Trong buổi họp báo sau đại hội chung lần thứ 28 của Hàn lâm viện Toà Thánh về Sự sống, Đức Tổng Giám Mục Vincenzo Paglia, Chủ tịch Hàn lâm viện tái khẳng định tầm quan trọng của lãnh đạo có đạo đức trong công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo và khoa học thần kinh với mục đích theo quy chế quốc tế.
Đi từ chủ đề của cuộc gặp gỡ “Hội tụ về con người. Các công nghệ mới vì Công ích”, Đức Tổng Giám Mục Paglia cho rằng, các công nghệ mới như công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo và khoa học thần kinh có thể thay đổi hoàn toàn con người. Các công nghệ này có thể dẫn đến sự phát triển to lớn, nhưng cũng dẫn đến một thảm kịch tương tự không kém, vì chúng có nguy cơ huỷ diệt con người theo một kiểu độc tài kỹ thuật làm cho con người bị xáo trộn.
Các cuộc họp gần đây giữa các nhà khoa học, nhà nhân văn và triết gia, đã cho thấy các “khoa học mới” có liên quan và ảnh hưởng lẫn nhau, nhưng theo Đức Tổng Giám Mục phải làm sao để có một cách tiếp cận đạo đức đặt con người ở trung tâm. Ngài nhấn mạnh: “Ngày nay chúng ta có nguy cơ bị phân mảnh không cho phép chúng ta nhìn thấy con người một cách toàn vẹn, một tầm nhìn thường không được chấp nhận và tuân theo vì thế giới không có một cái nhìn phổ quát”.
Lên tiếng trong buổi họp báo, Đức ông Renzo Pegoraro, Chưởng ấn của Hàn lâm viện Toà Thánh về Sự sống nói, trong những ngày thảo luận mọi người đều quan tâm đến công ích, những trải nghiệm tích cực đã xuất hiện. Tuy nhiên, cộng đồng khoa học không thể tự phụ, cần suy nghĩ làm thế nào để đảm bảo tính trung tâm của con người và làm thế nào để thúc đẩy công bằng xã hội.
Đối với giáo sư Roger Strand của Đại học Bergen, Na Uy, khoa học và công nghệ định hình và được định hình bởi các thể chế và thực tiễn khác, như chính trị và kinh tế, cùng với các chương trình nghị sự chính trị về đổi mới và tăng trưởng kinh tế, các lực lượng thị trường, các hệ tư tưởng và văn hóa của chủ nghĩa duy vật và tiêu dùng. Giáo sư nhấn mạnh: “Họ bị vướng mắc trong điều mà thông điệp Laudato si’ đã định nghĩa chính xác là mô hình kỹ trị”.
Giáo sư Laura Palazzani của Đại học Lumsa cho rằng, một số ví dụ về những sai lệch này có thể liên quan đến việc phân bổ nguồn lực trong lĩnh vực y tế, hoặc trong lĩnh vực quân sự với việc sử dụng vũ khí liên kết với trí tuệ nhân tạo có khả năng thoát khỏi sự kiểm soát của con người. Giáo sư giải thích rằng những công nghệ hội tụ này, thường được xác định là “đột phá”, “rất nhanh, rất phức tạp và có phạm vi ứng dụng chưa từng có”. Tất cả những điều này đều có liên hệ đến đạo đức. Và mục tiêu là để những điều này được xem xét ở giai đoạn lập kế hoạch chứ không phải sau đó, khi luật pháp và quy định có nguy cơ đến muộn đối với sự việc đã rồi.
Vì lý do này, mục tiêu mà Giáo hội tự đặt ra là đồng hành với quá trình này, như đã xảy ra với việc ký kết “Lời kêu gọi Roma cho đạo đức trí tuệ nhân tạo”, gần đây cũng được mở rộng cho các tôn giáo khác. Ý tưởng là thúc đẩy một bảng dẫn dắt cộng đồng quốc tế phản ánh và điều chỉnh những vấn đề này, theo những gì đã xảy ra với hội nghị Paris 2015 về vấn đề biến đổi khí hậu.
Ngọc Yến
Nguồn: Đài Vatican News