Phát biểu tại phiên họp 61 của Uỷ ban Phát triển Xã hội, Đức Tổng Giám Mục Gabriele Caccia, Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc cho rằng, thị trường lao động cần một đạo đức mới vì công ích và tôn trọng phẩm giá mỗi người, còn chính trị phải hoạt động sao cho mọi người có thể sử dụng tài năng phục vụ xã hội nhằm thúc đẩy xã hội phát triển.
Phiên họp của Uỷ ban Phát triển Xã hội có tựa đề “Tạo việc làm đầy đủ, hiệu quả và xứng nhân phẩm cho tất cả mọi người như một cách để khắc phục sự bất bình đẳng và đẩy nhanh quá trình phục hồi sau đại dịch COVID-19. Thực hiện đầy đủ Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững”.
Đại diện Toà Thánh giải thích rằng cuộc khủng hoảng trong thế giới lao động một phần là do những thay đổi cơ bản và cơ cấu bắt nguồn từ nền kinh tế toàn cầu đang phát triển, từ đại dịch COVID-19 và sự bất ổn tài chính theo chu kỳ, đã dẫn đến hậu quả “lao động không vì con người, nhưng con người vì lao động”, điều này đã tạo ra “văn hóa sử dụng một lần” trong thế giới lao động.
Đối với người cao tuổi, sẽ là một sự phân biệt đối xử bất công khi cho rằng khả năng học hỏi và sản xuất của họ kém hơn các nhóm tuổi khác, hoặc khi họ bị buộc phải làm việc vì bảo trợ xã hội không đủ. Hoàn cảnh của người trẻ ở khắp nơi cũng rất bi thảm, một mặt họ phải đối diện với tình trạng thất nghiệp ngày càng tăng, mặt khác, tình trạng mất việc làm và thu nhập không đảm bảo. Các phụ nữ bị phạt tại nơi làm việc khi mang thai và sinh con vẫn thường là lý do để sa thải hoặc không tuyển dụng. Phải làm sao để không một phụ nữ nào “bị buộc phải lựa chọn giữa gia đình và công việc”. Văn hóa bóc lột còn thể hiện với lao động trẻ em, một sự vi phạm nhân phẩm rõ ràng. Những trẻ em bị bóc lột là con cái của gia đình nghèo, nhưng cũng do việc tìm kiếm những cách mới để giảm chi phí lao động, được thể hiện bằng tiền lương không tương xứng, thời gian làm việc kéo dài và các hợp đồng tạm thời.
Đức Tổng Giám Mục chỉ ra rằng cần phải suy nghĩ lại nền tảng thực sự của giá trị và phẩm giá lao động, qua chính sách lao động thúc đẩy phát triển con người toàn diện và tăng trưởng kinh tế, và đặt con người ở trung tâm chính sách lao động. Đầu tư chính sách bảo trợ xã hội hướng về gia đình vẫn là điều cơ bản.
Ngài kết luận: “Thị trường lao động cần một đạo đức mới vì công ích và tôn trọng nhân phẩm mỗi người, còn chính trị phải hoạt động sao cho mọi người có thể sử dụng tài năng phục vụ xã hội để thúc đẩy xã hội phát triển”.
Ngọc Yến
Nguồn: Đài Vatican News