Trả lời trong một cuộc phỏng vấn của đài truyền hình Ý, Đức Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher, Ngoại trưởng Toà Thánh nhấn mạnh rằng Ucraina có quyền bảo vệ, nhưng phải cẩn thận đối với sự leo thang vũ trang, và Toà Thánh luôn ưu tiên đối thoại trong các cuộc chiến.
Thứ Tư 18/5/2022 tới, Đức Tổng Giám mục Gallagher sẽ đến Kiev. Nhân dịp này, chương trình thời sự của kênh Rai 2 của đài truyền hình Ý đã có cuộc phỏng vấn với Ngoại trưởng Toà Thánh về kế hoạch cho chuyến đi này. Trong 20 phút, buổi trò chuyện tập trung vào cuộc chiến ở Ucraina, những suy tư quốc tế và đại kết trong chìa khoá để hiểu đường lối ngoại giao của Toà Thánh.
Trước hết về cái nhìn chiến lược của NATO đối với cuộc chiến này, Đức Tổng Giám mục tái khẳng định rằng nhiều lần Đức Thánh Cha Phanxicô công nhận giá trị của mọi hệ thống an ninh và phòng thủ, miễn sao đó là “một điều thích đáng”. Điều này cũng áp dụng cho việc gửi vũ khí tới Kiev. Ucraina có quyền bảo vệ nhưng cần phải tránh một cuộc chạy đua vũ trang, bởi vì chúng ta đang đứng trước nguy cơ chiến tranh hạt nhân.
Lập trường của Toà Thánh là dựa trên mọi nỗ lực cho việc đối thoại. Cần phải tìm kiếm mọi giải pháp luôn được cộng đồng quốc tế áp dụng. Như trong thời chiến tranh lạnh, Toà Thánh tạo không gian đối thoại để ủng hộ sự hiểu biết lẫn nhau và tìm một giải pháp. Ngoài ra, trong cuộc chiến này, Toà Thánh đã có những cử chỉ liên đới như gửi các Hồng y đến Ucraina, đón tiếp người tị nạn…. Đây là một cử chỉ quan trọng để trao sự khích lệ và hy vọng của Đức Thánh Cha Phanxicô.
Tiếp đến, mở rộng cái nhìn sang Hoa Kỳ và Trung Quốc, Ngoại trưởng Toà Thánh nói hai quốc gia này là thành viên của Liên Hiệp Quốc, họ có vai trò rất quan trọng, nhưng tất cả đều có trách nhiệm đạo đức luân lý trong khi thi hành nhiệm vụ của mình. Cách riêng về phía Trung Quốc, Đức Tổng Giám mục nói rõ: “Trong nhiều năm, Toà Thánh luôn thực hiện cuộc đối thoại, đặc biệt đối với chiều kích Giáo hội. Không phải lúc nào cũng dễ dàng, có những khó khăn và không phải lúc nào cũng đạt được kết quả mong muốn, nhưng Toà Thánh khuyến khích Trung Quốc thực hiện vai trò của họ trên thế giới”.
Cuối cùng về chiều kích tôn giáo của cuộc xung đột. Đức Tổng Giám mục nhận định rằng cuộc chiến ở Ucraina cũng đòi hỏi một suy tư về quan hệ đại kết với Đức Thượng phụ Kirill và Giáo hội Chính thống. Trong cuộc xung đột này có một chiều kích tôn giáo không thể phủ nhận với bầu khí căng thẳng ngày càng tăng trong các Giáo hội Chính thống và khó khăn của Giáo hội Chính thống Nga trong việc đảm nhận các vị trí khác nhau từ chính phủ.
Ngoại trưởng Toà Thánh kết luận: “Đối với Đức Thánh Cha Phanxicô, đối thoại đại kết là một ưu tiên, ngay cả khi tại thời điểm này cuộc gặp gỡ của Đức Thánh Cha với Đức Thượng phụ Kirill dường như chưa thích hợp nhưng đối thoại vẫn tiếp tục”.
Ngọc Yến
Nguồn: Đài Vatican News