Toà Thánh tìm mọi cách có thể để đạt được hy vọng hoà bình

04/03/2023

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Truyền thông Vatican, bà Francesca Di Giovanni, Thứ trưởng ngoại giao Tòa Thánh phụ trách lĩnh vực đa phương, trong Phân bộ các Quan hệ với các Quốc gia và Tổ chức Quốc tế của Phủ Quốc vụ Khanh Toà Thánh, nhấn mạnh vai trò của phụ nữ và ngoại giao Vatican trong việc xây dựng hoà bình và đối thoại giữa các quốc gia.

Vào ngày 24/3 tới đây, sau thời gian dài làm việc tại Phủ Quốc vụ khanh, bà Francesca Di Giovanni, người nữ đầu tiên giữ vai trò Thứ trưởng ngoại giao Tòa Thánh phụ trách về các quan hệ đa phương sẽ bước vào tuổi 70, và sẽ nghỉ hưu. Bà bắt đầu phục vụ tại Vatican từ năm 1993 và vào tháng 01/2020, Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm bà vào chức vụ quan trọng này.

Câu hỏi đầu tiên liên quan trực tiếp đến công việc trong 30 năm, bà Di Giovanni xác tín vào Đấng Quan Phòng luôn đồng hành với nhân loại trong hành trình tiến về Nước Trời, ngay cả trong những lúc đen tối và khó hiểu, khi sự dữ dường như thắng thế. Từ quan điểm này bà nói: “Lĩnh vực đa phương chắc chắn không chỉ là đài quan sát đặc biệt, nhưng còn là một công cụ ưu tiên cho hoạt động đối thoại với nhiều đối tượng khác nhau”.

Ngoại giao vẫn có thể đạt được những kết quả quan trọng

Trước cuộc chiến ở Ucraina và có nhiều ý kiến cho rằng hệ thống và các tổ chức đa phương đang rơi vào khủng hoảng, bà Thứ trưởng nhận định, mặc dù thực tế như vậy, nhưng có những yếu tố hy vọng. Thoả thuận giữa Nga và Ucraina ở Thổ Nhĩ Kỳ về xuất khẩu ngũ cốc đã thực hiện, tiến bộ đạt được trong các hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hiệp Quốc gần đây là bằng chứng cho thấy ngoại giao vẫn có thể đạt được những kết quả quan trọng. Bà nói: “Cần phải không ngừng khuyến khích những bước này và nhiều bước tích cực khác, ngay cả khi chúng phải được hỗ trợ bởi ý chí chính trị của các cá nhân và tổ chức, không có sự áp đặt và ‘thực dân hóa ý thức hệ’”.

Đóng góp của của Phân bộ các Quan hệ với các Quốc gia và Tổ chức Quốc tế

Trong cuộc phỏng vấn, bà Di Giovanni còn cho biết những người làm trong lĩnh vực đa phương của Phân bộ các Quan hệ với các Quốc gia và Tổ chức Quốc tế, ít khi là “người thực hiện đầu tiên”, nhưng là kết quả của sự cộng tác của một số người với kỹ năng và quan điểm khác nhau. Một trong những kết quả này là: Trong quá trình chuẩn bị cho Hội nghị Biến đổi Khí hậu lần thứ 26 của Liên Hiệp Quốc tại Glasgow, Scotland, tại Vatican, 40 nhà lãnh đạo của các tôn giáo lớn trên thế giới đã gặp nhau và đã ký một tuyên bố chung kêu gọi cộng đồng quốc tế thực hiện các biện pháp quyết liệt hơn trong việc chống biến đổi khí hậu. Và chính Đức Thánh Cha đã trình bày với chủ tịch hội nghị thượng đỉnh tuyên bố chung này.

Công bằng là chính sách ngoại giao của Toà Thánh

Về chính sách ngoại giao của Toà Thánh, bà giải thích, ngoại giao Toà Thánh có cam kết không ngừng là công bằng, bởi vì Tòa Thánh không có lợi ích nào khác trong hoạt động ngoại giao ngoài sự đồng hành cùng các quốc gia trong việc xây dựng hòa bình, công lý và hợp tác lẫn nhau vì công ích, tôn trọng phẩm giá và quyền của các cá nhân, hướng tới một tình huynh đệ không chỉ sống giữa các cá nhân, nhưng còn giữa các dân tộc. Vì lý do này, với tư cách là tiếng nói đạo đức, Tòa Thánh luôn chú trọng đến các giá trị công lý, sự thật và điều tốt, đồng thời luôn tin tưởng vào khả năng con người – và trong trường hợp này là những người có quyền quyết định – thay đổi những lựa chọn khủng khiếp và tàn nhẫn và chọn những con đường tốt. Với thái độ này, chúng ta có thể tìm thấy những cơ hội và phương pháp cho những bước nhỏ, thường là dè dặt và không chính thức, để tạo điều kiện thuận lợi và nối lại đối thoại, có thể xuất phát từ các trường hợp nhân đạo hoặc các trường hợp khác. Nếu đối thoại chân thành, thì dù bắt đầu từ những bước nhỏ, nó sẽ xây dựng và có thể thắp lên từng chút một ánh sáng hy vọng.

Vài trò của nữ giới đối với hoà bình

Liên quan đến đề tài đã được Đức Thánh Cha nhấn mạnh “vai trò đặc biệt của phụ nữ đối với hòa bình”, bà Di Giovanni nói, ngày nay, chúng ta thấy ngày càng có nhiều phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong đời sống chính trị và quốc tế cũng như trong các tiến trình hòa bình. Trực giác nữ tính và tài năng đặc thù của các phụ nữ làm việc vì hòa bình cho phép hợp tác lành mạnh và phong phú với nam giới khi họ được lắng nghe trên cơ sở bình đẳng.

Về khía cạnh này, theo bà, chúng ta không thể tổng quát hóa: chúng ta có những trải nghiệm tích cực, nhưng cũng có tiêu cực. Tuy nhiên, nhìn chung, thay vì cạnh tranh và đe dọa hoặc không khoan nhượng, phụ nữ có xu hướng tìm kiếm – thậm chí theo cách bướng bỉnh và thường sáng tạo – các hình thức hợp tác, và thường chú ý đến các khía cạnh tương quan cá nhân, các cơ chế quan hệ trong cộng đồng địa phương, các khía cạnh liên văn hóa và siêu việt, như các vấn đề liên quan đến cuộc sống hàng ngày hoặc nhu cầu chăm sóc sự sống trong các giai đoạn khác nhau. Phụ nữ cũng đóng một vai trò to lớn trong việc gìn giữ hòa bình, vì họ là những nhà giáo dục hòa bình. Rõ ràng, vấn đề không phải là loại trừ tính hợp lý của nam giới, nhưng là hoà nhập việc chấp nhận một tư tưởng khác vào suy tư chung.

Ngọc Yến 

Nguồn: Vatican News