất động sản bỏ không có thể sinh lợi, bằng cách trùng tu thành 100 căn hộ. Việc này dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng 01/2022.
Các mục tiêu chính hiện nay và trong tương lai của Cơ quan Quản trị Tài sản của Tòa Thánh là cải thiện dịch vụ và hiệu suất các bất động sản và tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm soát và minh bạch hoạt động. Số tiền thu được từ việc cho thuê được dùng để tái đầu tư, bảo trì và nâng cấp các tòa nhà. Phần còn lại được dùng để đóng góp vào các chi phí của Tòa thánh và sứ vụ của Giáo hoàng.
Hoạt động kinh doanh tài chính
Về hoạt động kinh doanh tài chính của Cơ quan Quản trị Tài sản của Tòa Thánh, Đức cha Galantino nói rằng Toà Thánh không phải là một công ty hướng đến lợi nhuận, nhưng đúng hơn là “một người cha tốt” quản trị tài nguyên cách cẩn thận vì lợi ích của toàn thể gia đình. Vì vậy ngân sách của Toà Thánh không thể so sánh với ngân sách của một công ty, có thể nói đó là “ngân sách của sứ vụ”. Mỗi cơ quan của Toà Thánh thực hiện một loại hình phục vụ. Và mỗi hoạt động này đều cần chi phí và không nhất thiết phải có những con số thu nhập. Thực tế, đã có những năm con số chi phí nhiều hơn thu nhập.
Các hoạt động cụ thể về kinh doanh tài chính của Cơ quan là: đầu tư vào chứng khoán quốc tế, tư vấn, giải pháp tài chính, tiếp cận thị trường vốn cho Giáo triều và các cơ quan khác của Vatican.
Ngày 24/7/2021, lần đầu tiên cơ quan Cơ quan Quản trị Tài sản của Tòa Thánh công bố cho công chúng bản tóm lược báo cáo tài chính, thay vì chỉ trình bày cho các cơ quan kiểm soát để phê chuẩn như trước đó.
Theo báo cáo, trong năm 2020, do đại dịch, lợi nhuận của Cơ quan Quản trị Tài sản của Tòa Thánh chỉ được gần 51 triệu euro. Số tiền đầu tư tương đương với 1 tỷ 778 triệu euro. Mức đóng góp của Cơ quan Quản trị Tài sản của Tòa Thánh cho các cơ quan trung ương Tòa Thánh bị giảm sút một nửa: từ 41 triệu xuống còn 20 triệu.
Các hoạt động khác
Ngoài hoạt động quản lý bất động sản và hoạt động kinh doanh tài chính, Cơ quan Cơ quan Quản trị Tài sản của Tòa Thánh còn có các hoạt động khác, bao gồm các dịch vụ – hầu hết là miễn phí – được cung cấp bởi các văn phòng mua hàng, kế toán, thu tiền và thanh toán, chuyên về vé và tổ chức hậu cần cho các chuyến đi của Tòa Thánh.
Ngoài chức năng trên, ngày 28/12/2020, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành Tự sắc tựa đề “Một công việc tổ chức tốt đẹp hơn” (Una migliore organizzazione), với những qui luật rõ ràng về việc quản trị các ngân khoản trước đây thuộc quyền quản lý của Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh. Với Tự sắc này, Cơ quan Quản trị Tài sản của Tòa Thánh được Đức Thánh Cha giao thêm việc, đó là quản lý luôn tài chính của Phủ Quốc vụ khanh. Từ trước đến nay, Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh giúp Đức Thánh Cha quản trị các ngân khoản như “Đồng tiền thánh Phêrô” hoặc các khoản tiền khác trực thuộc Đức Thánh Cha.
Quỹ y tế Công giáo
Ngày 06/10/2021, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thành lập Quỹ y tế Công giáo, đồng thời bổ nhiệm Đức cha Nunzio Galantino làm Chủ tịch Quỹ này. Nói rõ thêm về những ưu tiên và cách thức hoạt động của thực tại mới này, Chủ tịch Cơ quan Quản trị Tài sản của Tòa Thánh khẳng định rằng, các ưu tiên chính của Quỹ y tế Công giáo là trở thành điểm tham chiếu và hỗ trợ cho các cơ sở y tế lấy cảm hứng từ Công giáo. Đặc biệt đối với những cơ sở đang gặp khó khăn để trung thành với đặc sủng các vị Sáng lập, có thể tiếp tục duy trì trong mạng lưới các cơ cấu tương tự và đảm bảo một sự phục vụ được truyền cảm hứng từ Học thuyết Xã hội của Giáo hội. Thường thì đây là những cơ sở y tế với các tiêu chuẩn khoa học và chuyên môn cao. Toà Thánh muốn làm mọi cách để tất cả có thể tiếp tục.
Quỹ hỗ trợ và cải tạo các cơ sở y tế do các cơ quan Giáo hội sở hữu hoặc quản lý, tìm kiếm các nguồn tài chính cần thiết, bao gồm các nguồn tài chính từ các nhà tài trợ tư nhân và các tổ chức công và tư.
Quỹ sẽ có thể thực hiện bất kỳ hình thức hoạt động nào theo quy định của pháp luật của quốc gia nơi các cơ sở y tế này hoạt động trong khi vẫn tuân theo giáo huấn của Học thuyết Xã hội của Giáo hội và các nguyên tắc bền vững về kinh tế. Bằng cách này, các cơ sở chăm sóc sức khỏe Công giáo đang gặp khó khăn sẽ có thể tránh được những quyết định vội vàng.
Nhân viên
Cơ quan Quản trị Tài sản của Tòa Thánh hiện có 102 nhân viên được phân bổ trong các lĩnh vực hoạt động quản lý bất động sản, kinh doanh tài chính, và trong các hoạt động khác. Cơ quan này có kế hoạch 3 năm giúp đạt tới hiệu năng và hiệu quả nhờ sự dấn thân của mỗi nhân viên trong bầu không khí minh bạch và cộng tác, với ý thức rằng Cơ quan Quản trị Tài sản của Tòa Thánh có nhiệm vụ bảo tồn, cải tiến và làm cho gia sản được Tòa Thánh ủy thác sinh lợi.
Ngọc Yến
Nguồn: Đài Vatican News