Từ những năm 1800 cho đến nay, nhiều vị Giáo hoàng đã để lại cho chúng ta những trang suy tư sâu sắc và tuyệt vời nhắm khám phá chiều sâu con người của thánh nhân, người được gọi là “người âm thầm”.
Với Tông thư “Patris corde” – Trái tim người cha – được ban hành vào ngày 8/12 vừa qua, nhân dịp kỷ niệm 150 năm Đức Pio IX công bố thánh Giuse là bổn mạng của Giáo hội hoàn vũ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã làm phong phú thêm giáo huấn của Giáo hội về thánh Giuse.
Đức Phanxicô và thánh Giuse
Trong một ghi chú trong Tông thư mới, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết từ 40 năm qua, mỗi ngày ngài đều “thách đố” thánh Giuse. Sau khi đọc giờ Kinh Sáng, Đức Thánh Cha đọc một kinh có từ thế kỷ XIX trong một sách kinh tiếng Pháp. Qua kinh này, ngài tín thác “những tình cảnh vừa nghiêm trọng vừa rắc rối” cho thánh Giuse. Lời kinh kết thúc với câu: “Xin đừng để người ta nói rằng con đã cầu xin ngài cách luống công”.
Chia sẻ này khẳng định và làm phong phú thêm lòng yêu mến của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với thánh Giuse, Bạn Trăm năm của Đức Maria. Sự gần gũi quen thuộc của Đức Thánh Cha đối với thánh Giuse đã được biết đến trong lần viếng thăm Manila, khi ngài nói về một thói quen đặt các quan tâm lo âu của ngài dưới bức tượng “thánh Giuse đang ngủ”. Bức tượng này ngài đang giữ trong phòng làm việc của ngài tại nhà trọ thánh Marta, nơi cư trú của ngài.
Thánh Giuse là một người “không được chú ý”, người đón nhận mầu nhiệm và đặt mình phục vụ nó, không bao giờ đặt mình vào trung tâm, nhưng là người giải quyết những điều không thể. Trong Tông thư Patris corde, Đức Thánh Cha mô tả nhiều phẩm chất của Thánh Giuse như một người chồng và người cha, vị hôn phu “đã chấp nhận Đức Maria vô điều kiện” và là người mà qua đó “Chúa Giê-su nhìn thấy tình yêu dịu dàng của Đức Chúa Trời”.
Tông thư của Đức Thánh Cha Phanxicô hoàn thành bức tranh khảm mà Giáo hội đã thực hiện qua nhiều thế kỷ để bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình và giải thích về những công trạng của thánh Giuse.
Tên thánh Giuse
Nhiều vị Giáo hoàng tiền nhiệm của Đức Phanxicô đã đóng góp vào bức tranh về thánh Giuse bằng những lời lẽ và cử chỉ chân thành. Bắt đầu từ thế kỷ 15, Đức Giáo hoàng Sixto V đã ấn định ngày 19/3 là ngày lễ kính thánh Giuse . Từ Đức Piô IX trở đi, và đặc biệt là trong các triều đại giáo hoàng của thế kỷ XX, huấn quyền của Giáo hội đã chiếu dọi một ánh sáng mới lên thánh Giuse, con người âm thầm.
Tuy nhiên, chưa có vị Giáo hoàng nào chọn tên thánh Giuse làm tên hiệu, ngay cả khi trong những thập kỷ qua, nhiều vị Giáo hoàng có tên thánh rửa tội Giuse như Đức Giáo hoàng Pius X, Đức Gioan XXIII, Đức Gioan Phaolô II, Đức Biển Đức XVI. Đức Thánh Cha Phanxicô không có tên thánh Giuse, nhưng ngài đã khởi xướng sứ vụ của mình bằng cách cử hành Thánh lễ khai mạc sứ vụ vào ngày 19/3.
Thêm tên thánh Giuse vào các kinh nguyện Thánh Thể
Xác nhận mong muốn của Đức Biển Đức XVI, vào ngày 1/5/2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ra sắc lệnh truyền rằng tên của Thánh Giuse, Bạn Trăm năm của Đức Trinh Nữ Maria, được thêm vào trong các Kinh nguyện Thánh Thể II, III và IV. Trước đó, vào ngày 13/11/1962, Đức Giáo hoàng Gioan XXIII đã quy định rằng tên của thánh Giuse được đưa vào Kinh nguyện Thánh Thể I, cùng với tên của Đức Maria và trước tên của các Tông đồ.
Chính Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII, với mong muốn phó thác Công đồng Vatican II cho “người cha” trần thế của Chúa Giê-su, đã viết Tông thư Le Voci – Những tiếng nói – vào năm 1961. Trong đó, ngài bao gồm một bản tóm tắt về lòng sùng kính đối với Thánh Giuse đã được các vị tiền nhiệm của ngài cổ võ và phát triển. Đây không chỉ là những khía cạnh mơ hồ của những tài liệu phụng vụ. Mỗi sắc lệnh mới thể hiện một ý thức và nhận thức sâu xa hơn bao giờ hết của Giáo hội, mà với Đức Piô XII, thậm chí còn chạm đến đời sống dân sự.
Vị thánh của người lao động
Chúa Nhật ngày 1/5/1955, quảng trường thánh Phê-rô tràn ngập các công nhân. Họ là thành viên của Hiệp hội Công nhân Ki-tô giáo của Ý, và nhiều người trong số họ còn nhớ cuộc gặp gỡ của họ với Đức Piô XII mười năm trước vào ngày 13/3/1945, một tháng rưỡi trước khi kết thúc cuộc chiến đã từng gây thương tích sâu đậm cho nước Ý. Bây giờ đất nước đang trải qua sự phát triển vượt bậc, “sự bùng nổ” không còn xa nữa.
Nhưng trong hàng ngũ những người Công giáo Ý, Đức Giáo hoàng đã nhận ra có những người “chán nản”, những người phàn nàn về việc thiếu sự hiện diện của Ki-tô giáo “trong đời sống công cộng”, trong khi các hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa dường như đang chiếm ưu thế. Đức Piô XII mạnh mẽ nhắc nhở Hiệp hội Công nhân Ki-tô giáo của Ý về căn tính nguyên thủy của họ để họ có thể dấn thân vì “hòa bình xã hội”. Cuối cùng, ngài đã tặng họ một “món quà” khiến những người có mặt ngạc nhiên và say mê. Đức Pio XII nói:
“Chúng tôi vui mừng thông báo với anh chị em quyết định của chúng tôi về việc thiết lập – và trên thực tế, chúng tôi đã thiết lập – lễ Thánh Giuse Thợ trong phụng vụ, ấn định ngày chính xác là ngày 1/5. Các công nhân thân mến, anh em có hài lòng về món quà của chúng tôi không? Chúng tôi chắc chắn rằng anh em hạnh phúc bởi vì người nghệ nhân khiêm tốn của thành Nazareth không chỉ nhân cách hóa phẩm giá của người lao động trước mặt Thiên Chúa và Giáo hội, nhưng ngài còn luôn là người bảo vệ quan phòng cho anh em và gia đình anh em”.
Thánh Gioan XXIII và thánh Giuse
Bốn năm sau, Giáo hội được hướng dẫn bởi Đức Giáo hoàng Gioan XXIII. Ngài muốn chọn tên hiệu Giáo hoàng là Giuse. Tuy nhiên, ngài đã quyết định không chọn tên Giuse và nói rằng đó không phải là một cái tên được sử dụng bởi các Giáo hoàng. Nhưng thánh Giáo hoàng Gioan XXIII thực sự là người gắn bó chặt chẽ với Thánh Giuse. Điều này được tiết lộ trong buổi tiếp kiến vào ngày 19/3/1959 dành cho các công nhân vệ sinh đường phố. Trong một thông điệp radio vào ngày 1/5/1960, thánh Giáo hoàng Gioan XXIII đã kết thúc bằng lời cầu nguyện với Thánh Giuse Thợ:
“Xin ban cho những người ngài bảo vệ hiểu rằng họ không đơn độc trong công việc của mình, nhưng xin cho họ biết cách tìm thấy Chúa Giê-su bên cạnh họ; xin cho họ chào đón Chúa với ân sủng và trung thành bảo vệ Chúa như ngài đã làm. Xin cho trong mọi gia đình, trong mọi văn phòng, trong mọi phòng thí nghiệm, bất cứ nơi nào có một Ki-tô hữu làm việc, tất cả họ đều được thánh hóa trong đức ái, sự nhẫn nại, công bằng, cố gắng làm tốt mọi việc, để những ân sủng của tình yêu Chúa được ban xuống dồi dào trên họ”.
Thánh Giuse, người nhận lấy những rủi ro
Về phần Đức Giáo hoàng Phaolô VI, từ năm 1963 đến 1969, không có năm nào ngài không cử hành Thánh lễ trọng thể vào ngày 19/3. Mỗi bài giảng của ngài vào dịp này đều chia sẻ tâm tình của ngài về sự tùng phục và dấn thân hoàn toàn của thánh Giuse cho sứ vụ. Thánh Giuse trung thành với Mẹ Maria và Chúa Giê-su. Ngài mang lấy gánh nặng, trách nhiệm, rủi ro, những bận tâm của gia đình nhỏ và thánh thiện; ngài phục vụ, làm việc, hy sinh. Thánh Phaolô VI khẳng định rằng thật không sai khi chúng ta gọi thánh Giuse là người hạnh phúc, người được chúc phúc. “Đây là Tin Mừng, trong đó, các giá trị của cuộc sống con người có một giá trị khác với điều mà chúng ta quen coi trọng: ở đây điều nhỏ bé trở thành vĩ đại”.
Vị hôn phu cao quý
Trong 26 năm làm giáo hoàng, Đức Gioan Phaolô II có vô số dịp nói về Thánh Giuse, người mà ngài nói rằng ngài đã cầu nguyện mỗi ngày. Ngài đã tóm tắt lòng sùng kính này trong Tông huấn Redemptoris Custos – Người bảo vệ Đấng Cứu độ – được ban hành ngày 15/8/1989. Trong Tông huấn, ngài khám phá mọi khía cạnh trong cuộc đời của Thánh Giuse. Nhạy cảm với ơn gọi hôn nhân Kitô giáo, Đức Gioan Phaolô II trình bày cuộc đời thánh Giuse như một cách diễn giải sâu sắc mối quan hệ giữa đôi vợ chồng xứ Nazareth – “ân sủng của việc cùng nhau sống đặc sủng trinh khiết và quà tặng hôn nhân” – chủ đề mà ngài chọn cho một buổi tiếp kiến chung vào năm 1996, giải mã một huyền thoại sai lầm. Ngài nói:
“Khó khăn trong việc tiếp cận với mầu nhiệm cao cả của sự hiệp thông vợ chồng (của Mẹ Maria và thánh Giuse) đã khiến một số người, kể từ thế kỷ thứ hai, xem thánh Giuse là một người cao tuổi và xem ngài như một người giám hộ, thay vì là chồng của Mẹ Maria. Đúng hơn, thật thích hợp khi cho rằng ngài không phải là một người đàn ông lớn tuổi, nhưng sự hoàn thiện về nội tâm của ngài, một hệ quả của ân sủng, đã giúp ngài sống mối quan hệ vợ chồng với Đức Maria với tình cảm trinh khiết.
Thinh lặng – sức mạnh nội tâm
Tin Mừng không để lại lời nào của thánh Giuse, đấng được thánh Mát-thêu gọi là người công chính, đấng là bổn mạng của Giáo hội hoàn vũ, của các công nhân và của vô số thành phố, nhà thờ và nơi chốn. Do đó, những lời và tư tưởng của ngài có lẽ phải được hiểu chính là những việc làm của ngài. Từ sự thinh lặng này, Đức Giáo hoàng Biển Đức XI đã khám phá ra sự phong phú của một cuộc sống hoàn trọn vẹn, của một người đứng sau hậu trường, người mà gương mẫu thinh lặng ảnh hưởng đến sự lớn lên của Chúa Giê-su, Thiên Chúa làm người. Đức Biển Đức XVI nói:
“Đó là sự im lặng mà nhờ đó Thánh Giuse cùng với Mẹ Maria dõi theo Lời Chúa. (…) Một sự im lặng được dệt nên bởi sự cầu nguyện liên lỉ, lời cầu nguyện chúc tụng Chúa, tôn thờ thánh ý Chúa và phó thác hoàn toàn vào sự quan phòng của Người. Không phải là phóng đại khi nghĩ rằng chính từ ‘người cha’ Giuse mà Chúa Giê-su đã học được – ở cấp độ con người – rằng nội tâm kiên định giả định một sự công chính đích thực, “sự công chính trỗi vượt” mà sau này Chúa đã dạy các môn đệ của mình”.
Hồng Thủy
Nguồn: Đài Vatican News