Ủy ban Đặc trách Tỵ nạn di dân – Hội đồng Giám mục Nhật Bản (J-CaRM) vừa tổ chức hội thảo về mục vụ di dân Việt Nam tại Nhật từ ngày 29.2 đến ngày 01.3.2024, quy tụ gần 55 linh mục, tu sĩ Việt – Nhật.
Mỗi năm, Ủy ban Di dân – Hội đồng Giám mục (HĐGM) Nhật Bản đều tổ chức hội thảo mục vụ cho từng sắc tộc, ngôn ngữ. Năm nay, với chương trình tập trung cho di dân Việt Nam, lần đầu tiên HĐGM Việt Nam được chính thức mời tham gia. Đức Giám mục Phêrô Lê Tấn Lợi – Phó Chủ tịch Ủy ban Mục vụ Di dân trực thuộc HĐGM Việt Nam và linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ – Chánh Văn phòng HĐGM Việt Nam đã đại diện, cùng dự hội thảo.
Chương trình bắt đầu lúc 13 giờ ngày 29.02 với nghi thức cầu nguyện và khai mạc, do Đức cha Mario Yamanouchi – Giám mục giáo phận Saitama, Chủ tịch Uỷ ban Tỵ nạn di dân HĐGM Nhật Bản chủ sự. Sau lời chào thăm của Đức Hồng y Maeda (Tổng giáo phận Osaka Takamatsu), Đức cha Phêrô Lê Tấn Lợi đã có bài trình bày về mục vụ di dân tại Việt Nam và định hướng của Hội đồng Giám mục Việt Nam.
Trong ngày đầu hội thảo, tham dự viên được nghe các linh mục, tu sĩ đang phục vụ giáo đoàn Công giáo Việt Nam ở Nhật Bản chia sẻ những vấn đề quan tâm, như cha P.M Nguyễn Hữu Hiến khái quát về lịch sử giáo đoàn Việt Nam tại Nhật; cha Giuse Nguyễn Thanh Nhã trình bày tình hình giới trẻ Việt Nam ở Nhật hay các thành viên của J-CaRM cùng các nữ tu nói về chương trình tư vấn trực tuyến cho di dân… Từng có thời gian làm việc, theo dõi các hoạt động mục vụ di dân, linh mục Chánh Văn phòng HĐGM Việt Nam Giuse Đào Nguyên Vũ đã trình bày về quá trình liên kết và hợp tác giữa Ủy ban Di dân của HĐGM Nhật Bản và Ủy ban Mục vụ Di dân của HĐGM Việt Nam từ năm 2017 đến nay, những việc đã làm và hướng công tác chung sắp tới.
Hình ảnh một mẫu thông báo về việc tư vấn cho di dân Việt Nam tại Nhật Bản.
Ngày làm việc thứ hai, chương trình dành thời gian buổi sáng chủ yếu cho những báo cáo của các vị đặc trách từng giáo phận. Qua đây, các thắc mắc cũng được giải đáp. Buổi chiều là phần sinh hoạt theo nhóm. Tham dự viên được chia thành những nhóm nhỏ (theo ngôn ngữ), cùng chia sẻ mối quan tâm, thao thức chung. Các vấn đề được tập hợp lại để báo cáo, đúc kết…
Thánh lễ tạ ơn đã khép lại hội thảo. Bên lề, mọi người cũng dành chút thời gian cùng chụp ảnh lưu niệm, giao lưu.
Được biết, để đáp ứng nhu cầu tâm linh của người di dân Việt Nam tại Nhật Bản, hiện tại nước này có hơn 80 cộng đoàn (nhà thờ) có thánh lễ tiếng Việt ở 15 giáo phận.
Nguồn: hdgmvietnam.com