Toà Thánh giảm chi phí nhưng không giảm sứ vụ và cần sự hỗ trợ của tín hữu

17/03/2021
Ngày 12/3 vừa qua, cha Juan Antonio Guerero, dòng Tên, Tổng trưởng Bộ Kinh tế của Tòa Thánh, đã có cuộc trò chuyện với Vatican News về ngân sách năm 2021 của Tòa Thánh. Cha cho biết ngân sách dự chi năm 2021 là ngân sách thấp nhất trong lịch sử của Tòa Thánh, nhưng việc tiết kiệm không làm suy giảm việc phục vụ cho sứ mạng của Đức Thánh Cha và luôn bảo đảm lương bổng và công việc của các nhân viên. Trước tình hình kinh tế khó khăn và thiếu hụt ngân sách, cha nhấn mạnh đến sự trợ giúp của các tín hữu, một nguồn hỗ trợ quan trọng để giúp cho sứ vụ của Đức Thánh Cha, được thực hiện thông qua các cơ quan trung ương Tòa Thánh.

Ngân sách năm 2021 của Tòa Thánh được Đức Thánh Cha phê duyệt ngày 16/2 năm nay. Ngân sách dự chi dự đoán thiếu hụt khoảng 50 triệu euro và nếu không có số tiền quyên góp từ Quỹ Đồng tiền thánh Phê-rô thì số thiếu hụt có thể lên đến 80 triệu euro. Cha Guerrero cho biết ngân sách này chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi đại dịch. Đại dịch khiến cho doanh thu dự kiến giảm đi nhiều so với năm 2019, năm trước khi xảy ra đại dịch. Doanh thu năm 2019 là 307 triệu euro, nhưng doanh thu năm nay được dự kiến giảm hơn 30%, tức là khoảng 213 triệu. Ngân sách dự kiến giảm tổng chi tiêu là 8%. Nếu không kể chi phí nhân sự, không bị giảm vì Tòa Thánh ưu tiên bảo vệ công việc và tiền lương của nhân viên, thì mức giảm của ngân sách năm 2021 là 15%.

Bảo vệ việc làm và lương bổng cho nhân viên

Tại sao các khoản chi của Tòa Thánh không thể thay đổi nhiều? Cha Guerrero cho biết, vì 50% ngân sách của Tòa Thánh dành cho chi phí nhân sự. Chi phí này không dao động nhiều nhưng tự động tăng lên mỗi hai năm một lần và theo chỉ số chi phí sinh hoạt. Chi phí nhân sự trong năm 2020 tăng 2% so với năm 2019. Cha nói: “Bảo vệ việc làm và tiền lương là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi từ trước đến nay. Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng tiết kiệm tiền không có nghĩa là phải sa thải nhân viên; ngài rất nhạy cảm với hoàn cảnh của các gia đình.” Do đó, thời điểm thử thách về tài chính không phải là lúc để bỏ cuộc cũng không phải là lúc để “thực dụng” và quên đi các giá trị của chúng ta. Điều này ngụ ý rằng, ít nhất trong ngắn hạn, 50% chi tiêu này là không thay đổi.

Tòa Thánh có một sứ mệnh không thể thay thế

Bộ trưởng Kinh tế của Tòa Thánh cũng giải thích về những tiết kiệm về chi phí hoạt động giúp cho ngân sách năm 2021 giảm 14% so với năm 2019. Các biện pháp giảm chi tiêu trong năm 2020 đã được áp dụng như giảm chi phí tham vấn, hủy bỏ các sự kiện được lên kế hoạch cho năm 2020, bao gồm các chuyến viếng thăm Ad limina của các giám mục, các hội nghị toàn thể, các hội nghị, đại hội và các sự kiện tương tự, hạn chế mọi chuyến đi hoạt động bên ngoài, dừng mua sắm vật tư theo kế hoạch, ngừng việc tu bổ không khẩn cấp các tòa nhà, các tòa sứ thần… Những biện pháp này được dự kiến áp dụng trong năm 2021.

Nhưng cha Guerrero nhấn mạnh: “Chúng ta không phải là một công ty, chúng ta không cố gắng tạo ra lợi nhuận. Chúng ta không phải là một nhà nước giống như bất kỳ nhà nước nào khác, cũng không phải là một tổ chức phi chính phủ. Tòa Thánh có một sứ mệnh không thể thiếu và việc phục vụ  cho sứ mệnh này chắc chắn phát sinh chi phí, mà hầu hết được chi trả bởi các khoản quyên góp. Tòa Thánh cũng có tài sản trang trải các chi phí cơ cấu và giúp ích phần nào cho sứ mệnh của nó. Năm nay, doanh thu giảm. Nếu chúng ta là một doanh nghiệp hoặc một tổ chức phi chính phủ, chúng ta sẽ cắt giảm các dịch vụ và cơ cấu lại đội ngũ nhân viên của mình. Nếu chúng ta là một nhà nước giống như bất kỳ nhà nước nào khác, chúng ta sẽ tăng nợ và thực hiện các biện pháp tài khóa. Trong trường hợp của chúng ta, nếu các khoản đóng góp không đủ, ngoài việc tiết kiệm hết mức có thể, chúng ta chỉ có thể sử dụng các khoản dự trữ.”

Cung cấp thông tin rõ ràng và minh bạch 

Về việc sử dụng nguồn tài chính dự trữ, cha Guerrero giải thích: “Các khoản dự trữ ở đó là vì lý do này: chúng có thể và phải được sử dụng trong thời kỳ kinh tế khó khăn. Chỉ cần nghĩ đến có bao nhiêu quốc gia đang lâm vào cảnh nợ nần vì đại dịch. Thu nhập từ việc cho thuê tài sản, các hoạt động kinh tế và dịch vụ sẽ dần phục hồi khi tình hình kinh tế ổn định hơn, các bảo tàng có thể mở cửa không bị hạn chế và sẽ có một lượng khách du lịch bình thường trở lại. Tuy nhiên, chúng ta cần thận trọng với các mức chi tiêu và điều rất quan trọng là chúng ta phải tiếp tục cung cấp thông tin rõ ràng và minh bạch để các tín hữu yên tâm về việc sử dụng các khoản đóng góp của họ.

Nhưng đi thẳng vào vấn đề, đã có nhiều lần trong lịch sử của nó khi Giáo hội, ở nhiều quốc gia khác nhau, hầu như không có vốn, phụ thuộc vào những thăng trầm chính trị. Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy rằng một Giáo Hội không có dự trữ tài chính sẽ tiếp tục thực hiện sứ mệnh loan báo Tin Mừng của mình với sự sáng tạo mà Chúa Thánh Thần linh hứng trong những cơ hội lịch sử đó. Tuy nhiên, chúng ta hy vọng rằng điều này sẽ không xảy ra. Những gì chúng ta phải tránh là không làm thất thoát nguồn tài chính của Tòa Thánh vì chủ ý xấu hoặc do quản lý yếu kém.”

Chiến lược của Bộ Kinh Tế

Trước khủng hoảng kinh tế nặng nề và lâu dài và khủng hoảng xã hội do khủng hoảng sức khỏe toàn cầu gây nên, Bộ trưởng Kinh tế của Tài Thánh cho biết chiến lược của Bộ Kinh tế là giảm thiểu một số hoạt động như các hội nghị, các chuyến đi, các cuộc hội họp, nhưng đồng thời cũng có những hoạt động mới để ứng phó với tình huống phát sinh. Ví dụ, Tòa Thánh đã phân bổ 5 triệu euro để qua mạng lưới Caritas giúp đỡ nhu cầu của các Giáo hội trước tình trạng khó khăn do Covid-19 gây nên. Một số viện trợ thông thường tăng lên và một số khác giảm đi.

APSA, Cơ quan Quản trị Tài sản của Tòa Thánh, một mặt đang cố gắng hỗ trợ những người dân và doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc trả tiền thuê nhà của họ. Mặt khác, nó đang tự tổ chức lại để có hiệu quả hơn trong các dịch vụ của mình và cải thiện lợi nhuận từ các khoản đầu tư vào bất động sản. Cha Guerrero cũng cho biết Tòa Thánh cũng đang cố gắng sắp xếp hợp lý các quy trình nội bộ của mình để hiệu quả hơn, tránh sự quan liêu và trùng lặp không cần thiết của các hệ thống và hoạt động, điều này sẽ cho phép làm được nhiều việc hơn mà không cần phải tăng chi phí.

Sử dụng Quỹ Đồng tiền thánh Phê-rô – được tín hữu đóng góp – để giảm thiếu hụt ngân sách của Tòa Thánh, theo cha Guerrero, thực ra chính là phục vụ cho sứ vụ của Đức Thánh Cha; ngài thực hiện sứ vụ qua các cơ quan trung ương của Tòa Thánh. Hầu hết các cơ quan này hoạt động và không có doanh thu. Và tất cả các hoạt động và sứ mạng của Tòa Thánh đều là một khoản chi phí, như các tòa sứ thần, các thánh bộ, trợ giúp các Giáo hội gặp khó khăn…

Cần sự đóng góp quảng đại của các tín hữu

Quỹ Đồng tiền thánh Phê-rô được sử dụng để hỗ trợ sứ vụ của Đức Thánh Cha, dưới hình thức viện trợ cho các cá nhân hoặc cộng đoàn, hoặc đóng góp cho các thánh bộ cộng tác với sứ vụ của Đức Thánh Cha. Nói về tầm quan trọng của sự đóng góp của các tín hữu, cha Guerrero nhấn mạnh Tòa Thánh giúp cho sứ mạng của Đức Thánh Cha và được duy trì cách cơ bản là nhờ sự đóng góp của các tín hữu. Cha nói: “Một mặt, chúng ta không thể không biết ơn lòng quảng đại của các tín hữu trong năm hết sức khó khăn này: giữa những khó khăn của thời đại đại dịch này, họ đã tiếp tục cộng tác vì họ tin tưởng vào sứ mạng của Giáo hội và muốn hỗ trợ Đức Thánh Cha. Nó làm tôi nhớ đến câu chuyện Phúc âm về người góa phụ đã dâng cúng một số tiền nhỏ … tất cả những gì bà ấy có. Đối với tôi, nó không chỉ là về tiền bạc.

Mặt khác, chúng ta phải nhận ra rằng, với tình hình đại dịch, nếu nó kéo dài, hoặc như một số người nói, nếu nó không bao giờ chấm dứt, các nguồn lực sẽ không đủ cho sự bền vững kinh tế của Tòa Thánh lâu dài. Trong trường hợp này, chúng ta cũng sẽ phải xem xét giảm chi tiêu và quyết định hoạt động nào: chúng ta có nên cân nhắc việc truyền đạt thông điệp của Giáo hội và Đức Thánh Cha bằng ít ngôn ngữ hơn không? Chúng ta có nên giảm bớt sự hiện diện công khai của Giáo hội và Đức Thánh Cha không? Có nên giảm bớt sự hiện diện của sứ điệp Phúc âm và khả năng làm trung gian của Giáo hội trong bối cảnh quốc tế không? Hoặc là viện trợ ít hơn cho các Giáo hội đang cần? Giảm chăm sóc cho các di sản lịch sử nhận được? Giảm chú ý đến sự hiệp nhất và hiệp thông qua giáo lý, phụng vụ, v.v.? Một phương trình khó giải. Nhưng tôi tin rằng trong mọi trường hợp, chúng ta phải làm mọi cách để tối ưu hóa chi phí, và trông cậy vào lòng quảng đại của những người thánh thiện của Thiên Chúa.

Hồng Thủy

Nguồn: Đài Vatican News