Trong bối cảnh của nạn buôn người đang lan tràn, ĐTC Phanxicô đã ủy thác cho sơ Eugenia Bonetti, một nữ tu chuyên phục vụ trong lãnh vực chống lại tệ nạn này, soạn bài suy niệm cho buổi ngắm Đàng Thánh Giá tại Colosseo năm 2019 này. Bài suy niệm của sơ Eugenia Bonetti sẽ chú trọng đến những đau khổ của rất nhiều người là nạn nhân của nạn buôn người.
Tiếp nối truyền thống của các vị Giáo Hoàng tiền nhiệm, vào lúc 9 giờ tối thứ sáu Tuần Thánh, 19-4, ĐTC Phanxicô sẽ chủ sự buổi đi đàng Thánh Giá trọng thể tại Hý trường Colosseo ở Roma, nơi đã có nhiều tín hữu Kitô chịu khổ hình vì đức tin.
Các bài suy niệm đàng thánh giá năm nay được ĐTC Phanxicô ủy thác cho Nữ tu Eugenia Bonetti, 80 tuổi (1939) thuộc dòng Thừa sai Đức Mẹ An Ủi, chủ tịch Hiệp hội ”Slaves no more”, không là nô lệ nữa, một tổ chức dấn thân chống nạn buôn người. Chị Bonetti từng là thừa sai tại Kenya bên Phi châu trong 24 năm trời, rồi trở về Roma hoạt động trong nhiều sứ vụ khác, rồi tại Hiệp hội các Bề trên thượng cấp các dòng nữ Italia, đặc biệt dấn thân trong các hoạt động cứu giúp các nạn nhân của nạn buôn người. Hồi tháng 9 năm 2013, khi gặp ĐTC Phanxicô, Chị xin ngài thiết lập Ngày thế giới suy tư và cầu nguyện chống nạn buôn người, cử hành vào ngày 8-2 mỗi năm.
* Dẫn nhập
40 ngày đã trôi qua từ khi chúng ta chịu xức tro và bắt đầu hành trình mùa chay. Hôm nay chúng ta cảm nghiệm lại những giờ cuối cùng trong cuộc sống trần thế của Chúa Giêsu, cho đến khi Ngài bị treo trên thập giá và thốt lên ”Mọi sự đã hoàn tất”. Tụ tập tại đây, nơi mà hàng ngàn người trong quá khứ đã chịu chết vì trung thành với Chúa Kitô, giờ đây chúng ta hãy đi lại ”con đường khổ giá” cùng với tất cả những người nghèo, người bị gạt ra ngoài xã hội và những “người bị đóng đinh mới” trong lịch sử ngày nay, nạn nhân sự khép kín của chúng ta, của quyền lực và những luật lệ, của sự mù quáng và ích kỷ, nhưng nhất là nạn nhân con tim chai đá của chúng ta vì dửng dưng lãnh đạm. Đây là một thứ bệnh mà cả chúng ta, các Kitô hữu, cũng bị. Ước gì Thập Giá của Chúa Kitô, dụng cụ chết chóc nhưng cũng là dụng cụ mang lại cuộc sống mới, nối liền trong vòng tay giữa trời và đất, nam và bắc, đông và tây, soi sáng lương tâm của các công dân, lương tâm của Giáo Hội, các nhà lập pháp và tất cả những người xưng mình là môn đệ Chúa Kitô, để Tin Mừng cứu độ đi tới với tất cả mọi người.
* Chặng thứ I: Chúa Giêsu bị kết án tử hình
Trích Phúc Âm theo thánh Mathêu (Mt 7,21)
”Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ”Lạy Chúa, Lạy Chúa!” là được vào Nước Trời, nhưng chỉ ai thi hành Thánh Ý Cha Thầy là Đấng ngự trên trời”.
Lạy Chúa, có ai biết cách là môn đệ của Chúa cho bằng Đức Maria, Mẹ Ngài? Mẹ đã đón nhận Thánh Ý Chúa Cha cả trong lúc đen tối nhất của đời Mẹ, và với tâm hồn tan nát, Mẹ đứng cạnh Chúa. Mẹ đã sinh ra Chúa, cưu mang, bồng ẵm Chúa, nuôi nấng Chúa trong yêu thương và đồng hành với Chúa trong cuộc sống trần thế, Mẹ không thể không bước đi cùng con đường dẫn đến đồi Canvê và chia sẻ với Chúa giờ phút bi thảm và đau thương nhất của Chúa và của cuộc đời Mẹ.
Lạy Chúa, bao nhiêu bà mẹ ngày nay đang trải qua kinh nghiệm của Mẹ Chúa và khóc thương vì số phận con cái của họ? Bao nhiêu bà mẹ, sau khi sinh con, nay đang thấy chúng đau khổ và chết vì bệnh tật, vì thiếu lương thực, nước uống, không được chăm sóc sức khỏe và không được những cơ may cho cuộc sống và cho tương lai? Chúng con cầu xin Chúa cho những người đang nắm giữ vai trò trách nhiệm, để họ lắng nghe tiếng kêu của người nghèo đang vọng lên tới Chúa từ các nơi trên trái đất. Tiếng kêu của tất cả những người trẻ, qua những cách thức khác nhau, đang bị kết án tử hình vì sự dửng dưng do những chính sách loại trừ và ích kỷ gây ra. Ước gì không một ai trong các con cái của Chúa thiếu công ăn việc làm và những gì cần thiết để có cuộc sống lương thiện và xứng đáng.
Chúng ta cùng cầu nguyện và thưa: ”Lạy Chúa, xin giúp chúng con thi hành thánh ý Chúa:
– trong những lúc khó khăn và nản chí
– trong những lúc đau khổ thể lý và tinh thần
– trong những lúc đen tối và cô đơn
** Chặng thứ II: Chúa Giêsu vác thánh giá
Trích Phúc Âm theo thánh Luca (Lc 9,23)
”Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy bỏ mình đi, vác thập giá mình hằng ngày và theo Thầy”.
Lạy Chúa Giêsu, thật là dễ đeo thập giá ở cổ hoặc treo thập giá như đồ trang trí trên các bức tường của các nhà thờ chính tòa đẹp đẽ hoặc trong các tư gia của chúng con, nhưng không dễ như thế khi gặp và nhận ra những thập giá mới ngày nay: những người không có gia cư nhất định, những người trẻ không có hy vọng, chẳng có công ăn việc làm và không có viễn tượng tương lai, những người di dân buộc lòng phải sống trong các nhà tồi tàn ven các thành phố của chúng con, sau khi đã đương đầu với những đau khổ khôn tả. Rất tiếc là những khu trại ấy, không có an ninh, bị đốt cháy và san bình địa cùng với giấc mơ và những hy vọng của hàng ngàn người nam nữ bị gạt ra ngoài lề xã hội, bị bóc lột và quên lãng. Và rồi bao nhiêu trẻ em bị kỳ thị vì gốc gác của các em, vì màu da hoặc vì giai tầng xã hội! Bao nhiêu bà mẹ chịu tủi nhục khi thấy con cái bị nhạo cười và không được những cơ may như các bạn đồng lứa và cùng trường.
Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa vì đã nêu gương cho chúng con bằng chính cuộc sống của Chúa về cách thức biểu lộ tình thương chân thật và vô vị lợi đối với tha nhân, đặc biệt đối với những kẻ thù hoặc đối với những người không giống chúng con. Lạy Chúa Giêsu, bao nhiêu lần, cả chúng con, trong tư cách là môn đệ Chúa, chúng con đã công khai tuyên bố mình là người theo Chúa trong những lúc Chúa chữa lành và làm phép lạ, khi Chúa cho đám đông ăn no và tha thứ các tội lỗi. Nhưng không dễ hiểu Chúa như thế khi Chúa nói về việc phục vụ và tha thứ, từ bỏ và đau khổ. Xin giúp chúng con luôn biết dùng cuộc sống chúng con để phục vụ tha nhân.
Chúng ta cùng cầu nguyện và thưa: ”Lạy Chúa, xin giúp chúng con hy vọng”:
– khi chúng con cảm thấy bị bỏ rơi và cô độc
– khi chúng con khó đi theo vết chân của Chúa
– khi việc phục vụ tha nhân trở nên khó khăn
* Chặng thứ III: Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ I
Trích sách Ngôn Sứ Isaia (Is 53,4)
Sự thật, chính Người đã mang lấy những đau khổ của chúng ta, đã gánh chịu những đau đớn của chúng ta”.
Lạy Chúa Giêsu, trên con đường dốc dẫn lên đồi Canvê, Chúa đã muốn cảm nghiệm sự dòn mỏng và yếu đuối của loài người. Giáo Hội ngày nay sẽ ra sao nếu không có sự hiện diện và lòng quảng đại của bao nhiêu người thiện nguyện, những người samaritano mới của ngàn năm thứ ba? Trong một đêm giá lạnh tháng giêng, trên một con đường ở ngoại ô Roma, 3 thiếu nữ Phi châu, chỉ lớn hơn tuổi niên thiếu một chút, co ro sát đất để sưởi ấm tấm thân nửa trần trụi của họ quanh một đống lửa nhỏ. Vài thanh niên, để giỡn chơi, khi lái xe ngang qua đó, đã ném những vật dụng dễ cháy vào đống lửa ấy, làm cho các thiếu nữ bị phỏng nặng. Cùng lúc ấy có một trong số bao nhiêu đơn vị người thiện nguyện trên đường phố chạy đến cứu các thiếu nữ ấy, đưa họ vào nhà thương để rồi đón nhận họ vào một “Ngôi nhà gia đình”. Bao nhiêu thời gian cần thiết để các thiếu nữ ấy được lành lặn, không những khỏi những vết bỏng nơi chi thể, nhưng cả những đau khổ và tủi nhục với một thân mình bị cắt xén và biến dạng mãi mãi?
Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa vì sự hiện diện của bao nhiêu người samaritano mới của ngàn năm thứ ba ngày nay vẫn còn sống kinh nghiệm trên đường đi, với lòng yêu mến và cảm thương, cúi mình trên bao nhiêu vết thương thể lý và tinh thần của những người mỗi đêm sống trong sợ hãi và kinh hoàng của đêm đen, cô đơn và dửng dưng lãnh đạm. Lạy Chúa, rất tiếc là nhiều lần ngày nay chúng con không biết nhận ra ai đang ở trong cảnh túng thiếu, không thấy người bị thương và tủi nhục. Nhiều khi chúng con đòi hỏi các quyền lợi của mình, nhưng lại quên những quyền lợi của những người nghèo và những người rốt cùng. Lạy Chúa, xin ban cho chúng con ơn đừng vô cảm trước những tiếng khóc, những đau khổ, tiếng kêu đau thương của họ, vì qua họ chúng con có thể gặp Chúa.
Chúng ta cùng nhau cầu nguyện và thưa: ”Lạy Chúa, xin giúp chúng con yêu thương”:
– khi chúng con dấn thân trở thành những người samaritano
– khi chúng con cảm thấy khó tha thứ
– khi chúng con không muốn nhìn thấy những đau khổ của người khác
** Chặng thứ IV: Chúa Giêsu gặp Mẹ Ngài
Trích Phúc Âm theo thánh Luca (Lc 2,35)
”Một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn Bà, để những tâm tư của nhiều người được tỏ lộ”.
Lạy Mẹ Maria, khi Mẹ dâng Chúa Hài Đồng Giêsu vào đền thờ theo nghi thức thanh tẩy, cụ già Simeon đã tiên báo cho Mẹ rằng một lưỡi gươm sẽ đâm thâu qua lòng Mẹ. Giờ đây là lúc lập lại lời thưa ”xin vâng” của Mẹ, lòng gắn bó của Mẹ với thánh ý Chúa Cha, cho dù phải tháp tùng Chúa Con đến nơi hành hình, thấy người bị đối xử như kẻ gian ác, tạo nên một đau khổ xé lòng Mẹ.
Lạy Chúa, xin thương xót quá nhiều các bà mẹ để cho các con gái của họ ra đi, tìm về Âu Châu với hy vọng giúp đỡ gia đình trong cảnh nghèo khổ cùng cực, nhưng rồi các thiếu nữ ấy đã bị nhục nhã, bị khinh rẻ và nhiều khi cả cái chết nữa. Như cô Tina, bị giết chết dã man trên đường lúc mới 20 tuổi, để lại đứa con gái vài tháng.
Lạy Mẹ Maria, trong lúc này, Mẹ trải qua cùng thảm trạng như bao nhiêu bà mẹ chịu đau khổ vì con cái ra đi đến những nước khác với hy vọng tìm được cơ may có một tương lai tốt đẹp hơn cho bản thân và gia đình, nhưng đáng tiếc là, họ bị tủi nhục, khinh rẻ và bạo hành, dửng dưng, cô đơn và thậm chí cả cái chết. Xin ban cho họ sức mạnh và can đảm.
Chúng ta cùng nhau cầu nguyện và thưa: Lạy Chúa, xin làm cho chúng con luôn biết nâng đỡ và an ủi, và hiện diện để giúp đỡ:
– để an ủi những bà mẹ khóc thương cho số phận của con cái họ
– để giúp đỡ người đã đánh mất mọi hy vọng trong cuộc đời
– để trợ giúp người hằng ngày phải chịu bạo lực và khinh rẻ
* Chặng thứ V: Ông Simon vác Thánh Giá đỡ Chúa Giêsu
Trích Thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu Galata (Gal 6,2):
”Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật Đức Kitô”.
Lạy Chúa Giêsu, trên đường lên đồi Golgotha, Chúa cảm thấy nặng nề và khó khăn khi vác cây thánh giá gỗ thô ráp. Trong vô vọng, Chúa hy vọng có được cử chỉ giúp đỡ của một người bạn, của một người trong những môn đệ của Chúa, của một người trong những người mà Chúa đã giảm bớt đau khổ cho họ. Thật không may, chỉ có một người xa lạ, Simôn thành Kyrênê, vì bắt buộc, đã giúp đỡ Chúa. Ngày nay, đâu là những người thành Kyrênê mới của thiên niên kỷ thứ ba? Chúng con tìm họ ở đâu?
Con muốn nhớ lại kinh nghiệm của một nhóm các nữ tu với quốc tịch, nguồn gốc khác nhau hiện diện tại Roma hơn 17 năm qua. Vào mỗi thứ bảy, các nữ tu có mặt tại một trung tâm dành cho phụ nữ nhập cư không có giấy tờ, thường là phụ nữ trẻ, đang chờ đợi để biết số phận của họ, giữa việc bị trục xuất và khả năng được lưu lại.
Chúng con đã thấy bao nhiêu đau khổ, nhưng cũng biết bao niềm vui nơi các phụ nữ này khi họ tìm gặp được các nữ tu đến từ đất nước họ, nói ngôn ngữ của họ, lau khô nước mắt cho họ, chia sẻ những giây phút cầu nguyện, lễ hội, làm cho họ cảm thấy nhẹ bớt những tháng dài giữa song sắt và những con đường bêtông.
Lạy Chúa, chúng con cầu nguyện cho tất cả những người thành Kyrênê trong lịch sử của chúng con. Để họ không bao giờ thiếu mong muốn đón tiếp Chúa dưới những diện mạo của những người rốt cùng trên mặt đất này. Xin cho họ ý thức rằng đón tiếp những người bé nhỏ của xã hội chúng con là tiếp nhận Chúa. Những người Samaritano này là những người lên tiếng cho những người không có tiếng nói.
Chúng ta cùng cầu nguyện và thưa: ”Lạy Chúa, xin giúp chúng con mang thập giá của chúng con ”:
– khi chúng con mệt mỏi và chán nản
– khi chúng con cảm thấy sức nặng của những yếu đuối của chúng con
– khi Chúa yêu cầu chúng con chia sẻ những đau khổ của người khác
* Chặng thứ 6: Bà Vêronica lau mặt Chúa Giêsu
Trích Phúc Âm theo thánh Mathêu (Mt 25,40)
”Thầy bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Thầy vậy”.
Chúng ta hãy nghĩ đến những trẻ em ở nhiều nơi trên thế giới, không thể đến trường, trái lại các em bị khai thác bóc lột nơi hầm mỏ, trên các cánh đồng, nơi các vùng đánh cá, nạn nhân của những kẻ buôn người cho việc cấy ghép các cơ phận. Trên các con đường của chúng ta, các em bị sử dụng bị khai thác từ rất nhiều người, trong đó có cả các Kitô hữu, những người đã đánh mất ý nghĩa thánh thiêng của chính mình và của người khác.
Như một đêm kia tại Rôma, một bé gái với thân thể ốm yếu, bị bắt gặp khi đang ở bên cạnh một chiếc xe sang trọng, và những người đàn ông đang lần lượt khai thác em. Em có thể chỉ bằng tuổi con gái của những người này. Sự mất cân bằng này có thể tạo ra bạo lực này trong cuộc sống của rất nhiều bạn trẻ trải qua sự bất công, ngạo mạn, dửng dưng của những người ngày đêm tìm kiếm và sử dụng các em, và sau đó ném các em trở lại trên những con đường, tiếp tục trở thành những con mồi cho những kẻ buôn người tiếp theo.
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy làm cho đôi mắt của chúng con trở nên trong suốt để chúng con biết khám phá khuôn mặt Chúa nơi các anh chị em, đặc biệt nơi tất cả các trẻ em nhiều nơi trên thế giới đang phải sống trong cảnh bần cùng, đói khổ. Các trẻ em không có tuổi thơ hạnh phục, thiếu giáo dục, vô tội. Các em là những thụ tạo bị sử dụng như những hàng hóa ít giá trị, bị buôn bán cho những vui thú. Lạy Chúa, chúng con cầu xin lòng trắc ẩn, từ bi thương xót của Chúa cho thế giới bị bệnh này, xin giúp chúng con tái khám phá vẻ đẹp của chính chúng con và của những người khác đó là phẩm giá làm người, là thụ tạo giống hình ảnh của Chúa
Chúng ta cùng cầu nguyện và thưa: ”Lạy Chúa, xin giúp chúng con thấy”:
– khuôn mặt của những trẻ thơ đang cầu xin sự giúp đỡ
– bất công xã hội
– phẩm giá mà mỗi người mang trong mình và bị chà đạp
* Chặng thứ 7: Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ hai
Trích thư thứ nhất của Thánh Phêrô Tông đồ (1Pt 2,23):
”Bị nguyền rủa, Người không nguyền rủa lại, chịu đau khổ mà chẳng ngăm đe; nhưng một bề phó thác cho Đấng xét xử công bình”.
Trong xã hội của chúng ta đang sống, có biết bao phụ nữ đã bị bán! Xã hội đương đại đã đánh mất giá trị cao quý của sự tha thứ, một món quà tuyệt vời, chăm sóc vết thương, nền tảng cho hòa bình và sự sống chung giữa con người với nhau. Trong một xã hội, nơi mà sự tha thứ được xem như một điều yếu đuối.
Lạy Chúa, Chúa mời gọi chúng con không dừng lại ở bề ngoài. Không tha thứ bằng lời, nhưng bằng mẫu gương. Đối với người làm Chúa đau khổ, Chúa trả lời: ”Tại sao ngươi bách hại ta? Chúa biết rõ công lý thực sự không bao giờ có thể dựa trên hận thù và trả thù. Xin làm cho chúng con có khả năng xin và trao ban sự tha thứ.
”Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34)
Lạy Chúa, Chúa cũng cảm nhận được gánh nặng của việc lên án, của sự từ chối, của sự bỏ rơi, của đau khổ do những người đã từng gặp gỡ, lắng nghe và theo Chúa gây ra. Chắc chắn rằng Chúa Cha không bỏ rơi, Chúa đã tìm được sức mạnh để đón nhận ý muốn tha thứ, yêu thương và trao ban niềm hy vọng cho những người như Chúa ngày hôm nay cũng đang đi trên những con đường của chế nhạo, khinh khi, nhạo báng, từ bỏ, phản bội và cô đơn.
Chúng ta cùng cầu nguyện và thưa: ”Lạy Chúa, xin giúp chúng con trao ban niềm ủi an”:
– cho những người cảm thấy bị xúc phạm và bị lăng nhục
– cho những người cảm thấy bị phản bội và bị sỉ nhục
– cho những người cảm thấy bị phán xét và bị lên án
* Chặng thứ 8: Chúa Giêsu gặp các phụ nữ
Trích Phúc Âm theo thánh Luca (Lc 23,28)
“Hỡi chị em thành Giê-ru-sa-lem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu.”
Tình cảnh xã hội, kinh tế và chính trị của những người di cư và nạn nhân của nạn buôn người chất vấn và lay động chúng ta. Chúng ta cần có lòng can đảm, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã quả quyết, tố cáo nạn buôn người là tội ác chống lại nhân loại. Tất cả chúng ta, đặc biệt là Kitô hữu, phải lớn lên trong nhận thức rằng tất cả chúng ta đều có trách nhiệm và tất cả đều có thể và phải góp phần tìm ra giải pháp. Tất cả, đặc biệt là phụ nữ chúng ta, được mời gọi can đảm. Can đảm để biết nhìn và hành động, với tư cách cá nhân cũng như cộng đoàn. Chỉ khi đặt chung sự nghèo hèn của chúng ta lại với nhau, thì nó mới có thể trở nên giàu có, có khả năng thay đổi lối nghĩ và làm dịu bớt nỗi đau của nhân loại. Người nghèo, người ngoại quốc, người khác biệt không thể bị coi như kẻ thù để từ chối hoặc đánh đấu, nhưng đúng hơn, như anh chị em để chào đón và giúp đỡ. Những điều đó không phải là vấn đề, nhưng là một tài nguyên quý giá cho những thành trì bọc thép của chúng ta, nơi mà sự sung túc và tiêu thụ không làm dịu đi sự mệt mỏi và khó nhọc ngày càng tăng.
Lạy Chúa, xin dạy chúng con có cái nhìn của Chúa. Cái nhìn chào đón và thương xót mà Chúa đã nhìn giới hạn và nỗi sợ của chúng con. Xin giúp chúng con nhìn đến sự khác biệt về tư tưởng, tập quán và quan điểm. Xin giúp chúng con nhận ra mình trong cộng đồng nhân loại và trở nên người cổ võ cho những lối nẻo mới và táo bạo để đón nhận sự khác biệt, để cùng nhau tạo nên cộng đoàn, gia đình, giáo xứ và xã hội dân sự.
Chúng ta cùng cầu nguyện và thưa: “Xin giúp chúng con chia sẻ nỗi đau của người khác”:
– với những ai đau khổ vì mất đi người thân yêu
– với những ai khó khăn hơn trong việc xin giúp đỡ và an ủi
– với những ai chịu lạm dụng và bạo lực
* Chặng thứ 9: Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ ba
Trích sách Ngôn sứ Isaia (Is 53,7)
“Bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca; như chiên bị đem đi làm thịt”.
Chúa Giêsu, lần thứ ba đã ngã xuống, kiệt sức và nhục nhã, dưới sức nặng của thập giá. Cũng giống như rất nhiều cô gái bị ép phải đứng đường bởi những nhóm buôn người, họ không đầu hàng trước khó khăn và tủi nhục khi nhìn thấy thân thể trẻ của họ bị lèo lái, lạm dụng, phá hủy cùng với giấc mơ của họ. Những phụ nữ trẻ đó cảm thấy như bị phân đôi: một mặt họ được tìm kiếm và sử dụng, mặt khác họ bị loại bỏ và lên án bởi một xã hội từ chối nhìn nhận loại hình bóc lột này, do quan niệm của văn hóa dùng-rồi-bỏ. Có một trong nhiều đêm tôi bước trên đường phố Roma, khi đang tìm một người phụ nữ trẻ vừa đến Ý, tôi không thấy cô ấy trong nhóm của cô, tôi liên tiếp gọi tên cô ấy: “Mercy!”. Rồi trong bóng tối, tôi nhận ra cô ấy thu mình và ngủ nghiêng bên lề đường. Khi tôi gọi, cô ấy tỉnh dậy và nói cô không thể chịu đựng được nữa. “Tôi kiệt sức rồi,” cô ấy lặp lại… Tôi nghĩ về mẹ của cô: nếu mẹ cô biết chuyện gì đã xảy ra với con gái mình, bà ấy sẽ khóc đến hết nước mắt.
Lạy Chúa, đã bao nhiêu lần Ngài chất vấn chúng con câu hỏi khó chịu này: “Anh em con đâu? Chị em con đâu?” Đã bao lần Ngài nhắc nhớ chúng con rằng tiếng khóc xé lòng của họ đã đụng đến con? Xin giúp chúng con chia sẻ nỗi đau và sự sỉ nhục của rất nhiều người bị đối xử như đồ bỏ đi. Thật dễ để lên án người khác và những hoàn cảnh khó chịu làm hạ giá sự khiêm tốn giả tạo của chúng con, nhưng chúng con thật không dễ nhận trách nhiệm về mình, với tư cách cá nhân, tư cách chính phủ và thậm chí là cộng đồng Kitô giáo.
Chúng ta cùng cầu nguyện và thưa: “Lạy Chúa, xin ban cho chúng con sức mạnh và lòng can đảm để tố cáo”:
– trước sự bóc lột và sỉ nhục mà nhiều bạn trẻ phải chịu
– trước sự thờ ơ và im lặng của nhiều Kitô hữu
– trước những luật lệ bất công, thiếu nhân tính và liên đới
* Chặng thứ 10: Chúa Giêsu bị lột áo
Trích thư thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôsê (Cl 3,12)
“Anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại”.
Tiền bạc, của cải, quyền lực. Chúng là những thần tượng của mọi thời đại. Chúng cũng là và trên tất là thần tượng của chúng ta, làm chúng tự hào về những thuận lợi lớn lao trong việc công nhận quyền của mình. Tất cả đều có thể mua, kể cả thân thể của trẻ vị thành niên, cướp đi phẩm giá và tương lai của chúng. Chúng ta đã quên mất trọng tâm của con người, phẩm giá, vẻ đẹp, sức mạnh của họ. Trong khi trên thế giới, các bức tường và hàng rào đang được dựng nên, chúng ta muốn nhớ đến và cảm ơn những người, với những vai trò khác nhau, trong những tháng gần đây, đã mạo hiểm cả tính mạng, đặc biệt là ở Biển Địa Trung Hải, để cứu những gia đình đang tìm kiếm sự an toàn và những cơ hội. Những con người trốn chạy nghèo đói, độc tài, tham nhũng, nô lệ.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con khám phá lại vẻ đẹp và phong phú tự bản chất của mỗi con người và mỗi dân tộc như là món quà độc nhất và không trùng lặp, để phục vụ cho toàn xã hội và không vì tư lợi. Lạy Chúa Giêsu, chúng con cầu xin cho tấm gương và lời dạy của Chúa về lòng thương xót và sự tha thứ, về sự khiêm nhường và kiên nhẫn sẽ làm cho chúng con trở nên người hơn và như thế, trở nên Kitô hữu hơn.
Chúng ta cùng cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin cho chúng con một trái tim đầy lòng thương xót”:
– để đối diện với lòng tham của thú vui, quyền lực và tiền của
– để đối diện với những bất công gây ra cho người nghèo và những người yếu kém hơn
– để đối diện với ảo vọng về lợi ích cá nhân
* Chặng thứ 11: Chúa Giêsu chịu đóng đinh vào thập giá
Trích Phúc Âm theo thánh Luca (Lc 23,34)
“Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”.
Xã hội của chúng ta tuyên bố sự bình đẳng về quyền và phẩm giá của tất cả mọi người. Nhưng thực hành và chứa chấp sự bất bình đẳng, thậm chí còn chấp nhận những hình thức cực đoan nhất. Đàn ông, phụ nữ và trẻ em bị mua bán như những nô lệ bởi nạn buôn người mới. Nạn nhân của buôn người sau đó bị khai thác bởi các cá nhân khác. Và cuối cùng bị vứt đi như một món hàng hóa hết giá trị. Bao nhiêu người trở nên giàu có trên xương máu của người nghèo!
Lạy Chúa, bao nhiêu người ngày nay vẫn bị đóng đinh vào thập giá, nạn nhân của sự bóc lột vô nhân đạo, bị tước đi phẩm giá, tự do và tương lai. Tiếng kêu cứu của họ thách thức chúng con là những người nam người nữ, với tư cách là chính phủ, xã hội và Giáo hội. Làm sao chúng con có thể tiếp tục đóng đinh Ngài, trong việc đồng lõa với nạn buôn người? Xin cho chúng con đôi mắt để nhìn và trái tim để cảm nhận những đau khổ của rất nhiều người ngày nay vẫn bị đóng đinh vào thập giá bởi hệ thống cuộc sống và tiêu thụ của chúng con.
Chúng ta cùng cầu nguyện và thưa: “Lạy Chúa, xin thương xót”:
– vì những thập giá mới ngày nay nằm rải rác khắp nơi trên trái đất
– vì những người nắm quyền và các nhà lập pháp của xã hội chúng con
– vì những người không biết tha thứ và không biết yêu thương
* Chặng thứ XII: Chúa Giêsu chết trên Thánh giá
Trích Phúc Âm theo thánh Marco (Mc 15,34)
“Ôi Thiên Chúa của con, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ con?”
Lạy Chúa, trên thập giá, cả Chúa cũng đã cảm thấy gánh nặng của sự nhạo báng, chế giễu, sỉ nhục, bạo lực, bỏ rơi, dửng dưng. Chỉ còn Mẹ Maria, Mẹ của Chúa và vài môn đệ ở lại đó, những nhân chứng về đau khổ và cái chết của Chúa. Gương mẫu của các ngài soi sáng chúng con dấn thân giúp cho những người đau khổ trên rất nhiều những đồi Canvê ngày nay, đang rải rác khắp nơi trên thế giới, để họ không cảm thấy cô đơn; trong số những đồi Canvê đó, có những trại tập trung giống như các trại ở những nước trung chuyển, có những con tàu bị từ chối một bến đỗ an toàn, có các cuộc đàm phán quan liêu dài dòng để quyết định nơi cuối cùng đón tiếp họ, có những trung tâm giam giữ, những điểm nóng, những cánh đồng làm việc theo thời vụ.
Lạy Chúa, chúng con cầu xin Chúa giúp chúng con đến gần những thập giá mới và thất vọng trong thời đại chúng con. Xin dạy chúng con lau khô nước mắt của họ, an ủi họ giống như Mẹ Maria và các phụ nữ khác đã biết làm như thế dưới chân thập giá.
Chúng ta cùng cầu nguyện và thưa: “Lạy Chúa, xin giúp chúng con dâng hiến cuộc sống của chúng con”:
– cho những người chịu đựng sự bất công, oán ghét và trả thù
– cho những người bị phỉ báng và kết án bất công
– cho những người cảm thấy cô đơn, bị bỏ rơi và bị sỉ nhục.
* Chặng thứ XIII: Chúa Giêsu được đưa xuống khỏi thập giá
Trích Phúc Âm theo thánh Gioan (Ga 12,24)
“Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất không chết đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình thôi; còn nếu nó chết đi, thì sẽ sinh nhiều bông hạt.”
Trong thời đại mà các tin tức bị quên lãng nhanh chóng, có ai còn nhớ đến 26 thiếu nữ người Nigieria bị chết chìm trong sóng nước, đám tang đã được tổ chức ở Salerno? Đồi Canvê của họ thật là khó khăn và kéo dài. Đầu tiên, họ phải đi qua sa mạc Sahara, chen chúc trên chiếc xe buýt dã chiến. Tiếp đến là bị bắt dừng lại tại những trung tâm tập trung đáng sợ ở Libia. Cuối cùng là nhảy xuống biển, nơi họ tìm thấy cái chết ở ngưỡng cửa của “miền đất hứa”. Hai người trong số họ đang mang trong mình món quà của sự sống mới, các bào thai không bao giờ có cơ hội nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Nhưng cái chết của họ, như sự chết của Chúa Giêsu, Đấng được tháo xuống khỏi thập giá, không phải là cái chết vô ích. Chúng ta tín thác tất cả những sự sống này cho lòng thương xót của Chúa Cha chúng ta và của tất cả mọi người, nhưng trên hết là Cha của những người nghèo, của người thất vọng và của người bị hạ nhục.
Lạy Chúa, trong giờ phút này, chúng con vẫn cảm thấy vang vọng một lần nữa tiếng kêu mà ĐTC Phanxicô đã cất lên ở Lampedusa, điểm đến của chuyến tông du đầu tiên của ngài: “Ai đã than khóc?” Và bây giờ, sau vô số vụ đắm tàu, chúng con tiếp tục kêu lên: “Ai đã khóc?”. Ai đã khóc?, chúng con tự hỏi mình khi đứng trước 26 quan tài xếp hàng dài và treo một bông hồng trắng? Chỉ có 5 người trong họ được nhận dạng. Tuy thế, có hay không có tên, tất cả họ là những người con và những người chị em của chúng con. Tất cả họ xứng đáng được tôn trọng và ghi nhớ. Tất cả họ yêu cầu chúng con cảm thấy có trách nhiệm: các tổ chức, chính quyền và cả chúng con, với sự thinh lặng và dửng dưng của chúng con.
Chúng ta cùng cầu nguyện và thưa: “Lạy Chúa, xin giúp chúng con chia sẻ nỗi than khóc”:
– trước những đau khổ của người khác
– trước tất cả những chiếc quan tài vô danh, không tên tuổi
– trước tiếng khóc của bao nhiêu bà mẹ
* Chặng thứ XIV: Chúa Giêsu được mai táng trong mồ
Trích Phúc Âm theo thánh Gioan (Ga 19,30)
“Mọi sự đã hoàn tất”.
Sa mạc và biển cả trở thành những nghĩa địa mới ngày nay. Trước những cái chết này, không có câu trả lời. Nhưng thật ra là có trách nhiệm. Những người anh em để cho những người anh em khác phải chết. Những người nam nữ, các trẻ em mà chúng ta không thể hay không muốn cứu sống. Trong khi các chính quyền tranh luận, đóng kín mình trong các dinh thự quyền lực, thì sa mạc Sahara chất đầy các bộ xương người, những người không chống chọi nỗi với mệt mỏi, đói khát. Những cuộc xuất hành mới phải trả giá bằng bao nhiêu đau đớn! Bao nhiêu cơn thịnh nộ đổ xuống trên những kẻ chạy trốn: những chuyến đi vô vọng, những vụ tống tiền và các cuộc tra tấn, biển cả biến thành nấm mồ nước chôn vùi họ.
Lạy Chúa, xin làm cho chúng con hiểu rằng tất cả chúng con là con của cùng một Cha. Xin cho cái chết của Chúa Giêsu Con Chúa có thể giúp các lãnh đạo quốc gia và các nhà chịu trách nhiệm về luật pháp ý thức về vai trò của họ là bảo vệ mọi sự sống được tạo thành theo hình ảnh của Chúa và giống với Chúa.
Kết thúc
Chúng tôi muốn nhắc lại câu chuyện của cô bé Favour, 9 ttháng, rời bỏ Nigieria cùng với cha mẹ để tìm một tương lai tươi sáng hơn ở châu Âu. Trong chuyến hành trình dài và nguy hiểm ở Địa Trung Hải, cha mẹ của em đã chết cùng với hàng trăm người khác, những người đã tin t vào những kẻ buôn người vô đạo đức để có thể được đến “miền đất hứa”. Chỉ có cô bé Favour sống sót: cô bé cũng giống như ông Môisê, được cứu sống từ dưới nước. Sự sống của em trở thành ánh sáng hy vọng của cuộc hành trình tiến đến một nhân loại đầy tình huynh đệ hơn.
Vào cuối Đường Thánh Giá của Chúa, chúng con cầu xin Chúa, lạy Chúa, xin dạy chúng con thức tỉnh, cùng với Mẹ của Chúa và với các phụ nữ đã đồng hành với Chúa đến đồi Canvê, trong khi chờ đợi sự phục sinh của Chúa. Mẹ là ngọn hải đăng của hy vọng, của niềm vui, của sự sống mới, của tình huynh đệ, của sự đón tiếp và hiệp thông giữa các dân tộc, các tôn giáo và các luật lệ. Xin cho mỗi người con cái của loài người đươc nhìn nhận trong phẩm giá của con cái Chúa và không bao giờ bị đối xử như nô lệ.
Ban Việt Ngữ Vatican News chuyển dịch
Nguồn: Đài Vatican