Nhằm nâng cao sự hiểu biết về pháp luật cho người nhiễm HIV, Caritas Huế đã tổ chức Tập huấn về “Cập nhật luật và giới thiệu trợ giúp pháp lý cho người nhiễm HIV” vào lúc 08g00 ngày 28/03/2019.
Đến hướng dẫn và trợ giúp pháp lý có luật sư Hồ Thị Ly, Phó trưởng phòng dân sự, trợ giúp viên pháp lý tỉnh Thừa Thiên Huế. Thành phần tham dự gồm có: nữ tu Maria Trà Thị Ảnh, anh Giuse Nguyễn Văn Hoàng, các tình nguyện viên và người nhiễm H.
Sau phần khởi động, nữ tu Trà Ảnh phát biểu khai mạc với lời chào và chúc sức khỏe đến giảng viên cùng các tham dự viên.
Tiếp đến, luật sư Hồ Thị Ly truyền đạt những kiến thức cơ bản về pháp luật: quyền và nghĩa vụ của người nhiễm HIV, những quy định chung về trợ giúp pháp lý, nguồn tài chính cho công tác trợ giúp pháp lý, nguyên tắc hoạt động trợ giúp pháp lý và các hành vi nghiêm cấm trong hoạt động trợ giúp pháp lý.
Luật sư nêu rõ: Luật trợ giúp pháp lý số 11/2017/QH14 được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 20/6/2017, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018, theo đó: Người được trợ giúp pháp lý có những quyền và nghĩa vụ sau đây:
I. Quyền của người được trợ giúp pháp lý:
-
- Được trợ giúp pháp lý mà không phải trả tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác.
- Tự mình hoặc thông qua người thân thích, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác yêu cầu trợ giúp pháp lý.
- Được thông tin về quyền được trợ giúp pháp lý, trình tự, thủ tục trợ giúp pháp lý khi đến tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và các cơ quan nhà nước có liên quan.
- Yêu cầu giữ bí mật về nội dung vụ việc trợ giúp pháp lý.
- Lựa chọn một tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý tại địa phương trong danh sách được công bố; yêu cầu thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý khi người đó thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2, Điều 25 của Luật Trợ giúp pháp lý.
- Thay đổi, rút yêu cầu trợ giúp pháp lý.
- Được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
- Khiếu nại, tố cáo về trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
II. Nghĩa vụ của người được trợ giúp pháp lý
- Cung cấp giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý.
- Hợp tác, cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin, tài liệu, chứng cứ có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý và chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, tài liệu, chứng cứ đó.
- Tôn trọng tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý.
- Không yêu cầu tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý khác trợ giúp pháp lý cho mình về cùng một vụ việc đang được một tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý thụ lý, giải quyết.
- Chấp hành pháp luật về trợ giúp pháp lý và nội quy nơi thực hiện trợ giúp pháp lý.
Luật sư Hồ Thị Ly còn giới thiệu cho tham dự viên các trung tâm trợ giúp pháp lý tại thành phố Huế cũng như tại các huyện Phú lộc, huyện Phong Điền cùng địa chỉ và số điện thoại của các hỗ trợ viên pháp lý.
Sau phần trình bày luật sư còn dành thời gian cho tham dự viên đặt câu hỏi thắc mắc. Những câu hỏi được đưa ra chủ yếu xoay quanh những vấn đề người nhiễm H cần được trợ giúp như: Bảo hiểm y tế, phân biệt đối xử tại nơi làm việc, xét nghiệm điều trị, hỗ trợ việc làm, quyền được đi học, các chính sách bảo trợ xã hội, hôn nhân gia đình và các vấn đề khác…Tất cả đã được luật sư hướng dẫn và giải đáp cụ thể.
Kết thúc buổi tập huấn, nữ tu Trà Ảnh cám ơn luật sư Hồ Thị Ly đã sắp xếp công việc để đến chia sẻ và lắng nghe, giải đáp thắc mắc, mong ước trong thời gian tới luật sư sẽ giúp nhiều hơn trong việc hỗ trợ pháp lý cho người nhiễm HIV tại Huế.
Văn phòng Caritas Huế