Nhằm tôn vinh ông Rosario Angelo Livatino, thẩm phán được phong chân phước đầu tiên trong lịch sử Giáo hội, người đã can đảm thi hành nghề nghiệp như là một sứ vụ của người giáo dân, Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện đã thành lập một Nhóm làm việc về “vạ tuyệt thông mafia”.
Mục đích hoạt động của nhóm là đào sâu chủ đề mafia, cộng tác với các Giám mục trên thế giới, thúc đẩy và hỗ trợ các sáng kiến. Thông báo về việc thành lập nhóm được đưa ra vào Chúa nhật 09/5, có liên quan đến việc phong chân phước cho thẩm phán chống mafia, Rosario Angelo Livatino.
Cũng vào Chúa nhật, tại buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc đến vị thẩm phán này và ca ngợi ông là “vị tử đạo của công lý và đức tin”, một chứng nhân của Tin Mừng “đã chết một cách anh hùng”. Ngài mời gọi mỗi người, đặc biệt là các thẩm phán theo mẫu gương của chân phước, bằng cách trở thành “những người bảo vệ trung thành cho tính hợp pháp và tự do”.
Nhóm làm việc gồm tám người, tất cả đều đang ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống mafia, như Đức cha Michele Pennisi, Giám mục Sicilia, ông Giuseppe Pignatone, Chủ tịch tòa án Quốc gia thành Vatican, ông Ioan Alexandru Pop, thành viên của Hội đồng Tòa thánh về các văn bản luật.
Ông Vittorio V. Alberti, điều phối viên của nhóm làm việc cho biết, sáng kiến này là một bước tiến trong sự dấn thân về vấn đề mafia của Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện, đã được khai sinh cách đây bốn năm. Thực tế, vào năm 2018, Đức Hồng y Peter Turkson đã lập một mạng lưới toàn cầu chống tham nhũng, tội phạm có tổ chức và mafia. Vì vậy, nhóm làm việc này sẽ tiếp tục công việc đã được khởi xướng.
Ông Vittorio giải thích thêm: “Mục đích của chúng tôi là nhằm nâng cao nhận thức về chủ đề này và tạo dựng một tâm thức phản đối nghiêm túc. Khía cạnh văn hóa, huấn giáo và giáo luật sẽ là trọng tâm của những suy tư cho quá trình làm việc. Đây là một vấn đề dứt khoát trong việc loại bỏ mọi thỏa hiệp có thể có của Công giáo đối với mafia. Điều căn bản là sự khẳng định một lần cho mãi mãi, đó là không thể thuộc về mafia và đồng thời là một phần của Giáo hội. Sau đó, chúng tôi muốn xây dựng một sự chăm sóc mục vụ mới, một con đường văn hóa trước hết liên quan đến các nạn nhân, làm việc với các tù nhân, bằng cách đồng hành với họ trên con đường hy vọng”.
Tiếp nối lập trường của các vị tiền nhiệm, Đức Thánh Cha Phanxicô cương quyết lên án hoạt động của mafia. Gần đây nhất vào năm 2016, trong bài giảng Thánh lễ tại Giáo phận Cassano, một vùng bị mafia hoành hành, ngài đã tuyên bố “những kẻ mafia, họ không ở trong tình hiệp thông với Thiên Chúa: họ bị tuyệt thông”.
Ngọc Yến
Nguồn: Đài Vatican News