Trong bài giảng lễ truyền chức linh mục tại nhà thờ Chính tòa Qui Nhơn ngày 07-01-2021 vừa qua, Đức cha Mat-thêu Nguyễn Văn Khôi, Giám mục Chánh tòa Qui Nhơn đã nhắc nhở các tân chức về ba sứ vụ chính yếu của mục tử bao gồm ba nhiệm vụ chính, đó là giáo huấn với tư cách là thầy, thánh hóa với tư cách là tư tế và cai quản với tư cách là mục tử và thủ lãnh. Riêng về nhiệm vụ giáo huấn, ngài đã nhắn nhủ như sau:
Để thi hành nhiệm vụ giáo huấn trong Đức Kitô là Thầy, các con hãy siêng năng đón nhận Lời Chúa bằng việc lắng nghe và suy niệm trong lòng, rồi đem phân phát cho dân Chúa bằng lời giảng dạy. Hãy chuẩn bị bài giảng thánh lễ mỗi ngày thật chu đáo, để có thể làm cho Lời Chúa trở nên lương thực hàng ngày cho dân Chúa. Bài giảng thánh lễ phải ưu tiên tập trung vào Lời Chúa và giáo huấn của Hội Thánh, nếu có đề cập đến giáo huấn của các tôn giáo khác hay tư tưởng của các tác giả đời, như các triết gia, văn thi sĩ, nhạc sĩ hay chính trị gia, thì cũng chỉ để đối chiếu mà thôi.
Không được tục hóa bài giảng bằng những nội dung và lời lẽ không phù hợp với sự thánh thiêng của phụng vụ Lời Chúa. Càng không được dùng tòa giảng để làm nơi phê bình chỉ trích cá nhân. Để cho lời giảng dạy có sức đánh động lòng người, các con cần có gương sáng đời sống thánh thiện đi kèm, vì người ta thích nhìn thấy bài giảng hơn là chỉ nghe bài giảng. Về vấn đề này Hội Thánh đã dạy: “Các con hãy chú tâm tin điều các con đọc, dạy điều các con tin và thi hành điều các con dạy”. Ngoài các bài giảng trong thánh lễ, các con cũng hãy tận dụng những dịp khác để trình bày Lời Chúa cho anh chị em tín hữu và cả cho những người lương dân trong những cuộc gặp gỡ hằng ngày.[1]
Sau khi bản tin về nội dung bài giảng này được phổ biến chính thức trên trang nhà Giáo phận Qui Nhơn, nhiều trang mạng Công giáo khác liền đăng tải tin và nội dung bài giảng này với tựa đề “Linh mục không được tục hóa bài giảng”. Riêng trang nhà của Gp Qui Nhơn đăng nội dung này đã nhận được 556 lượt người thích. Ngoài ra trên các trang mạng xã hội (FB) Công giáo, nhiều độc giả cũng tỏ ra đồng cảm và thích bài giảng trên. Chẳng hạn trên mạng Facebook của HĐGMVN có 195 người thích (Like) và 39 lượt chia sẻ (Share), Gp Bà Rịa có 415 người thích và 18 lượt chia sẻ…
Điều này chứng tỏ rằng đề tài về mục tử nói chung và chủ đề về chức năng giảng dạy của linh mục, trong đó có việc giảng lễ nói riêng, vẫn luôn là vấn đề “nóng” và hấp dẫn sự quan tâm của đông đảo các tín hữu. Nhân dịp này, qua góc nhìn và cảm nhận của một giáo dân, xin mạn phép cùng nhau chia sẻ một vài suy nghĩ liên quan đến việc giảng lễ của linh mục.
Trong lời giới thiệu của cuốn sách có tựa đề “Thuật giảng lễ” của tác giả M. Phê-rô Kim Ngôn Nguyễn Văn Lâm O.Cist, có đoạn viết như sau:
“Chúng ta dễ dàng nhìn thấy và phàn nàn về tình trạng sa sút trong đời sống đức tin, sự xuống cấp về phong hóa; chúng ta dễ dàng chỉ ra những nguyên nhân ngoại tại. Tuy nhiên, lời của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô buộc chúng ta phải nhìn lại chính mình: “Tội nghiệp dân! Tội nghiệp dân! Chúng ta không cho họ bánh để ăn, chúng ta không cho họ chân lý. Thậm chí biết bao lần, chúng ta cho họ ăn bánh nhiễm độc!” (Chia sẻ trong thánh lễ ngày 16-01-2014).
“Lời chia sẻ có tính cách tĩnh ấy buộc chúng ta phải nhớ lại sứ mạng mà chúng ta, với tất cả ý thức và tự do, đã dấn thân vào sứ mạng đó cũng được chính Đức Thánh Cha Phan-xi-cô long trọng nhắc lại: “Các linh mục phải là người rao giảng Tin Mừng, chủ chăn của Dân Thiên Chúa, chủ sự các sinh hoạt phụng tự, đặc biệt là cử hành hiến tế của Chúa, dạy dỗ giáo lý. Vậy giáo lý của các con phải là lương thực cho Dân Chúa, giáo lý của Chúa chứ không phải của các con và chúng ta phải trung thành với giáo lý ấy. Đối với tín hữu, các con hãy là niềm vui và sự nâng đỡ của Chúa Ki-tô, hương thơm của cuộc đời các con. Bởi vì với lời nói và gương sống, các con xây nhà của Thiên Chúa và Giáo Hội. Hãy kiên trì đọc và suy niệm Kinh Thánh, hãy dạy điều đã học trong đức tin và sống điều mình dạy” (Bài chia sẻ trong Thánh Lễ truyền chức ngày 11-5-2014)”.[2]
Xét như vậy ta thấy rằng việc giảng thuyết, giảng dạy nói chung và việc giảng lễ nói riêng của mục tử là nhiệm vụ hết sức đặc biệt quan yếu đối với đời sống đức tin và đức ái của chính ngài cũng như của cộng đoàn và của từng tín hữu.
ĐTC Phan-xi-cô trong Tông huấn “Niềm Vui của Tin Mừng” (Evangelii Gaudium) công bố ngày 26-11-2013 đã nhắc nhở như sau: “Bài giảng là viên đá thử để đánh giá sự gần gũi và khả năng truyền thông của người mục tử với dân chúng. Chúng ta biết các tín hữu rất coi trọng bài giảng và cả các tín hữu lẫn các thừa tác viên có chức thánh đều khổ sở vì các bài giảng: giáo dân vì phải nghe các bài giảng, còn các giáo sĩ vì phải giảng bài! Đây là trường hợp đáng buồn. …Bài giảng thực ra có thể là một trải nghiệm sâu đậm và vui sướng về Thần Khí, một cuộc gặp gỡ đầy an ủi với lời Thiên Chúa, một nguồn mạch canh tân và tăng trưởng thường xuyên” (số 135).[3]
Quả thực, tín hữu rất coi trọng bài giảng vì đối với họ, bài giảng của linh mục là một “món ăn” không thể thiếu được của bàn tiệc Lời Chúa trong một thánh lễ. Món ăn càng ngon, càng bổ dưỡng, càng thích hợp thì đời sống đức tin và đức ái của người tín hữu càng được tăng trưởng, lớn mạnh.
Chính vì vậy, ĐTC Phan-xi-cô cũng trong Tông huấn “Niềm Vui của Tin Mừng” đã nhấn mạnh như sau: “Bài giảng có tầm quan trọng đặc biệt vì bối cảnh Thánh Thể của nó: nó vượt quá mọi hình thức huấn giáo vì là thời điểm tột đỉnh trong cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa với dân Người, và dẫn tới việc hiệp thông bí tích. Bài giảng một lần nữa tiếp nối cuộc đối thoại mà Chúa đã thiết lập với dân Người. Người giảng thuyết phải biết lòng cộng đoàn của mình, để biết chỗ nào ước muốn của nó về Thiên Chúa đang sống động và cháy bỏng, cũng như chỗ nào mà cuộc đối thoại ấy trước kia rất thân thương nay đã bị thui chột và cằn cỗi” (số 137).[4]
Đối với người tín hữu, thông qua bài giảng, họ được đưa vào cuộc gặp gỡ và đối thoại giữa Thiên Chúa và dân của Người. Linh mục vừa là người hướng dẫn cuộc gặp gỡ, vừa là người khai mở cuộc đối thoại thân mật, vừa là trung gian truyền đạt Lời Chúa một cách hiệu quả. Thực tế cho thấy có nhiều người đã được biến đổi cách kỳ lạ sau một hai bài giảng của linh mục.
Thực vậy, với đức tin và lòng mến của mình, người tín hữu theo dõi, lắng nghe vị linh mục giảng như là đang nghe Chúa nói vậy. Lời nói, dung mạo, cử chỉ, cung cách của ngài sẽ có sức hút đặc biệt nếu ngài đam mê rao giảng Lời Chúa và coi đây là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng và nghiêm túc. Có thể khẳng định như sau, “Công việc của linh mục quan trọng nhất trong mọi hoạt động của nhân loại. Ngài sinh ra đời chỉ để làm trung gian giữa Thiên Chúa và con người. Chức vụ trung gian ấy buộc ngài phải nói và nói có kết quả cho dân mình, truyền cho họ niềm tin và giáo huấn luân lý mà Con Thiên Chúa đã trao cho con người như là phương thế để đạt đến hạnh phúc vĩnh cửu trên trời”.[5]
Sau đây xin được đề cập đến ba vấn đề chính: 1- Tìm hiểu ý nghĩa của việc giảng lễ; 2- Bàn về 3 vai trò của linh mục trong nhiệm vụ giảng lễ; 3- Tín hữu mong đợi gì nơi vị linh mục giảng lễ và bài giảng lễ của ngài.
I.- Ý NGHĨA CỦA VIỆC GIẢNG LỄ
1.1. LM Giuse Huỳnh Văn Sỹ trong bài viết “Bài giảng trong Thánh lễ: Khía cạnh pháp lý và mục vụ” đã nêu ra ý nghĩa và tầm quan trọng của giảng lễ, như sau:[6]
– Ý nghĩa từ ngữ Giảng lễ (Homilia): Trong những hình thức giảng Lời Chúa, giáo luật đặc biệt lưu ý giảng lễ (điều 767) và giảng tĩnh tâm hoặc tuần đại phúc (điều 770). Giảng lễ là một hình thức giảng thuyết nhưng không phải bất cứ sự giảng thuyết nào cũng là giảng lễ. Homilia theo nguyên ngữ Hy lạp để chỉ một sự đàm thoại, cuộc nói chuyện thân mật. Trước đây, homilia còn để chỉ lời cầu nguyện hoặc bài giảng của Giám mục.
Trong một số văn kiện của Giáo Hội, homilia được dùng để chỉ bài giảng trong khung cảnh cử hành phụng vụ nói chung mà đặc biệt để chỉ bài giảng trong thánh lễ, là một phần không tách rời của thánh lễ và cần thiết để nuôi dưỡng đời sống Ki-tô hữu. Ở đây theo mạch văn của điều 767 và nhiều văn kiện khác, chúng ta chỉ giới hạn xét homilia là bài giảng sau khi công bố Tin Mừng trong khung cảnh Thánh lễ và có thể gọi tắt là giảng lễ.
Giảng lễ là gì? Dường như không có một định nghĩa ngắn gọn nào nhưng có những cách diễn tả về giảng lễ. Chẳng hạn theo Hiến chế về Phụng vụ Thánh, “bài giảng căn cứ vào Thánh Kinh để trình bày các mầu nhiệm đức tin và những qui tắc cho đời sống Kitô giáo trong suốt chu kỳ năm phụng vụ, rất đáng được coi như một phần của chính Phụng vụ”. Theo Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma (Institutio Generalis Missalis Romani), “bài giảng lễ (homilia) là thành phần của phụng vụ và rất được khuyến khích, vì cần thiết để nuôi dưỡng đời sống Kitô hữu. Bài này phải diễn giải hoặc một khía cạnh nào của các bài đọc Thánh Kinh, hoặc một bản văn khác thuộc phần Thường Lễ hay phần Riêng của Thánh Lễ ngày đó, đồng thời lưu ý đến mầu nhiệm được kính nhớ, hay nhu cầu riêng biệt của thính giả”.
Như vậy, bài giảng lễ phải “phản chiếu ý nghĩa của các bài đọc và các lời nguyện của việc cử hành phụng vụ dưới ánh sáng của mầu nhiệm Vượt Qua; bài giảng lễ dẫn đưa cộng đoàn đến việc cử hành bí tích Thánh Thể nơi đó mọi người hiệp thông với nhau trong chính mầu nhiệm Vượt Qua”.
Dễ thấy vài điểm đặc trưng của giảng lễ so với các hình thức giảng thuyết khác: Giảng lễ là một phần không tách biệt của phụng vụ, được thực hiện trong Thánh lễ sau bài Tin mừng và đồng thời bài giảng lễ phải dựa vào chính các Bài đọc Sách thánh trong cử hành phụng vụ đó.
– Tầm quan trọng của giảng lễ:
Như đã nói bài giảng lễ (Homilia) có một vị trí ưu tiên có lẽ vì tầm quan trọng của nó trong đời sống tín hữu. Thật vậy, chúng ta thấy một số điểm nổi bật như sau:
. Bài giảng lễ là một phần của hành động phụng vụ;
. Bài giảng lễ giúp cộng đoàn hiểu biết Lời Chúa rộng rãi hơn và hữu hiệu hơn trong đời sống;
. Bài giảng lễ làm hiện tại hóa sứ điệp Kinh Thánh, giúp tín hữu khám phá ra sự hiện diện và tính hiệu năng của Lời Chúa trong cuộc sống hằng ngày của họ;
. Bài giảng còn giúp cộng đoàn chuẩn bị tuyên xưng đức tin, cầu nguyện và cử hành phụng vụ Thánh Thể, nhờ đó họ hiểu Mầu nhiệm đang được cử hành đồng thời mời gọi họ dấn thân cho sứ mạng của người Kitô hữu.
1.2. Trong cuốn “Chỉ nam giảng lễ”, Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích cũng đã làm rõ thêm vấn đề ý nghĩa của việc giảng lễ, như sau:[7]
“Bài giảng lễ không phải là bài thuyết giảng về một chủ đề trừu tượng: Nói cách khác, đối với vị giảng lễ, Thánh lễ không phải là dịp để trình bày những điều hoàn toàn xa lạ với cử hành Phụng vụ và các bài đọc, hoặc không tôn trọng các bản văn do Giáo Hội ấn định, qua việc uốn nắn chúng sao cho hợp với định kiến có trước.
“Bài giảng lễ cũng không phải là một bài tập về chú giải Kinh Thánh. Dân Chúa hết sức mong muốn đào sâu Kinh Thánh, và các mục từ phải đưa ra những cơ hội và sáng kiến có thể giúp các tín hữu đào sâu sự hiểu biết Lời Chúa. Tuy nhiên, bài giảng lễ Chúa Nhật không phải là dịp để giới thiệu một bài chú giải chi tiết các bản văn Kinh Thánh: đây không phải là lúc thích hợp để làm tốt việc đó, và điều quan trọng đối với vị giảng lễ là minh chứng rằng Lời Thiên Chúa đang được ứng nghiệm ở đây và bây giờ.
“Bài giảng lễ cũng không phải là một bài dạy giáo lý, cho dù huấn giáo là một chiều kích có tầm quan trọng của bài giảng lễ. Như đối với việc chú giải Kinh Thánh, đây không phải là lúc để trình bày bài giáo huấn cách phù hợp.. Ta sẽ làm biến thể bài giảng khi trình bày trong thánh lễ những điều không thật sự gắn kết với chính việc cử hành Phụng vụ.
“Cuối cùng, bài giảng lễ cũng không được xem như thời gian dành cho vị giảng lễ chia sẻ chứng tá cá nhân. Quả thật, nhiều người có thể đánh động sâu xa bởi các chứng tá, nhưng bài giảng lễ phải diễn tả đức tin của Giáo Hội, chứ không phải chỉ là câu chuyện riêng tư của vị giảng lễ. Như Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô nhắc nhở, việc giảng thuyết mà chỉ nhắm dạy đạo đức hay có tính giáo điều, hay trở thành một bài chú giải Kinh Thánh, đều làm giảm sút sự thông giao từ trái tim đến trái tim diễn ra trong bài giảng, sự thông giáo này mang một tính chất gần như bí tích, vì có đức tin là nhờ nghe giảng (x. TH Niềm Vui Tin Mừng, 147).”
Tóm lại, để có thể tóm kết ý nghĩa của việc giảng lễ, ĐGM Phê-rô Nguyễn Khảm trong cuốn “Giảng thuyết – Hồng ân và Trách nhiệm” đã viết như sau: “Không dễ để có thể đưa ra một định nghĩa rõ ràng về homilia. Tuy nhiên, dựa vào những gì đã khai triển, có thể đề nghị một định nghĩa tạm thời nhằm hướng dẫn như sau: Homilia là bài giảng gắn liền với Phụng Vụ nhằm công bố mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa trong Thánh Kinh. Homilia gọi mời và giúp người nghe đến với đức tin, tham dự cách sâu xa hơn vào cử hành Thánh Thể, và sống đời môn đệ Chúa Ki-tô cách mạnh mẽ hơn trong Giáo hội”.[8]
II.- BÀN VỀ VAI TRÒ CỦA LINH MỤC TRONG NHIỆM VỤ HƯỚNG DẪN ĐỨC TIN CỦA CỘNG ĐOÀN QUA VIỆC GIẢNG LỄ
Trong phần mở đầu của chương 8 nói về chân dung người rao giảng Lời Chúa, ĐGM Phê-rô Nguyễn Khảm, trong sách đã dẫn trên, đã đưa ra mấy hình ảnh về chân dung linh mục với tư cách là người giảng Lời Chúa, như sau:
“…Đã có nhiều hình ảnh để diễn tả chân dung linh mục như người rao giảng Lời Chúa. Mỗi hình ảnh nói lên một khía cạnh trong sứ mạng rao giảng Lời Chúa của linh mục, đồng thời khắc họa những đòi hỏi của sứ mạng đó. Thiết nghĩ khai triển những hình ảnh này vừa là cơ hội chiêm ngắm chân dung người rao giảng, lại vừa là dịp để soi bóng chính mình trong trách nhiệm rao giảng Lời Chúa. Theo đó, những hình ảnh sau đây sẽ được vận dụng để phần nào khắc họa chân dung người rao giảng Lời Chúa: (1) Phát ngôn viên; (2) Giáo viên; (3) Thông dịch viên; (4) Chứng nhân; (5) Ngôn sứ.”[9]
Riêng trong phạm vi bài chia sẻ ngắn này, người viết mạn phép trình bày vấn đề này theo chiều kích mục vụ, xét linh mục như là người hướng dẫn đời sống tâm linh và đức tin của cộng đoàn, để bàn về vai trò, nhiệm vụ của của các ngài trong nhiệm vụ người giảng lễ.
Khi nói về linh mục, người ta đã dùng nhiều khái niệm để diễn tả chân dung của ngài, chẳng hạn: Vị mục tử, người cha tinh thần, nhà truyền giáo, thầy cả, nhà giảng thuyết, nhà giáo dục, hướng đạo viên, vị linh hướng, đấng làm thầy, vị chủ chăn, Đức Ki-tô khác (Alter Christus) vv. Riêng với tư cách linh-mục-nhà-giảng-thuyết, chúng ta thấy nổi bật nơi ngài ba vai trò quan trọng. Đó là vai trò: Nhà lãnh đạo – Nhà giáo dục – Nhà tư vấn.
2.1. Linh mục: nhà lãnh đạo
Vị linh mục khi lãnh đạo cộng đoàn cũng như khi giảng dạy, luôn có một sức hút và vị thế đặc biệt. Ngoài sức mạnh thiêng liêng do Chúa ban, ngài còn có những ưu thế của một nhà lãnh đạo. Giáo dân vẫn thường nói với nhau: “Cha bảo, cha nói, cha giảng, cha dạy, cha khuyên răn…’.
Chính vì vậy, linh mục Thomas V. Liske, giáo sư hùng biện, đã chứng minh các mặt thuận lợi của linh mục khi ngài đứng trên bục giảng, như sau:
– Cử tọa đầy lòng kính trọng;
– Mọi người đều chú ý lắng nghe;
– Linh mục thường hiểu biết hơn nhiều giáo dân về các vấn đề, nhất là về Thần học…;
– Ngài nắm được chân lý nên tự tin và không lúng túng;
– Thế đứng của linh mục khi giảng đầy thuận lợi, dù đứng trên tòa giảng hay tại bàn thờ đi nữa thì ngài vẫn ở trong tư thế điều khiển. Ngài đứng đúng trong tầm nhìn của giáo dân. Họ luôn phải nhìn lên, còn ngài thì đập ngay vào mắt họ.[10]
Với tư cách người đứng đầu cộng đoàn, những ưu thế trên của ngài nếu được tận dụng, khai thác tối đa thì nhà lãnh đạo tinh thần sẽ có đủ sức mạnh và sự thuận lợi đặc biệt để hoàn thành vai trò, nhiệm vụ quan trọng của mình. Tuy nhiên, dù có nhiều ưu thế như vậy, nhưng linh mục giảng lễ không thể không quan tâm đến cử tọa, tức là những người đang ngồi nghe thuộc cộng đoàn của mình xem họ là ai, thuộc những thành phần xã hội nào, hoàn cảnh sống ra sao, có những ưu tư, băn khoăn, thắc mắc gì vv.
Chúng ta biết rằng, “Giảng luôn là giảng cho ai chứ không chỉ nói với bản thân mình; vì thế, cử tọa đóng vai trò tối quan trọng. Đối với những diễn giả ngoài đời, phải thuyết trình cho nhiều cử tọa khác nhau, việc nghiên cứu cử tọa là đòi hỏi không thể bỏ qua. Đối với các linh mục, thông thường linh mục giảng tại nhà thờ giáo xứ của mình. Đây là điều thuận lợi của linh mục, vì có thể nắm bắt cử tọa quen thuộc. Tuy nhiên, hàm trong thuận lợi, lại có thể bất lợi, vì linh mục dễ nghĩ rằng mình hiểu rõ cử tọa, đang khi vẫn có những khác biệt ta không nghĩ đến. Vì thế, vẫn cần quan tâm nghiên cứu nghiên cứu về cử tọa của mình…”[11]
2.2. Linh mục: nhà giáo dục
Với cương vị là người có nhiệm vụ giảng dạy tín hữu, linh mục đích thực là một nhà giáo dục. Công tác giáo dục, đào tạo nhất là qua truyền thông, bao giờ cũng nhắm đến mục đích tăng cường sự hiểu biết đồng thời làm thay đổi thái độ, hành vi của đối tượng được hướng dẫn.
Qua việc giảng dạy nói chung và giảng lễ nói riêng, linh mục phải nói, phải chỉ đàng dẫn lối, phải diễn giải trình bày, phải khai mở tín hữu từ chỗ không hiểu biết đến chỗ hiểu biết, từ chỗ hiểu biết đến chỗ nhận ra mình phải thay đổi như thế nào và phải làm gì để từng bước trưởng thành trong đức tin và lòng mến.
Bên cạnh đó, ngoài việc truyền thông kiến thức về Chúa hay kinh nghiệm sống đức tin của mình, linh mục – nhà giáo dục – còn có thể nói bằng gương sống của mình nữa. Khi xuất hiện trên giảng đài hay giữa đám đông, vị mục-tử-nhà-giáo-dục cũng là tấm gương phản chiếu tất cả những gì ngài nói, ngài dạy, ngài mời gọi. Điều này rất đúng với Lời Chúa: “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. Cũng chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà. Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.” (Mt 5, 14-16)
Giảng dạy bằng lời nói cần nhưng chưa đủ. Vai trò rao giảng của linh mục không chỉ gói gọn trong bài giảng thuyết hay giảng lễ, mà còn phải lan tỏa qua đời sống chứng tá của chính những thầy dạy. ĐTC Phao-lô VI đã từng nói: “Người thời nay tin vào các chứng nhân hơn là thầy dạy, và nếu họ có tin vào thầy dạy là vì các thầy dạy ấy đã là những chứng nhân”.
Là một nhà giáo dục, linh mục phải lấy tình thương và sự đồng cảm để cư xử với những người được Chúa trao phó cho mình hướng dẫn, dạy dỗ, chỉ bảo. Các ngài phải biết lắng nghe dân chúng. ĐTC Phan-xi-cô trong Tông huấn “Niềm Vui của Tin Mừng” số 154 đã nhắc nhở như sau:
“Người giảng thuyết cũng cần để tai nghe dân và tìm xem các tín hữu cần nghe những gì. Người giảng thuyết phải nhìn xem thế giới, nhưng cũng phải nhìn xem người dân. Bằng cách này họ học biết được về ‘những ước vọng, những nguồn lực và những giới hạn, những cách cầu nguyện, yêu thương, quan niệm về cuộc đời và thế giới, là những cái tạo sự khác biệt giữa một cuộc gặp gỡ này với một cuộc gặp gỡ khác,’ trong khi chú ý ‘tới những con người cụ thể, sử dụng ngôn ngữ của họ, các ký hiệu và biểu tượng của họ, trả lời các câu hỏi họ đặt ra’.
“Họ phải có khả năng liên kết sứ điệp của bản văn Kinh Thánh với một tình huống nhân loại, với một kinh nghiệm kêu gào ánh sáng của lời Chúa. Sự quan tâm này không có chút gì là mánh lới hay tính toán; nó mang tính chất tôn giáo và mục vụ sâu xa. Cơ bản nó là một ‘sự nhạy cảm thiêng liêng đối với việc đọc sứ điệp của Thiên Chúa qua các biến cố’, và đây là điều có giá trị hơn là chỉ tìm xem có cái gì hay để nói. Cái chúng ta tìm là ‘Chúa muốn nói gì trong hoàn cảnh cụ thể này hay hoàn cảnh cụ thể kia’. Thế nên chuẩn bị giảng trở thành một việc luyện tập phán đoán theo Tin Mừng, ở đó chúng ta nhận ra—trong ánh sáng của Thần Khí—’một tiếng gọi mà Thiên Chúa cho dội lên trong chính hoàn cảnh lịch sử. Trong hoàn cảnh này, và cũng qua hoàn cảnh này, Thiên Chúa kêu gọi người có lòng tin.’ ”[12]
2.3. Linh mục: nhà tư vấn
Ngay từ trang đầu cuốn “Thành công trên tòa giảng”, tác giả Thomas V. Liske đã viết như sau: “Ngài (tức LM) có thể giải đáp những vấn nạn và bí nhiệm của cuộc sống. Do đó, ngài phải nắm được sự tinh túy nghề nghiệp qua việc truyền đạt chân lý một cách hiệu nghiệm mỗi khi phát biểu…”[13]
Quả vậy, đối với tín hữu, các mục tử cũng có vai trò như một nhà tư vấn đáng tin cậy nữa. Tư vấn, hay tham vấn, hay cố vấn, là cho biết ý kiến về những vấn đề đang thắc mắc hay được hỏi đến. Tất nhiên, trong tư vấn, người được hỏi không cho lời giải đáp chính xác, cụ thể nhất hoặc đưa ra những quyết định dùm cho người khác. Nhưng ít ra, người ấy cũng là một chỗ nương tựa cần thiết để người ta có thể tâm sự, chia sẻ, thổ lộ tâm tình. Nhờ được động viên khích lệ, được lắng nghe, được hiểu và đồng cảm, tín hữu sẽ yên tâm, tin tưởng để tự tin bước đi trong cuộc hành trình Ki-tô hữu của mình.
Qua bài giảng, linh mục sẽ có nhiều cơ hội thực hiện vai trò tư vấn của mình một cách hiệu quả. Dù nội dung giảng là gì đi nữa, cuối cùng thì cũng hàm chứa một lời khuyên nhủ, một lời khích lệ, một lời đề nghị… Do lòng tin tưởng và trân trọng vị giảng dạy của mình, người tín hữu sẽ dễ dàng nghe theo và chấp nhận đề nghị của ngài.
Trái với cung cách dịu dàng, tế nhị, bao dung, thấu cảm của một nhà tư vấn, trên thực tế, nhiều vị giảng lễ tỏ ra gắt gỏng, nóng nảy, không thiện cảm với những người đang nhiệt tình chăm chú nghe mình giảng dạy, khuyên lơn.
Thực vậy, “Một thực trạng đáng báo động là có vị giảng lễ dùng tòa giảng như ‘tòa án’, tức là dùng để lên án, kết án, bài bác, phê bình, chỉ trích ai đó, hoặc có khi trút cơn giận của mình bằng những từ ngữ khó nghe, không xứng hợp với người có chức thánh. Điều này gây tổn thương rất lớn không chỉ đối với người bị ‘kết án’ (họ không thể biện hộ!) mà còn cho cộng đoàn nữa.
“Cũng có trường hợp bài giảng toàn nhiều câu chuyện hay sự việc có tính tiêu cực gợi lên sự sợ hãi, lo âu, buồn bực hay tức giận. Bài giảng cần ưu tiên nêu những gương sáng lành thánh gợi lên niềm vui, bình an và sự hăng say dấn thân. Bài giảng phải làm sao đem đến cho người nghe một sự thôi thúc thực hiện những việc tốt tích cực thay vì chỉ thụ động tìm cách tránh những việc xấu mà thôi. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc rằng, trong bài giảng ‘bất luận thế nào… cũng phải cố gắng vạch ra một giá trị tích cực và hấp dẫn, nếu không nó sẽ bị mắc kẹt giữa những lời phàn nàn, than vãn, phê bình và trách móc. Giảng tích cực luôn luôn cống hiến hi vọng, vạch ra tương lai, không để chúng ta mắc kẹt trong tiêu cực’.”[14]
Trong vai trò tư vấn của mình, linh mục phải nói và nói nhiều vì nhu cầu mục vụ và phục vụ đòi buộc. Điều này, tác giả Thomas V. Liske đã nói rất chí lý như sau: “Ngài không chỉ thuyết phục dân chúng về chân lý trong lời giảng dạy của Đức Ki-tô để họ sống theo giáo thuyết ấy, mà còn phải hướng dẫn các linh hồn cải biến dần theo ân sủng của Chân lý thiêng liêng bằng lời giảng huấn sáng sủa của mình nữa. Ngài phải dạy dỗ trẻ em trong các lớp học, phải nói năng vắn gọn và hữu hiệu để thuyết phục các tội nhân trong tòa giải tội thay đổi đời sống, phải cống hiến những lời khuyên bảo sáng suốt cho những người chạy đến vấn kế với mình, phải giảng dạy cho các hội đoàn, ngài phải nói hầu như suốt cả đời linh mục của mình!…”[15]
III.- TÍN HỮU MONG ĐỢI GÌ NƠI BÀI GIẢNG LỄ CỦA LINH MỤC
Vừa qua trên trang Facebook của mình, một linh mục, hiện đang là giáo sư Đại Chủng viện, đã có bài viết ngắn tựa “Bảy nguyên tắc cần nhớ khi giảng Lời Chúa”. Ngay trong phần mở đầu, ngài đã viết như sau:
“Là một linh mục, có bao giờ chúng ta được nghe sự phàn nàn ta thán của giáo dân về bài giảng của mình không?
“Có bao giờ chúng ta hiểu cảnh hàng trăm người thuộc mọi địa vị xã hội, ngồi đó để cho một người trên bục cao với micro trên tay tuôn ra những lời xỉ vả, đay nghiến hoặc lời thâm ý độc thay vì Lời của Tin Vui, lời của Sự Sống không?
“Đã bao giờ chúng ta là nạn nhân của một buổi giảng lễ vừa dai, vừa dài, vừa dở, lại thêm âm điệu đều đều buồn tẻ, với những câu văn sáo rỗng chưa?
“Có khi nào ta rơi vào cảnh bị ngồi nghe và nghĩ rằng ông cha này không chuẩn bị bài giảng? Ông cha này chộp được bài trên internet vv… Và có bao giờ chúng ta muốn hét lên bởi ta đến nhà thờ để nghe Lời Chúa chứ không muốn nghe “ba hoa chích chòe” chưa? Có bao giờ chúng ta cảm được sự khó chịu của giáo dân đến mức họ tự hỏi không biết họ có thể chịu đựng đến cuối thánh lễ không? …[16]
Có lẽ những lời chia sẻ thực tình trên cũng đã phản ánh khá trung thực tâm trạng của phần đông giáo dân khi tham dự thánh lễ và có cơ hội được nghe những bài giảng lễ kém chất lượng, khiến họ phải trăn trở, băn khoăn rất nhiều. Bởi vì đại đa số giáo dân khi đến tham dự Thánh lễ đều chú tâm về bài giảng của linh mục. Một Thánh lễ mà không có bài giảng thì như một bữa ăn ngon nhưng còn thiếu một món gì đó! Và như những thực khách “sành điệu”, người giáo dân ngày nay luôn kỳ vọng các vị linh mục, các vị giảng lễ sẽ cung cấp cho họ những món ngon, mới, lạ, thích hợp…
Tuy nhiên, trên thực tế không phải bất kỳ linh mục hay vị giảng lễ nào cũng ban tặng cho cộng đoàn những món ăn ngon mà họ luôn mong đợi. Thỉnh thoảng chúng ta có dịp nghe người này người kia nhận xét, chẳng hạn: “Cha giảng dài quá, nghe mệt và chẳng hiểu cha muốn nói gì…”, hoặc “Bài giảng rườm rà mà cha thì nói nhỏ, nhanh, khó nghe lại khó hiểu, chẳng nhớ được gì…”, hoặc “Cha giảng như đọc, nghe buồn ngủ quá, chẳng sinh động gì cả, chán!” vv…
Đây là một thực tế rõ ràng, cụ thể. Và còn hơn thế nữa, như một vị giám mục đã chia sẻ: “…Bài giảng lễ thì lòng thòng và chủ yếu là mắng mỏ, hăm dọa, khiển trách, thậm chí bôi bác giáo dân giữa nhà thờ. Bài giảng không dọn nói mãi không kết được khiến cha giống như máy bay không tìm được phi trường. Người nói thường không cảm thấy dài nhưng đối với người nghe là cả một sự chịu đựng. Nhất là nếu chúng ta không có lợi khẩu, chúng ta làm khổ giáo dân, biến họ thành nạn nhân hơn là nâng tâm hồn họ lên. Diễn đàn Lời Chúa là diễn đàn tình thương nhưng rất nhiều cha lợi dụng để trút hết căm hờn lên đầu giáo dân. Không gì mâu thuẫn bằng linh mục lại là thủ phạm gây chia rẽ trong giáo xứ bằng chính lời nói của chủ chăn. Chúng ta tìm cách trừng trị triệt hạ những người đối lập. Không làm được thì chúng ta đem ra giữa nhà thờ để bêu diếu bôi bác”.[17]
Quả vậy, nếu giáo dân không hài lòng về bài giảng của linh mục, thì đó không phải là họ không muốn nghe giảng trong Thánh lễ, mà vì họ cảm thấy việc giảng ấy không đem lại hứng thú và lợi ích gì. Cảm giác không-hứng-thú sẽ dẫn đến việc buồn ngủ, lơ là, lo ra…và nhất là cảm giác bị-tra-tấn bởi phải nghe một diễn giả nói dài, nói dai và…nói dở! Tội nghiệp cho cử tọa khi phải rơi vào tình huống “khó chịu” như thế.
Để có tiếng nói góp ý cho bài giảng của linh mục, sau đây xin mạn phép đưa ra mấy đề nghị sau:
3.1. Về thời lượng của bài giảng
Đa số giáo dân rất sợ bài giảng dài, nhất là đó lại là “bài giảng 3 D” (dài – dai – dở!). Khi phải nghe “bài giảng 3 D” thì ai cũng ngao ngán, buồn ngủ, chỉ muốn giảng viên kết thúc càng sớm càng tốt. Thực ra, bài giảng dài ngắn cũng tùy đối tượng nghe và tùy hoàn cảnh, nhưng theo các nhà chuyên môn về giảng lễ thì nên giới hạn từ 10 đến 12 phút.
Về vấn đề này, ĐTC Phan-xi-cô đã dạy như sau: “Bài giảng không thể mang một hình thức giải trí giống như những bài giảng trên các phương tiện đại chúng, nhưng bài giảng phải ban sức sống và ý nghĩa cho cuộc cử hành. Nó là một thể loại đặc trưng, vì việc giảng dạy được đặt trong khung cảnh một cuộc cử hành phụng vụ; thế nên bài giảng phải ngắn và tránh mang dáng dấp của một bài diễn văn hay thuyết trình. Một giảng viên có thể thu hút sự chú ý của người nghe trong suốt một giờ đồng hồ, nhưng lúc ấy các lời giảng của họ trở thành quan trọng hơn việc cử hành đức tin. Nếu bài giảng quá dài, nó sẽ ảnh hưởng tới hai yếu tố đặc trưng của cử hành phụng vụ: sự cân bằng và nhịp độ” (số 137).[18]
Đây cũng là một yêu cầu liên quan việc tôn trọng thời gian giảng và tập trung đề tài trình bày. “Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum nói rằng: Giáo Hội khuyên làm bài giảng ngắn, vào ngày Chúa Nhật đừng bao giờ giảng tới 20 phút hoặc lâu hơn nữa, nhưng cũng đừng dưới 6 (sáu) phút. Như vậy, thời lượng bài giảng cho các Chúa Nhật thông thường nên khoảng 8-10 phút hay hơn một chút. Vì thời lượng ngắn, nên hãy hết sức tập trung vào trọng tâm bài giảng. Người nghe sẽ cảm thấy thú vị và nhẹ nhõm khi nghe một linh mục giảng thuyết cách tự tin, mạch lạc về một đề tài, bằng không họ sẽ rất tức bực, cảm thấy nặng nề khi phải nghe một bài giảng với những từ ngữ dao to búa lớn nhưng vô hồn. Một bài giảng ngắn gọn, cô đọng, với một vài điểm nhấn gây xúc động bằng các câu chuyện đời thường sẽ luôn có tác động tốt. Một bài giảng hay nhưng dài quá và khi trời nóng bức sẽ dần dần trở thành thảm họa, trừ khi đó là dịp rất đặc biệt, và người nghe đã được chuẩn bị tinh thần.”[19]
3.2. Về cấu trúc bài giảng
Một vị giám mục quan tâm nhiều tới việc giảng thuyết đã chia sẻ kinh nghiệm như sau: “Một bài giảng được dàn dựng cách khoa học với các tư tưởng đã được chọn lựa về Thiên Chúa và về con người sẽ làm cho người nghe cảm thấy dễ chịu bởi vì thính giả thấy mình được kính trọng do được phục vụ bởi những tư tưởng có chất lượng và cách sắp xếp có khoa học”.[20]
Một bài giảng được soạn thảo một cách cẩn thận sẽ không bỏ qua việc dàn dựng thiết kế bố cục sao cho ăn khớp với chủ đề và thời lượng cần có. Cử tọa sẽ được dẫn dắt từng bước vào lộ trình của bài giảng thông qua lời dẫn nhập, rối đến phần triển khai đề tài, sau cùng là kết thúc bằng việc nhắc lại ý chính, chủ điểm của bài giảng.
Trên thực tế có nhiều vị giảng lễ, vì không đầu tư nhiều cho bài giảng nên bắt đầu giảng là bắt đầu đi lòng vòng, kể hết chuyện này đến chuyện kia, trong khi cử tọa kiên nhẫn chờ đợi xem ngài sẽ nói gì, vấn đề gì là trọng tâm, điều gì là quan trọng trong sứ điệp của bài giảng. Cuối cùng, vị giảng thuyết đã đi trật đường rầy lúc nào không biết, vì một bài giảng không mở, không dẫn, không triển khai và không kết thúc.
Quả thực, khi nghe giảng, giáo dân mong đợi một bài giảng có chủ đích, có chủ điểm. Họ muốn diễn giả luôn xoáy vào trọng tâm vấn đề để họ có thể nắm bắt được ý hướng Phụng vụ của Thánh lễ đang tham dự. Nếu khi soạn bài giảng, linh mục biết mình sẽ nói gì, nói như thế nào, thì giáo dân khi nghe giảng cũng muốn rằng họ đang được nuôi dưỡng bằng lương thực nào, chất lượng ra sao. Nhiều diễn giả thích nói lời mình hơn Lời Chúa, trong khi giáo dân rất đói khát Lời Chúa.
Trong bài viết tựa “Mười sai lầm không nên phạm khi giảng lễ”, tác giả lưu ý về hai vấn đề cơ bản, đó là:
“Thiếu chủ đề trọng tâm: Sự thiếu chuẩn bị này thường kéo theo việc bài giảng không có chủ đề trọng tâm, mà khổ thay, đây cũng là vấn đề lớn xảy ra ngay cho cả bài giảng đã được chuẩn bị. Một trong các vấn đề thường gặp nơi người đi giảng là trước khi giảng, họ không ngồi xuống tịnh tâm tự hỏi: ‘Trong vài chữ, đâu là chủ đề tôi sẽ nói với tín hữu vào Chúa nhật sắp tới?’. Nếu người giảng không có một ý chính nào trong đầu, thì chắc chắn sau bài giảng, người nghe cũng không biết người giảng muốn nói gì.
“Bài giảng quá dài: Một sai lầm thường gặp trong các bài giảng thiếu chuẩn bị là quá dài, thậm chí có thể nói là “dài quá đáng”, các bài giảng được chuẩn bị ít dài hơn nhưng nhiều khi cũng dài. Trong thời gian tập sinh, các chủng sinh Dòng Tên được dạy: ‘Ngày Chúa nhật không dài quá 10 phút, trong tuần không dài quá 5 phút’. Người ta còn nói: “Năm phút đầu tiên, chúng ta lay động tâm hồn, thời gian còn lại thì những người ngồi sau lúc lắc!. Người ta còn ví von: ‘Bài giảng phải như chiếc váy ngắn: đủ dài để che cái cần phải che, nhưng khá ngắn để tạo hấp dẫn’.[21]
Thiết nghĩ một bài giảng được dàn dựng một cách khoa học, được thiết kế với cấu trúc rõ ràng, thì sẽ tránh được sự nhàm chán, thất vọng nơi người nghe. Vì quả thực, giáo dân muốn linh mục khi giảng nên đi thẳng vào trọng tâm bài giảng và chỉ nói những gì cần phải nói mà thôi. Lạc đề là điều mà cử tọa dễ nhận ra. Nguyên tắc mong đợi, đó là “Diễn giả phải làm chủ đề tài của mình” (Albert J. Beveridge).
3.3. Về ý hướng bài giảng
Khi xưa, thánh Phê-rô cũng đã dạy: “Ai giảng, hãy giảng Lời Thiên Chúa” (1Pr 4,11). Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều vị giảng thuyết lại mê man nói lời mình hơn là chia sẻ Lời Chúa. Có nhiều bài giảng chỉ toàn kể những tin tức giật gân, kể những câu chuyện riêng tư vụn vặt, nhất là lại đi sâu vào những câu chuyện tiếu lâm, hài hước không ăn nhập gì tới sứ điệp Lời Chúa cần truyền đạt. Giáo dân không quan tâm những chuyện bên lề bên ngoài đó. Họ đến nhà thờ, tham dự thánh lễ, nghe giảng là để được biến đổi nhờ ơn Chúa Thánh Thần và nhờ tác động của Lời Chúa.
ĐTC Phan-xi-cô trong Tông huấn “Niềm Vui của Tin Mừng” cũng đã nhắc nhở các mục tử, như sau:
“Ai muốn giảng thì trước tiên phải để cho lời Thiên Chúa lay động mình một cách sâu xa và thấm nhập vào trong đời sống hằng ngày của mình. Như vậy, giảng chủ yếu là ở hoạt động quá sâu xa và hiệu quả ấy, đó là “thông truyền cho người khác điều mình đã chiêm ngắm”. Vì tất cả các lý do trên, trước khi sửa soạn những gì mình sẽ thực sự nói ra khi giảng, chúng ta cần để cho lời thâm nhập chúng ta, cũng là lời sẽ thâm nhập người khác, vì đó là một lời sinh động và sắc bén, như thanh gươm “xuyên thấu chỗ phân cách tâm linh, cốt với tủy; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người” (Dt 4:12). Đây là điều rất quan trọng trong hoạt động mục vụ. Ngày nay cũng vậy, người ta thích nghe những chứng nhân hơn: họ “khát sự chân thực” và “đòi có những người rao giảng Tin Mừng nói cho họ về một vị Thiên Chúa mà mình biết và thân quen, như thể đang nhìn thấy Người”. (số 150)
ĐTC nói thêm, “Người giảng có nhiệm vụ tuyệt vời nhưng khó khăn là kết nối những trái tim yêu thương, trái tim của Chúa và của dân Người. Đối thoại giữa Thiên Chúa với dân của Người kiện cường giao ước giữa họ và củng cố tình bác ái. Trong bài giảng, lòng các tín hữu giữ thinh lặng để nghe Chúa nói. Chúa và dân Người trực tiếp nói chuyện với nhau bằng vô vàn cách thức mà không cần đến trung gian. Nhưng trong bài giảng, họ muốn có người làm trung gian và bày tỏ tình cảm của mình sao cho sau bài giảng, mỗi người có thể quyết định mình sẽ tiếp nối cuộc đối thoại theo cách nào mình thích”. (số 143)[22]
3.4. Về cách thức giảng
Nhiều vị giảng lễ khi vừa bước lên giảng đài, vội lật cuốn sổ tay ra và bắt đầu thao thao bất tuyệt, như một máy ghi âm, cho đến khi kết thúc một cách đột ngột, nhạt nhẽo, không một lời chào chấm dứt bài giảng cùng với lời nhắn nhủ nào đó mà cử tọa đang mong đợi.
Về điều này, tác giả Thomas V. Liske, linh mục – giáo sư hùng biện, đã viết như sau: “…Có nhiều vị đọc thuộc lòng trên tòa giảng. Nếu vô tư quan sát, ta sẽ thấy tình trạng ấy thật kỳ cục: diễn giả đọc bài do mình soạn hay người khác viết hay bài mình tóm tắt, trong khi cộng đoàn bị giọng đọc buồn tẻ ấy ru ngủ, chán chường trước cảnh thiếu vắng quen thuộc với sự tiếp cận tươi mát những chân lý của cuộc sống và tôn giáo…nên chỉ còn biết nhẫn nại chịu đựng, lơ đãng nhìn các hình ảnh trên tường hoặc trên bàn thờ để chờ đợi, chờ đợi cái kết thúc ảm đạm. Trên tòa giảng cũng như dưới hàng ghế đều một cảnh nhẫn nại chịu đựng để rồi cùng thở ra nhẹ nhõm khi kết thúc.”[23]
Một bài giảng tốt, ngoài nội dung hàm chứa trong đó, cũng cần được người giảng vận dụng những cách thức cần thiết để truyền đạt sao cho người nghe được thấm vào tận bên trong tâm hồn mình. Những cách thức đó, nói cách chuyên môn, đó là những kỹ năng truyền thông. Giảng cũng thuộc về một dạng truyền thông đại chúng. Vì thế vị giảng lễ không thể không quan tâm tới những yếu tố có tầm ảnh hưởng khá lớn tới việc truyền đạt thông điệp. Như cử điệu, giọng nói, ánh mắt, nụ cười, ngôn ngữ cơ thể, sự tương tác giữa người nói và cử tọa vv. ĐTC Phan-xi-cô thì cho đó là sự gần gũi của giảng viên, sự ấm áp của âm giọng, sự đơn sơ không phô trương trong cách nói, và sự vui vẻ trong các điệu bộ của giảng viên (TH. NVTM số 140).
Quả thực, việc giảng thuyết của linh mục trên tòa giảng đích thực là một “nghề” nói trước công chúng, nó đòi hỏi diễn giả phải có bản lãnh nghiệp vụ, thật tự tin, bình tĩnh và nhạy bén. Nếu không, việc truyền thông trên tòa giảng sẽ gặp trở ngại không nhỏ. Linh mục giáo sư hùng biện Thomas V. Liske đã khẳng định: “Không có nghề nào phải nói nhiều hơn nghề linh mục. Ta có thể nói không ngoa chút nào rằng linh mục sống để nói. Bên cạnh ảnh hưởng mạnh mẽ của gương sống và kinh nghiệm, lời giảng thuyết của linh mục là sức mạnh, hay phương thế chủ yếu giúp cho sứ vụ của ngài được thành công.”[24]
[1] https://gpquinhon.org/q/giang-le/bai-giang-le-truyen-chuc-linh-muc-ngay-07-01-2021-4039.html
[2] M. Phê-rô Kim Ngôn Nguyễn Văn Lâm O.Cist – Thuật giảng lễ – NXB Đồng Nai 2019 trang 7-8
[3] http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/Giaohoi/TongHuan/Evangelii-Gaudium/05UBLBTMdich.htm
[4] http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/Giaohoi/TongHuan/Evangelii-Gaudium/05UBLBTMdich.htm
[5] Linh mục, Giáo sư hùng biện Thomas V. Liske S.T.D – Thành công trên tòa giảng – ĐCV Á Thánh Quý Cần Thơ 1994
[6] https://gpquinhon.org/q/tu-lieu/bai-giang-trong-thanh-le-khia-canh-phap-ly-va-muc-vu-631.html
[7] Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích – Chỉ nam giảng lễ – NXB TG năm 2015 trang 17-18
[8] ĐGM P. Nguyễn Khảm – Giảng thuyết – Hồng ân và Trách nhiệm – Tái bản lần I NXB TG năm 2020 trang 34
[9] ĐGM P. Nguyễn Khảm – Sđd trang 112
[10] Linh mục, Giáo sư hùng biện Thomas V. Liske S.T.D – Sđd trang 23-24
[11] ĐGM P. Nguyễn Khảm – Sđd trang 80
[12] http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/Giaohoi/TongHuan/Evangelii-Gaudium/05UBLBTMdich.htm
[13] Linh mục, Giáo sư hùng biện Thomas V. Liske S.T.D – Sđd trang 7
[14] https://gpquinhon.org/q/tu-lieu/bai-giang-trong-thanh-le-khia-canh-phap-ly-va-muc-vu-631.html
[15] Linh mục, Giáo sư hùng biện Thomas V. Liske S.T.D – Sđd trang 7
[16] 7 Nguyên tắc cần nhớ khi giảng lời Chúa, LM. Phêrô Nguyễn Đức Thắng, http://conggiao.info/7-nguyen-tac-can-nho-khi-giang-loi-chua-d-22732
[17] ĐTGM Giuse Nguyễn Chí Linh, Tĩnh tâm thường niên Gp Đà Lạt tháng 2-2009
[18] http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/Giaohoi/TongHuan/Evangelii-Gaudium/05UBLBTMdich.htm
[19] 7 Nguyên tắc cần nhớ khi giảng lời Chúa, LM. Phêrô Nguyễn Đức Thắng, http://conggiao.info/7-nguyen-tac-can-nho-khi-giang-loi-chua-d-22732
[20] ĐGM GB Bùi Tuần – Chủ đề “Truyền giáo” – Tĩnh tâm linh mục Gp Long Xuyên 1990
[21] “Mười sai lầm không nên phạm khi giảng lễ”, http://phanxico.vn/2017/06/22/muoi-sai-lam-khong-nen-pham-khi-giang-le/ (fr.aleteia.org, Gelsomino Del Guercio, 2017-06-19 – Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch)
[22] http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/Giaohoi/TongHuan/Evangelii-Gaudium/05UBLBTMdich.htm
[23] Linh mục, Giáo sư hùng biện Thomas V. Liske S.T.D – Sđd
[24] Linh mục, Giáo sư hùng biện Thomas V. Liske S.T.D – Sđd
Aug. Trần Cao Khải
hdgmvietnam.com