Ý cầu nguyện tháng 6.2018 – Cầu cho các mạng xã hội tạo thuận tiên cho tình liên đới và tôn trong tha nhân

04/06/2018

Trong tháng 6 này Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta hiệp ý với tín hữu công giáo toàn thế giới cầu xin cho các mạng xã hội tạo thuận tiện cho tình liên đới và việc tôn trọng tha nhân trong sự khác biệt của họ.

Kể từ thập niên 1940 cho tới nay kỹ thuật truyền thông đã tiến những bước khổng lồ: từ phát thanh, truyền hình trắng đen sang truyền hình mầu, từ máy đánh chữ dùng băng mực vải sang máy đánh chữ chạy bằng điện, rồi tới máy vi tính, thông tin liên mạng, iphone, ipad và đủ mọi kiểu điện thoại di động có thể thu tiếng thu hình, quay phim… Con người có thể liên lạc với nhau nhìn thấy mặt nhau.

Thế giới truyền thông có các chương trình ngày càng tối tân nhanh chóng. Giờ đầy chỉ cần một điện thoại di động đời mới là có thể xem phim nghe nhạc, liên lạc với người thân bạn bè khắp nơi trên thế giới này và nói chuyện nhìn thấy mặt nhau. Tại Âu châu đến các ông ăn mày cũng có điện thoại di động, và cả các người Rom người Sinti một tay bới các thùng rác một tay cầm điện thoại di động nói chuyện. Và đi bất cứ đâu người ta cũng thấy cảnh già trẻ lớn bé, chúi đầu vào điện thoại di động để liên lạc đọc tin tức, đọc tiểu thuyết, nghe nhạc, xem phim vv…

Tuy nhiên, cũng đã có nhiều người trẻ thiệt mạng vì chìm đắm trong thế giới ảo nên đi ngoài đường bị xe lửa cán, xe hơi tông, vấp ngã gẫy chân què tay, hay suốt ngày đêm mê mẩn trong thế giới ảo, không nói chuyện vói người thân và mất tiếp xúc với thế giới thât có khi đến rơi vào trầm cảm. Thế rồi số trẻ em và người trẻ cũng như người lớn bị bệnh ung thư não bộ gia tăng. Các trẻ em mới 1-2 tuổi cũng chơi trò chơi vi tính suốt ngày, hay ngồi trước màn truyền hình hoặc sử dụng các máy móc thải chất phóng xạ liên tục hết ngày này sang ngày khác, tháng này sang tháng khác và năm này sang năm khác. Các hãng sản xuất các máy móc và dụng cụ truyền thông cũng không bao giờ báo cáo những nguy hại của chúng đối với sức khỏe của người sử dụng. Nhiều người để điện thoại di dộng trên túi áo bên trái sau một thời gian bị đau tim, hay trong túi quần nên cảm thấy đùi đau nhức, hay nghe hoặc nói chuyện bằng điện thoại di động hết năm này sang năm khác nên đau đầu, đau tai, điếc tai vv… Các làn sóng điện phát ra từ điện thoại hay điện thoại di động đốt cháy các tế bào và khiến cho chúng bị hư hoại.

Với hệ thống internet phát triển mạnh, các bưu điện trên toàn thế giới ít việc hơn, vì người ta không gửi thư qua bưu điện nữa vừa lâu vừa tốn tiến. Gửi điện thư chỉ trong tích tắc là tới với thân nhân bạn bè tại bất cứ đâu trên thế giới này. Qua Ipad, Cyber, Facebook, Twitter, Messenger và nhiều chương trình khác người ta có thể nói chuyện và nhìn thấy nhau mà không mất tiền. Nhanh, tiện lợi và hứng thú biết bao nhiêu! Quả thật các phương tiện truyền thông tân tiến của thế giới vi tính đã thu ngắn không gian và thời gian khiến cho con người gần gũi nhau hơn rất nhiều. Ngay cả những vụ đàn áp bất công, các tai nạn, tai ương và mọi cảnh mọi chuyện xảy ra chỉ trong nháy mắt được mọi người trên thế giới biết đến và tận mắt chứng kiến. Người ta không thể dấu diếm ém nhẹm được như trước nữa.

Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông tân tiến cũng có mặt trái của chúng. Đây cũng là điều đã được ĐHY Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, nêu bật trong bài phát biểu tại phiên họp lần thứ 27 của Ủy ban phòng ngừa tội phạm và công lý tội phạm của Liên Hiệp Quốc nhóm tại Vienne thủ đô Áo trong các ngày từ 14 tới 18 tháng 5 vừa qua về tài “tội phạm vi tinh”. Đây là hiện tượng dùng các kỹ thuật vi tính để phạm tội chống lại các cá nhân, các tổ chức, các chính quyền, các quốc gia và cả cộng đồng quốc tế, với mục đích lợi nhuận hay khủng bố phá hoại. ĐHY nói: “Các tiến bộ kỹ thuật đem lại nhiều kết quả tích cực, nhưng không thể đánh giá thấp khía cạnh đen tối của thế giới vi tính. Một trong những khía cạnh trầm trọng nhất là việc phổ biến các hình thức mới của các hoạt động tội phạm, hay các hình thức cũ nhưng được thực hiện với các dụng cụ mới rất hùng mạnh… Sự lan tràn các hình ảnh bạo lực và dâm ô ngày càng tột độ làm hư hỏng sâu xa tâm lý và cả hoạt động não bộ của trẻ em nữa. Rồi ĐHY kể ra vài hiện tượng thường xảy ra trên mạng vi tính hiện nay như Cyberbulling tức là liên tục tấn công

ức hiếp xúc phạm trên mạng; sexting tức gửi các hình ảnh hay sứ điệp tình dục; và sextortion tức gửi hình ảnh hấp dẫn làm quen với các lý do nhằm lừa gạt để có các hình ảnh khỏa thân và đe dọa phổ biến các hình ảnh đó nếu không trả một số tiền nào đó. Tất cả những điều này làm hư hỏng các tương quan liên bản vị và các liên lạc xã hội. Các hình thức cám dỗ tình dục qua mạng, chiếu trực tiếp các vụ hãm hiếp và bạo lực cũng như tổ chức mại dâm trên mạng hay buôn người và xúi giục bạo lực và khủng bố phá hoại… tất cả đều là các thí dụ tội phạm hiển nhiên kinh khủng không thể nhân nhượng được trong bất cứ cách nào”.

Thật ra, người ta có thể dùng các phương tiện truyền thông vi tính để phạm rất nhiều tội khác nhau có thể bị truy tố bởi các luật hình sự. Ngoài các xúc phạm luân lý đạo đức, đưa tin giả, vu khống, lăng mạ, hạ nhục, bôi xấu các cá nhân, các tổ chức công tư, đặc biệt là các tôn giáo, hay xâm phạm an ninh quốc gia và quốc tế, chúng còn bao gồm việc lừa đảo vi tính làm hư hại một tiến trình soạn thảo các dữ kiện với mục đích kiếm lợi nhuân bất công; giả dối trong các tài liệu vi tính; làm hư hại các dữ kiện và các chương trình; phá hoại vi tính; lạm dụng gia nhập vi phạm các biện pháp an ninh của hệ thống; can thiệp mà không được phép; lấy lại các chương trình được che chở mà không có phép; lấy lại các hình ảnh mà không được phép; làm hư hại các dữ kiện hay chương trình không gây hại nhưng không được phép; gián điệp vi tính được hiểu như việc thông tin tức liên quan tới bí mật kỹ nghệ hay thương mại; việc sử dụng không được phép của một người soạn thảo hay của một mạng lưới soạn thảo; việc sử dụng không được phép của một chương trình vi tính được che chở, nhưng bị lạm dụng tái sản xuất vv… Tất cả đều là các tội bất công, không tôn trọng phẩm giá con người và luân lý đạo đức thường thức.

Trong tháng 6 này hiệp ý với Đức Thánh Cha Phanxicô và tín hữu công giáo toàn thế giới chúng ta cầu xin cho các mạng xã hội tạo thuận tiện cho tình liên đới và việc tôn trọng tha nhân trong sự khác biệt của họ.

Linh Tiến Khải

Nguồn: Đài Vatican