Tòa Thánh kêu gọi Hoa Kỳ tôn trọng quyền lãnh thổ của Palestine

22/11/2019

Hôm 20/11, trước việc Hoa Kỳ bác bỏ luật pháp quốc tế và các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc lên án các khu định cư của Israel trên lãnh thổ Palestine, Tòa Thánh nhắc lại lập trường ủng hộ giải pháp “hai quốc gia”.

Tòa Thánh đặc biệt đề cập đến các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, như điều 2334, xem các khu định cư của Israel ở trung tâm lãnh thổ Palestine là một “sự vi phạm luật nhân đạo quốc tế” vi phạm giải pháp “hai quốc gia”.

Thông cáo của Tòa Thánh nói rằng quyền của người dân Palestine được sống trong hòa bình và an ninh phải được “công nhận, tôn trọng và thực thi”.

Tuyên bố của Hoa Kỳ: công nhận các khu định cư của Israel

Trước đó, ngày 18/11, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo nói với các phóng viên rằng các khu định cư của Israel “không phải là trái với luật pháp quốc tế”. Quyết định này ngay lập tức được Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ca ngợi. Ông cảm ơn chính quyền Hoa Kỳ đã sửa chữa “sai lầm lịch sử này”.

Tòa Thánh quyền hòa bình và an ninh của Israel và Palestine

Thông cáo Tòa Thánh “ủng hộ quyền được sống trong hòa bình và an ninh của Israel” trong khuôn khổ “biên giới được cộng đồng quốc tế công nhận”. Đồng thời thông cáo cũng viết rằng quyền tương tự thuộc về người Palestine. Quyền này phải được “công nhận, tôn trọng và thực hiện”.

Tòa Thánh ủng hộ giải pháp hai quốc gia hai dân tộc

Tòa Thánh khẳng định lập trưởng ủng hộ giải pháp “hai nhà nước”. Đó là “cách duy nhất để đạt được một giải pháp dứt khoát” trong bối cảnh của cuộc xung đột lâu dài này. Tòa Thánh mong muốn cả hai bên phải có khả năng đàm phán trực tiếp với nhau, với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế và theo các nghị quyết quốc tế của Liên hợp quốc. Đó là vấn đề tìm kiếm một “thỏa hiệp công bằng” có tính đến nguyện vọng của cả hai dân tộc.

Tuyên bố của Liên Hiệp quốc

Ngày 19/11, trụ sở Liên Hiệp quốc tại Geneve cũng đã phản ứng với tuyên bố của Hoa Kỳ. Thông cáo viết: “Một sự thay đổi trong lập trường chính trị của một quốc gia không làm thay đổi luật pháp quốc tế hiện hành, cũng như sự giải thích của Tòa án Công lý Quốc tế và Hội đồng Bảo an.”

Trước việc Israel gia tăng chiếm đất của người Palestine, Liên Hiệp quốc cũng nhắc lại Nghị quyết 2334 của Hội đồng Bảo an vào năm 2016. Nghị quyết kêu gọi Israel “chấm dứt ngay lập tức và hoàn toàn” mọi hoạt động định cư tại các vùng lãnh thổ chiếm đóng của Palestine, bao gồm Đông Jerusalem. Văn bản này quy định thêm rằng luật pháp quốc tế không công nhận “bất kỳ thay đổi nào về biên giới như đã quy định ngày 04/06/1967”.

Theo Liên Hợp Quốc, có khoảng 240 khu định cư của Israel ở vùng Cisjordan và Đông Jerusalem. Chúng được xây dựng trên những khu đất được trả lại cho quốc gia Palestine tương lai, từ lâu đã bị phân mảnh và tách biệt với nhau, không có sự liên tục lãnh thổ. (cath.ch 20/11/2019)

Hồng Thủy

Nguồn: Đài Vatican