Thư gửi sinh viên, học sinh Công giáo nhân dịp mừng lễ Chúa Giáng Sinh 2019

20/12/2019

ỦY BAN GIÁO DỤC CÔNG GIÁO

trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam

THƯ GỬI SINH VIÊN, HỌC SINH CÔNG GIÁO
NHÂN DỊP MỪNG LỄ CHÚA GIÁNG SINH 2019 

Chúng con thân mến !

Hàng năm, cứ vào những ngày trung tuần của tháng 12 dương lịch, người người ở khắp nơi trên thế giới lại nao nức chuẩn bị mừng lễ Chúa Giáng Sinh, một ngày lễ dường như không còn đóng khung bởi niềm tin Tôn giáo, mà dần trở thành ngày lễ đặc biệt cho hết thảy mọi người. Trong niềm vui của ngày lễ này, cha thân ái gửi lời chào đến với từng người chúng con, kèm theo lời Chúc mừng Giáng sinh thật đơn sơ: cha mến chúc chúng con và gia quyến một Mùa Giáng Sinh An Lành – Thánh Đức. Ước mong cho niềm vui đức tin của người Kitô hữu, luôn hiện diện trong cuộc sống đầy trẻ trung và năng động của chúng con. Nhân dịp này, theo lời Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết: “Hang đá máng cỏ chứa đựng nhiều mầu nhiệm khác nhau về cuộc đời của Chúa Giêsu và làm cho những mầu nhiệm ấy gần gũi với đời sống hằng ngày của chúng ta” (x. Tông thư về ý nghĩa và giá trị của hang đá máng cỏ, số 2), cha cũng muốn chia sẻ với chúng con một chút tâm tình, để cùng với chúng con dâng lời tạ ơn Chúa Hài Đồng khi đứng trước máng cỏ Giáng sinh.

1. Giáng Sinh trong cảnh cơ hàn

Cuộc đời Chúa Giêsu được mô tả trong phúc âm dường như gắn liền với hai chữ “nghèo khó”. Trước nhất, Thánh Giuse, người bảo bọc khiêm nhường tuyệt đối, chỉ được nhắc đến với một tên gọi thật đơn giản như chính công việc hàng ngày của mình: “Người Công Chính” (x. Mt 1, 19). Kế đến, Mẹ Maria xuất hiện trong hình ảnh một thiếu nữ vùng quê bình dị, trong sáng, được biểu lộ qua sự bối rối đầy chân thành trước lời loan báo của sứ thần (x. Mt 1, 28-34). Việc hai ông bà phải trở về nguyên quán để khai sổ bộ theo lệnh truyền của Hoàng đế Augustô lúc bấy giờ (x. Lc 2, 3), như thêm một bằng chứng về việc mưu sinh của những người thiếu thốn. Sự nghèo khó của gia đình Nagiaret này được các Thánh sử mô tả một cách cảm động hơn qua những hình ảnh thật ngỡ ngàng và xúc động trong câu chuyện Giáng sinh: Chúa Hài Đồng mới sinh được đặt nằm trong máng cỏ vì không tìm được chỗ trọ; Những người được đón nhận tin vui đầu tiên không phải là những cao nhân hay văn sĩ trí thức, nhưng là các mục đồng đơn sơ và khiêm tốn (x. Lc 2, 7-8). Tại sao Chúa chúng ta lại chọn sự nghèo khó làm con đường để bước vào trần thế này?

2. Thông điệp của mầu nhiệm Giáng Sinh.

Chúng ta không hiểu được trọn vẹn mầu nhiệm Giáng sinh, nhưng nếu dựa theo cách diễn đạt của Thánh Phaolô để trả lời cho câu hỏi trên, thì chúng ta cũng có thể phần nào hiểu thêm về mầu nhiệm cao cả ấy. Ngài đã viết cho giáo đoàn Côrintô rằng: “Quả thật, anh em biết Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đã có lòng quảng đại như thế nào: Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (2 Cr 8, 9). Như thế, theo xác tín của vị Tông đồ dân ngoại, lý do sâu xa khiến Thiên Chúa quyền năng vô biên, trở nên nghèo khó đơn sơ khi xuống thế làm người, không phải là sự túng thiếu vì hoàn cảnh phải như thế, nhưng là vì chúng ta và cho chúng ta, để chúng ta nhờ sự nghèo khó của Người, trở nên giàu có trước mặt Thiên Chúa. Thật vậy, Thiên Chúa đã thật sự trở nên nghèo khó khi từ bỏ trời cao, xuống thế làm người để gánh lấy những yếu đuối và tội lỗi của chúng ta. Cái nghèo nhiệm mầu ấy đưa chúng ta được trở về làm con Thiên Chúa, và được đồng thừa tự với Người trong nước Chúa (x. Rm 8, 16-17). Đồng thời, trong cái nhìn đầy tính nhân văn của Kitô giáo, khi suy tư về máng cỏ Bêlem nghèo khó, Đức Thánh Cha Phanxicô đã làm rõ nét thêm về sự nghèo khó ấy khi viết rằng: “Từ hang đá máng cỏ, với quyền năng dịu hiền, Chúa Giêsu công bố lời mời gọi chia sẻ với những người rốt cùng con đường dẫn đến một thế giới nhân bản và huynh đệ hơn, nơi mà không một ai bị loại trừ và gạt ra ngoài lề” (x. Tông thư về ý nghĩa và giá trị của hang đá máng cỏ, số 6).

3. Sống tinh thần nghèo khó nơi mầu nhiệm Giáng Sinh

Chúng con thân mến ! thật là thích hợp để thêm một lần nữa, trích dẫn lời của vị cha chung của Giáo hội hoàn vũ hôm nay: “Khi nhìn cảnh tượng này trong hang đá máng cỏ, chúng ta được mời gọi suy tư về trách nhiệm của mỗi Kitô hữu như người loan báo Tin Mừng. Mỗi người chúng ta trở thành người mang Tin Mừng cho những người mà chúng ta gặp, làm chứng về niềm vui đã được gặp Chúa Giêsu và tình thương của Chúa bằng những hành động cụ thể về lòng thương xót” (x. Tông thư về ý nghĩa và giá trị của hang đá máng cỏ, số 9). Vậy, mỗi người trong chúng ta khi sống mầu nhiệm Giáng sinh này, hãy là một ánh sao nhỏ chiếu sáng tình thương của Chúa cho gia đình và bạn bè của mình. Có lẽ chúng con sẽ đồng ý với cha rằng chỉ có ai biết sống yêu thương, người ấy mới nhận được hạnh phúc thật. Vậy chúng con đừng chậm trễ nữa, bởi vì rất nhiều người, trong đó có người thân trong gia đình, có bạn bè trang lứa, đang cần nơi chúng con một cái nhìn thiện cảm, một nụ cười cảm thông, một câu nói khích lệ. Chúng con đừng ngại ngùng khi nói một lời tha thứ, đừng chần chừ để thực hiện một cử chỉ bao dung, đừng quá tính toán khi làm một việc bác ái. Hãy nhìn về tấm gương nhẫn nại và kiên trì của các nhà Đạo sĩ trên con đường tìm đến hang đá Bêlem. Bằng cách ấy, cha tin rằng chúng con cũng sẽ gặp được Chúa Hài Đồng nơi máng cỏ và nơi những người chúng con gặp gỡ trong cuộc sống hàng ngày của mình.

4. Lời chào cuối thư

Một lần nữa, với tất cả lòng yêu mến của cha dành cho từng người chúng con, cha cầu xin Chúa Hài Đồng luôn ban cho chúng con niềm vui tươi trẻ của Người. Nguyện xin ánh mắt trìu mến và yêu thương của Người, bao bọc và gìn giữ tất cả chúng ta trong bình an của Tình Yêu Giáng Sinh, như lời Sứ thần loan báo: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2, 14).

Vĩnh Long, ngày 15 tháng 12 năm 2019.
Phêrô Huỳnh Văn Hai
Giám mục Giáo Phận Vĩnh Long
Chủ tịch Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo / HĐGMVN