Trong những ngày này, vấn đề tài chính của Vatican lại được dư luận báo chí quốc tế nói đến. Trong bối cảnh đó vai trò quan trọng đặc biệt của Cơ quan quản trị tài sản của Tòa Thánh thu hút sự chú ý của dư luận cách đặc biệt.
Thực vậy, trong tuần qua, tờ “Finance Times”, Thời báo Tài chính, số ra ngày 8/11, đưa tin Vatican sẽ bị lỗ 117 triệu Euro khi bán trọn bất động sản sang trọng ở đại lộ Sloane, London, cho công ty tài chính Mỹ Bain Capital với giá khoảng 233 triệu Euro. Việc bán này đang được tiến hành. Vatican đã mua căn nhà này qua nhiều giai đoạn từ năm 2014 với giá tổng cộng 350 triệu Euro. Vì thế khi bán đi như vậy sẽ bị lỗ 117 triệu.
Việc mua căn nhà này ở trung tâm vụ tai tiếng tài chính ở Vatican đưa tới vụ tái xét xử từ ngày 17/11 sắp tới 10 bị can trong đó có ĐHY Angelo Becciu, nguyên Phụ tá Quốc vụ khanh Tòa Thánh. Họ bị cáo về tội biển thủ và gian lận.
Cùng thời với những tin tức trên đây, Vatican News tiếng Ý đã đăng bài phỏng vấn Đức Cha Nunzio Galantino, Chủ tịch cơ quan quản trị tài sản của Tòa Thánh, gọi tắt là APSA (Amministrazione del Patrimonio della Sede Apostolica) về sứ mạng, đường hướng và cơ cấu hoạt của cơ quan này, một cơ quan đã được ĐTC Phanxicô cải tổ sâu rộng để làm cho việc quản trị tài sản của Tòa Thánh được minh bạch, tránh những vụ tai tiếng xảy ra nhiều lần cho đến nay.
Thân thế Đức cha Galantino
Đức cha Galantino năm nay 73 tuổi (1948), không được đào tạo trong ngành quản trị và càng không phải là một chuyên gia về kinh tế hoặc tài chính, nhưng nay ngài đứng đầu cơ quan thuộc hàng quan trọng nhất của Tòa Thánh về phương diện tài chính: quản lý ngân quỹ, các bất động sản và các tài sản khác của Tòa Thánh, đồng thời có nhiệm vụ cung cấp cho Tòa Thánh với tất cả các cơ quan phụ thuộc các phương tiện vật chất để chu toàn sứ vụ, cụ thể là trả lương cho khoảng 5 ngàn nhân viên của Tòa Thánh.
Đức Cha Galantino sinh tại làng Cerignola thuộc tỉnh Foggio nam Italia, thụ phong linh mục năm 1972, khi được 24 tuổi, và hai năm sau tốt nghiệp triết học, rồi làm giáo sư tại đại chủng viện miền Benevento 4 năm, trước khi đi học tại Phân khoa Giáo hoàng về thần học ở Napoli, và đậu tiến sĩ thần học tín lý tại đây năm 1985 với luận án tựa đề “Lịch sử tính như sự trung thành với trái đất trong Dietrich Bonhoeffer”, một mục sư Tin Lành nổi tiếng của Đức, chết trong trại tập trung. Sau đó cha Galantino làm giáo sư tại Phân khoa thần học Napoli. Suốt trong thời gian theo học và giảng dạy, từ 1977 đến 2011, Cha Galantino vẫn làm cha sở giáo xứ thánh Phanxicô Assisi ở làng quê của ngài.
Tháng 11 năm 2011, cha Galantino được ĐGH Biển Đức 16 bổ nhiệm làm giám mục giáo phận Cassano all’Jonio, một giáo phận nhỏ chỉ 103 ngàn tín hữu Công Giáo và Cassano chỉ hơn 16 ngàn dân cư. Nhưng trong nhiệm vụ này, Đức Cha Galantino đã “lọt mắt xanh” của ĐTC Phanxicô và tháng 12 năm 2013, ngài được bổ nhiệm làm Tổng thư ký HĐGM Italia, và 4 năm sau đó, ngày 26/6/2018, Đức cha được chọn làm Chủ tịch Cơ quan quản trị tài sản của Tòa Thánh. Theo Tông hiến “Mục Tử nhân lành” do ĐTC Gioan Phaolô 2 ban hành hồi cuối tháng 6 năm 1988, Chủ tịch Cơ quan APSA là Hồng Y. Nhưng cho đến nay, ĐTC Phanxicô vẫn giữ Đức cha Galantino là một giám mục.
Gia tăng quyền hạn của APSA
Từ trước đến nay, trong Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh, có một ban tài chính quản lý ngân khoản gọi là “Đồng tiền Thánh Phêrô”, dưới sự điều động của Đức TGM Phụ tá Quốc Vụ khanh, và trực thuộc Đức Thánh Cha, không phải bá cáo cho cơ quan nào khác. Ban tài chính này cũng dùng một phần số tiền đó để đầu tư, gia tăng khả năng tài chính để Đức Thánh Cha có thể chi dụng vào các hoạt động bác ái và các nhu cầu khác do ngài quyết định. Chính vì thế mới đây, ĐHY George Pell, nguyên bộ trưởng kinh tế của Tòa Thánh, nói rằng giả sử ngài có quyền can thiệp vào vụ này thì đã tránh được việc dùng “Đồng tiền Thánh Phêrô” đầu tư vào việc mua căn nhà sang trọng ở London.
Hôm 28/12 năm ngoái (2020), Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành Tự sắc tựa đề “Một công việc tổ chức tốt đẹp hơn” (Una migliore organizzazione) với những quy luật rõ ràng về việc quản trị các ngân khoản trước đây thuộc quyền quản lý của Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh. Thật ra vấn đề này đã được Đức Thánh Cha Phanxicô quyết định trong thư đề ngày 25/8/2020, theo đó tất cả các khoản tiền cho đến nay do Phủ Quốc vụ khanh quản lý, cần được nhập vào kết toán chi thu của Tòa Thánh và do Cơ quan quản trị tài sản của Tòa Thánh quản lý, với sự kiểm soát của Bộ Kinh Tế.
Từ nay Phủ Quốc vụ khanh cũng phải hoạt động theo ngân sách đã được phê chuẩn, giống như các cơ quan khác của Tòa Thánh, ngoại trừ những vấn đề mật, được đệ trình và phê chuẩn do một Ủy ban đặc nhiệm về việc này.
Nội dung luật mới
Tự sắc mới Đức Thánh Cha Phanxicô ban hành ngày 28/12/2020, như một luật gồm 4 điều khoản, quy định chi tiết hơn việc quản lý các ngân khoản trước đây thuộc quyền quản lý của Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh, trong đó có “Đồng tiền Thánh Phêrô”, ngân khoản riêng tùy ý Đức Thánh Cha sử dụng, thuộc vào số tiền do các tín hữu dâng cúng.
Tự sắc nhắm giảm bớt số những vị trách nhiệm về kinh tế của Tòa Thánh và tập trung việc quản trị, quản lý và những quyết định kinh tế và tài chính trong các cơ quan tương ứng.
Phỏng vấn Đức Cha Galantino
Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài Vatican hôm 8/11 vừa qua Đức Cha Galantino cho biết sự tập trung quản lý tài chính như ĐTC Phanxicô mong muốn chỉ là phần cuối trong một tiến trình rộng rãi và quan trọng hơn nhiều đã khởi sự từ thời ĐGH Biển Đức 16: đây là một tiến trình hữu lý hóa nhắm đạt tới sự minh bach và kiểm soát tất cả những gì liên quan đến việc quản trị và điều hành các tài nguyên của Tòa Thánh, không còn có cơ quan hoặc lãnh vực nào được miễn chuẩn khỏi sự kiểm soát. Đức Cha nói: “Tất cả chúng tôi phải đảm bảo một sự quản lý minh bạch, có khả năng chuyên môn và hữu hiệu, về phương diện lượng cũng như phẩm”.
Kết toán tài chính
APSA được thành lập cách đây 54 năm (1967) và theo chiều hướng quản trị minh bạch. Ngày 24/7 năm nay, lần đầu tiên cơ quan APSA công bố cho công chúng bản tóm lược báo cáo tài chính, thay vì chỉ trình bày cho các cơ quan kiểm soát để phê chuẩn như cho đến bấy giờ.
Đức Cha Galantino cho biết trong năm 2020, vì đại dịch, lợi nhuận của APSA chỉ được gần 51 triệu Euro. Số tiền đầu tư tương đương với 1 tỷ 778 triệu Euro. Mức đóng góp của APSA cho các cơ quan trung ương Tòa Thánh bị giảm sút một nửa: từ 41 triệu xuống còn 20 triệu.
Bá cáo cũng cho biết về các bất động sản: cơ quan APSA hiện quản trị 4051 bất động sản của Tòa Thánh ở Italia, trong số này 92% ở thành phố và tỉnh.
Tại Roma, đại dịch đã ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động trong lãnh vực này, nhưng APSA đã đáp ứng tình trạng khó khăn. Ví dụ hồi tháng 3 năm ngoái, giữa tình trạng khẩn cấp vì Covid-19, APSA đã quyết định giảm tiền thuê các bất động sản của Vatican từ 30 đến 50% tùy theo hoạt động.
Đức Cha Galantino nói rằng APSA đang có dự án làm cho các bất động sản bỏ không có thể sinh lợi, bằng cách chỉnh trang chúng thành 100 căn hộ với sự can dự của các cơ quan địa ốc. Công tác chỉnh trang và chia lô này dự kiến sẽ bắt đầu từ tháng giêng năm tới, 2022.
Ngoài ra, trong năm ngoái, APSA đã trả cho thành phố Roma số tiền thuế là 5 triệu 950 ngàn Euro (IMU) và 2 triệu 880 ngàn Euro thuế lợi tức (IRES).
Tính đến cuối năm ngoái (2020) tiền đầu tư của APSA là 1 tỷ 778 triệu Euro, với lợi nhuận đạt được là 1,53%.
APSA hiện có 102 nhân viên, và cơ quan này có kế hoạch 3 năm giúp đạt tới hiệu năng và hiệu quả nhờ sự dấn thân của mỗi nhân viên trong bầu không khí minh bạch và cộng tác, với ý thức rằng APSA có nhiệm vụ bảo tồn, cải tiến và làm cho gia sản được Tòa Thánh ủy thác sinh lợi.
G. Trần Đức Anh O.P
Nguồn: Đài Vatican News