Hướng đến việc hội nhập cộng đồng cho người có H, Ban HIV – Caritas Huế tổ chức tập huấn kỹ năng nuôi dạy con với chủ đề: “Ba chìa khóa vàng nuôi dạy con cái” vào ngày 11.5.2019.
Thành phần tham dự cuộc tập huấn gồm các anh chị tình nguyện viên, phụ huynh, người thân của người có H, cùng với sự trình bày của nữ tu Maria Trà Thị Ảnh và anh Giuse Nguyễn Văn Hoàng.
Mở đầu cuộc tập huấn, anh Hoàng giới thiệu với các tham dự viên sự hiện diện của Cha Giám đốc Caritas. Mọi người vui mừng vỗ tay chào đón Cha. Sau khi chào thăm, Cha Giám đốc nói: quý anh chị vừa nghe chúng tôi cầu nguyện. Là người Công giáo, chúng tôi xin ơn Chúa trợ lực cho công việc của mình, để trong khi làm chúng tôi cố gắng đem hết khả năng của mình mà trao ban một cách trọn vẹn. Các anh chị không cùng tôn giáo, nhưng anh chị cũng có thể hiệp ý cầu xin với Đấng mà mình tôn thờ cho mình được tiếp thu một cách hiệu qủa những gì mà anh chị học hỏi được hôm nay. Cha cũng nói lên những thao thức của Nữ tu Trà Ảnh, với tư cách phụ trách ban HIV, trong việc giáo dục. Nữ tu cho rằng: Chúng ta cần thay đổi chính mình để việc giáo dục con cái ngày càng tốt hơn trong đường hướng giúp trẻ phát triển toàn diện. “Khi cha mẹ thay đổi, con cái sẽ thay đổi”.
Tiếp đến, Nữ tu Trà Ảnh giới thiệu từng chìa khóa vàng. Chìa khóa thứ nhất là yêu thương, thứ hai là khen ngợi, thứ ba là nhìn nhận; nhưng để có thể sử dụng được các chìa khóa này các bậc phụ huynh cần làm chủ chính mình.
Với nguyên tắc 90/10 của Stephen Convey [1] và câu chuyện “đổ tách cà phê”, Nữ tu đề nghị mọi người thảo luận và viết lại câu chuyện một cách tích cực. Và để làm được việc này, chúng ta cần có những giây phút hồi tâm, hay tĩnh lặng, hít thở sâu, theo phương pháp thiền, để có thể làm chủ được cảm xúc.
Nữ tu nói tiếp: Khi trẻ được cha mẹ khen ngợi, nhìn nhận và yêu thương, trẻ thường muốn làm cho cha mẹ vui lòng hơn nữa. Những động thái khuyến khích từ cha mẹ sẽ khiến trẻ cảm động, tiếp thêm động lực và sự quyết tâm thay đổi. Đồng thời trái tim trẻ sẽ hoàn toàn rộng mở. Trẻ sẽ không cãi lời cha mẹ và ngoan ngoãn vâng lời. Ngược lại, nếu trẻ cảm thấy cha mẹ không nhìn nhận, không khen ngợi và không yêu thương, trẻ sẽ đóng chặt lòng mình và sẽ lớn lên với lòng nghi kỵ cùng sự phản kháng.
Sai lầm của cha mẹ là sự la mắng, bới móc, đánh đập làm cho trẻ ấm ức, bất mãn, làm tổn thương trẻ. Trẻ sử dụng bạo lực bởi sự sai lầm này của phụ huynh và người thân. Nữ tu phân tích: khi trẻ được bao bọc trong tình thương và sự dịu dàng thì chất beta-endorphin trong con người được sinh ra, làm cho đứa trẻ đầy tràn năng lượng, trái tim trẻ rộng mở, trẻ tiếp thu cao, biết đối xử tốt với người chung quanh. Hơn thế, sự khen ngợi giúp trẻ xây dựng sự tự tin. Thay vì chăm chăm vào khuyết điểm con cái và không khen ngợi chúng, thì hãy nhìn nhận những gì con đang có và cố gắng khen tặng. Nếu không chú ý đến những khuyết điểm mà chỉ tập trung vào ưu điểm và khen ngợi con thì những ưu điểm sẽ ngày càng lớn mạnh, còn khuyết điểm sẽ từ từ biến mất. Nhìn nhận con, khen ngợi con, trái tim đứa trẻ sẽ trở nên rộng mở và chịu trò chuyện với cha mẹ.
Mục đích cho việc nuôi dạy con là nuôi dưỡng trái tim con trẻ. Yêu thương, khen ngợi, nhìn nhận làm cho trẻ cảm thấy an toàn. Khi trẻ cảm nhận được, trẻ trở thành một con người phát triển toàn diện và hạnh phúc sau này.
Nữ tu cũng đưa ra đường lối giáo dục theo Napoleon Hill là giáo dục trí tuệ cho con trẻ, biết sống hài hòa với người khác, biết làm việc lành. Để được như vậy phụ huynh cần có những kỹ năng nuôi dạy trẻ, có những phương pháp và nhất là có một lối sống tích cực.
Với những hình ảnh sinh động, những câu chuyện từ thực tế cùng với những trò chơi đan xen, mọi người đã đi vào đề tài một cách nhẹ nhàng.
Cuộc tập huấn kết thúc, Nữ tu cám ơn các tham dự viên đã tích cực tham gia, lắng nghe. Đó là niềm vui và cũng là động lực để giúp cho các anh chị Phụ trách và Tình nguyện viên trong ban HIV của Caritas Giáo phận thêm hăng say trong công việc phục vụ của mình.
Văn phòng Caritas Huế
———————————————————–
[1] 10% cuộc sống được hình thành do điều đang xảy ra cho bạn và 90% cuộc sống được quyết định bởi cách thức bạn phản ứng ra sao.