Lm. Antôn Dương Quỳnh, Tổng Đại diện TGP Huế.
– Trọng kính Đức Tổng Phanxicô Xavie, nguyên Tổng Giám Mục Huế,
– Trọng kính Đức Cha Đa minh, Giám mục Giáo phận Hưng Hóa,
– Kính thưa Đức Ông Giêrônimô, Đức Ông Giuse,
– Kính thưa Quý Cha Hạt trưởng, Quý Cha và Quý Bề trên,
– Kính thưa Quý Bà con tang gia, linh tông huyết tộc, đặc biệt kính thưa Cha Giacôbê và Cô Minh Tuyền, hai người em ruột yêu quý của Cha cố Giuse,
– Kính thưa Quý Cha và bà con giáo dân Hưng Hóa,
– Kính thưa Quý Cha và bà con giáo dân Quảng Thuận, Hạnh Trí, Thạch Hà, Triệu Phong đến từ Ninh Thuận, Nha Trang,
– Quý Cha và bà con giáo dân Tam Tòa, Đà Nẵng,
– Quý Cha và bà con giáo dân Kẻ Văn, Gia Đẳng,Thuận Nhơn, Hội Yên, Kim Giao, Đa Nghi, Diên Sanh, và bà con giáo dân Quảng Trị,
– Kính thưa Quý Thầy, Quý Chị, Quý Ông bà và Anh chị em, đang tham dự Thánh lễ,
Chúng ta đang cử hành Thánh lễ an táng cho Cha Giuse Đỗ Bá Ái.
Cha cố Giuse là vị linh mục nổi danh của TGP Huế, với 98 năm sống trên dương thế, 72 năm sứ vụ mục tử, giữa bao đổi thay trong xã hội. Ngần ấy năm linh mục với bao biến động trong cuộc đời, đã hình thành nơi vị linh mục đáng kính Giuse điều mà người đời cho là xứng đáng mừng Kim Cương. Ngài đã ra đi, khi kỷ niệm lễ Kim Cương quý giá ấy vẫn chưa phai nhòa.
Lễ Kim Cương ấy gợi lên nơi chúng ta hôm nay, trong Thánh lễ an táng này, ý tưởng rằng với hành trình 98 năm tuổi đời, và 72 năm linh mục, Cha cố Giuse đã mang dáng dấp của một viên kim cương. Kim cương là một loại đá vô cùng quý giá, được hình thành sâu trong lòng đất. Để tạo nên hiện tượng lấp lánh, kim cương phải trải qua quá trình mài dũa tỉ mỉ, đánh bóng cẩn thận, dưới bàn tay khéo léo của nghệ nhân.
Kính thưa cộng đoàn Phụng vụ,
Chúa đã yêu thương tách Cha Giuse ra từ tầng sâu bụi đất Kẻ Văn, Quảng Trị, đưa ngài vào hai cơ sở ưu tuyển của Giáo phận Huế suốt 14 năm, để thanh luyện và bồi bổ mọi mặt. Chịu chức linh mục, với hành trình 72 năm mục tử, không thể liệt kê hết các chức vụ và nơi chốn, qua vô số công việc phục vụ, trong lãnh vực cả đạo lẫn đời, Cha cố Giuse đã không ngừng chiếu giãi ánh sáng của một vị mục tử tài ba, nhưng luôn quên mình vì tiếng gọi của Chúa Giêsu.
Từ cương vị cao sang đứng đầu các Tuyên úy Quân đoàn I, Chúa sai Ngài tới Đa Nghi, Mỹ Thủy, Gia Đẳng, Hội Yên, Kim Giao, Diên Sanh. Đây là miền đất xa phố thị, dân quê nghèo khó, thiên tai hằng năm. 10 năm vô vàn lao nhọc do các nỗ lực truyền giáo không mệt mỏi tại đây, Chúa là người thợ đã mài dũa viên kim cương Giuse ngày càng phản chiếu ánh sáng của trời cao.
Các biến động xã hội, do đất nước chia đôi năm 1954 và vì chiến tranh khốc liệt năm 1972, còn là cơ hội cắt giác viên kim cương Giuse tỏa rạng ánh sáng nhiều màu sắc lung linh hơn.
Quả vậy, năm 1954, lúc mới 29 tuổi, khi còn là Phó xứ Tam Tòa, Đồng Hới, ngài đã đưa giáo dân vào vùng đất mới. 3 năm tổ chức và ổn định, Giáo xứ Tam tòa Đà Nẵng đã thành hình, vững mạnh, ngày nay trở thành Giáo xứ đông đúc trong Giáo phận Đà Nẵng. Hoàn tất sứ mạng, Ngài lại trở về Huế.
18 năm sau, năm 1972, giáo dân vùng Quảng trị địa đầu giới tuyến, bỏ nhà cửa ruộng nương, ồ ạt chạy vào vùng Non Nước Đà Nẵng, lánh bom đạn. Trước viễn cảnh chiến tranh kéo dài, ngày hồi hương còn xa, Cha Giuse dẫn trên 10.000 người, chủ yếu là giáo dân Quảng Trị, vào Ninh Thuận, dựng lại cơ đồ. Như một nhà lãnh đạo tài ba và một mục tử nhân hậu, ngài dựa theo vùng đất xưa của các giáo xứ tại Quảng Trị, mà chia họ thành 4 Giáo họ: Hạnh Trí, La Vang, Triệu Phong, Thạch Hà. Hiện nay, các Giáo họ đã trở thành Giáo xứ, ngày càng phát triển về mọi mặt. Chỉ xét riêng về ơn gọi thánh hiến, sau chưa đầy 50 năm, 4 Giáo xứ đã cống hiến cho Giáo phận Nha Trang và Giáo hội Việt Nam trên 40 Linh mục, trên dưới 110 Chủng sinh và Tu sĩ nam nữ. Ngài xứng là Vị Khai Khẩn của các Giáo xứ ấy và của miền đất Quảng Thuận.
Chúa còn cho cha Giuse tỏa sáng trong thời gian 12 năm lao tù cải tạo. Tình thương mục tử và niềm phó thác tỏa ra từ Ngài đã chiếu soi và sưởi ấm bao tâm hồn cô quạnh và buồn chán.
Năm 1994, được trả tự do, Ngài qua Mỹ định cư. Dù đã đến tuổi thất thập, Ngài vẫn giãi chiếu ánh sáng của Chúa, để các cộng đoàn ở đó chiêm ngưỡng vẻ đẹp lung linh của ơn Chúa, của cõi Thiên đàng.
Trong bài Phúc âm hôm nay, Chúa Giêsu thưa lên Chúa Cha tình thương yêu tha thiết và nồng thắm của Ngài đối các linh mục: “Lạy Cha Con muốn rằng Con ở đâu, thì họ cũng ở đó với Con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang mà Cha đã ban cho Con”. Với tình thương đó, Chúa đã chọn cha Giuse làm linh mục nghĩa thiết của Ngài. Đây là hồng ân dưng không, hồng ân diệu vợi.
Chúa đã biến đổi điều rất tầm thường trở nên phi thường. Với lời truyền phép trong Thánh lễ, tấm bánh nhỏ bé được trở nên Thiên Chúa cứu độ nhân thế, một lời tha tội trên môi miệng phàm trần, lại thánh hiến giao hòa con người tội lụy với Thiên Chúa cao cả. … Tất cả làm nên vẻ diệu kỳ đến ngỡ ngàng, khó lý giải bằng lời nhân loại, nơi chính con người linh mục. Chúa dùng lời của tiên tri Giêrêmia, để nói lên tình thương vĩnh cửu của Ngài đối với Linh mục: “Trước khi tạo thành ngươi trong lòng mẹ, Ta đã biết ngươi. Trước khi ngươi ra khỏi lòng mẹ, Ta đã hiến thánh ngươi, và đặt ngươi làm tiên tri cho các dân tộc”. Tình yêu huyền nhiệm nầy, mỗi LM, nhất là Cha Giuse, đều cảm nhận từ đáy thẳm sâu tâm hồn trong những giờ cầu nguyện nơi thanh vắng, hay trong chốn lao tù cô quạnh.
Xin tri ân Cha Giuse đã là vị hướng đạo cho chúng ta trong những lúc hoài nghi lo lắng. Xin chung hiệp niềm cảm tạ với Cha Giuse, vì Chúa đã cho ngài cử hành lễ Kim Cương, dấu chỉ của một đời trung tín trong thiên chức LM. Chúng ta xin cảm tạ Chúa đã ban cho chúng ta một vị linh mục mà cuộc đời tuy phải trải qua trăm cảnh bể dâu, vẫn không kém phần vĩ đại.
Nhưng thưa anh chị em, dù có những con người đáng quý, đáng trọng, chúng ta đều biết không ai sống trên đời mà không mắc phải những sơ suất, lầm lỗi. Là người, tất cả đều mang thân phận yếu đuối, hư hèn. Cha cố Giuse cũng không ngoại lệ. Vì đó, chúng ta xin Chúa Giêsu, qua cuộc hiến tế của Ngài trong Thánh lễ nầy, tẩy sạch các dấu vết trần tục nơi Cha Giuse đáng kính, và xin Chúa Giêsu phán với Cha Giuse những lời ân thưởng cao quý: “Thầy muốn rằng Thầy ở đâu, thì con cũng ở đó với Thầy, để con được chiêm ngưỡng vinh quang mà Chúa Cha ban cho Thầy”. Amen.