NĂM THÁNH MỪNG 350 NĂM
THÀNH LẬP DÒNG MẾN THÁNH GIÁ
Bài 2: LỊCH SỬ DÒNG MẾN THÁNH GIÁ THỜI KỲ ĐẦU (1670 – 1700)
I. GIÁO HỘI VIỆT NAM THỜI KỲ ĐẦU
Lịch sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, từ lúc khai sinh đến khi trưởng thành, được dệt nên từ tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa. Mỗi trang sử của Giáo Hội là một minh chứng về sự dẫn dắt, chở che và yêu thương của Ngài.
1. Bối cảnh xã hội
Vào đầu thế kỷ XVI, sự nghiệp Nhà Lê bắt đầu suy tàn, nước Đại Việt phải gánh chịu hai cuộc phân tranh Lê – Mạc (1533-1592) và Trịnh – Nguyễn (1627-1672)[1]. Những cuộc nội chiến liên miên và kéo dài đã làm đất nước suy yếu và khiến cuộc sống của người dân vô cùng cơ cực. Trong bối cảnh xã hội như vậy, hạt giống Phúc Âm được gieo trên đất Việt, và Giáo Hội Việt Nam được khai sinh giữa biết bao gian nan thử thách, có lúc tưởng chừng như mất hút vì các cuộc cấm cách và bách hại, nhưng thực tế vẫn luôn còn đó một sức sống mãnh liệt phát sinh từ niềm tin kiêu hùng làm trổ sinh hoa trái dồi dào trong Giáo Hội.
2. Tóm tắt lịch sử truyền giáo ở Việt Nam cho đến đầu thế kỷ XVII
Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam được khởi đi từ việc thông thương buôn bán giữa các nước Tây phương với các nước Đông Nam Á. Những người Tây phương đầu tiên đến Việt Nam là người Bồ Đào Nha, Anh, Pháp và Hòa Lan… Mục đích của người Hòa Lan và người Anh là buôn bán, còn đối với người Bồ Đào Nha và người Pháp, ngoài buôn bán, họ còn nhận thêm sứ mệnh truyền giáo.
Mặc dù trong lịch sử đã có đôi nét về một giáo sĩ tên là I-ni-khu đến giảng đạo tại Việt Nam ngay từ giữa thế kỷ XVI[2], nhưng công cuộc truyền giáo ở Việt Nam chỉ thật sự bắt đầu với các thừa sai Dòng Tên từ đầu thế kỷ XVII. Vào ngày 18/01/1615, thừa sai Dòng Tên đầu tiên là Francesco Buzomi đặt chân lên đất Việt, tại Đà Nẵng. Ngay trong năm đầu, việc truyền giáo đạt kết quả, thành tích vang dội tới Macao, vì thế, các thừa sai được tiếp tục gửi đến Việt Nam. Những người hoạt động lâu nhất là cha Majorica, cha Buzomi, cha Đắc Lộ, cha Pina… Các ngài cũng là những người để lại nhiều dấu ấn trên đất Việt[3].
3. Công cuộc truyền giáo của Giáo Hội
Một cách tổng quát, công cuộc truyền giáo của Giáo Hội tại Việt Nam có hai giai đoạn: giai đoạn của chế độ Bảo Trợ và giai đoạn của các vị Đại Diện Tông Tòa.
3.1. Dưới chế độ Bảo Trợ
Từ cuối thế kỷ XV, việc khám phá các vùng đất mới ở Châu Phi, Châu Mỹ và Châu Á đã mở ra cơ hội cho công cuộc truyền giáo của Giáo Hội toàn cầu. Tuy nhiên, vì không đủ thực lực về tài chính, nhân sự và phương tiện vận chuyển, nên Giáo Hội phải nhờ cậy vào thế quyền để có thể thi hành sứ vụ của mình, qua việc giao nhiệm vụ truyền giáo cho các nước Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, là hai cường quốc xâm chiếm thuộc địa hàng đầu thời đó. Cùng với việc giao nhiệm vụ truyền giáo, quyền Bảo Trợ cũng được đặt ra cho hai vương triều này. Thực tế, chế độ Bảo Trợ đã có những đóng góp nhất định cho công cuộc truyền giáo của Giáo Hội, nhưng khi các vương triều đặt quyền lợi chính trị và kinh tế của đế quốc lên hàng đầu thì họ lại chối bỏ trách nhiệm truyền giáo của mình; hơn nữa trong nếp sống còn có những biểu hiện không phù hợp với người thợ Phúc Âm[4].
3.2. Chủ trương mới của Tòa Thánh
Trước những lạm dụng của các vị vua Bảo Trợ, công cuộc truyền giáo chẳng những không có hiệu quả như thời gian đầu, trái lại còn gây ra những hệ luỵ tiêu cực. Vì thế, năm 1622, Tòa Thánh đã thành lập Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin (còn được gọi là Bộ Truyền Giáo) để dần lấy lại quyền điều hành công cuộc truyền giáo của mình[5].
3.3. Công cuộc vận động của cha Đắc Lộ tại Rôma
Sau hai mươi năm truyền giáo ở Đàng Ngoài và Đàng Trong, cha Đắc Lộ bị trục xuất khỏi Đàng Trong và trở về Macao vào tháng 07/1645. Giữa năm 1649, ngài tới Rôma thực hiện sứ mạng do Tỉnh Dòng Nhật Bản giao phó là xin Tòa Thánh gửi Giám Mục sang Đàng Trong và Đàng Ngoài, để truyền chức linh mục cho người bản xứ và tổ chức công cuộc truyền giáo “trong phần đất dân ngoại”; đồng thời vận động các vua chúa Công Giáo yểm trợ tài chính và xin cha Bề Trên Cả Dòng Tên gửi thêm thừa sai cho miền truyền giáo Đông Nam Á. Trong chương trình lớn lao này, ngài được cha Bagot mời tới nói chuyện với Nhóm Bạn Hiền tại Paris năm 1653. Tất cả đều ủng hộ và tỏ ra hăng say với việc đi truyền giáo ở Viễn Đông[6].
Nhiệt tình của Nhóm Bạn Hiền do cha Đắc Lộ gợi hứng bị khựng lại do phản ứng của Vua Bồ Đào Nha dưới triều đại của Đức Giáo Hoàng Innôcentê X. Nhưng vào năm 1655, Đức Tân Giáo Hoàng Alexander VII đã nhiệt tâm và đầy can đảm trong việc giành lại thế chủ động cho Tòa Thánh trong công cuộc truyền giáo. Ngài cho xúc tiến kế hoạch của cha Đắc Lộ với Nhóm Bạn Hiền. Kế hoạch này được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của bà công tước d’Aiguillon và của Hiệp Hội Thánh Thể[7].
3.4. Thiết lập Địa Phận Đại Diện Tông Tòa
Bước đầu tiên trong đường hướng truyền giáo mới của Tòa Thánh là thiết lập các Địa Phận Đại Diện Tông Toà. Vì thế, ngày 13/05/1658, Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin đề nghị bổ nhiệm hai cha Francois Pallu và Pierre Lambert làm Giám Mục. Ngày 08/06/1658, Đức Thánh Cha Alexander VII phê chuẩn, và tiếp đó, ngày 29/07/1658, ngài ký đoản sắc Apostolatus Officium bổ nhiệm Đức Cha Francois Pallu làm Giám Mục hiệu tòa Héliopolis (nay là Baalbeck, thuộc Syria) và Đức Cha Pierre Lambert de la Motte làm Giám Mục hiệu tòa Bérythe (nay là Beyrouth, thuộc Liban)[8].
Ngày 17/08/1658, Thánh Bộ chỉ định miền truyền giáo cho Đức Cha Francois Pallu và Đức Cha Pierre Lambert. Ngày 09/09/1659, Đức Giáo Hoàng Alexander VII ký Sắc chỉ Super Cathedram thiết lập hai Địa Phận Đại Diện Tông Toà: Đàng Ngoài và Đàng Trong; bổ nhiệm Đức Cha Francois Pallu cai quản Địa Phận Đàng Ngoài và năm tỉnh của Trung Hoa (Vân Nam, Quý Châu, Hồ Quảng, Quảng Tây, Tứ Xuyên) và nước Lào; Đức Cha Pierre Lambert cai quản Địa Phận Đàng Trong, một số tỉnh của Trung Hoa (Chiết Giang, Giang Tây, Phúc Kiến, Quảng Đông) và Đảo Hải Nam[9].
4. Huấn Thị năm 1659[10]
Tiếp theo sắc chỉ phân chia vùng hoạt động, Thánh Bộ còn gửi cho hai vị Tân Giám Mục bản Huấn Thị khá chi tiết, hướng dẫn rất rõ những việc các vị Đại Diện Tông Tòa phải làm trước khi lên đường truyền giáo, trên đường đi và ngay tại miền truyền giáo.
Như vậy, sau gần nửa thế kỷ khai phá của các thừa sai Dòng Tên, với biết bao công lao gian khó, việc Tòa Thánh bổ nhiệm hai Giám Mục Đại Diện Tông Tòa đầu tiên cho hai Địa Phận Đàng Ngoài và Đàng Trong, cùng với việc vạch ra định hướng truyền giáo, đã khai mở một giai đoạn mới cho việc loan báo Phúc Âm ở Việt Nam. Công trình này đưa đến việc hình thành một Giáo Hội, cả ở bình diện Dân Chúa và bình diện phẩm trật, mà công trạng đầu thuộc về hai Giám Mục tiên phong, cách riêng, Đức Cha Pierre Lambert de la Motte, người sống hết mình cho sứ vụ và chết trên cánh đồng truyền giáo.
II. THÀNH LẬP DÒNG MẾN THÁNH GIÁ
1. Vườn ươm của Thiên Chúa
Hạt giống Mến Thánh Giá được Thiên Chúa ưu tuyển dành cho chương trình yêu thương của Ngài. Thật thế, Thiên Chúa đã gieo vào tâm hồn Pierre Lambert hạt giống quý là hình ảnh Những Người Say Mến Thánh Giá khi cậu mới lên chín tuổi vào năm 1633.
Hình ảnh mờ nhạt về Những Người Say Mến Thánh Giá tại Lisieux trong tâm trí cậu Pierre Lambert được hiện rõ nét hơn khi Pierre Lambert trở thành Giám Mục Đại Diện Tông Tòa Đàng Trong, vào dịp tĩnh tâm tại Ayutthaya năm 1663. Vì say mê lối sống của Những Người Say Mến Thánh Giá này đến nỗi, nếu có thể, ngài sẽ sống với họ và như họ[11].
Trong khi đó, tại vùng truyền giáo Viễn Đông xa xôi, Thiên Chúa đã gợi lên trong tâm hồn một số phụ nữ đạo đức lòng ao ước sống tiết dục và sống chung với nhau để phụng sự Thiên Chúa Nhân Lành theo cách thức Ngài muốn, nhưng chưa được ai hướng dẫn cụ thể. Họ như mảnh đất tốt, sẵn sàng để nhận hạt giống Mến Thánh Giá đã được ươm mầm trong tâm hồn Đức Cha Pierre Lambert de la Motte từ thuở ấy.
Và như thế, hạt giống Mến Thánh Giá đã nảy mầm từ cuộc gặp gỡ giữa hai chủ thể, một người từ phương Tây và một nhóm phụ nữ ở phương Đông. Đây không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng do lòng nhân hậu của Thiên Chúa Quan Phòng đã muốn tuyển chọn một số người, để làm vinh danh Chúa và mưu ích cho các linh hồn bằng con đường Yêu Mến Đức Giêsu-Kitô Chịu-Đóng-Đinh, là đối tượng duy nhất của lòng trí họ.
2. Thành Lập Dòng Mến Thánh Giá tại Đàng Ngoài năm 1670
2.1. Kế hoạch của Thiên Chúa
Ngay từ năm 1666, qua vị thừa sai thân tín là cha Francois Deydier, Đức Cha Lambert được biết: tại Đàng Ngoài có những thiếu nữ đã dâng hiến cho Thiên Chúa đức đồng trinh của mình và một số quả phụ trẻ từ chối việc tái hôn[12]. Về phần Đức Cha Lambert, ngài đã có ý định thành lập Dòng Mến Thánh Giá từ tháng 10/1667, nhưng chưa thể thực hiện[13].
Mặc dù có nhiều khó khăn, nhưng trong chuyến kinh lý mục vụ ở Đàng Ngoài, từ ngày 30/08/1669 đến ngày 14/03/1670, Đức Cha Pierre Lambert đã thực hiện một số việc quan trọng cho tương lai Giáo Hội Việt Nam, trong đó có việc thành lập Dòng Mến Thánh Giá như một phương thế sống đạo và hỗ trợ cho công cuộc truyền giáo.
Khi Đức Cha Lambert sang kinh lý Đàng Ngoài, cha Francois Deydier đã trình với Đức Cha lời xin của khoảng 30 thiếu nữ và quả phụ đã quen sống đời khắc khổ, muốn có một tập điều lệ để sống chung[14]. Đáp lại yêu cầu này, Đức Cha gửi cho các chị một lá thư, kèm theo một số điều lệ nhỏ, trong đó ngài nói rõ: “Chính nhận thức mang tính thúc bách đó đã khiến cha nảy ra ý tưởng muốn đề nghị với các con một lối sống, mà cha nhận thấy rất thuận lợi để làm sáng danh Chúa”. Lối sống mà Đức Cha muốn giới thiệu với nhóm phụ nữ này là lối sống của những người thuộc một dòng tu. Trong bối cảnh thuận lợi đó, Đức Cha Lambert quyết định thành lập Dòng Mến Thánh Giá.
2.2. Thành Lập
Như vậy, việc các phụ nữ sống chung thành cộng đoàn đã có từ thời các thừa sai Dòng Tên, nhưng việc hình thành một Dòng Tu đúng nghĩa còn phải chờ “một ai đó” vừa có thẩm quyền, vừa có “ước nguyện lớn lao”, lại vừa có những chuẩn bị thiết thực. “Một ai đó” chính là Đức Cha Pierre Lambert de la Motte.
Trong số những phụ nữ thánh thiện trên, Đức Cha Lambert tuyển chọn hai thành viên đầu tiên là chị Anê và Paula. Ngày hồng phúc đã đến, Thứ Tư Lễ Tro, ngày 19/02/1670, hai chị được diễm phúc tuyên khấn công khai trước sự hiện diện của Đấng Sáng Lập[15]. Như vậy, ngày 19/02/1670 chính là ngày Dòng Mến Thánh Giá được khai sinh.
Có thể Lễ Khấn được cử hành trên chiếc thuyền tại Phố Hiến, nơi Đức Cha Lambert cử hành các việc đạo trong suốt thời gian ngài kinh lý mục vụ ở Đàng Ngoài[16]. Trong ngày trọng đại này, Đấng Sáng Lập còn trao cho các chị Bản Luật mà chính ngài đã soạn thảo.
Do hoàn cảnh không cho phép, nên ngay sau Lễ Khấn, Đức Cha phải vội vã lên đường trở về Thái Lan. Trong lúc chờ thuyền rời bến, ngày 26/02/1670, ngài đã viết một Bức Tâm Thư gửi lại cho hai người con tinh thần của ngài là Anê và Paula, để nhắn nhủ các chị đôi điều về bậc sống của mình và bày tỏ tình yêu thương của ngài qua những lời trong Bức Tâm Thư ấy.
3. Thành lập Dòng Mến Thánh Giá tại Đàng Trong năm 1671
Cũng như tại Đàng Ngoài, Đức Cha Lambert được biết ở Đàng Trong có những phụ nữ đức hạnh muốn sống đời tận hiến cho Chúa. Chắc hẳn khi đến Đàng Trong, Đức Cha rất vui mừng gặp được các phụ nữ đó, với ý định tốt lành của họ, một ý định hoàn toàn trùng hợp với ý định của Đức Cha là thành lập Dòng Mến Thánh Giá khi có cơ hội[17].
Trong chuyến kinh lý Đàng Trong lần thứ nhất, trên đường từ Nha Trang đến Hội An, Đức Cha Lambert dừng chân ở An Chỉ và lưu lại năm tuần trong nhà bà Lucia Kỳ[18], một goá phụ vừa đạo đức và khôn ngoan, vừa khá giả và quảng đại. Sau khi biết ý định của Đức Cha, bà Lucia đã dâng cúng cơ sở vật chất làm nơi cư trú cho các thành viên Mến Thánh Giá đầu tiên ở Đàng Trong. Chính tại nhà bà, Đức Cha đã cho gọi đến một số phụ nữ đã có ước nguyện tận hiến cho Thiên Chúa một cách trọn hảo nhất, để đích thân ngài tìm hiểu ý hướng tu trì của họ và trao đổi về đời sống thiêng liêng. Sau đó, để nhờ đến phương thế siêu nhiên, Đức Cha truyền cho các chị làm tuần cửu nhật trước khi ngài quyết định một việc quan trọng[19].
Vào tháng 12/1671, Đức Cha Pierre Lambert chính thức thành lập Dòng Mến Thánh Giá ở Đàng Trong, tại An Chỉ với cộng đoàn đầu tiên gồm 10 chị. Chị Bề Trên là em của cha Giuse Trang, 30 tuổi, một thiếu nữ thánh thiện nên được chị em yêu mến, kính trọng[20]. Các chị sống theo cùng một Bản Luật mà Đức Cha đã trao cho các chị Mến Thánh Giá tại Đàng Ngoài. Tuy nhiên, các chị chưa được khấn ngay, mà phải chuẩn bị thêm một thời gian nữa.
Năm 1675, vào dịp kinh lý Đàng Trong lần thứ hai, Đức Cha Lambert đến thăm các chị Mến Thánh Giá là những người kiên trung giữ Bản Luật đã nhận được từ Đấng Sáng Lập. Trong dịp này, Đức Cha tuyển chọn những chị kỳ cựu và thánh thiện nhất để cho tuyên khấn. Ngày 13/12/1675, Đức Cha Lambert đã nhận lời khấn của bốn chị tại Bàu Tây, và ngày 18/12/1675, ngài nhận lời khấn của một chị tại An Chỉ. Các chị tuyên ba lời khấn đơn, công khai một cách rất sốt sắng trước sự hiện diện của Đấng Sáng Lập, khi các tín hữu hội họp lại tham dự Thánh Lễ do Đức Giám Mục cử hành[21].
4. Thành lập Dòng Mến Thánh Giá tại Thái Lan năm 1672
Việc thành lập Dòng Mến Thánh Giá là một trong ba dự án của Đức Cha Lambert vào năm 1667[22]. Theo dự tính, dự án này sẽ thực hiện đầu tiên tại Thái Lan, nhưng trong thực tế Dòng Mến Thánh Giá Thái Lan chỉ được thành lập sau chuyến kinh lý Đàng Trong lần thứ nhất của Đức Cha.
Vào tháng 04/1672, khi từ Đàng Trong trở lại Ayutthaya, Đức Cha Lambert đã thành lập Dòng Mến Thánh Giá Thái Lan, khi gặp được một số phụ nữ sẵn sàng đi vào con đường đó. Có một điều đặc biệt là tất cả các phụ nữ này đều là người gốc Đàng Trong[23]. Khởi đầu, có bốn hoặc năm chị được gia nhập Dòng thánh thiện này với niềm vui tận hiến và lòng nhiệt thành trong các nghĩa vụ. Các chị bắt đầu đời tu bằng thời gian thử, và vào cuối năm đó, được tuyên khấn trong tay Đấng Sáng Lập. Ngài cũng trao cho các chị Bản Luật Dòng Mến Thánh Giá như ở Đàng Ngoài và Đàng Trong[24].
Mặc dù được chính Đức Cha Pierre Lambert thành lập và quan tâm, nhưng cộng đoàn Mến Thánh Giá đầu tiên ở Thái Lan hầu như “biến mất” trong một thời gian dài. Có lẽ Dòng không phát triển được vì ngoài các khó khăn mà các chị phải chịu, còn một lý do khác là các triều vua liên tiếp ở Thái Lan đều ra lệnh nghiêm cấm các thừa sai giảng đạo cho người Thái và cấm người Thái gia nhập Công Giáo. Mãi đến thời Đức Cha Garnault (1786-1811), hình ảnh nữ tu Mến Thánh Giá mới xuất hiện trở lại trên đất nước Thái Lan[25].
III. DÒNG MẾN THÁNH GIÁ TRONG BA THẬP NIÊN TIẾP THEO
Kể từ ngày thành lập cho đến hết thế kỷ XVII (1670-1700), Dòng Mến Thánh Giá tuy gặp nhiều khó khăn nhưng đã có những bước phát triển đáng kể, nhất là về mặt nhân sự và cơ sở; từ hai nhà ban đầu tăng lên 20 nhà, từ hai chị khấn đầu tiên tăng lên 150 chị[26].
Về phương diện pháp lý, ngày 28/08/1678, Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin đệ trình Đức Thánh Cha Nghị định xin ban ân xá cho hai Hiệp Hội Mến Thánh Giá mà Đức Cha Pierre Lambert đã thành lập tại Đàng Ngoài. Ngày 02/01/1679, Đức Thánh Cha Innocentê XI ký Tông thư Cum Sicut ban ân xá cho các Hiệp Hội Mến Thánh Giá. Đây là một sự nhìn nhận có tính cách pháp lý về sự hiện diện của Dòng Mến Thánh Giá trong Giáo Hội. Chính Đức Cha Francois Pallu đã góp một phần không nhỏ, trong việc liên hệ với Tòa Thánh, để thỉnh nguyện thư xin ân xá của Đức Cha Lambert nhận được kết quả tốt đẹp[27].
Để có được những thành quả như trên, ngoài ơn Chúa và một linh đạo phù hợp với tâm thức người phụ nữ Việt Nam, nhất là các Kitô hữu, cũng như một lối sống hòa đồng với xã hội; còn có một nguyên nhân rất quan trọng khác, đó là sự quan tâm ưu ái của chính Đấng Sáng Lập và các vị kế nhiệm ngài dành cho Dòng Mến Thánh Giá.
Đối với Dòng Mến Thánh Giá tại Đàng Trong, đây là Dòng được Đức Cha Lambert thành lập năm 1671 và may mắn được ngài thăm viếng lần thứ hai vào năm 1675. Thế nhưng, sự hiện diện của chị em Mến Thánh Giá từ đó cho đến những năm cuối của thế kỷ XVII xem ra khá mờ nhạt, vì đây là thời kỳ cấm đạo, thêm nữa là tình trạng thiếu vắng Giám Mục, hoặc nếu có thì các ngài cũng ít quan tâm đến Dòng Mến Thánh Giá.
Khi đọc lại quá trình thành lập và những năm khởi đầu của Dòng Mến Thánh Giá, người ta dễ liên tưởng tới hình ảnh hạt cải trong Phúc Âm. Dòng Mến Thánh Giá được ví như hạt cải nhỏ bé được gieo vào lòng Giáo Hội và xã hội, đã âm thầm nẩy mầm rồi đâm chồi nảy lộc. Tuy chưa thể là cây cao bóng cả, nhưng Dòng cũng đủ mạnh để có thể đứng vững giữa phong ba bão tố, vượt qua bao khó khăn thử thách kéo dài hàng trăm năm.
Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN số 116 (Tháng 1 & 2, năm 2020)
———————————————————————
[1] X. Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, nxb Văn Hóa Thông Tin, 2008, tr.275- 284.
[2] X. Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, tập II, bản dịch Viện Sử Học, Hà Nội, Giáo Dục, 1998, tr.300-301.
[3] Danh sách các thừa sai Dòng Tên truyền giáo ở Đàng Trong từ 1615-1663, theo Montezon, La mission de Cochinchine et du Tonkin, tr.390-393.
[4] X. Đỗ Quang Chính, Hai Giám Mục Đầu Tiên Tại Việt Nam, Tp.HCM, lưu hành nội bộ, 2005, tr.26-30.
[5] X. nt., tr.17.
[6] Cf. J. Guennou, Missions Étrangères de Paris, Fayard, 1986, p.35.
[7] X. Đỗ Quang Chính, Hai Giám Mục Đầu Tiên Tại Việt Nam, sđd., tr.92-93.
[8] X. nt., tr.98.
[9] Cf. A. Launay, Histoire de la mission de Cochinchine, tome I, Paris, Téqui, 1923, pp.9-10.
[10] Cf. H. Chappoulie, Aux Origines d’une Église: Rome et les Missions d’Indochine au XVIIe siècle, tome I, Paris, Bloud et Gay, 1943, pp.392- 402.
[11] Nhóm NCLĐMTG, “Bài Nguyện Ngắm, 03/11/1663” (Nguyện Ngắm 3) , trong Tuyển Tập Bút Tích (Di Cảo) Đức Cha Pierre Lambert de la Motte…, sđd., sđd., 5-6, tr.51.
[12] Cf. AMEP, vol. 677, p.53.
[13] X. Nhóm NCLĐMTG, “Thư Gửi Đức Cha Francois Pallu: Dự Án Tổng Quát, 1667” (Dự Án) , trong Tuyển Tập Bút Tích (Di Cảo) Đức Cha Pierre Lambert de la Motte…, sđd., 3, tr.93.
[14] Cf. AMEP, vol. 677, p.15.
[15] X. Nhóm NCLĐMTG, “Thư Gửi Bà Anê và Bà Paula” (Bức Tâm Thư) , trong Tuyển Tập Bút Tích (Di Cảo) Đức Cha Pierre Lambert de la Motte…, sđd., 2, tr.40.
[16] X. Phi Khanh Vương Đình Khởi, “Mẹ Giáo Hội Việt Nam Có Hai Chiếc Thuyền”, trong báo Hiệp Thông số 42, tháng 07-08/2007, tr.163-181.
[17] Cf. A. Launay, Histoire de la mission de cochinchine, tome I, op.cit., p.95.
[18] X. Đào Quang Toản, Mến Thánh Giá Thế Kỷ XVII, sđd., tr. 33, chú thích số 10.
[19] Cf. A. Launay, Histoire de la mission de Cochinchine, tome I, op.cit.,pp.95-96.
[20] X. Đỗ Quang Chính, Dòng Mến Thánh Giá Những Năm Đầu, sđd., tr.91-93.
[21] Cf. AMEP, vol. 877, p.574.
[22] Cf. AMEP, vol. 857, pp.224-225.
[23] Cf. A. Launay, Histoire de la mission de Siam, tome I, op.cit.,p.18.
[24] Cf. AMEP, vol. 131, p.266.
[25] Cf. A. Launay, Histoire de la mission de Siam, tome I, op.cit.,p.173.
[26] X. Đỗ Quang Chinh, Dòng Mến Thánh Giá Những Năm Đầu, sđd., tr.132.
[27] X. Đào Quang Toản, Đức Cha Francois Pallu và Dòng Mến Thánh Giá, 2010, tr.48.57.
Nhóm Nghiên Cứu Linh Đạo Mến Thánh Giá
Nguồn: hdgmvietnam.com