Các Giám mục Philippines đón nhận “tin tốt”: 72% người dân Philippines đã đọc sách Thánh kinh trong năm vừa qua.
Tại Philippines, quốc gia có đa số dân theo Công giáo, sách Thánh kinh vẫn là sách được đọc nhiều nhất. Một cuộc khảo sát các độc giả do Ủy ban Phát triển Sách Quốc gia của chính phủ thực hiện cho thấy 72% những người được khảo sát nói rằng Kinh Thánh là cuốn sách được đọc nhiều nhất của họ trong năm qua.
Một cuộc khảo sát tương tự cũng đã được cơ quan này thực hiện vào năm 2012 và cho kết quả là 58% những người trả lời tuyên bố rằng sách Thánh kinh là sách họ đọc nhiều nhất. Sách Thánh kinh cũng là sách được người dân ở mọi lứa tuổi chọn đọc nhiều nhất.
Giám mục Tin lành Noel Pantoja, chủ tịch Hội Kinh thánh Philippines đón nhận “tin tốt” và nói: “Điều này cho thấy rằng người Philippines khao khát biết Thiên Chúa và làm cho toàn quốc gia và khắp thế giới biết đến Người. Đức cha Pantoja cũng nói rằng cuộc khảo sát cho thấy rằng người Philippines là một dân tộc kính sợ Thiên Chúa … dù cho họ gặp phải những khó khăn thử thách.
Về phần Đức cha Arturo Bastes, Giám mục giáo phận Công giáo Sorsogon, nguyên là chủ tịch Hội tông đồ Thánh kinh của Hội đồng Giám mục, cảm thấy tin tức này rất có ích, đặc biệt đối với ngài. Đức cha giải thích: “bởi vì sứ vụ đặc biệt của tôi trong Giáo hội là cổ võ người dân của chúng tôi học hỏi Thánh kinh. Điều này có nghĩa là những nỗ lực chung của tất cả những người tham gia vào sứ vụ học hỏi và dạy Thánh kinh đã sinh hoa trái.” Đức cha cũng cho biết rằng Hội Kinh thánh Philippines thường có chiến dịch bán những cuốn sách Thánh kinh bằng các ngôn ngữ khác nhau với giá 1 đô la.
Đức cha Bastes ước lượng rằng trong 10 năm qua đã có khoảng 10 triệu bản Thánh kinh được phân phát cho các gia đình Philippines. Đức cha chia sẻ: “Nếu các gia đình có trung bình 5 thành viên, thì 50 triệu người Philippines có cơ hội đọc, cầu nguyện và chia sẻ về Thánh kinh. Thánh kinh thực sự là sách được đọc nhiều nhất ở nước này. Nhờ quyền năng của Lời Chúa, người Philippines có thể được biến đổi thành một dân tộc Kitô giáo thật sự.”
Hồng Thủy
Nguồn: Đài Vatican