Hiệp hành là lối sống của Hội Thánh

07/01/2022

Toàn thể Dân Chúa khắp nơi đang tích cực thực hiện tiến trình của Thượng Hội Đồng Giám mục thế giới lần thứ 16 vào năm 2023, bắt đầu từ cấp giáo phận, với chủ đề : “Hướng tới một Hội Thánh hiệp hành : hiệp thông – tham gia – sứ vụ”. Để đi đúng hướng và đạt kết quả như Đức Thánh Cha Phanxicô mong đợi, cần xác định những điều thiết yếu, kẻo chúng ta lạc đường vì loay hoay với chữ nghĩa, lý thuyết, hay kỹ thuật thực hiện, hoặc bị chi phối bởi những bận tâm thái quá.

Hiệp hành là một lối sống

Synodos được dịch là “hiệp hành”, tức là đi trên cùng một con đường, theo một ý nghĩa cụ thể nhất và mạnh nhất.

Một biểu lộ cụ thể về hiệp hành, đó là đời sống hôn nhân. Hai vợ chồng không chỉ đồng hành với nhau, mà đi trên cùng một con đường, kết hợp mật thiết với nhau, chia vui sẻ buồn trong mọi biến cố (hiệp thông), cùng nhau bàn bạc và gánh vác bổn phận theo vai trò riêng là chồng hoặc là vợ (tham gia), thi hành sứ vụ trong gia đình và xã hội (sứ vụ).

Trên bình diện cứu độ, Con Thiên Chúa làm người để hiệp hành chứ không chỉ đồng hành với nhân loại. Trong thời Cựu Ước, Thiên Chúa luôn đồng hành với Dân của Người. 400 năm nô lệ bên Ai Cập hoặc 70 năm lưu đày tại Babylon, hay vào những giai đoạn đau thương trong lịch sử, có bao giờ Thiên Chúa bỏ rơi Dân mình! Người vẫn theo sát Dân, tuy nhiên có thể nói Người vẫn ở trên cao, chưa đi trên cùng một con đường với Dân, chưa nói bằng tiếng nói của con người. Khi tới thời viên mãn, Con Thiên Chúa đã hiệp hành, thực sự trở nên một con người, đi trên cùng một con đường với nhân loại, nói tiếng nói của con người, mang lấy những yếu đuối khổ đau như con người, thậm chí chết đau thương hơn cả con người.

Trong diễn văn với 4 ngàn đại biểu của giáo phận Roma ngày 18/9/2021, Đức Thánh Cha giải thích hiệp hành là lối sống và hành động của Hội Thánh: “Đề tài hiệp hành, synodalità, không phải là một chương trong khảo luận Giáo hội học, và càng không phải là một kiểu thời trang, một khẩu hiệu hay một từ ngữ mới cần sử dụng hoặc lèo lái trong các cuộc gặp gỡ của chúng ta. Không phải vậy, hiệp hành biểu lộ bản chất của Hội Thánh, là cách thức, lối sống và sứ mạng của Hội Thánh”.

Trong thánh lễ khai mạc Thượng Hội Đồng tại Roma ngày 10/10/2021, Đức Thánh Cha nói: “Lời Chúa hướng dẫn Thượng Hội Đồng, ngăn không cho nó trở thành một hội nghị của Hội Thánh, một cuộc nghiên cứu học hỏi hay một hội nghị chính trị, một quốc hội, nhưng đúng hơn là một sự kiện đầy ân sủng, một tiến trình chữa lành được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần”.

Các sinh hoạt trong giai đoạn chuẩn bị hoặc trong chính Thượng Hội Đồng không phải chỉ là một hội nghị bàn về chủ đề hiệp hành, nhưng thực chất là một bài tập thực hành để mọi thành phần Dân Chúa thực hiện lối sống hiệp hành.

Từ ngữ có thể là mới mẻ khó hiểu, nhưng đừng quên rằng sau từ “hiệp hành”, có hai chấm (:), nghĩa là dù không hiểu hết nội dung của từ “hiệp hành”, chỉ cần thực hiện được ba nội dung: hiệp thông, tham gia và sứ vụ, thì đã là đạt được mục tiêu rồi. Vì “hiệp hành” mang ý nghĩa như trên, nên ta hiểu tại sao không dịch là “đồng hành”, hoặc “đồng nghị”, quen thuộc và dễ hiểu hơn. Trong ngôn ngữ hiện nay, “đồng hành” (accompaniment) là cùng đi với nhau, nhưng có thể là không đi trên cùng một con đường: người ta có thể đồng hành online với một người ở xa. Còn “đồng nghị” lại nhấn mạnh tới việc cùng nhau thảo luận để đưa ra quyết định, chứ không nói tới chia sẻ cùng một sự sống.

2. Lối sống hiệp hành trong Hội Thánh

Khi kêu gọi thực hiện lối sống hiệp hành, Đức Thánh Cha không làm gì khác hơn là triển khai Giáo hội học hiệp thông của Công đồng Vaticanô II, và sâu xa hơn, đó là đạo lý về Hội Thánh như một thân thể đã được thánh Phaolô diễn giải trong thư II Corintô.

Lối sống hiệp hành

Lối sống hiệp hành trong Hội Thánh được nêu lên ngay trong chủ đề của Thượng Hội Đồng : hiệp thông – tham gia – sứ vụ.

  1. Hiệp thông

 “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người… Ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Kitô cũng vậy. Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất” (1 Cr 12, 4-6.12-13).

Tất cả mọi Kitô hữu, dù nhiều và đa dạng, nhưng hiệp thông sâu xa với nhau vì có chung một sự sống thần linh và làm nên một Hội Thánh duy nhất. Tất cả mọi Kitô hữu, do việc lãnh nhận bí tích rửa tội, dù là giáo sĩ, tu sĩ hay giáo dân, khác nhau về chức năng, nhưng xét về phẩm giá thì tất cả đều bình đẳng (x. LG 32). Để có sự hiệp thông, luôn phải giữ hai điều: tôn trọng sự khác biệt và duy trì hợp nhất. Sự hiệp thông là phẩm tính thiết yếu và là tiêu chuẩn hàng đầu để đánh giá mọi sinh hoạt trong Hội Thánh.

  1. Tham gia

“Chân không thể nói: “Tôi không phải là tay, nên tôi không thuộc về thân thể”. Tai không thể nói: “Tôi không phải là mắt, vậy tôi không thuộc về thân thể”. Giả như toàn thân chỉ là mắt, thì lấy gì mà nghe? Giả như toàn thân chỉ là tai, thì lấy gì mà ngửi? Giả như tất cả chỉ là một thứ bộ phận, thì làm sao mà thành thân thể được? Như thế, bộ phận tuy nhiều mà thân thể chỉ có một. Vậy mắt không thể bảo tay: “Tao không cần đến mày”; đầu cũng không thể bảo hai chân: “Tao không cần chúng mày” (1Cr 12, 15-21).

Một thân thể triển nở khỏe mạnh khi mọi chi thể hoạt động theo đúng chức năng của mình trong sự hài hòa của toàn thân. Tất cả mọi Kitô hữu đều có quyền và bổn phận tham gia vào sự tăng trưởng của Hội Thánh, tùy theo chức năng và đặc sủng Chúa ban cho mình, làm đúng và làm tròn vai trò của mình, đồng thời luôn tôn trọng vai trò của người khác. Trong Hội Thánh, không ai được thụ động hay dửng dưng; không ai là độc quyền; không ai bị loại trừ; không ai được coi thường vai trò của người khác, dù đó là một chi thể bé mọn nhất.

  1. Sứ vụ

 “Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung. Người thì được Thần Khí ban cho ơn khôn ngoan để giảng dạy, người thì được Thần Khí ban cho ơn hiểu biết để trình bày. Kẻ thì được Thần Khí ban cho lòng tin; kẻ thì cũng được chính Thần Khí duy nhất ấy ban cho những đặc sủng để chữa bệnh. Người thì được ơn làm phép lạ, người thì được ơn nói tiên tri; kẻ thì được ơn phân định thần khí; kẻ khác thì được ơn nói các thứ tiếng lạ; kẻ khác nữa lại được ơn giải thích các tiếng lạ” (1Cr 12, 7-10).

Chúa Thánh Thần ban cho mỗi người một đặc sủng là để thi hành sứ vụ xây dựng Hội Thánh và Phúc Âm hóa thế giới. Sứ vụ trong Hội Thánh thì nhiều: rao giảng, thánh hóa, phục vụ, quản trị…, tùy theo Chúa Thánh Thần hoạt động nơi từng người, theo ơn gọi riêng và cách thế riêng của người ấy.

Ba việc cần làm

Để có được lối sống hiệp hành như thế, cần làm ba việc như Đức Kitô phục sinh đã làm đối với hai môn đệ trên đường Emmaus (x. Lc 24, 13-35). Ngài đã đến gặp gỡ và cùng đi với họ trên cùng một con đường. Chính Ngài gợi chuyện và lắng nghe tâm tư buồn phiền thất vọng của họ, sau đó Ngài cùng với họ đọc lại Kinh Thánh để phân định kế hoạch của Thiên Chúa. Sau khi nhận ra Chúa Phục sinh qua việc bẻ bánh, lòng họ đã bừng cháy, họ đổi chiều để đi ngược lại con đường vừa đi và trở về Giêrusalem loan báo Tin Mừng Phục sinh cho các Tông đồ. (x. Đức Kitô đang sống, ss. 236-237).

Trong bài giảng khai mạc Thượng Hội Đồng (10/10/2021), Đức Thánh Cha chỉ rõ có 3 việc cần làm:

  1. Gặp gỡ trực tiếp

Cần gặp gỡ trực tiếp, mặt đối mặt, nhìn vào nhau và chia sẻ lịch sử của cuộc đời từng người. Cuộc đời của ai đó có thể thay đổi chỉ bằng một cuộc gặp gỡ. Đức Giêsu đã không vội vã hoặc nhìn vào đồng hồ để kết thúc buổi họp. Cần dành thời gian cho việc gặp Chúa và gặp anh chị em, chứ đừng tập trung quá nhiều cho việc tổ chức các sự kiện hoặc suy tư lý thuyết về các vấn đề. Chúa muốn chúng ta từ bỏ những thói quen cũ. Mọi thứ sẽ thay đổi khi chúng ta có thể gặp gỡ Chúa và gặp gỡ nhau cách chân thành, không hình thức giả tạo, không tính toán, nhưng bằng con người thật của chúng ta.

  1. Lắng nghe

Để thực sự là cuộc gặp gỡ, cần biết lắng nghe. Đức Giêsu đã lắng nghe bằng con tim, với thái độ bình tĩnh và kiên nhẫn, chấp nhận mất thời gian, không vội đưa ra giải pháp có sẵn, chung chung. Chúng ta cần lắng nghe Chúa và lắng nghe nhau, đừng đóng cửa. Giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân, – tất cả những người đã được rửa tội –, mỗi người đều có quyền nói và cũng có bổn phận lắng nghe. Tránh những phản ứng giả tạo, nông cạn và đưa ra những giải đáp được đóng gói sẵn. Chúa Thánh Thần yêu cầu chúng ta lắng nghe những thắc mắc, mối quan tâm và hy vọng của mọi thành phần Hội Thánh, của mọi người, mọi quốc gia, của thế giới.

  1. Phân định

Gặp gỡ và lắng nghe, nhưng không kết thúc ở đó và để lại mọi thứ như trước. Mọi sự phải được thay đổi. Lời Chúa soi sáng tận thâm tâm để mỗi người nhìn vào bên trong và khám phá ý định của Thiên Chúa về cuộc đời mình. Một người có thể nói ra những bức xúc hay những tổn thương trong tâm hồn, nhưng không phải để chấm dứt với những cay đắng giận hờn; trái lại, sau đó cần được Lời Chúa soi chiếu để bước sang một giai đoạn mới. Thượng Hội Đồng phải là một tiến trình của sự phân định thiêng liêng, một sự phân định mang chiều kích Hội Thánh, được thực hiện trong cầu nguyện và đối thoại với Lời Chúa. Không thể có hiệp hành nếu không có cầu nguyện và bầu khí thiêng liêng.

3. Tâm thế để thực hiện lối sống hiệp hành

Cần nhắc lại một lần nữa rằng tiến trình chuẩn bị cũng như giai đoạn cử hành Thượng Hội Đồng không phải là một hội nghị chính trị hay tâm lý xã hội, cũng không phải là một cuộc nghiên cứu học hỏi, hay một tòa án pháp lý hoặc một thứ quốc hội, mà là một cuộc gặp gỡ để lắng nghe Chúa và lắng nghe nhau, rồi cùng nhau phân định dưới ánh sáng Lời Chúa và tác động của Chúa Thánh Thần.

Vì thế, để việc thực hiện lối sống hiệp hành đem lại hiệu quả, cần chuẩn bị tâm thế thích hợp.

  1. Cảm thức Hội Thánh (sensus Ecclesiae)

Cần khơi dậy cảm thức Hội Thánh để mọi thành phần Dân Chúa tích cực tham gia tiến trình. Phải thành thật nhìn nhận rằng cảm thức Hội Thánh nơi nhiều người còn yếu kém, mờ nhạt. Những người giữ nhiệm vụ điều hành các cộng đoàn, đặc biệt các linh mục, bề trên, trưởng nhóm…, có bổn phận thúc đẩy mọi người tham gia tiến trình hiệp hành; và ngược lại, các thành viên hãy nhiệt tình hưởng ứng. Đừng theo kiểu làm cho có, làm một cách hình thức chiếu lệ, hoặc thậm chí không làm gì cả.

Tiến trình hiệp hành là con đường bắt buộc đối với Hội Thánh hôm nay. Nếu không sống hiệp thông và cùng nhau tham gia thi hành sứ vụ, Hội Thánh sẽ rất yếu vì không huy động được tổng lực cho công cuộc Phúc Âm hóa thế giới. Không thể cứ mãi an phận với thứ “mục vụ bảo tồn” lâu đời mà không dám “hoán cải mục vụ” (Niềm vui Tin Mừng, ss. 25- 27) để nhiệt tình dấn thân cho sứ vụ. Không thể cứ khư khư bảo vệ cơ chế và duy trì não trạng cũ kỹ để dửng dưng đứng ngoài cuộc.

Nếu Hội Thánh không chuyển sang lối sống hiệp hành, uy tín của Hội Thánh sẽ ngày càng suy giảm. Có biết bao nhiêu người bé mọn và khổ đau, những anh chị em đứng ở ngoại biên, những người đang bước đi giữa đêm đen cuộc đời. Họ đã không được lắng nghe, không cảm thấy Hội Thánh là nhà của mình, không tìm thấy nơi Hội Thánh một sự cảm thông nâng đỡ, một bàn tay cứu giúp, nên đã thất vọng về Hội Thánh. Vì Hội Thánh không quan tâm tới họ, nên họ đã rời bỏ Hội Thánh mà đi ra. Nếu không hiệp hành với họ, Hội Thánh sẽ không còn đáng tin nữa.

  1. Tinh thần rộng mở và bao gồm

Rộng mở là không khép kín co cụm; bao gồm là không loại trừ, cực đoan, nhưng tích hợp và ôm trọn tất cả. Thái độ tinh thần cần được mở rộng để không bị đóng khung trong định kiến cá nhân cũng như không bị giới hạn trong một quan niệm thần học thiên lệch. Cần giữ sự quân bình.

Chẳng hạn, kiến tạo Hội Thánh hiệp thông hay hiệp hành không có nghĩa là loại trừ cơ chế phẩm trật do chính Đức Kitô thiết lập; hoặc loại trừ não trạng giáo sĩ trị không có nghĩa là giáo dân sẽ thay thế giáo sĩ. Chính vì muốn loại bỏ cả óc giáo sĩ trị lẫn óc giáo dân trị mà Hội Thánh cần theo lối sống hiệp hành. Cũng thế, trong cộng đoàn, không được quyền loại trừ nhau, nhưng tôn trọng sự khác biệt, ôm ấp cả những người đối kháng, lắng nghe cả những tiếng nói khác mình. Người đứng đầu đừng để tiếng nói của mình ngăn chặn tiếng nói của các thành viên, đừng tạo ra bức tường cách âm.

  1. Sự thật trong đức ái

Một nguyên tắc lớn được thánh Phaolô đưa ra cho việc xây dựng Hội Thánh là “sống theo sự thật và trong tình bác ái” (Ep 4, 15). Đức Kitô vừa là sự thật vừa là tình yêu. Nếu chỉ dừng lại ở sự thật, cuộc gặp gỡ sẽ biến thành tòa án. Nếu chỉ có bao dung thương xót, sẽ không thể canh tân Hội Thánh.

Hội Thánh đang phải đối diện với những sự thật đau thương, không thể tránh né. Hãy dám nhìn vào sự thật, dám nghe sự thật. Đừng vội biện minh để làm giảm sự thật, nhất là những sự thật đau lòng từ các thừa tác viên. Mọi hào quang phải được hạ xuống để sự thật giải thoát chúng ta, để sự thật đổi mới Hội Thánh, để Hội Thánh lấy lại uy tín.

Đàng khác, cuộc gặp gỡ của tiến trình hiệp hành cần được diễn ra trong tâm trạng thanh thản. Cả người nói lẫn người nghe cần làm chủ những cảm xúc của bản thân. Cảm tính có thể làm méo mó sự thật. Có những bức xúc chính đáng, những tổn thương đau đớn, nhưng hiệp hành không phải là lúc xả những phẫn uất bực bội hay tố giác lên án nhau, mà là cơ hội mọi người nhìn vào sự thật để Chúa Thánh Thần chữa lành và canh tân Hội Thánh. Đừng để lòng khát vọng một Hội Thánh thánh thiện biến trái tim thành cứng cỏi, bất khoan dung, mất kiên nhẫn, đòi nhổ cỏ lùng ngay tức khắc; trái lại, cần chấp nhận thời gian để hạt cải lớn lên, kiên nhẫn chờ đợi như Chúa từng kiên nhẫn chờ đợi bản thân ta hoán cải. Cuộc gặp gỡ hiệp hành không nhằm đưa ra câu trả lời để giải quyết các vấn đề ngay trong chốc lát, nhưng là để Chúa soi chiếu và lay động tâm hồn mỗi người.

Để có được tâm thế của sự thật và đức ái, cần có lòng khiêm tốn thẳm sâu. Mỗi người đều là tội nhân. Ta thấy cái rác trong mắt người khác, nhưng lại quên cái xà to lớn trong mắt ta. Lòng khiêm tốn giúp mỗi người gặp gỡ và lắng nghe nhau trong kiên nhẫn, với tâm thế nhẹ nhàng, thanh thản, bình an.

Hai năm sắp tới là thời gian của ân sủng để Hội Thánh thực tập sống hiệp hành. Ngạn ngữ Pháp có câu: chính lúc đang thực tập rèn là ta trở thành thợ rèn (“C’est en forgeant qu’on devient forgeron“). Nhờ tập sống hiệp hành, chúng ta sẽ trở thành một Hội Thánh hiệp hành.

Nào, chúng ta cất bước lên đường.

+ Đức TGM Giuse Nguyễn Năng

Nguồn: tgpsaigon.net