HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
THƯ MỤC VỤ GỬI CỘNG ĐỒNG DÂN CHÚA
VỀ GIÁO HỘI THAM GIA
Anh chị em thân mến,
Chúng tôi, các giám mục tham dự Hội nghị thường niên kỳ II năm 2023 tại Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận (TTMV TGP) Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh, xin gửi đến anh chị em lời chào thân ái và tình hiệp thông trong Chúa Kitô.
Trong Thư Chung nhân dịp Đại hội Hội đồng Giám mục (HĐGM) năm 2022, chúng tôi đã đề nghị lộ trình mục vụ cho ba năm liên tiếp: Củng cố sự hiệp thông (2023); Thúc đẩy sự tham gia đời sống Giáo hội (2024) và Cùng nhau loan báo Tin Mừng (2025). Chúng tôi ghi nhận sự hưởng ứng nhiệt tình của mọi thành phần Dân Chúa để củng cố sự hiệp thông với Chúa, thể hiện qua việc học hỏi Lời Chúa và những chấn chỉnh kỷ luật Phụng vụ, nhất là Phụng vụ Thánh Thể; và củng cố tình hiệp thông huynh đệ, thể hiện qua đời sống hiệp nhất cộng đoàn và qua những hoạt động bác ái thiết thực. Qua thư này, chúng tôi đề nghị anh chị em tiếp tục sống tình hiệp thông, đồng thời mời gọi anh chị em thực hiện chương trình đã đề ra cho năm 2024 là Thúc đẩy sự tham gia đời sống Giáo hội.
1 – Nền tảng của sự tham gia
Tham gia là một trong ba yếu tố căn bản của Giáo hội hiệp hành. Ở đó, mọi người đều bình đẳng, cộng tác tùy theo ơn gọi của mình và phục vụ lẫn nhau qua các ân huệ đã lãnh nhận từ Chúa Thánh Thần. Việc tham gia xây dựng Giáo hội là sứ mạng tự bản chất của người Kitô hữu. Qua Bí tích Thanh tẩy, chúng ta cùng chung một phẩm giá là con Thiên Chúa, thành viên của gia đình Giáo hội, anh chị em trong Đức Kitô, cùng tham dự vào chức năng tư tế, ngôn sứ và vương đế của Người. Tài liệu làm việc của Thượng HĐGM thế giới lần thứ XVI nêu rõ: “Bí tích Rửa tội tạo ra một sự đồng trách nhiệm thực sự giữa tất cả các phần tử của Giáo hội, được thể hiện qua sự tham gia của tất cả mọi người vào sứ vụ và qua việc xây dựng cộng đoàn Giáo hội tùy theo đặc sủng của mỗi người” (số 20).
Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh: “Tất cả những người đã được rửa tội đều được mời gọi tham gia vào đời sống và sứ vụ của Giáo hội. Nếu không có sự tham gia thực sự của Dân Chúa, nói về hiệp thông có nguy cơ chỉ còn là một ước vọng đạo đức… Trao quyền cho mọi người tham gia là một bổn phận thiết yếu của Giáo hội!” (Diễn từ khai mạc Thượng HĐGM thế giới XVI, ngày 09/10/2021).
2 – Tầm quan trọng của sự tham gia
Như anh chị em đã biết, Giáo hội công giáo hoàn vũ đang cử hành Thượng HĐGM thế giới lần thứ XVI với chủ đề Hướng tới một Giáo hội hiệp hành: Hiệp thông, Tham gia và Sứ vụ. Trong tiến trình chuẩn bị Thượng Hội đồng, mọi thành phần Dân Chúa đều được mời gọi nói lên những ưu tư và kỳ vọng của mình. Hai giám mục Việt Nam được Đức Thánh Cha bổ nhiệm sẽ tham dự phiên họp Đại hội của Thượng Hội đồng tại Rôma vào tháng Mười năm nay. Các ngài đại diện cho Dân Chúa tại Việt Nam, đóng góp ý kiến trong tinh thần đồng trách nhiệm và hiệp thông sâu xa với Giáo hội hoàn vũ.
Tại Việt Nam, do hoàn cảnh lịch sử, cùng với những khó khăn trong đời sống và cách hiểu giáo lý chưa đúng, một số giáo dân sống đức tin thụ động và dửng dưng với những hoạt động của cộng đoàn địa phương. Với họ, đời sống đức tin chỉ bao hàm trong việc tuân giữ ngày Chúa nhật. Do đó, thúc đẩy sự tham gia vào đời sống và sứ mạng của Giáo hội tại Việt Nam là một nhu cầu cấp thiết.
3 – Những đề nghị
Một cách cụ thể, chúng tôi muốn nhắn nhủ và mời gọi anh chị em nhiệt tình và chủ động tham gia xây dựng Giáo hội ngay chính nơi mình đang sống và làm việc.
– Anh em linh mục hãy ý thức chức tư tế thừa tác mà mình được lãnh nhận là để phục vụ chức tư tế cộng đồng do Bí tích Rửa tội. Cả hai chức tư tế, theo cách thức riêng của mình, đều tham dự vào chức tư tế duy nhất của Đức Kitô. Do đó, các chủ chăn có chức thánh phải nhìn nhận và phát huy phẩm giá và trách nhiệm của giáo dân trong Giáo hội. Các ngài cần sẵn sàng lắng nghe ý kiến của họ, tín cẩn giao phó công tác để họ phục vụ Giáo hội, cho họ tự do và quyền hạn để hành động, hơn nữa, cũng nên khuyến khích và tạo điều kiện để họ đảm nhận những công việc do chính họ khởi xướng (x. LG 37).
Các linh mục cần tổ chức những lớp đào tạo giáo dân, giúp họ hiểu đúng về vai trò, bổn phận, ơn gọi và sứ mạng của họ trong Giáo hội. Tại các giáo xứ, linh mục và tu sĩ không kiêm nhiệm hết mọi việc thay thế giáo dân, nhưng hướng dẫn và đồng hành để giúp họ chu toàn ba chức năng của Bí tích Thanh tẩy.
– Anh chị em tu sĩ là những người đang sống theo ba lời khuyên Phúc âm, như dấu chỉ sự hiện diện của Nước Trời giữa trần gian, đồng thời dấn thân vào mọi môi trường của xã hội, như muối và ánh sáng giữa đời. Anh chị em hãy sống đúng và phát huy đặc sủng của mình, đồng thời cộng tác với các linh mục giáo phận, củng cố đời sống đức tin nơi các tín hữu và tích cực dấn thân trong những hoạt động bác ái và xã hội như chúng ta đang làm, góp phần làm toả sáng hình ảnh Đức Kitô trong xã hội hôm nay.
– Anh chị em giáo dân hãy ý thức về sứ mạng và vai trò của mình trong Giáo hội. Nhờ phẩm giá chung do phép Rửa tội, anh chị em là những người đồng trách nhiệm với tất cả các linh mục và tu sĩ nam nữ, đối với sứ mệnh của Giáo hội. Anh chị em không những thuộc về Giáo hội mà là Giáo hội (x. Christifideles laici, số 9). Do đó, hãy nhiệt thành tham gia và cộng tác chặt chẽ với các linh mục để xây dựng Giáo hội và thực thi sứ mạng làm chứng cho Chúa ở giữa đời.
Cách riêng, các thành viên Hội đồng Mục vụ giáo xứ, giáo lý viên, thừa tác viên ngoại thường của Bí tích Thánh Thể, những người đặc trách Phụng vụ, thành viên của các hiệp hội và hội đoàn, cần có đời sống nội tâm và học hỏi giáo huấn của Giáo hội để tham gia các sinh hoạt với tinh thần siêu nhiên, tích cực nhiệt thành mà vẫn luôn hiệp thông hài hòa với các linh mục, tu sĩ và cộng đoàn.
Anh chị em thân mến,
Di sản đức tin của hơn 400 năm loan báo Tin Mừng tại Việt Nam được trao phó cho chúng ta. Di sản ấy đã phải đánh đổi bằng lao nhọc của các bậc Tiền nhân và máu các Thánh tử đạo. Chúng ta có bổn phận gìn giữ và phát triển, để có thể chuyển tải di sản ấy cho các thế hệ tương lai. Xin anh chị em cùng với chúng tôi, theo bậc sống và khả năng Chúa ban, xây dựng một Giáo hội hiệp hành như chúng ta mong muốn.
Năm 2023 này, Giáo hội công giáo Việt Nam kỷ niệm 35 năm các anh hùng tử đạo được phong hiển Thánh (1988-2023). Đây là dịp để chúng ta học hỏi về lịch sử loan báo Tin Mừng tại Việt Nam, về gương anh hùng của các bậc Tiền nhân, qua đó chúng ta dâng lời tạ ơn Chúa, nguyện bước tiếp thế hệ đi trước, viết lên những trang sử hào hùng của Giáo hội, dấn thân làm chứng cho Chúa và góp phần xây dựng Quê hương an bình, thịnh vượng.
Nguyện xin Đức Trinh Nữ Maria, Thánh Cả Giuse, và các Thánh tử đạo Việt Nam cầu bầu cùng Chúa cho chúng ta. Chúc anh chị em luôn mạnh khoẻ, bình an và tràn đầy niềm vui trong ơn Chúa.
TTMV TGP Sài Gòn – Tp. Hồ Chí Minh, ngày 22 tháng 9 năm 2023
(đã ký)
+ Giuse Đỗ Mạnh Hùng |
(đã ấn ký)
+ Giuse Nguyễn Năng |
Nguồn: hdgmvietnam.com