Để tưởng niệm các giáo sĩ ngoại quốc
đã chịu khó dùng chữ Nôm trong ba trăm năm
để đem Tin Mừng sang Việt-Nam
Ngày nay người Việt chúng ta không dùng chữ Nôm nữa, cho nên nói đến tầm quan trọng của chữ Nôm, là nói về những cố gắng quan trọng trong quá khứ đã định hình cho văn hóa dân tộc ngày nay.
Kể trong số những dân tộc chịu ảnh hưởng văn hóa Trung quốc, thì đặc biệt có người Việt Nam là đã thay đổi hẳn chữ viết mà dùng mẫu tự La-tinh. Thứ chữ mới này gọi là chữ “quốc ngữ”[1]. Ai cũng biết đến cái tên Alexandre de Rhodes (1593-1660), là người đã có công san định chữ quốc ngữ trong buổi đầu, và đã soạn ra cuốn sách giáo lý bằng chữ quốc ngữ đầu tiên, in ở Roma vào năm 1651.
Nhưng có một điều mà từ lâu trong số các học giả Việt Nam ít ai để ý là: cũng ngay trong buổi đầu khi mới sang Việt Nam truyền giáo, thì các giáo sĩ Tây phương cũng đã học và sử dụng chữ Nôm, trước chữ quốc ngữ, để viết nhiều sách đạo cho người mình đọc, tuy biết đó là thứ chữ rất khó học, khó đọc, khó hơn cả chữ Hán.
Sự kiện này được người Việt Nam đánh giá rất khác nhau, tùy theo cái hiểu biết và thiên kiến riêng. Vào giữa thế kỷ XX, có một số học giả lên tiếng chủ trương rằng các giáo sĩ Âu châu đem chữ quốc ngữ vào Việt Nam là vì có cái ẩn ý làm cho người Việt mất gốc đi, đề truyền đạo cho dễ. Nhưng thử hỏi đó là gốc nào? Gốc Hán hay gốc Nôm? Trong việc giao lưu văn hóa, người ta trao đổi với nhau – đôi khi cũng là cưỡng bách nhau để đồng hóa – truyền cho nhau những yếu tố văn hóa mà mình cho là quý hóa, như tôn giáo, triết lý, khoa học, v.v. Người Tàu và người Ấn-độ đã đem tam giáo là kho tàng quý báu để chia sẻ với người Việt Nam, mà có ai cho rằng như thế là họ có chủ tâm làm cho người mình mất gốc đâu! Hơn nữa, vấn đề cải giáo, đâu có phải chỉ cần thay đổi chữ viết là được[2], đâu có phải cứ lấy võ lực mà ép uổng là bao giờ cũng thành công!
Thực ra vấn đề không có gì rắc rối phức tạp, vì không có những cái mưu mô quanh co như người ta tưởng. Vì lẽ rằng khi học tiếng Việt thì các giáo sĩ Tây phương đã ghi lấy cách đọc bằng mẫu tự La-tinh mà họ quen thuộc, để mình dễ nhớ và dạy lại cho các người đi sau biết. Họ chẳng có ý định làm cho người mình mất gốc để đồng hóa, như người Tàu đã làm và có lẽ vẫn còn đang muốn làm. Trái lại, tiếng Việt khó, thì họ chịu khó học, chữ Nôm còn khó hơn cả chữ Hán, thế mà họ vẫn ra công học và soạn sách vở.
Thiết tưởng cũng nên nhắc lại mấy sự kiện:
1) Ngay từ đầu thế kỷ XVII thì giáo sĩ người nước Ý, là Girolamo Majorica (hl Jeronymo Mayorica, 1591-1656) đã soạn bằng chữ Nôm chừng bốn mươi cuốn sách đạo.
2) Tiếp theo đó cho đến giữa thế kỷ XX, thì nhiều sách đạo bằng chữ Nôm vẫn được viết và in ra cho người Công giáo dùng [3]; và đặc biệt hơn cả là cuốn tự vị đầu tiên nôm – quốc-ngữ – la-tinh, gọi là Việt Nam Dương Hiệp Tự Vị, do giám mục Bá Đa Lộc (Pierre Pigneaux de Béhaine, 1741-1799) khởi công, đã được giám mục Jean-Louis Taberd (1794-1840, tên Việt là Từ), cho in năm 1838 tại Sérampore (Ấn-độ) [4].
3) Khi các linh mục Việt Nam đầu tiên được truyền chức (1668), thì có nhiều vị, tuy đọc được chữ Hán và chữ Nôm, nhưng chưa thông thạo tiếng La-tinh, cho nên phải chờ một vài năm mới có thể cử hành thánh lễ[5].
4) Vào thế kỷ XIX, khi Nguyễn Trường Tộ viết các bản điều trần nhằm canh tân xã hội Việt Nam, thì về mặt ngôn ngữ ông chỉ đề nghị san định chữ Nôm, chứ không đề nghị cho cả nước dùng chữ quốc ngữ.
5) Sau cùng thì không phải là các giáo sĩ Tây phương đã bó buộc người Việt dùng chữ quốc ngữ, vì thực ra họ có quyền gì mà làm như thế được! Nhưng chính quyền thuộc địa mới làm như thế: về hành chính thì họ dùng tiếng của họ là tiếng Pháp, mà bỏ chữ Hán, bỏ việc thi cử bằng chữ Hán để tuyển dụng quan lại và công chức[6], làm cho chữ Nôm cũng vì đó mất gốc. Mà họ có làm như thế được và thành công, thì cũng là vì người mình thấy chữ quốc ngữ tiện lợi và dễ học hơn chữ Nôm, dễ xóa nạn mù chữ, cho nên đã cổ võ cho nó, từ học giả Nguyễn Văn Vĩnh cho đến cụ Hồ Chí Minh, và phong trào bình dân học vụ. Tuy vậy người Pháp cũng làm từ từ, vì các giấy tờ giá thú, khai sinh, thì đã có một thời viết bằng hai thứ chữ, Nôm và quốc ngữ.
Thêm vào đó thì những người trách cứ, lên án các giáo sĩ Tây phương như thế cũng chẳng thấy đưa ra giải pháp nào, ít ra là giải pháp san định chữ Nôm, như đề nghị của Nguyễn Trường Tộ. Phải chăng là các vị đó ngụ ý là muốn trở về chữ Hán hay chữ Nôm? Trở về chữ Nôm sau mấy thế hệ đã quen dùng chữ quốc ngữ thì không phải là chuyện dễ, không những đối với dân chúng, mà còn đối với chính các vị đó nữa. Trở về chữ Hán thì cũng có thể được, và chắc là người Tàu, ngày xưa cũng như ngày nay, cũng sẽ rất mực ủng hộ khuyến khích, giúp vào một tay, để cho người Việt đồng hóa thành ra người Tàu. Tôi dám chắc rằng nếu trên đất Việt Nam xưa kia không có chữ Nôm, và ngày nay không có chữ quốc ngữ, mà chỉ có chữ Hán, thì dĩ nhiên là người ngoại cuộc trông vào hẳn phải cho rằng người Việt cũng chẳng khác gì người Tàu. Chính vì chưa hiểu rõ như thế cho nên trước đây chừng hơn ba thế kỷ, khi Đức Giáo- tông Alexandre VII gửi tông huấn – tông huấn có giá trị vô song về phương diện hội nhập văn hóa – cho các giám mục Đàng Ngoài và Đàng Trong, thì đã đặt cho nó cái tên nghe thật là lạ tai: Tông-huấn chỉ đạo cho các vị đại diện tông tòa đang lên đường sang các quốc gia của người Tàu ở Đàng Ngoài và Đàng Trong (1659)!
Còn một vài vị khác, tuy biết rằng người Công giáo đã soạn nhiều sách chữ Nôm, nhưng lại cho rằng đó không phải là chữ Nôm chính hiệu. Cái đó có thể hiểu được, nhưng ta sẽ bàn tới sau này.
Bây giờ ta nói qua về mấy đặc điểm chung chung của chữ Nôm, rồi sau đó sẽ xem các nhà truyền giáo đã làm được những gì với cái chữ Nôm, vừa khó học, lại vừa chưa được san định.
- Mấy đặc điểm của chữ Nôm
- a) Nhận xét tổng quát
Cái tên “Nôm” có lẽ là cách đọc chữ “Nam” của một vài địa phương[7]. Chắc một điều là ở đây ta có ý nói đến chữ viết tiếng nói của người Việt ở miền Nam, để phân biệt với chữ viết của người Hán ở phía Bắc. Thực vậy, khi người Việt tách rời ra khỏi đế quốc Trung hoa về mặt chính trị vào thế kỷ X, thì tuy rằng thiểu số sĩ phu quen dùng chữ Hán, khi nói về những vấn đề học thuật, hành chính, lịch sử, tôn giáo của người Tàu, nhưng đại đa số dân chúng thì vẫn nói tiếng Việt, dù có vay mượn nhiều từ ngữ của người Hán, nhưng vẫn theo một văn phạm khác hẳn, và có riêng một loại văn chương bình dân độc đáo. Để có thể viết nên cái sản nghiệp văn hóa của dân tộc, lớp sĩ phu thấy cần phải sáng tác ra một thứ chữ viết thích hợp. Thế nhưng họ chỉ biết có cái mẫu chữ viết tượng hình của người Hán.
Thiết tưởng người Triều tiên và người Nhật bản cũng ở trong tình trạng tương tự. Nhưng hai dân tộc này đã sáng tác ra chữ viết âm thanh: chữ han’gul của người Triều tiên dùng để viết được chính âm và phụ âm, còn chữ katakana và hiragana của người Nhật bản thì viết nên hơn năm mươi vần trong ngôn ngữ của họ. Theo lý thuyết họ có thể viết tiếng của họ mà không dùng đến chữ viết tượng hình của người Hán. Người Triều tiên đã dần dần bỏ chữ Hán, người Nhật bản thì vẫn còn dùng chêm pha khá nhiều Hán tự, gọi là kanji , nhưng họ vẫn có thể đọc ra tiếng Nhật bản theo nhiều kiểu.
Các nhà nho Việt Nam thì không đi vào con đường sáng tác như thế, nhưng đã chế biến chữ Hán có sẵn để viết tiếng Việt. Kết quả là: tuy chữ Nôm coi có vẻ rất Tàu, nhưng người Tàu, cho dù có thể nhận ra một vài chữ Hán, nhưng đọc vẫn không ra[8].
- b) Phép chế biến chữ Hán thành chữ Nôm
Phép chế biến ra chữ Nôm đại khái như sau:
Thứ nhất: những chữ Hán đã nhập cảng thành tiếng Việt thì thường giữ cả ý nghĩa lẫn âm vận, và đây là cách đọc Hán-Việt (HV), gần tiếng Quảng Đông hơn là tiếng quan thoại.
Thứ hai: có một số chữ Hán thì mình chỉ giữ lại ý nghĩa của nó, nhưng không đọc theo tiếng HV, mà đọc thẳng ra tiếng Việt. Ví dụ viết các chữ “đinh”, “đại”, “đả”, “cân”, “cú”, v.v., thì đọc thẳng ra là “đứa”, đời”, “đánh”, “khăn”, “câu” … [9]. Và đây cũng là đề nghị của Nguyễn Trường Tộ: ví dụ mình cứ viết chữ “thực phạn” rồi đọc thẳng ra là “ăn cơm”.
Thứ ba: có một số rất nhiều chữ Hán khác, thì ta bỏ hẳn ý nghĩa, mà chỉ giữ lại cách đọc của nó ghép với ý nghĩa tiếng Việt. Ví dụ viết chữ “chân”, thì không hiểu theo nghĩa chữ Hán là “thật”, nhưng hiểu là “cái chân” để đứng để đi. Đã thế, ngoài cách đọc Hán-Việt, thì mỗi chữ lại còn có thể đọc trại ra làm dăm sáu kiểu khác nhau để chỉ những ý nghĩa khác nhau, ví dụ như chữ “lận” là sẻn “so”, thì mình có thể tùy trường hợp mà đọc là “lấn”, lần”, “lẩn”, “lẫn” .
Thứ tư: đây là những chữ Nôm chính cống, được tác tạo bằng cách ghép hai chữ Hán lại với nhau theo nguyên tắc “hội ý hài thanh”, nghĩa là lấy một chữ để chỉ ý nghĩa, và một chữ để chỉ cách đọc. Ví dụ ghép chữ “mạt” (bỏ nghĩa là “cuối cùng”, chỉ giữ cách đọc) với chữ “diện” (nghĩa là “mặt”), rồi đọc là “mặt”. Có hai điều nên chú ý. Một là: cũng như trên đây, cách đọc cũng lại có thể đọc trại đi làm nhiều kiểu[10] ; hai là: nhiều khi ý nghĩa không được chỉ rõ, mà chỉ được gợi ra một cách tổng quát, bằng cách dùng một trong 214 bộ, ví dụ dùng bộ “khẩu” (là miệng) ghép với chữ “an”, rồi đọc là “ăn”.
- c) Kết quả ra sao?
Chữ Hán là vật liệu để chế biến ra chữ Nôm, cho nên phải biết chữ Hán mới có thể đọc được chữ Nôm. Nhưng như thế vẫn chưa đủ, vì còn phải biết chữ Hán dùng ở đây để lấy ý nghĩa hay là để lấy cách đọc. Rồi, như đã nói, cách đọc lại thay đổi khá nhiều tùy trường hợp mình muốn viết chữ nào trong tiếng Việt. Cho nên tựu trung phải biết … tiếng Việt trước đã, mới có thể lựa chừng mà đọc ra được chữ Nôm. Thêm vào đó người ta lại còn viết chữ Nôm theo cách đọc của từng địa phương nữa[11].
Vẫn chưa hết những cái khó khăn: riêng trường hợp chữ Nôm của người Công giáo, thì nhiều khi còn phải biết đó là phiên dịch hay là phiên âm từ những ý niệm hay là tên riêng của một ngoại ngữ nào đó, như tiếng Bồ-đào-nha, hay tiếng La-tinh, và cũng có khi lại là phiên âm lại từ cách phiên âm của người Tàu[12]! Ví dụ cái tên vị giáo tổ của đạo, mà người Công giáo phiên âm là “Giê-su”, và người Tàu phiên âm là “Yê-su”, thì bên ta vẫn có người cứ nhất định phiên âm từ chữ Hán và đọc là “Da tô” hay “Gia tô”!
Nói tóm lại, cái khó khăn trong chữ Nôm là: một tiếng đọc lên thì có thể viết thành nhiều chữ, tùy người viết, tùy địa phương và tùy thời đại nữa; ngược lại, một chữ viết ra hay cái phần hài thanh của một chữ, lại cũng có thể đọc thành khá nhiều kiểu. Vì thế xưa kia nhà Nho cho rằng “Nôm na là cha mách qué”. Cụ Nguyễn Du đã kết luận áng văn Nôm tuyệt vời là truyện Kiều bằng hai câu rất khiêm tốn: “Lời quê góp nhặt dông dài, Mua vui cũng được một vài trống canh”. Rồi ngày nay lại vẫn còn có người cho rằng chữ Nôm của người Công giáo không phải là chữ Nôm chính hiệu.
Chính vì có nhiều cái rắc rối như thế, cho nên những người không biết chữ Hán, không thạo tiếng Việt, lại không quen một số ý niệm do người nước ngoài đem vào, thì khó mà đọc được chữ Nôm Công giáo.
Thực ra vấn đề không đơn sơ như thế. Vả lại, cái đó không cũng riêng gì đạo Công giáo, vì như ai nấy đều biết, có khá nhiều danh từ nhà Phật, đọc theo chữ Hán hay chữ Nôm đều không hiểu được là gì, nếu không biết đó là phiên dịch hay phiên âm từ chữ Phạn hay từ chữ Hán[13]. Vì thế cho nên bao lâu chưa có ai san định chữ Nôm, ví dụ như một hàn lâm viện nào đó, thì lấy đâu làm tiêu chuẩn mà phê phán ? Cũng nên chú ý rằng trong khi người Trung quốc có từ điển Khang Hi, thì người Việt Nam chưa nghĩ đến truyện làm tự vị chữ Nôm. Phải chờ lâu năm sau cuốn Việt Nam Dương Hiệp Tự Vị của Bá Đa Lộc và Taberd (1838) thì người mình mới làm, và làm theo cái mẫu đó, nghĩa là làm vừa có chữ quốc ngữ – để tiện việc tra cứu – vừa có chữ Nôm.
Trong lúc chữ Nôm còn chưa ổn định, khó học, khó đọc như thế, mà các giáo sĩ đạo Công giáo đã chịu khó ra công dùng nó ngay từ đầu, không phải để viết văn chương tiêu khiển, “mua vui một vài trống canh”, nhưng để viết nên những điều quan trọng trong tôn giáo, có liên quan đến vận mệnh con người. Sau ba thế kỷ, khi chữ quốc ngữ được truyền bá sâu rộng, thì nó mới thay chỗ cho chữ Nôm.
- Vai trò của chữ Nôm trong lịch sử đạo Công giáo tại Việt Nam
Vào đầu thế kỷ XVII, khi các giáo sĩ Tây phương tới Việt Nam, thì chữ Nôm còn đang ở buổi đầu, chưa được coi là quan trọng, chưa có nhiều áng văn tuyệt diệu. Lớp nho sĩ và triều đình thì vẫn dùng chữ Hán để viết về lịch sử, địa dư, hình luật, tư tưởng triết học và tôn giáo. Sách vở của Nho giáo, Đạo giáo và Phật giáo thì đều là bằng chữ Hán, và như thế rất lâu. Sách bằng chữ Nôm thì không nhiều, và mãi sau này mới phiên dịch một phần để đọc, hay là phiên âm từ chữ Hán sang chữ quốc ngữ để tụng. Trong trường hợp như thế các giáo sĩ Công giáo người ngoại quốc đã chọn chữ Nôm để viết sách tôn giáo, nghĩa là đã đánh giá nó rất cao, chứ không dám coi nó là “mách qué”.
Làm như thế các vị đó đã đi trước tông huấn đã nói trước đây của giáo tông Alexandre VII chừng nửa thế kỷ.
Thực vậy, trước đó vào thế kỷ XV, sau khi người Âu châu đã trục xuất được quân đội người Hồi giáo ra khỏi lục địa Âu châu, thì vẫn mất dứt khoát vào tay người Hồi giáo tất cả những miền Đông và miền Nam Địa trung hải, trước đây là quê hương Chúa Giê-su và của đại đa số các thánh giáo phụ Hi-lạp và La-tinh. Vì thế người Âu châu đi tìm đất mới ở bên kia Đại tây dương. Người Bồ đào nha và người Y pha nho bắt đầu đi mở thuộc địa ở Mỹ châu. Vua hai nước đó là người Công giáo, cho nên nhân tiện cơ hội đó thì giáo tông Alexandre VI ở Roma, một đàng thì dàn xếp hiệp ước Tordesilla năm 1493, chia ranh giới cho hai nước tránh việc binh đao, một đàng khác thì giao phó cho các vua đó quyền bảo trợ cho các giáo sĩ được đi nhờ thương thuyền và chiến thuyền của họ để sang truyền giáo ở Mỹ châu. Chế độ bảo trợ ấy gọi là patroado. Sau đó mới thấy chế độ bảo trợ như thế rất có nguy hại cho đạo giáo. Vì rằng việc mở thuộc địa bao giờ cũng đưa đến chém giết và nô dịch dân bản xứ, thế mà các vua đó lại cứ lấy danh nghĩa là đi mở đạo Công giáo!
Ăn năn thì sự đã rồi, giáo triều Roma đã tìm đủ mọi cách để xóa bỏ hiệp ước về quyền bảo trợ đó, và sau cùng thì phó thác việc truyền giáo cho các giáo sĩ người Pháp (Missions Étrangères de Paris), vì vào thế kỷ XVII chính phủ Pháp chưa có đi mở thuộc địa! Từ nay những người đi truyền giáo không còn do chính phủ nào sai phái, nhưng do tông tòa Roma, và có nhiệm vụ là phải hội nhập văn hóa. Đó là những điều được nói lên cho rõ trong tông huấn trên đây.
Trong tinh thần hội nhập văn hóa đó, nếu Matteo Ricci và các nhà truyền giáo ở Trung quốc đã học Hán văn và dùng Hán tự để soạn sách vở về tôn giáo, thì ở Việt Nam các nhà truyền giáo cũng học thẳng tiếng Việt để giảng dạy và soạn sách vở bằng chữ Nôm. Đó là lẽ đương nhiên. Thế nhưng đối với các vị đó, chữ Nôm còn khó hơn chữ Hán đối với Ricci, vì, như đã nói trên đây, chữ Nôm chưa được ổn định rõ ràng. Cho nên chỉ cần xem ít sách của Majorica thì cũng đủ thấy tác giả và các cộng sự viên người Việt đã nhẫn nại làm một việc rất công phu, tuy rằng chữ Nôm vẫn chưa phải là một dụng cụ hoàn hảo.
- a) Những cái sở đoản của chữ Nôm
Vì chữ Nôm không viết được cho chính xác các chính âm và phụ âm, hay là âm vận, cho nên rất khó dùng để viết các tên riêng, hay các ngôn từ của ngoại ngữ mà mình chỉ mới tạm phiên âm, khi chưa tìm ra được đúng từ ngữ để phiên dịch[14]. Mà có dùng thì thường cũng chỉ đọc tàm tạm được, vì có những âm thanh mà mình không có, lại nhất là vì người mình có cái thói quen là cứ ỷ lại theo lối phiên âm của người Tàu, nhưng lại đọc theo giọng Hán Việt, thành ra “tam sao thất bản”. Vì thế ta hiểu vì sao khi người ngoại quốc muốn tìm đọc chữ Nôm, thì như đi vào một trận đồ bát quái, một thứ mê hồn trận, cho nên họ rất dễ đọc sai và viết ra chữ quốc ngữ thì vô nghĩa [15].
- b) Nội dung những cuốn sách Nôm Công giáo
Như ta biết, ngày xưa các nho sĩ bên ta thường dùng chữ Hán để viết nên cho lớp học giả những điều quan trọng, học được của người Tàu, và dùng chữ Nôm để làm thơ bằng tiếng Việt, chứ thường không dùng văn xuôi để viết nên lời ăn tiếng nói thông thường của dân quê vô học. Trái lại, khi dùng chữ Nôm để viết sách về tôn giáo, các giáo sĩ Tây phương có ý cho người dân thường hiểu được; như thế là họ đã đánh giá cao chữ Nôm, và đánh giá cao văn xuôi. Cũng không phải là chuyện dễ, vì họ tư tưởng bằng ngôn ngữ của họ, với những từ ngữ và văn phạm rất khác tiếng ta, cho nên khó tránh được những kiểu nói vụng về và cũ kỹ. Ngày nay có người chỉ biết có các kiểu nói bây giờ và cho rằng những cái vụng về và cũ kỹ đó là lối “văn nhà thầy” của người Công giáo. Vụng về thì có, như ta đã giải thích. Nhưng cái cũ kỹ đó lại chính là di tích mà ta còn giữ được về cách ăn nói của người bình dân nước ta trước đây mấy thế kỷ. Di tích đó là tài liệu không thể bỏ qua để hiểu về lịch sử tiếng ta.
Về từ ngữ riêng của đạo Công giáo, thì lại rất khác từ ngữ của đạo Lão và đạo Phật, cho nên ngay từ đầu đã phải tránh không dùng đến các từ ngữ đã có sẵn của tam giáo, sợ hiểu lầm. Vì thế đã phải đặt ra từ ngữ mới, lấy từ kho tàng ngôn ngữ dân gian, để người dân hiểu được. Những từ ngữ chưa phiên dịch được ngay, thì tạm thời phiên âm. Ví dụ chữ Bồ đào nha “anjo” (Pháp: ange, Hi-lạp: aggelos), thì phiên âm là “an-giô”, sau thì dịch là “thiên thần”, rồi “thiên sứ”, chứ không dùng những chữ “thiên quan”, “thiên tiên” đã có sẵn. Về mặt luân lý thì đại khái người Công giáo cũng giữ luân lý Khổng Mạnh, như người chung quanh, từ ngữ có thay đổi đi ít chút cho hợp với đạo thờ một Thiên Địa Chân Chúa mà thôi. Có thể nói là đại đa số các từ ngữ Công giáo đã được đặt ra ngay từ buổi đầu.
Cho đến giữa thế kỷ XX là hơn ba thế kỷ, thì chữ Nôm đã được dùng trong giới Công giáo khá nhiều trong loại văn xuôi. Sánh với chữ Nôm ngoài Công giáo thì cũng không phải là ít. Giáo sĩ Majorica và các bạn đồng sự của ông đã soạn ra vào đầu thế kỷ XVII chừng 40 cuốn sách Nôm để đọc cho người Việt mình, nay chỉ còn hơn một chục cuốn. Sau đó thì các giáo sĩ khác cũng cộng tác với các linh mục và thầy giảng Việt Nam để tiếp tục soạn ra nhiều sách, trong nhiều phạm vi như: minh giáo (apologétique), sách giáo lý hay là sách Bổn (catéchisme), sách các truyện trong thánh kinh, gọi là “sấm truyền”, sách kể hạnh các thánh để làm gương mẫu, sách kinh nguyện để tụng buổi sáng và buổi chiều, sách dạy luân lý, các lễ nghi, sách dạy luật phép các tu hội, như hội các thầy giảng, hội dòng Mến thánh giá, v.v. Thêm vào số văn xuôi đó thì, để giáo dân dễ học thuộc lòng, linh mục Lữ-y Đoan đã viết ra vào năm 1670, dưới hình thức thơ lục bát bằng chữ Nôm bộ Sấm truyền ca, nay chỉ còn tập I, là Tạo đoan kinh (Genesis, tức là sách Sáng Thế ký)[16]. Vào thế kỷ XIX thì ở Phát Diệm (Ninh Bình), có cụ Sáu, Trần Lục, đã viết ra thơ lục bát và thất ngôn bát cú, nhiều bài thơ dài để dậy luân lý và để kể truyện các thánh, hay là để suy ngắm về đời Chúa Giê-su[17]. Đến thế kỷ XX thì còn có mấy tác giả soạn ra bằng chữ Nôm kèm chữ Hán, theo đúng như quy luật thể văn tuồng, một số tuồng để diễn ra cho quần chúng xem, như tuồng Đa vít thánh vương (1930), Giuse tuồng (1927)[18], v.v.
Trong mấy thế kỷ đó thì các linh mục và thầy giảng người Việt, phải học chữ Hán, chữ Nôm và chữ quốc ngữ. Sau này đa số các sách Nôm đó đã được chuyển sang chữ quốc ngữ, hay là được lấy lại trong một số sách mới soạn. Trước khi nhường chỗ cho chữ quốc ngữ thì chữ Nôm đã được giám mục Bá Đa Lộc đã khởi công san định, làm một cuốn tự vị Việt-Nam – La-tinh, vào cuối thế kỷ XVIII, nhưng sau khi ngài qua đời thì cuốn sách phải theo người chạy loạn sang Ấn độ và đã được giám mục Taberd cho in năm 1838. Nếu bỏ phần tiếng La-tinh ra, thì cuốn tự vị vẫn còn phần chữ quốc ngữ và chữ Nôm. Về sau này, các tự vị chữ Nôm đều theo cái mẫu đó, mà xếp chữ theo thứ tự chữ quốc ngữ A, B, C. Tuy cũng có ít nhiều phần thiếu sót [19], nhưng tự vị này vẫn có tính cách tiên phong. (Xem ghi chú số 4 trên đây).
- c) Một vài sáng kiến của chữ Nôm Công giáo
Chữ Nôm có nhiều cái bất tiện, như ai nấy đều biết: nó tùy thuộc rất nhiều vào chữ Hán về cách viết, lại không chính xác về cách đọc cũng như về ý nghĩa. Xét về căn bản thì chữ Nôm Công giáo không khác chữ Nôm của người đương thời là bao nhiêu, chứ nếu không thì người đương thời ai hiểu được. Dù sao cũng phải theo quy tắc thông thường mà sáng chế ra một số từ ngữ chuyên môn riêng. Có những cái sáng kiến gọi là “làm lấy được”, chứ không có gì đáng chú ý. Nhưng cũng có những sáng kiến thần tình, có ý nhị. Sau đây xin đưa ra một vài ví dụ.
Chúa Dêu
Đây là một tiếng cổ, mà tôi không thấy có gì là thần tình, mà ngược lại khi viết ra chữ Nôm thì còn thấy là tầm thường nữa. Tôi hiểu là người ta đã muốn phiên âm và “làm lấy được”, nhưng kết quả thì không được may mắn lắm. Tuy vậy cũng còn dùng khá lâu, trước khi dùng một cách dứt khoát kiểu nói “Đức Chúa Trời”.
Có lẽ vì nếu phiên dịch tên của Chúa là “Thiên”, “Trời”, “Ông Trời” hay “Thượng đế”, thì vừa không chỉnh lắm, lại còn không được tông tòa Roma chuẩn y, cho nên các giáo sĩ Tây phương đã thấy là cần phải phiên âm từ gốc là chữ La-tinh hay chữ Bồ-đào-nha “Deus” ra là “Dêu”. Theo đó người ta nói đến “Dêu Cha”, “Dêu Con” và “Dêu Phiritô Sangtô”. Người Tây phương viết chữ “D” nhưng họ đọc là “Đ”, cho nên họ đọc “Dêu” là “Đêu”. Trái lại trong chữ quốc ngữ vì có phân biệt hai phụ âm đó, cho nên khi viết là “Dêu” thì người Việt không đọc là “Đêu”, nhưng lại có thể tùy theo thổ ngữ mà đọc là “Zêu”, “Jêu”, “Giêu”, hay là “Rêu”!
Cũng có lẽ vì thế mà khi viết ra chữ Nôm thì ta thấy ít là có ba kiểu viết: a) Trong sách Bổn “Thánh giáo yếu lý quốc ngữ” (1774) của giám mục Bá Đa Lộc, thì chữ “Đêu” cũng viết như chữ “đeo”, hay chữ “đèo”, nghĩa là chắp bộ “thủ” (là tay) với chữ “đao” (là con dao). b) Trong Việt Nam Dương Hiệp Tự Vị (1838) của Taberd, thì chữ đó lại viết như chữ “dao” (dao động, rung động), chữ “diêu”, hay như chữ “deo/gieo”, nghĩa là có: bộ “thủ” + bộ “trảo” + bộ “phẫu”, và chắc phải đọc là “Dêu”. Rồi vào hậu bán thế kỷ XIX, thì lại viết chữ “đào” (là con hát!), nghĩa là ghép bộ “nữ” với chữ “triệu”, và như thế thì chắc phải đọc là “Đêu”. Tất cả những cái mập mờ như thế trong chữ Nôm đã được thanh toán dứt khoát, khi ta dùng cụm từ “Đức Chúa Trời”, và viết ra chữ quốc ngữ.
Rỗi linh hồn
Về vận mệnh con người thì các giáo sĩ không thấy trong truyền thống của các tôn giáo địa phương có từ ngữ nào nói lên được quan niệm Công giáo: vì Phật giáo thì chủ trương vô ngã, Đạo giáo lại đi tìm trường sinh bất tử trong cái thân xác càng ngày càng nhẹ nhõm ít vật chất, Khổng giáo thì rất mực dè dặt, không muốn đả động gì đến quỷ thần hay là về cái chết, còn tôn giáo dân gian, như trong đạo thờ tứ phủ công đồng, thì hình như chỉ nghĩ đến nếp sống bây giờ mà thôi[20]. Trái lại vận mệnh con người theo quan niệm Công giáo là: được trông thấy Thiên Chúa, được hưởng mặt Chúa, được an nghỉ không còn phải khó nhọc vất vả, gọi là được “thanh nhàn vui vẻ vô cùng”. Vì thế đã dùng chữ “rỗi”, không phải là nhàn thân rỗi xác theo kiểu “điềm tĩnh vô vi”, nhưng là “rỗi linh hồn”. Để viết chữ “rỗi”, thì, cho đến giữa thế kỷ XIX, người ta đã dùng chữ “lỗi” (ba chữ “thạch” chồng lên nhau) và thêm bộ “khẩu” bên trái, để chỉ rằng phải đọc trại đi. Nhưng sau đó thì không biết ai đã có cái sáng chế rất thần tình là dùng chữ “sinh” là “sống” để viết thay vì chữ “khẩu”.
Như thế ta thấy – thấy trong chữ Nôm được tạo ra, chứ không thấy được trong chữ quốc ngữ mẫu tự la-tinh! – rằng cái vận mệnh của người được rỗi linh hồn là không những được hưởng mặt Chúa, mà còn được “thanh nhàn vui vẻ vô cùng”, đồng thời cũng là “được rỗi được sống cùng được sống lại” [21] nữa.
Thiêng liêng
Ngày nay người ta dùng hai chữ “thiêng liêng”, như trong kiểu nói “nghĩa vụ thiêng liêng”, để nói lên cái nghĩa vụ mà người ta phải có lòng tôn kính, chứ không phải là công việc bó buộc phải làm một cách cưỡng bách. Nếu tôi không lầm thì hai chữ “thiêng liêng” đó đã được người Công giáo dùng từ thế kỷ XVII, nhưng theo nghĩa khác, để chỉ một thực tại không có tính cách vật chất[22], mà là tinh thần, hiểu theo nghĩa tôn giáo. Ví dụ: Thiên Chúa có tính thiêng liêng, không phải là vật chất hay hư hay nát.
Hai chữ đó được cấu tạo thành một cụm từ theo một lối đặc biệt, gần như là chơi chữ, càng làm cho người ngoại cuộc hay ngoại quốc rối đầu. Thực vậy, trong tiếng Việt thì chữ “thiêng” cũng đồng nghĩa với chữ Hán-Việt “linh” (Hán: “ling”), cả hai cùng dùng để chỉ tính cách hữu hiệu, ứng nghiệm của thần linh trong một vài địa điểm nhất định[23]. Muốn viết chữ “thiêng” thì người ta dùng chữ Hán-Việt là “thanh” (Hán: “sheng”), nhưng không giữ lấy ý nghĩa của nó là “tiếng”, mà chỉ giữ cách đọc, và lại đọc trại đi là “thiêng”.
Hai chữ Hán-Việt đó có thể làm nên hai cụm từ khác nhau: a) Nếu ta viết “linh thanh” thì phải đọc là “linh thiêng”, hai chữ cùng một nghĩa, tăng cường cho nhau. b) Nếu ta viết “thanh linh”, thì phải đọc là “thiêng liêng”[24], hiểu theo nghĩa là vô vật chất.
Lời nói
Thường thường thì khi muốn viết chữ “lời” là “lời nói” thì ta dùng chữ “lợi” là “lợi ích”, hay “lời lãi”, và thêm bộ “khẩu” để chỉ rằng phải đọc khác đi và hiểu khác đi.
Nhưng trong thổ ngữ miền Bắc Việt Nam thì người ta gọi “trời” là “giời” hay là “lời” ; tuy đọc theo ba kiểu nhưng khi viết ra chữ Nôm thì cùng đều viết chữ “thiên” ở trên chữ “thượng” (là “trên trời”). Từ đó khi muốn viết chữ “lời” là lời nói, thì người ta viết chữ “lời/trời” rồi thêm bộ “khẩu” ở bên trái, để chỉ rằng chữ này có liên quan đến cái miệng.
Đây chưa hẳn chỉ là một kiểu chơi chữ suông theo như thổ ngữ: tôi trộm nghĩ là có thể còn có ý nghĩa khác. Thực vậy, thầy Khổng có nói: “Thiên hà ngôn tai!”, Trời có nói gì đâu! Như vậy cách viết chữ “lời” là “lời nói” ở đây có thể còn có thêm ngụ ý khác, là theo quan điểm Công giáo, thì nếu trời không nói gì, nhưng Đức Chúa Trời/Lời thì có nói, vì Đức Giê-su được coi là lời nói của Đức Chúa Trời/Lời.
Kết luận
Khi chọn chữ Nôm để viết sách Công giáo, các giáo sĩ Tây phương đã chọn con đường gian khổ, để tới mục đích là tiếp xúc thẳng được với quần chúng, vì biết rằng dân Việt, tuy theo văn hóa Trung quốc, nhưng không phải là người Tàu. Còn chữ quốc ngữ theo mẫu tự La-tinh, thì họ dùng trong nội bộ, chứ không có ý định và cũng không có quyền hành gì để bắt cả nước phải theo.
Mãi đến cuối thế kỷ XIX, thì chính quyền thuộc địa mới bỏ chữ Hán mà dùng chữ Pháp. Bỏ chữ Hán đi thì chữ Nôm cũng mất nền tảng. Từ đó họ và lớp trí thức cổ võ dùng chữ quốc ngữ. Tuy vậy trong các giấy tờ hành chính thì vẫn dùng chữ Nôm và chữ quốc ngữ. Người Công giáo vẫn còn dùng sách vở chữ Nôm cho đến giữa thế kỷ XX, nhưng những sách Nôm cũng dần dần được chuyển sang chữ quốc ngữ.
Ngay trong thời đó ở thôn quê người ta cũng vẫn còn viết các thứ giấy tờ giao ước bằng chữ Hán, gọi là “văn tự”. Ngoài ra thì trong các đình chùa, và đôi khi trong một vài thánh đường Công giáo, người ta cũng còn dùng chữ Hán, nhất là để viết câu đối. Cho đến khi người Nhật bản sang chiếm đóng Đông Dương thì bấy giờ mới lại hồi phục chữ Hán, gọi là cổ ngữ trong chương trình trung học. Chữ Nôm cũng vì thế mà được để ý, nhưng dù sao cũng không ai nghĩ đến việc phế bỏ chữ quốc ngữ. Và như thế cũng là dịp tốt để ta ôn lại cái di sản văn hóa của dân tộc.
Bây giờ ta không dùng chữ Nôm nữa, nhưng nó vẫn là di sản văn hóa đánh dấu cái ý thức quốc gia của người mình không muốn để cho người Tàu đồng hóa. Và trong những cố gắng đó, các giáo sĩ Tây phương và người Công giáo cũng ra công hội nhập văn hóa và đóng góp được một phần không phải là nhỏ.
Lambersart, ngày 04/07/2011
Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 107 (tháng 7 & 8 năm 2018)
[1] Bây giờ ta viết “tiếng nước nhà” bằng mẫu tự La-tinh, và gọi đó là chữ “quốc ngữ”. Nhưng thực ra xưa kia ông cha ta đã gọi chữ “Nôm” là chữ quốc ngữ để phân biệt nó với chữ Hán là tiếng của người phương Bắc. Ví dụ như cuốn sách Bổn, sách giáo lý soạn và in ra bằng chữ Nôm năm 1774, của giám mục Bá Đa Lộc (Pierre Pigneaux de Béhaine), thì đã mang cái tên Hán Việt là “Thánh Giáo Yếu Lý Quốc Ngữ”
[2] Ngược lại, sau khi đã cải giáo theo đạo Islam là Hồi giáo, thì đã có những dân tộc xưa kia có nền văn minh rất cao như dân Ai-cập, đã mất hẳn ngôn ngữ cổ truyền – trừ mấy triệu người theo đạo Thiên Chúa từ hai mươi thế kỷ, gọi là “Coptes” (từ chữ hi-lap “Aigyptos” mà ra) – và dùng tiếng A-rập là tiếng dùng viết thánh kinh Coran; có dân tộc khác như dân Ba-tư, tuy không bỏ mất ngôn ngữ của mình, nhưng đã dùng mẫu tự A-rập để viết tiếng nói của dân tộc mình.
[3] Sách Nôm Công giáo đã được tàng trữ trong nhiều thư viện Âu châu. Hội bảo tồn di sản Hán Nôm Công giáo (947/13/3, Đường Cách Mạng tháng tám, P.1, Q. Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) hiện nay đã chuyển sang chữ quốc ngữ được chừng 130 cuốn sách Nôm, trong số đó có 20 cuốn do Majorica soạn.
[4] Dictionarium anamitico-latinum – Việt Nam Dương Hiệp Tự Vị, mới được Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Học, cho tái bản tại Hà Nội – TP Hồ Chí Minh, năm 2004, LXVI + 722 +126 trang. Dĩ nhiên là các vị đó đã phải học với những giáo dân thông thạo chữ Hán và chữ Nôm.
[5] Xem: André Marillier, Nos pères dans la foi – Notes sur le clergé catholique du Tonkin de 1666 1765, fasc. 2: Vies , Eglise d’Asie (Missions Étrangères de Paris), Série Histoire, n. 2, Paris 1998, VIII-140 trang.
[6] Chúng ta đều biết bài thơ của ông Tú Xương: “Nào có làm chi cái chữ Nho, Ông nghè ông cống cũng nằm co, Ước gì đi học làm thầy phán, Tối rượu sâm banh sáng sữa bò”.
[7] Ví dụ người tỉnh Quảng Nam thì đọc “nam” là “nôm”: Quảng Nôm.
[8] Như trong câu nói của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, nghe ra thì như nhắc đến các triều đại Hán, Đường, Ngô: “Chân đi hài hán, Tay bán bánh đường, Miệng hát líu lường, Ngây ngô, ngấy ngố”.
[9] Cũng như người Nhật viết chữ “sơn” (Hán: “shan”) là “núi”, nhưng họ đọc ra tiếng Nhật là “yama”.
[10] Ví dụ chữ “vĩ” là “đuôi” có thể là thành phần của nhiều chữ, và tùy trường hợp mà đọc là: vả, vã, vải, vãi, vái, váy, vảy vẩy, vẻ, vẽ, vỉ, vía, vời, v.v.
[11] Xem: Vũ Văn Kính, Bảng tra chữ nôm miền Nam, TP Hồ Chí Minh, 1994, 132 trang.
[12] Ví dụ cái tên “Paris”, thì người Tàu phiên âm là “Pa lỉ”, mà có người Việt phiên âm lại là “Ba lê”! Rồi cái tên thủ đô Nga, thì mình đã phiên âm lại từ chữ Hán là “Mạc Tư Khoa”, nay là “Mátxcơva”!
[13] Ví dụ như chữ “La-hán”, “A-la-hán”, là do chữ “Arhant”. Tôi không nhớ nhà văn nào, thay vì đọc: “Nam mô A di đà Phật”, thì đã đọc một cách đùa bỡn theo đúng tiếng Hán Việt là; “Nam vô A di đà Phật”, và cắt nghĩa rằng: “Nước Nam không có Phật A di đà!”
[14] Ví dụ chữ la-tinh “ecclesia”, Bồ đào nha là “Igreja”, thì bắt đầu phiên âm là “Y-ghê-rê-gia”, dần dần phiên dịch là “hội thánh” hay là “giáo hội”. Và bây giờ đoàn thể nhà Phật cũng bắt đầu dùng từ “giáo hội”. Còn chữ “công giáo”, thì không có nghĩa là “đạo của nhà nước” mà mọi người bó buộc phải theo, như có người hiểu lầm, vì nó là phiên dịch chữ “catholica”, nghĩa là đạo “chung cho mọi người”, không phân biệt nòi giống dân tộc.
[15] Xin đơn cử ra đây một ví dụ mà tình cờ tôi có sẵn trên tay. Đó là cuốn Mục lục thư tịch Hán Nôm tàng trữ tại Hội thừa sai Ba-Lê – Inventaire des ouvrages en Hán Nôm conservés aux Missions Étrangères de Paris, Église d’Asie, Série Histoire, Études et Documents, vol. 18, Paris, 2004). Cuốn sổ này rất hữu ích. Có điều là khi phiên âm từ chữ Nôm ra chữ quốc ngữ thì hai tác giả đã không tránh được những cái cạm bẫy vừa nêu ra trên đây, cho nên : a) Cái tên vị giáo tổ thì viết là “Da-tô” (người Hán đọc là “Ye-su” !), hay “Chi-thu” thay vì “Giê- su”, như người Công giáo đã cảnh cáo nhiều lần. b) Hầu hết các tên riêng đều đọc theo giọng Hán-Việt, cho nên lạc giọng đi nhiều, ví dụ như “Khu-sa” hay “Nhược-sắt” (La-tinh: Joseph, Bồ-đào-nha: Jose, Công giáo VN: Giu-se). c) Chữ “ngâm” (Hán-Việt, tr. 16, 24, 31, 113,) thì phải đọc ra Nôm là “ngắm” ; “chầu những” (tr.16, 81-84) phải đọc là “chầu nhưng” (người đang theo học giáo lý); “ấn do” (Hán-Việt, tr. 30, 106, 123) phải đọc là “In-du” (nghĩa là “ân xá”, do chữ indulgentia); “miễn (câu rút)” (tr.115) phải đọc là “mến (câu rút)” , vân vân.
[16] In tại Montréal, Canada, năm 2000,186 trang, IBSN 0-9683393-0-2.
[17] Ca vè Cụ Sáu, 116 tr. (không để nơi in và năm in).
[18] NXB Dũng Lạc, Thư Tịch Hán Nôm Công Giáo (Houston, Texas), tái bản năm 1999.
[19] Như kẻ hèn này đã nêu ra trong bài giới thiệu khi tự vị được tái bản năm 2004.
[20] Trong các văn chầu thì ta thường thấy kết luận bằng những câu, như: “Phật thờ thánh phụng trong nhà, Cầu ban bốn chữ vinh hoa thọ trường” (Văn chầu Cửu trùng thánh mẫu), “Chữ rằng: thánh giáng lưu ân, Thần giáng lưu phúc thiên xuân thọ trường” (Văn chầu Đức Cửu thiên huyền nữ), “Phép bà hay cỡi mây nương gió, Phó cho đồng phúc thọ tam đa, Đa tài đa lộc đa nhân, Thịnh nam thịnh nữ thiên xuân thọ trường” (Văn chầu bà khâm sai đệ tứ tiên chúa), v.v.
[21] Xem: Trần Văn Toàn , Đạo trung tùy bút, Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, Hà Nội, 2008, trang 114-127.
[22] Xem: Alexandre de Rhodes, Phép giảng tám ngày … (CATHECHISMUS Pro ijs, qui volunt suscipere BAPTISMUM In octo dies diuisus), Roma, 08-07-1651, trang 44, 59.
[23] Xem: Taberd, Việt Nam Dương Hiệp Tự Vị (Dictionarium anamitico-latinum), 1838, trang: “thiêng = virtute diabolicâ insignis locus”.
[24] Chữ “linh” ở đây đã mất ý nghĩa, chỉ còn giữ cách đọc trại đi là “liêng”, để làm thành điệp tự cho chữ “thiêng”, như trong các điệp tự mà phụ âm đầu th chuyển thành l, như: thằn lằn, thình lình, thò lò, thuồng luồng, v .v.
Nguồn: hdgmvietnam.com