BÀI GIẢNG TRONG THÁNH LỄ
CẦU NGUYỆN CHO ĐỨC CỐ GIÁO HOÀNG BÊNÊĐICTÔ XVI
La Vang, 07/01/2023
“Lạy Chúa, con yêu mến Chúa”.
Đó là lời thì thào cuối cùng của Đức Nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI đáng kính của chúng ta, trước khi ngài trút hơi thở trong tu viện Mater Ecclesiae lúc 9g34 phút giờ Rôma ngày 31/12, ngày cuối cùng của năm 2022.
Nhiều người trong chúng ta xúc động, khi nghe tin rằng, lời cuối thốt lên từ đáy lòng của Đức Bênêđictô sau 95 năm cuộc đời là một xác tín sâu xa vào Thiên Chúa với lòng mến thật đậm đà: “Lạy Chúa, con yêu mến Chúa”.
Lời này vọng lại lời của thánh Gioan Tông đồ mà chúng ta nghe trong bài đọc 2:
“Thiên Chúa là tình yêu,
ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa
và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1 Ga 4,16)
Định nghĩa “Thiên Chúa là tình yêu” một cách rõ ràng như thế, là điểm mới sáng đặc biệt của Tân ước và là của Kitô giáo.
Chỉ dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, và nhờ đã từng được trải nghiệm cuộc đời thân tình với Chúa Giêsu, mà thánh Gioan Tông đồ đã cho chúng ta một định nghĩa tuyệt vời và rõ ràng về Thiên Chúa : “Thiên Chúa là tình yêu”.
Với định nghĩa đó, chúng ta hiểu rằng tình yêu đích thực chính là bản tính của Thiên Chúa, nghĩa là nơi đâu có tình yêu, nơi đó có Thiên Chúa. Ai yêu thương, người đó là người của Thiên Chúa, và giống với Thiên Chúa bởi vì con người là hình ảnh của Thiên Chúa (imago Dei).
Chính nhờ xác tín sâu xa vào Thiên Chúa là tình yêu, mà Đức Giáo hoàng Bênêđictô, đã công bố thông điệp đầu tiên lúc ngài vừa mới làm Giáo hoàng (năm 2005) với tựa đề: Deus Caritas est (“Thiên Chúa là tình yêu”).
Dịp kỷ niệm 65 Linh mục của Đức Bênêđictô năm 2016, Đức Phanxicô, Giáo hoàng đương kim, đã nhận định rằng, yêu mến Chúa là nét trổi vượt trong suốt cuộc đời linh mục và thần học gia Joseph Ratzinger. Và đó là điều mà ngài làm chứng suốt cuộc đời của mình.
Ai cũng biết rằng, Joseph Ratzinger, tức là Đức Bênêđictô XVI, là một trí thức lừng danh. Nhiều lãnh tụ trên thế giới đã chân nhận ngài là một trong những nhà thần học vĩ đại nhất của thế kỷ XX.
Khi làm Linh mục, Đức Joseph Ratzinger đã ghi dấu ấn với những công trình trí thức lỗi lạc trên giảng đường đại học, để làm chứng chân lý của Thiên Chúa. Theo thống kê, ngài là tác giả của hơn 70 cuốn sách, trong đó nhiều cuốn đã được dịch ra các ngôn ngữ khác nhau, chưa kể những bài viết khác trong các tạp chí[1].
Năm 1981, Đức Hồng y Joseph Ratzinger được bổ nhiệm giữ chức vụ cầm cân nảy mực về chân lý đức tin của Giáo hội, là làm Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin[2], làm Chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng về Kinh Thánh và Ủy ban Thần học quốc tế.
Trong Thánh lễ đưa chân Đức Bênêđictô vào sáng thứ Năm vừa qua (05/01/2023) tại Nhà thờ Chính tòa Phủ Cam, Đức Tổng Giám mục Huế – Giuse Nguyễn Chí Linh – đã giới thiệu về ngài như sau: “Đức Bênêđictô là nhân vật vừa có tài, vừa có đức. Ngài giữ rất nhiều chức vụ cao cả, và đã dẫn dắt Giáo hội đương đầu với những biến động của lịch sử.”
Là thần học gia rất uyên bác, nhưng trong những suy luận uyên bác cao cả của trí tuệ, Đức Bênêđictô XVI đã đặt trọng tâm vào lòng mến. Hai trong ba thông điệp lớn do chính ngài công bố, – thông điệp “Thiên Chúa là tình yêu” (Deus Caritas est) và thông điệp “Đức ái trong chân lý” (Caritas in Veritate) – đều là những thông điệp nói về lòng mến và mang tựa đề của lòng mến: Caritas.
Nói nôm na và thông thường theo kiểu người Việt chúng ta, giữa những dòng LÝ LUẬN sắc bén, có một chữ TÌNH thật đậm đà.
Thực vậy, Đức Cố Bênêđictô là người biết giữ mối dây tình nghĩa. Trong di chúc tinh thần chấp bút ngày 29/8/2006, ngài đã cảm tạ Thiên Chúa đã cho ngài có những người bạn trân quý, có những đồng nghiệp thấu hiểu, có những giáo sư sinh viên chăm chỉ.
Đặc biệt, Ngài dành những dòng rất trang trọng để tri ân những người thân trong gia đình trong khi hầu như tất cả họ đều không còn trên trần gian vào thời điểm viết di chúc:
Ngài tri ân về đức tin mạnh mẽ chắc chắn của người cha đã dạy dỗ ngài;
Ngài tri ân về lòng đạo đức và tốt lành bao la của người mẹ đã bao bọc ngài;
Ngài tri ân về sự quan tâm tận tụy của người chị;
Ngài tri ân về sự sáng suốt trong phán đoán của người anh.
Dòng cuối cùng của trang di chúc đầy lắng đọng, Đức Cố Giáo hoàng đã bày tỏ sự gắn bó của ngài trong tình nghĩa với mọi người như sau: “Đối với tất cả những người được uỷ thác cho tôi, lời cầu nguyện chân thành của tôi vang lên ngày này qua ngày khác”[3].
Cao thông trong trí tuệ, chắc chắn với niềm tin, đậm đà trong lòng mến, đó là những gì chúng ta có thể tổng hợp về Đức Bênêđictô đáng kính của chúng ta.
Đức Maria, – Mẹ của Chúa Giêsu, Mẹ của chúng ta – là người đi đầu của ba nhân đức này:
– Mẹ là người thấu đáo trong suy tư : suy tư Lời Chúa, suy đi nghĩ lại trong lòng lời loan báo khi sinh Chúa ở Bêlem (Lc 2,19), cho đến khi đứng dưới chân thập giá (x. Ga 19,25-27).
– Mẹ là người chắc chắn trong đức tin vào Chúa khi nói tiếng Xin Vâng trọn cuộc đời (Lc 1,38).
– Mẹ là người nhạy cảm trong lòng mến, cụ thể với gia đình bà Êlisabeth (Lc 1,39-56), với gia đình của tiệc cưới Cana (Ga 2,1-12).
Chúng ta xin Mẹ cầu bầu Chúa, thưởng công cho Đức Bênêđictô vì ba nhân đức mà ngài đã sống.
Và ước mong cuộc đời của chúng ta là những chứng tá về Thiên Chúa được diễn tả qua ba nhân đức, đặc biệt là đức mến thiết tha như Đức Bênêđictô XVI đã kết thúc 95 cuộc đời với lời thì thào cuối cùng trước khi trút hơi thở: “Lạy Chúa, con yêu mến Chúa …”.
Amen.
Lm. Gc. Nguyễn Xuân Lành
Giáo phận Huế
– – – – – – – – – – – – – – – – – – –
[1] https://ignatius.com/authors/cardinal-joseph-ratzinger/?sort=bestselling&page=1 (tra cứu ngày 6/1/2023)
[2] Ngài là chủ tịch của Nhóm biên soạn cuốn sách Giáo lý Hội thánh Công giáo năm 1992. Tác phẩm này được áp dụng từ đó cho đến nay trong Giáo hội.
[3] https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/chuc-thu-tinh-than-cua-duc-nguyen-giao-hoang-bien-duc-xvi-49067 (tra cứu ngày 6/1/2023).