Sau khi chia tay Đại Chủng viện (ĐCV) Huế, cha giáo Micae Nguyễn Hữu Đức có bảo tôi viết một bài tường thuật về sự kiện trọng đại này, tôi từ chối vì biết có nhiều người trong ban truyền thông sẽ tường thuật súc tích và mạch lạc hơn mình; cha Đức bảo muốn đọc một bài riêng của anh Dũng, sau đó lúc trở về, anh Hà khuyến khích tôi nên chấp bút ghi lại vài cảm tưởng, đến nước này “Cung kính không bằng tuân mệnh”.
Vào cuối tháng 10-2019, khi đang làm công việc riêng ở một quận hẻo lánh thuộc tỉnh Cần Thơ, tôi bỗng nhận được phôn của cha giám đốc Giuse Hồ Thứ, người bạn cùng lớp đầy thân thiết, ngài muốn mời một số anh chị em đại diện Cựu Chủng sinh Huế đã từng giúp ngài trong việc quyên tiền xây dựng cơ sở ĐCV Huế. Tôi đưa ngài một danh sách đầy đủ, có niên trưởng Anrê Lê Thiện Sĩ là người đứng đầu… Nhưng vì khách mời có hạn, ngài chỉ chọn một số anh chị em đại diện các lớp theo ý ngài, riêng niên trưởng Sĩ, vì đã nhận lời mời của Đức Tổng PX Lê Văn Hồng sẽ tổ chức lễ Kim khánh Linh mục vào đầu tháng 12 này, nên xin kiếu.
Đoàn phía Nam gồm có anh Hà, anh Gioan, anh Cường, anh Thành, anh Đức, chị Hương cùng tôi bay ra Huế vào chiều ngày 18-11-2019, may mắn tới cố đô vào lúc thời tiết thật đẹp, những ngày trước đó, Huế nắng oi bức và mưa tầm tả. Cha Giám đốc Giuse đã chu đáo chuẩn bị xe đón tại phi trường và đưa chúng tôi về Trung tâm Mục vụ. Sau khi thầy tiếp tân của ĐCV hướng dẫn đoàn lên lầu 3 nhận phòng, danh tánh mỗi người được niêm yết trên cửa. Chương trình của 2 ngày đại lễ được sắp sẵn trên bàn. Cha Giám đốc dù rất bận rộn với việc tiếp đón nhiều đoàn khách, vẫn liên tục gọi điện thoại hỏi thăm chúng tôi suốt hành trình, ngay cả thông báo, nhắc nhở từng tiết mục của chương trình đã xếp đặt, ngài đã dành cho chúng tôi lòng ưu ái bằng việc tiếp đón trọng thị.
Anh chị em lớp HT67 ở Huế có đến 15 người đang chờ đoàn chúng tôi, không riêng gì anh Hà và anh Gioan cùng lớp, họ đã tụ họp tại quán ăn yên tĩnh ở trong Thành Nội. Những khuôn mặt thân quen từ những lần gặp gỡ lần trước, đều vui vẻ, tay bắt mặt mừng, họ đang bàn bạc về cuộc “Luận kiếm Hoa sơn” vào dịp họp mặt tháng 12 hàng năm, nhân ngày lễ bổn mạng của lớp (Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm) ở Ninh Thuận. Suốt cả chiều tà, mà tâm tình bằng hữu nói hoài chưa hết, họ rủ nhau café trên bến Kim Long, dường như tỏ ý đợi tôi bay trễ từ Sàigon ra vì lý do trục trặc giấy tờ, nhất là anh chị em trong đoàn phía Nam, ai cũng lo lắng, sốt ruột đợi chờ tôi ròng rã; có lẽ nhờ sự cố hi hữu này, mới ngộ ra tình cảm dành cho nhau… Sau đó, chúng tôi tạm chia tay để về nghỉ ngơi, chuẩn bị ngày mai tham dự nhiều sự kiện trọng thể.
Buổi sớm mai đầu tiên ở Huế với cảm giác lâng lâng khi trở về cung lòng của Mẹ Giáo phận, tôi bước vào nhà nguyện sấp mình trước Mình Thánh Chúa với tâm tình tạ ơn và phó dâng đoàn Phía Nam trong tay Chúa, xin Chúa thương ban bình an cho chúng tôi. Tôi bồi hồi, xúc động nhớ lại 6 năm trước, khi tham dự lễ nhậm chức của Đức TGM PX, tôi vinh hạnh được giúp lễ tại nhà nguyện này cho cha Bênađô Trần Lương HT66 liên tiếp trong 3 ngày. Tôi còn nhớ bài giảng chia sẻ về Thánh Gioan Kim Khẩu của ngài. Vậy mà vài tháng sau, ngài đành đoạn từ biệt vĩnh viễn. Lần khác, tôi gặp Đức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn đang nhẹ nhàng bước vào nhà nguyện, tôi cúi đầu chào ngài, ngài chào lại tôi, tôi điều chỉnh chiếc quạt máy về phía ngài và hỏi ngài có cần tôi mở đèn cho ngài đọc kinh thần vụ, ngài cám ơn và ra dấu không cần thiết. Tại nơi này, lớp HT71 của tôi cũng đã từng tham dự thánh lễ trong lần Hội Ngộ đầu tiên vào năm 2008 với hai cha đồng tế trong lớp: Giuse Nguyễn Văn Nghĩa và Mathêu Nguyễn Quang Tuấn. Ngoài ra chính nhờ lần Hội Ngộ Hồng Ân 50 năm thành lập TCV Hoan Thiện, lớp HT66 đã tổ chức Lễ Hôn phối muộn màng cho anh chị Nguyễn Phước do cha Đaminh Phan Hưng chủ sự… Những kỷ niệm cứ ùa về làm tôi không cầm trí được.
Một điều khẳng định rằng tôi không phải đạo đức quá để đến nhà nguyện nhỏ này mỗi ngày, nhưng do thói quen ngủ dậy sớm, nhìn trong phòng, anh Nhơn Octobre đang ngồi lần hạt, đạo diễn Vinh Sơn thì phì phèo thuốc lá, đăm chiêu về bộ phim sắp tới phần hậu kỳ, riêng anh Lê Văn Hùng chăm chú vào máy tính, thao tác nghiệp vụ truyền thông, để có sớm hình ảnh thông tin cập nhật, còn tôi không biết mần gì, nên tới nhà nguyện viếng Mình Thánh Chúa vậy thôi!
Khi bước xuống cầu thang, tôi loáng thoáng thấy dáng cha nào hệt cha Giacôbê Lê Sĩ Hiền, định tới chào ngài, nhưng không phải, hỏi thăm mới biết đó là cha Giuse Trương Đình Hiền, Tổng đại diện giáo phận Qui Nhơn. Ngài đã từng học ở Xuân Bích, cùng lớp với cha GB Lê Quang Qúy, ngài còn khoe với tôi, đoàn của ngài còn có 2 cha khác, cũng học ở Xuân Bích. Chúng tôi mời các ngài dùng café và ăn sáng cùng chúng tôi. Dù mới lần đầu gặp nhau, nhưng như đã từng quen biết nhau thủa nào, biết bao câu chuyện ngày xưa và cả ngày nay các ngài tâm sự cùng chúng tôi. Riêng cha Tổng đại diện, ngài tự sự gốc gác của ngài vốn làng Nhu Lý, Triệu Phong, Quảng Trị. Thời ông sơ, ông cố rời làng đi vào Quảng Ngãi đã rất lâu, nên mất gốc, may mà sau đó, ngài nhờ cha Nguyễn Như Danh, vốn quê quán ở đây, mới giúp cho ngài tìm ra dòng tộc…
Một điều thú vị khi uống café ở đây, phải bảo với chủ quán là café kiểu Sàigon, họ mới hiểu ý làm ly lớn, chứ không phải loại bình thường, nho nhỏ mà người Huế quen dùng ở đây, uống café mà không phê tí nào…
Sau khi dùng điểm tâm với quý cha Quy Nhơn, cha Giám đốc Giuse điện thoại báo đã bố trí xe ở Trung tâm Mục vụ và mời chúng tôi đến ngay tại Đại Chủng viện (ĐCV) để kịp giờ khai mạc nghi thức làm phép thư viện. Xe vừa dừng bước trước sảnh trung tâm, chúng tôi đã nhìn thấy cha Phó Giám đốc Phêrô Phan Tấn Khánh cùng quý cha giáo sư Micae Nguyễn Hữu Đức, cha Vinh Sơn Trần Minh Thực, cha Phêrô Lưu Văn Tâm, cha Giuce Lê Công Đức, cả cha Phaolô Nguyễn Văn Bình mà chúng tôi thích gọi “Đức Tổng Bình” và quý cha khác. Tôi kịp nhận ra cha Emmanuel Nguyễn Tấn Lục HT69 mới từ Đà Nẳng ra tham dự, chúng tôi vừa mới gặp nhau cũng chính tại đây dịp lớp HT69 kỷ niệm 50 năm nhập trường. Các ngài đã chào trân quý chúng tôi như những người anh chị em trong cùng một nhà. Tiếp đó, chúng tôi đã thấy mọi thành viên dự khán, mà ở giữa là các đấng bậc, quan khách, đang tập trung trang trọng trên sân trước thư viện. Sau lời giới thiệu, cha Giám đốc Giuse bày tỏ tâm tình biết ơn vô hạn của ĐCV Huế dành cho Đức TGM Josehp Doré, nguyên TGM Strasbourg, và các cộng sự viên, đã tặng cho ĐCV một thư viện đồ sộ, quý giá gồm 15.000 đầu sách.
Sau đó, Đức TGM Doré đăng đàn, ngài bộc bạch rằng thư viện này gắn bó sâu đậm với cuộc đời ngài, trong suốt 60 năm tạo lập, chắt chiu từng cuốn sách, gìn giữ và yêu mến bằng cả trái tim mình, nay ngài rất vui mừng khi gửi gấm đứa con tinh thần cho ĐCV Huế. Ắt hẳn ngài đã hoàn toàn yên tâm khi “Kho báu” của ngài đã được đặt trong vị trí mới, không chỉ trang trọng nơi không gian, mà là nơi cung lòng sâu thẳm của cha Giám đốc Giuse, của quý cha giáo sư và của cả quý thầy đang tu học tại đây, và còn của tất cả mọi người khác dù ở ngoại vi ĐCV đều được hưởng lợi ích vô giá từ kho tàng tri thức này.
Đức Tổng Doré nói tiếng Pháp bằng một tâm tình đầy xúc động, bằng cung giọng khoan thai, chậm rãi và rõ ràng. Tôi có thể nghe hiểu được 60%, dù đã hàng chục năm chưa được nghe lại tiếng pha lăng sa, dù sau mỗi đoạn đều được cha PGĐ dịch thuật sang tiếng Việt hết sức đầy đủ và mạch lạc. Và dù bài diễn từ của Đức Tổng Doré kéo dài hơn cả 1 giờ, nhưng tất cả mọi người tham dự đều vui vẻ lắng nghe vì biết đây là những lời trăn trối cảm động, khi trao đứa con tinh thần cho ĐCV là nơi bến đỗ cuối cùng.
Tiếp theo, Đức Tổng PX Lê Văn Hồng chủ sự nghi thức làm phép thánh hóa thư viện và cùng Đức TGM Doré cắt băng khánh thành. Chúng tôi đã hết sức ngỡ ngàng khi quan sát hàng hàng kệ sách được xếp đặt tinh vi, đa dạng và khoa học theo nhiều lĩnh vực khác nhau, ngay cả các dãy bàn ngăn nắp, khoáng đạt đầy yên tĩnh tạo điều kiện tập trung cho các độc giả. Ắt hẳn cha Giám đốc Giuse và quý cha ở đây đã bỏ ra bao công sức tâm huyết cũng như thì giờ để bài trí nhà thư viện này. Cầu mong cho các ứng sinh linh mục biết tận dụng nơi đây, hầu mở mang tri thức qua việc nghiên cứu và tham khảo, khác hẳn ngày xưa trong thời “ngăn sông, cấm chợ ” mỗi khi có đầu sách quý, thì đánh máy, quay ronéo và chuyền tay nhau đọc.
Tiếp đến là phần đỉnh điểm của Thánh lễ đồng tế, chúng tôi bất chợt nhìn thấy Đức Tổng Têphanô Nguyễn Như Thể đang mặc áo, có cha JB Lê Quang Qúy đang ngồi xe lăn kế bên, anh Hà và tôi tranh thủ đến chào ngài và chụp chung tấm hình có ngài và cha Qúy. Thấy ngài yếu hẳn chỉ ngồi trong suốt buổi lễ dài ngót 2 tiếng, làm cho đám học trò thương cảm cho vị ân sư danh giá của mình. Từ suốt 6 năm qua, từ khi ngài đến dùng cơm thân mật với chúng tôi, tại nhà anh Hà ở Sàigon, nay mới có cơ hội gặp lại ngài. Với cha JB Lê Quang Quý, thi thoảng vẫn gặp ngài mỗi khi đi La Vang, đều ghé Trí Bưu thăm ngài, nghe ngài nói sẽ chuẩn bị nghỉ hưu. Suốt Thánh lễ, dù ngài ngồi ẩn mình trong một góc nhỏ, nhưng các cha đồng tế khi đi ngang, đều tươi cười chào ngài.
Thánh Lễ đồng tế gồm 4 vị TGM và 2 GM, 1 vị Tổng quyền, nhiều vị TĐD và Bề trên dòng, cùng 200 linh mục đồng tế, có nhiều nghi thức như Văn tế kính nhớ ân sư, nghi thức niệm hương do cha TĐD Quy Nhơn Giuse Trương Đình Hiền chủ sự, nghi thức tái tuyên xưng lời khấn giáo sĩ của tất cả các linh mục tham dự, cứ mỗi lượt là 8 cha. Cuối thánh lễ, tất cả đoàn đồng tế cùng cộng đoàn tham dự vầy quanh Diễm Tụ đài để tôn vinh Đức Mẹ Dâng Mình Vào Đền Thờ.
Sau cùng, mọi người được mời dự bữa tiệc mừng ngày Lễ Giỗ Tổ Xuân Bích thân mật và ấm cúng. Chúng tôi lần lượt đến cụng ly, chào quý cha giáo sư ĐCV, quý cha đàn anh và trong lớp. Sau đó, đích thân cha Giám đốc mời vào phòng của ngài nhận Kỷ niệm chương và hai 2 tập kỷ yếu “90 năm Xuân Bích tại Việt Nam” và “25 năm ĐCV Huế tái hoạt động”. Thật xúc động và hạnh phúc.
Khi đọc lại lịch sử thăng trầm của Xuân Bích tại Việt Nam, dường như tôi thấy một phần trong đó y hệt lịch sử Hội Thánh, đó là một chặng đường dài, gần một thế kỷ đầy dâu bể. Từ hạt giống đầu tiên tại Liễu Giai Hà Nội với cơ sở đào tạo bề thế, vậy mà đành phải từ bỏ để vào Vĩnh Long tận phương Nam tạm ẩn, rồi lại về Sàigon để tạm cư, sau cùng chọn kinh thành Huế, bên bờ tả ngạn sông Hương thơ mộng, tưởng chừng như đã an vị thiên cổ. Ấy vậy mà suốt 20 năm (1975-1994), thầy trò xiêu tán để tạm lánh ở khắp nơi và 25 năm qua (1994-2019), vừa đúng một phần tư thế kỷ, các nhà đào tạo linh mục Xuân Bích đã củng cố và tập họp các bậc thầy dạy chân lý, chiêu mộ các môn sinh từ Kontum, Đà Nẳng và Huế, cả giáo phận miền cực Bắc Hưng Hóa trở về chốn cũ thiêng thánh này, nơi đó có ngôi nhà nguyện là buồng tim của mọi ân sủng, tựa vào “hậu chẩm” là anh linh của hơn 50 nhà Truyền giáo Thừa sai đã an nghỉ muôn đời, và phía trước “minh đường“ là dòng sông Hương, soi bóng tuế nguyệt từ hai thế kỷ trước và cho tới ngàn sau… Cả một lịch sử bi thương mà tráng lệ.
Một chi tiết thật thú vị, khi tôi chụp được bảng danh sách đánh máy trong tàng thư, ghi 31 thầy khóa triết 1, trong đó có cố linh mục Đaminh Lê Đăng Ảnh, anh Lê Cần, anh Lê Văn Bường, cố linh mục Đỗ Bá Đăng, anh Đặng Hân, anh Hồ Đình Phương [RIP], anh Nguyễn Như Quỳnh, anh Lê Văn Tình…tôi gửi riêng cho anh Quỳnh xem, anh xúc động và bảo tôi, thời điểm đó vào năm 1969 sau biến cố Mậu Thân.
Đây là lần đầu tiên đoàn CCS Huế phía Nam được vinh hạnh tham dự một chương trình đầy bản sắc phong phú và vô cùng ý nghĩa. Xin cám ơn tấm lòng ưu ái của cha Giám đốc Giuse cách riêng, người bạn tâm giao từ hàng chục năm nay, đã ngỏ lời mời chúng tôi tham dự ngày lễ truyền thống, cám ơn ĐCV Huế cách chung đã luôn trân trọng nhớ đến chúng tôi, cám ơn quý thầy tiếp tân đã đón rước, chỉ dẫn nhiệt tình trong suốt hành trình.
CHÚC TỤNG THIÊN CHÚA ĐẾN MUÔN ĐỜI.
TM Đoàn CCS Huế phía Nam
Mic Nguyễn Hùng Dũng HT71