Phát biểu tại Hội nghị chuyên đề về Ngày Thế giới Hành động và Cầu nguyện cho Trẻ em, Đức Hồng Y Michael Czerny, Tổng trưởng Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện kêu gọi các quốc gia và các tổ chức bảo vệ quyền của các trẻ em di cư đặc biệt là quyền được đi học.
Đức Hồng Y nhắc lại rằng mọi trẻ em đều có quyền được lớn lên trong gia đình, được học tập và vui chơi giải trí. Nhưng hiện nay trên thế giới có nhiều trẻ em không có được những quyền này và không có lựa chọn nào khác ngoài việc di cư. Và một khi phải di cư, tất cả các quyền này của các em bị đặt vào tình thế nguy hiểm. Các em dễ trở thành nạn nhân của những kẻ buôn người, các tổ chức tội phạm và bị giam giữ.
Tổng trưởng Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện tái khẳng định rằng Giáo hội Công giáo từ lâu luôn phản đối mạnh mẽ mọi hình thức giam giữ trẻ em vì lý do di cư. Bởi vì trẻ em cũng có quyền được hưởng một môi trường gia đình. Những người lớn phải cố gắng cho các em được đoàn tụ với gia đình.
Vì thế, theo Đức Hồng Y sau khi định cư, các em phải được bảo vệ các quyền cơ bản, để các em có thể lớn lên, được đi học, được giúp đỡ và bảo vệ, để không phải sống trong cảnh đói khát và bạo lực. Nhưng thực tế có một số quốc gia không thực hiện điều này, hậu quả là trẻ em không hoà nhập vào cộng đồng địa phương và không thể xây dựng cuộc sống của mình. Về điểm này, Đức Hồng Y cho biết ĐTC Phanxicô quan tâm rất nhiều đến những thách đố này, vì thế trong sứ điệp Ngày Thế giới Di dân và người Tị nạn năm 2017, với chủ đề “Các trẻ em nhập cư, những người dễ bị tổn thương và không có tiếng nói”, ngài đã kêu gọi mọi người quan tâm đến các trẻ em di cư. Bởi vì các em là những người thường phải chịu thiệt thòi nhiều hơn cả. Đức Thánh Cha nhấn mạnh về nhiệm vụ phải giải quyết và điều chỉnh tình trạng của trẻ em di cư, tôn trọng nhân phẩm và tìm cách đáp ứng nhu cầu của các em đặc biệt khi các em không có ai ở bên cạnh.
Để giúp giải quyết những vấn đề này, Đức Hồng Y cho biết trong năm 2018, Tòa Thánh đã đóng góp 20 điểm hành động cho việc xây dựng Hai Hiệp ước Toàn cầu về di cư và tị nạn. Giáo hội dành sự quan tâm đặc biệt đến trẻ vị thành niên, ủng hộ “các giải pháp thay thế việc giam giữ đối với những người di cư vị thành niên nhập cảnh bất hợp pháp vào một quốc gia; bằng cách cung cấp nơi tạm chăm sóc hoặc nhà nuôi dưỡng cho trẻ vị thành niên không có người đi kèm hoặc bị phân ly; và bằng cách thiết lập các trung tâm riêng biệt để xác định và tiến hành thủ tục cho trẻ vị thành niên, người lớn và gia đình”. Hơn nữa, điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không phân biệt đối xử người di cư và các em có thể tiếp cận các trường học cùng một tiêu chuẩn với tư cách là công dân và độc lập về địa vị pháp lý của họ.
Ngoài ra, được những lời khích lệ của ĐTC Phanxicô, nhiều tổ chức Giáo hội đã nỗ lực rất nhiều để hỗ trợ trẻ vị thành niên di cư. Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện liên tục tổ chức các cuộc tham vấn với các Giáo hội địa phương để học hỏi về kinh nghiệm và các thực hành tốt nhất trong việc giúp đỡ những người di cư. Một trong các chủ đề thường được thảo luận liên quan đến đến vai trò chủ chốt của người di cư và tị nạn trẻ trong việc cùng xây dựng một tương lai.
Ngọc Yến
Nguồn: Đài Vatican News