Phát biểu tại Đại hội đồng lần thứ 65 của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (Aiea), hôm thứ Hai 20/9, tiến sĩ Francesca Di Giovanni, Thứ trưởng ngoại giao Tòa Thánh phụ trách về các quan hệ đa phương, nhắc lại lời kêu gọi “kiềm chế việc phổ biến vũ khí hạt nhân và cung cấp công nghệ hạt nhân hoà bình vì ích lợi cho toàn thể nhân loại”, đồng thời nhấn mạnh “Tòa Thánh luôn ủng hộ một thế giới không vũ khí hạt nhân”.
Thứ trưởng Ngoại giao Toà Thánh nhìn nhận vai trò duy nhất của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế, liên quan đến việc không phổ biến vũ khí hạt nhân. Đây là một hành động dựa trên sự tin tưởng, bởi vì khi “các quốc gia mở cửa các nhà máy hạt nhân của họ cho các thanh tra viên vào làm việc, họ sẽ giúp xây dựng lòng tin và giảm sự nghi ngờ. Bằng cách này, Cơ quan góp phần đáng kể vào việc tạo ra một thế giới không có vũ khí hạt nhân”.
Hướng đến người nghèo, những người dễ bị tổn thương, thành phần phải chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc khủng hoảng đại dịch, bà Francesca Di Giovanni nói: “Chúng ta có trách nhiệm thúc đẩy một nền văn hóa quan tâm, trong đó đặt nhân phẩm và công ích vào trung tâm của mọi việc chúng ta làm”.
Với cái nhìn này, Thứ trưởng ngoại giao Tòa Thánh đánh giá cao đối với “Zodiac”, chương trình hành động hòa nhập của Cơ quan Phòng chống Dịch bệnh từ động vật. Được triển khai vào năm 2020, dự án này nhằm mục đích cải thiện sự tương tác giữa khoa học, các nhà hoạch định chính sách và xã hội, thúc đẩy sự hợp tác để xác định các nguy cơ và giải quyết các đợt bùng phát dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người, với mục đích đảm bảo khả năng tiếp cận phổ biến đối với các giải pháp.
Đại diện Tòa Thánh cũng bày tỏ sự đánh giá cao đối với các dự án của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế đối với việc sử dụng công nghệ hạt nhân “để kiểm soát ô nhiễm nhựa” và “để điều trị ung thư, trồng nhiều lương thực hơn, quản lý và bảo vệ nguồn nước dự trữ”. Bà Giovanni nói thêm rằng, Cơ quan này đã đóng góp quan trọng “trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu, giám sát ô nhiễm đại dương và hệ sinh thái, đồng thời giúp các quốc gia thích ứng với thực tế khí hậu mới, bao gồm cả sự khan hiếm thực phẩm và nước”. Theo nghĩa này, bà nhắc lại những dấn thân của Tòa Thánh trong hoạt động “thúc đẩy giáo dục đối với hệ sinh thái toàn diện, cũng như các biện pháp chính trị và kỹ thuật ủng hộ một mô hình văn hóa phát triển bền vững dựa trên tình huynh đệ và liên minh giữa con người và môi trường”. (CSR_6383_2021)
Ngọc Yến
Nguồn: Đài Vatican News