Tòa thánh thúc giục thỏa thuận ràng buộc quốc tế về vũ khí sát thương tự động

16/12/2021

Tòa thánh đang thúc giục cộng đồng quốc tế tăng cường nỗ lực để có một công cụ ràng buộc pháp lý nhằm giải quyết các vấn đề pháp lý và đạo đức do Hệ thống vũ khí sát thương tự động (LAWS), đồng thời cổ võ việc sử dụng cách hoà bình Trí tuệ nhân tạo vì lợi ích chung của nhân loại.

Hệ thống vũ khí sát thương tự động, còn được gọi là “robot giết người”, là vũ khí công nghệ cao mới được hỗ trợ bởi trí thông minh nhân tạo tiên tiến nhất và được lập trình để tấn công các mục tiêu mà không cần sự hỗ trợ hoặc điều khiển của con người. Một số quốc gia, bao gồm cả Mỹ và Nga, đang đầu tư những khoản tiền quan trọng vào công nghệ mới này, có thể định hình các cuộc chiến trong tương lai.

Các vấn đề đạo đức và luân lý

Trong những năm qua, các cuộc thảo luận đã diễn ra để bắt đầu đàm phán cho một khuôn khổ quốc tế giải quyết các vấn đề đạo đức, luân lý, nhân đạo và an ninh mà loại vũ khí sát thương đặt ra. Mặc dù đa số các quốc gia, bao gồm cả Tòa thánh, ủng hộ việc vạch ra một ranh giới pháp lý và đạo đức xung quanh quyền tự chủ về vũ khí, nhưng tiến độ hướng tới quy định còn chậm do một số quốc gia, bao gồm Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và Nga phản đối.

Hôm 15/12, phát biểu tại Hội nghị Đánh giá lần thứ sáu của Công ước về vũ khí thông thường, Đức ông John Putzer, đặc phái viên của Phái đoàn thường trực của Vatican tại Liên Hiệp quốc và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, nhấn mạnh sự thất vọng của Tòa thánh về kết quả, nhắc lại nhu cầu cấp thiết về một khuôn khổ quốc tế để giải quyết các vấn đề mà Hệ thống vũ khí sát thương tự động đặt ra.

Sự giám sát của con người

Theo quan điểm của Tòa thánh, bắt buộc phải đảm bảo sự “giám sát đầy đủ, có ý nghĩa và nhất quán của con người đối với các hệ thống vũ khí” vì “chỉ con người mới có thể nhìn thấy kết quả của các hành động của mình và hiểu được mối liên hệ giữa nguyên nhân và kết quả”.

Đề nghị của Toà Thánh

Trong khi nhắc lại lời kêu gọi triệu tập các cuộc đàm phán và đồng thời thiết lập lệnh cấm phát triển và sử dụng vũ khí giết người tự động, Tòa Thánh cũng đề xuất thành lập một tổ chức quốc tế về trí tuệ nhân tạo, “để tạo điều kiện thuận lợi và đảm bảo quyền của tất cả các Quốc gia tham gia, trao đổi đầy đủ nhất có thể các thông tin khoa học và công nghệ vì mục đích hòa bình và hướng tới lợi ích chung của cả gia đình nhân loại”.

Đức ông Putzer kết luận: “Giữa đại dịch toàn cầu, điều quan trọng là phải đặt các công nghệ mới phục vụ con người vì mục đích hòa bình và sự phát triển toàn diện của con người”.

Hồng Thủy

Nguồn: Đài Vatican News